Nếu như hơn 30 năm trước, bộ phim “Tây Du Ký” của đạo diễn Dương Khiết đã đưa người xem đến với hành trình thỉnh kinh cùng những cảnh trảm yêu bắt quái ly kỳ; thì ngày hôm nay, những phân cảnh “Tây Du Ký” trên sân khấu của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận lại mở ra trước mắt chúng ta một thế giới thần thoại chân thực đến ngỡ ngàng.
Những tiết mục biểu diễn sâu sắc và thấm đẫm nhân văn ấy đã làm chấn động lòng người. Khi tấm màn hạ xuống, người ta lại tự hỏi: “Tây Du Ký” rốt cuộc là tác phẩm thế nào? Trong kho tàng văn hóa Thần truyền, vì sao “Tây Du Ký” có vị trí quan trọng đến như vậy? Chúng ta hãy cùng trở lại với nguyên tác của Ngô Thừa Ân để tìm hiểu, điều gì đã làm nên một thiên cổ kỳ thư vĩ đại nhường ấy?
“Tây Du” kỳ thư
“Tây Du Ký” được Ngô Thừa Ân viết vào giữa thời kỳ nhà Minh trong thế kỷ 16. Tác phẩm kể về hành trình của bốn thầy trò Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh cầu Phật Pháp.
Đường Tăng là một nhân vật có thật trong lịch sử. Ông họ Trần, tên Y, pháp danh là Huyền Trang, vốn là người ở huyện Câu Thị, Lạc Châu (ngày nay là Yến Sư, tỉnh Hà Nam). Huyền Trang sinh ra vào năm thứ hai niên hiệu Nhân Thọ, thời Tùy Văn Đế (năm 602), lên 11 tuổi thì xuất gia. Từ nhỏ Huyền Trang đã nổi tiếng là thông minh đĩnh ngộ, tư chất siêu phàm, trở thành tăng nhân nổi tiếng khắp kinh thành khi đó.
Vì Phật Pháp lưu truyền tại Trung Thổ thời bấy giờ còn có nhiều chỗ không rõ ràng, nên vào năm thứ 3 niên hiệu Trinh Quán (năm 629), Huyền Trang đã từ kinh đô Trường An nhà Đường sang Tây Thiên thỉnh kinh. Suốt dọc đường ông đã đi qua Tân Cương, Trung Á, trải qua 17 năm ròng rã, trèo đèo lội suối hơn 5 vạn dặm đường. Cho tới năm thứ 19 niên hiệu Trinh Quán (năm 645), ông đã về đến Trường An, mang theo 657 bộ kinh Phật tiếng Phạn. Sau đó ông lại tổ chức phiên dịch kinh sách, dịch ra 75 bộ Kinh, Luận, tổng cộng là 1335 quyển. Huyền Trang đã trở thành nhà Phật học, nhà phiên dịch, nhà lữ hành đầu tiên trong lịch sử có cống hiến đặc biệt trong việc lưu truyền Phật Pháp vào phương Đông.
Từ sau đời nhà Đường, câu chuyện Huyền Trang sang Tây Trúc thỉnh kinh được lưu truyền rộng rãi, dần dần trở thành truyền kỳ nửa thực nửa hư, phong phú ly kỳ. “Tây Du Ký” dựa trên câu chuyện Đường Tăng cầu Pháp, rồi thêm vào đó các tình tiết huyền ảo, mang màu sắc thần tiên. Khi tác phẩm vừa mới ra đời, Đường Tăng, Ngộ Không, Bát Giới, và Sa Tăng đã trở thành những nhân vật nhà nhà đều biết, người người đều hay. Những câu chuyện như “Đại náo thiên cung”, “Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”, “Ba lần mượn quạt Ba Tiêu”, “Tây Lương nữ quốc”, v.v. đã trở thành bộ phận độc đáo hấp dẫn lòng người của văn hóa Trung Hoa.
Duyên khởi lấy kinh
Trong “Tây Du Ký”, cuộc thỉnh Kinh bắt đầu từ một niệm phổ độ chúng sinh của Phật Đà. Đức Phật Như Lai nói: “Ta xem trong bốn đại bộ châu, chúng sinh thiện ác có khác nhau. (…) Duy có người Nam Thiệm Bộ Châu tham dâm gây họa, hay giết hay tranh, chính là nơi đánh nhau cãi cọ, bể ác thị phi”. Sau đó, Đức Phật muốn tìm người có pháp lực sang phương Đông chọn lấy một thiện tín, bảo người ấy chịu đựng gian khổ, vượt qua muôn núi nghìn sông, đến đất Phật cầu lấy chân kinh để lưu truyền sang phương Đông mãi mãi, khuyến hóa chúng sinh. Quan Âm Bồ Tát lĩnh mệnh, quả nhiên đã tìm được thầy trò năm người, trải qua chín chín tám mươi mốt kiếp nạn, cuối cùng đã lấy được chân kinh, năm người đồng thời cũng tu thành chính quả.
Nói đến thầy trò Đường Tăng, mỗi người đều có lai lịch đặc biệt. Đường Tăng vốn là Kim Thiền Tử, là đồ đệ thứ hai của Như Lai Phật Tổ. Vì khinh mạn Phật Pháp mà bị giáng xuống hạ giới, thác sinh thành Đường Huyền Trang.
Tôn Ngộ Không vốn là khỉ đá trong Thủy Liêm động trên núi Hoa Quả Sơn. Bởi nhận thấy sinh mệnh vô thường, Ngộ Không đến Tây Ngưu Hạ Châu tìm học thuật trường sinh, học được 72 phép thần thông biến hóa và thuật cân đẩu vân. Về sau bởi tâm tranh đấu không bỏ, đại náo thiên cung, Ngộ Không bị Như Lai Phật Tổ đè xuống núi Ngũ Hành suốt 500 năm.
Trư Bát Giới nguyên là Thiên Bồng Nguyên Soái trấn giữ Thiên Hà, bởi uống rượu say chọc ghẹo Hằng Nga, bị Ngọc Đế phạt đánh hai trăm chùy, đày xuống phàm trần. Sau cùng chuyển sinh vào bụng heo, trở thành hình dáng xấu xí mũi dài tai rộng.
Sa hòa thượng vốn là Quyển Liêm đại tướng ở điện Linh Tiêu, bởi sơ ý làm vỡ chén ngọc lưu ly mà bị Ngọc Đế đày xuống hạ giới, bị trừng phạt phi kiếm xuyên ngực ở Lưu Sa Hà, chịu đói chịu rét, phải bắt người ăn thịt mà sống qua ngày.
Còn Bạch Long mã vốn là con trai của Tây Hải Long vương Ngao Nhuận, bởi phóng hỏa đốt cháy viên minh châu trong điện nên phụ thân tâu lên thiên đình, tố cáo tội ngỗ nghịch, khiến Ngọc Đế phạt treo thân trên không trung, đánh ba trăm gậy, chuẩn bị nhận án tử hình.
Quan Âm Bồ Tát đến Đông Thổ tìm người đi lấy kinh là vào năm 13 Trinh Quán nhà Đường. Lúc ấy, vua Đường Thái Tông tổ chức đại hội Thủy Lục, thỉnh mời cao tăng đắc đạo tới giảng kinh thuyết pháp – vị cao tăng đó cũng chính là hòa thượng Huyền Trang. Quan Âm Bồ Tát hóa thân thành lão hòa thượng chốc đầu, điểm hóa Huyền Trang đến đất Phật Như Lai ở chùa Đại Lôi Âm, nước Thiên Trúc để thỉnh cầu Phật Pháp. Sau đó, Thái Tông kết nghĩa huynh đệ với Huyền Trang, rồi cử người hộ tống Huyền Trang sang Tây Thiên thỉnh kinh.
Dọc đường, Huyền Trang đã thu nhận Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng làm đồ đệ, còn Tiểu Bạch Long đang chờ xử trảm cũng hóa thành ngựa trắng đưa Đường Tăng lên đường. Thầy trò năm người, đồng tâm hiệp lực, vượt qua muôn vàn khó khăn nguy hiểm, trải qua hết thảy 81 nạn, cuối cùng công đức viên mãn.
Nét đặc sắc trong Tây Du Ký
1, Cảnh giới
Điều kỳ diệu trong “Tây Du Ký” chính là ở cảnh giới. Khác với việc lấy kinh trong lịch sử, câu chuyện trong “Tây Du Ký” vượt qua Tứ Đại Bộ Châu, thế giới mười phương, không kể là bảo điện Linh Tiêu của Ngọc Hoàng Đại Đế hay là bảo điện Lôi Âm của Phật Như Lai, không kể là Tứ Hải long cung hay là U Minh địa phủ, cũng bất kể là Thông Thiên hà sóng nước cuồn cuộn hay Hỏa Diệm sơn ngọn lửa hừng hừng, hết thảy đều đã trở thành sân khấu biểu diễn của người thỉnh chân kinh.
2, Tình tiết
Điều ly kỳ trong “Tây Du Ký” chính là ở tình tiết.
Thạch hầu vốn là một tảng đá hấp thụ thiên chân địa tú, tinh hoa nhật nguyệt trên Hoa Quả Sơn. Chỉ nói riêng đến xuất thân thì câu chuyện của Ngộ Không đã rất ly kỳ rồi. Nhưng đặc biệt hơn cả, thạch hầu sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý ở Hoa Quả Sơn và cuộc sống tự tại tiêu diêu nơi Thủy Liêm động mà quyết chí vân du tầm sư học đạo. Ngộ Không gặp được Sư Tổ Bồ Đề đã học biết 72 phép biến hóa thần thông; sau lại xuống Long Cung của Đông Hải Long Vương lấy được cây định hải thần châm, có thể biến hóa tự do như ý; đến khi đại náo Thiên Cung, bị nhốt trong lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân lại luyện được hỏa nhãn kim tinh, có thể lên trời xuống đất, hô phong hoán vũ, thật quá ly kỳ.
Nhưng điều ly kỳ hơn là, dù con khỉ ấy có thần thông quảng đại đến đâu, vẫn không nhảy ra khỏi lòng bàn tay của Như Lai. Mỹ hầu vương có thật có giả, Đường Tăng có thật có giả, Lôi Âm tự có thật có giả, đều đã ly kỳ lắm rồi. Càng ly kỳ hơn nữa, là ngay đến cả kinh Phật ở Tây Thiên Phật thổ cũng có thật có giả. Những màn khác như đấu phép ở Xa Trì quốc, hái trộm nhân sâm ở Ngũ Trang quán, ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, uống nước sông Mẫu Tử rồi mang thai, đàm luận thơ từ ở am Mộc Tiên, thật là kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của con người.
3, Nhân vật
Đặc sắc của tác phẩm nằm ở nhân vật. Thế giới “Tây Du Ký” không chỉ có người phàm nơi nhân thế mà còn có Thần Phật nhiều không đếm xuể; trong đó không chỉ có Như Lai, Bồ Tát, La Hán, Kim Cang của Phật gia, mà còn có Ngọc Đế, Vương Mẫu, Lão Quân, Thiên Vương của Đạo gia; không chỉ có chính Thần, mà còn có các dạng yêu ma quỷ quái, quỷ mị võng lượng.
Trong năm thầy trò, Bạch Long hóa ngựa đã ly kỳ rồi, càng ly kỳ hơn là Sa Tăng ở Lưu Sa Hà ăn thịt người sống qua ngày, một khi quy y Chính Pháp thì lại chịu cực chịu khổ, đạo tâm kiên cường bất phá. Bát Giới tham ăn biếng làm, sắc tâm không bỏ, ở rể Cao Lão trang đã rất thú vị rồi; càng thú vị hơn là huynh trưởng Ngộ Không giỏi hàng yêu bắt quái, với bản lĩnh lên trời xuống đất, trước sau một lòng bảo hộ Đường Tăng thân phàm xác thịt sang Tây Thiên lấy kinh. Chỗ đặc sắc hơn cả, vẫn là Đường Huyền Trang, một khi đã thề sang Tây Thiên thì dẫu chết cũng không hối hận, tuy trên đường đâu đâu cũng đều có yêu ma quỷ quái chờ ăn thịt, nhưng nhờ vào sự giúp đỡ của bốn vị cao đồ và sự bảo hộ của Thần Phật và Bồ Tát các nơi, mỗi nạn Đường Tăng đều gặp dữ hóa lành, chuyển nguy thành an, cuối cùng đến được Đại Lôi Âm, công đức viên mãn.
Diệu lý huyền cơ
Tục ngữ có câu: “Trong nghề xem lề lối, ngoài nghề xem náo nhiệt”. Với “Tây Du Ký”, điều độc giả yêu thích nhất là những tình tiết biến hoá ly kỳ, những câu nói hài hước dí dỏm, những nhân vật sống động chân phương. Nhưng với những người có hiểu biết nhất định về Phật gia và Đạo gia, thì sẽ không khó phát hiện rằng đây là bộ tiểu thuyết viết về tu luyện, khắp “Tây Du Ký” đâu đâu cũng đầy ắp những diệu lý huyền cơ.
1, Mỗi quan nạn đều là chấp trước cần phải tống khứ trong quá trình tu hành
Sau khi Đường Tăng thu nhận Ngộ Không làm đồ đệ, quan nạn đầu tiên gặp phải chính là lục tặc (sáu kẻ cướp đường), gồm có: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn). Sáu tên giặc này ẩn dụ cho lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) mà Phật gia nói đến. Đánh chết sáu tên giặc này cũng có nghĩa là bài trừ mọi can nhiễu và phiền não mà cảm quan của nhục thân mang đến cho người tu luyện.
81 kiếp nạn, mỗi một nạn đều đối ứng với tâm chấp trước cần phải trừ bỏ. Phá trừ những quan nạn này, không phải là tiêu diệt số yêu ma quỷ quái hữu hình kia, mà là tu bỏ ma chướng trong tâm người tu luyện. Vậy nên, trong số 81 nạn, có nạn thì nhắm vào tâm sợ hãi của Đường Tăng, có nạn thì nhắm vào tâm tranh đấu của Ngộ Không, có nạn lại nhắm vào tâm tham lam lười biếng và háo sắc của Bát Giới.
Trong hồi thứ 50, khi Ngộ Không ra ngoài xin cơm chay, Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng đến một gian nhà cũ và nhìn thấy trên bàn có những chiếc áo chẽn bằng gấm. Lúc này tiết trời đang lạnh, Bát Giới và Sa Tăng không chịu nổi cám dỗ, bèn mặc thử cho ấm tấm lưng. Không ngờ vừa mới khoác áo lên người, ngay lập tức bị hai chiếc áo trói chặt lại. Ngộ Không đã phải nhiều phen lao đao vất vả, cuối cùng mới được Thái Thượng Lão Quân ra tay hàng phục Kim Đâu Đại Vương, cũng chính là con trâu xanh của Ngài.
Hồi thứ 56, sau khi đánh chết nhóm sơn tặc Ngộ Không đã bị Đường Tăng niệm Khẩn cô nhi chú rồi đuổi đi. Ngộ Không lúc này đã khởi tâm oán hận, bởi vậy Ngộ Không giả đã thừa cơ đến bên Đường Tăng, “giơ gậy sắt lên, nhằm lưng sư trưởng siết mạnh một cái”. Đường Tăng ngã lăn ra đất rồi ngất lịm. Sa Tăng tìm đến Hoa Quả Sơn đòi lại hành lý thì nhìn thấy Ngộ Không ngồi trên bệ đá, khăng khăng tự mình sang Tây Thiên bái Phật cầu Kinh. Sa Tăng đến Nam Hải tìm gặp Quan Âm Bồ Tát, lại thấy một Ngộ Không khác cũng đang chờ ở đó. Sa Tăng liền cùng Ngộ Không về đến Hoa Quả Sơn, quả nhiên nhìn thấy một “Hành Giả” ngồi trên bệ cao, uống rượu vui vẻ. Hai Ngộ Không giống y hệt nhau, thật thật giả giả, lôi lôi kéo kéo, đánh từ Hoa Quả Sơn đến Nam Hải, từ Nam Hải lại đánh đến Thiên Đình, ngay cả kính chiếu yêu của Thác Tháp Lý Thiên Vương cũng không phân biệt được ai thật ai giả. Cuối cùng chỉ có Như Lai Phật Tổ mới nhận ra được Ngộ Không giả là Lục Nhĩ Mỹ Hầu.
Từ góc độ tu luyện, Lục Nhĩ Mỹ Hầu rốt cuộc là ai? Điều này vốn không khó lý giải. Ngộ Không bị Đường Tăng trách mắng, tâm sân hận dấy khởi, Lục Nhĩ Mỹ Hầu vừa khéo lại là thể hiện của ma tính từ tâm sân hận của Ngộ Không. Tiêu đề của hồi thứ 58 là “Hai lòng xáo lộn cả càn khôn, một thể khó tu thành tịch diệt”, và câu “thần quy tâm xả thiền mới định” ở cuối hồi 58 chỉ ra rằng, Ngộ Không giả chính là ma tính của Ngộ Không thật huyễn hóa mà thành. Khi có thể “thần quy tâm xả”, thì Ngộ Không giả cũng tự nhiên bị diệt trừ.
Trước khi bốn thầy trò đến Tây Thiên, họ phải vượt qua nạn “chùa Tiểu Lôi Âm giả”. Hồi thứ 65, người lấy kinh đến một ngọn núi cao, trên núi có một bảo điện, thật là “bình chắn lâu đài cao chót vót, chầy rền chuông khánh tiếng ngân vang”. Mặc dù Ngộ Không nhận thấy nơi này lành ít dữ nhiều, nhưng Đường Tăng, Bát Giới, và Sa Tăng vẫn nhất quyết tiến vào trong điện bái lạy, cuối cùng rơi vào tay yêu quái. Cuối cùng vẫn là Phật Di Lặc ra tay, thu phục Hoàng My lão quái, giúp bốn thầy trò hóa giải nạn này. Từ góc độ tu luyện mà xét, có thể lý giải rằng các pháp môn tu luyện xưa nay thật có giả có, mãi cho đến thời khắc cuối cùng đều luôn có khảo nghiệm với người tu luyện. Nếu như vào nhầm oai môn tà đạo, tất nhiên không có cách nào tu thành chính quả.
Hồi thứ 98 trong “Tây Du Ký”, thầy trò Đường Tăng trải qua muôn vàn cực khổ, cuối cùng mới đến được chùa Đại Lôi Âm ở Tây Thiên, hai vị Tôn giả A Nan, Ca Diếp phụng mệnh Phật Như Lai dẫn thầy trò đến bảo các lấy kinh. Hai vị Tôn giả xin lễ vật không thành, bèn trao cho họ kinh Phật không có chữ. Hành giả đến cáo trạng với Như Lai, không ngờ Phật Tổ nói rằng:
“Nhà ngươi cứ bình tĩnh. Việc hai người vòi lễ các ngươi ta đã biết rồi. Có điều kinh cũng không phải trao cho một cách dễ dàng, không thể lấy không được. Trước kia các Tỳ Kheo thánh tăng xuống núi cũng đem kinh này tụng hết một lượt cho nhà trưởng giả họ Triệu ở nước Xá Vệ, giúp cho nhà ấy người sống yên ổn, kẻ chết siêu thoát, thế mà chỉ lấy có ba đấu ba bơ vàng cốm của họ mang về thôi. Ta còn bảo họ bán kinh rẻ quá, con cháu đời sau lấy tiền đâu mà tiêu. Nhà ngươi tay không đến cầu, nên họ mới trao cho những quyển trắng tinh. Quyển trắng tinh là chân kinh không chữ, cũng là những kinh hay. Các ngươi là chúng sinh ở cõi Đông u mê ngu tối, lẽ ra chỉ nên trao cho những thứ đó thôi”.
Hai tôn giả lại dẫn bốn thầy trò đến dưới lầu ngọc gác báu, nhưng vẫn đòi Đường Tăng phải đưa tiền lễ vật. Tam Tạng không có gì dâng lên, đành phải bảo Sa Tăng lấy bát tộ vàng tía dâng lên. A Nan “hổ thẹn, mặt mũi nhăn nhúm, nhưng tay vẫn giữ chặt lấy cái bát tộ”.
Tình tiết này, trước nay đều bị người đời xem là ngòi bút trào phúng của Ngô Thừa Ân — ngay đến cả Thế giới Tây Thiên Cực Lạc cũng có chuyện tham ô nhận hối lộ. Thật ra, người tu luyện với mọi tâm chấp trước đều phải dứt bỏ mới có thể công thành viên mãn. Tham luyến của Đường Tăng với cái bát tộ vàng, đó đã là có tâm tham tài ái vật, lại có nhân tình với vua Đại Đường trong đó, mà những thứ này vừa khéo lại là tâm mà người tu luyện phải trừ bỏ. Nếu như không thể trừ bỏ những tâm này, thì tâm hữu lậu, không thể nói đến chuyện công đức viên mãn được.
2, Mọi quan nạn đều là an bài khéo léo của Thần Phật
Mỗi một quan mỗi một nạn trên đường lấy kinh mà thầy trò Đường Tăng gặp phải, đều là an bài khéo léo của Như Lai Phật Tổ và Quan Âm Bồ Tát. Hoàng Phong quái là con chuột lông vàng đắc đạo dưới chân núi Linh Sơn của Linh Cát Bồ Tát. Hoàng Bào quái là Khuê Mộc Lang – một trong số nhị thập bát tú. Kim Giác Đại Vương, Ngân Giác Đại Vương là hai đồng tử Kim Ngân của Thái Thượng Lão Quân. Linh Cảm Đại Vương là con cá vàng được nuôi trong ao sen của Quan Âm Bồ Tát. Độc Giác Đại Vương là vật cưỡi của Thái Thượng Lão Quân. Hoàng Mi Lão Quái là đồng tử lông mày vàng gõ chuông khánh của Phật Di Lặc. Thanh Mao Sư Tử quái, Hoàng Nha Lão Tượng quái là vật cưỡi của hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền; Đại Bàng tinh là cậu của Phật Như Lai. Quan Âm Bồ Tát lợi dụng quan hệ nhân duyên giữa các sinh mệnh, vừa kết thúc nợ nghiệp giữa các sinh mệnh, lại giúp đỡ thầy trò Đường Tăng tu tâm trừ nghiệp, tu luyện viên mãn.
“Tây Du Ký” xây dựng trên văn hóa tu luyện bác đại tinh thâm trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Những tình tiết, nhân vật, đối thoại, thơ từ trong sách, toàn bộ đều có hàm ý thâm sâu, chứ không phải là những phóng túng nghệ thuật đơn thuần. Bởi vậy, “Tây Du Ký” xứng đáng là báu vật trong kho tàng văn học kim cổ đông tây, mãi mãi tỏa sáng đến ngàn đời.
Theo Secretchina
Thiện Sinh biên dịch