Nếu chữ “Đức” phong phú, chứa nhiều nội hàm và kết hợp để tạo ra vô vàn các từ ngữ Hán Việt bao nhiêu thì chữ “Nghiệp” cũng như vậy. Chúng là hai chữ đối lập và tạo nên một quan hệ biện chứng. Muốn nhiều Đức thì phải làm sao cho bớt Nghiệp. Còn ai ưa làm điều xấu, điều ác thì mất Đức và tăng trưởng những Nghiệp lực. Nếu tuân thủ và thực hành Chân, Thiện, Nhẫn thì sẽ có Đức, sẽ tích nhiều Đức. Còn ngược lại, cứ mải mê làm điều ác, lo tranh giành Danh, Lợi, Tình một cách bất chính thì sẽ rước lấy Nghiệp. Nó sẽ trở thành chướng ngại, thành Nghiệp chướng làm ta gặp bao điều xui xẻo, bất hạnh.
Nguồn gốc của chữ “Nghiệp”, chiết tự và ngữ nghĩa (Phần I)
Chữ Nghiệp ban đầu chỉ là hình vẽ mô tả một thanh gỗ bắc ngang để treo nhạc khí như chuông, khánh… Biến tướng của nó là những cái giá treo móc các đồ vật để cho được gọn gàng, tập trung, dễ sử dụng. Đây là một đồ dùng không thể thiếu của dân du mục thời cổ đại. Nó giống như cái cây dựng lên để ở góc nhà, có nhiều nhánh, nhiều cành, nhiều ngạnh. Cái Nghiệp này thường làm bằng cây gỗ, người ta đóng vào đó những thanh hướng lên để treo nhiều thứ đồ đạc linh tinh .
Với người du mục nay đây mai đó, cái Nghiệp này rất tiện dụng. Họ có thể treo lên đó từ nồi niêu, dao thớt đến áo quần, mũ nón; đến cả những miếng thịt, cá đã phơi khô…
Thực ra, cái Nghiệp này có thế có những tên gọi khác nhau và hình thức khác nhau nhưng tôi thấy rất phổ biến trong sinh hoạt của người xưa. Đặc biệt, xem các phim cổ trang dựng cảnh thời ấy thì từ người Mông Cổ đến người da đỏ, từ châu Á đến châu Phi người ta dùng vật dụng này khá phổ biến. Thời nay, cái Nghiệp ấy được làm thẩm mỹ hơn. Cái thì gỗ quý, cái thì bằng thép không gỉ. Ta thấy nó hay đặt một góc các sảnh đường, các khách sạn cho khách khoác áo. Nhất là khi vừa đi ngoài mưa, ngoài tuyết vào.
Khi liên hệ với nghĩa hiện đại, cái Nghiệp này gợi cho ta một hình tượng trực quan khá thú vị. Cái Nghiệp là nơi dùng để treo mắc đủ thứ. Nó gợi cảnh nhếch nhác, luộm thuộm, ăn ở cẩu thả, không có nề nếp. Người xưa cho rằng những nơi thế này là đầy âm khí. Ma quỷ thường hay trú ngụ những chỗ hôi thối nhiều phân gián, phân chuột và nhiều mạng nhện này. Vì treo nhiều thứ linh tinh như vậy nên cái Nghiệp gợi cho về sự mang nặng những thứ đồ không giá trị. Chúng rất khó di chuyển, rất dễ bị gãy, bị hư hỏng.
Trong lý thuyết Nhà Phật thì Nghiệp chính là khi con người không buông bỏ được vô vàn những thứ linh tinh xuất phát từ Danh – Lợi – Tình. Có khi ta gọi đó là “chấp trước”, là “dính mắc”. Con người khổ là bởi họ trở thành một CÁI NGHIỆP, CON NGHIỆP càng nắm giữ càng chấp trước. Càng chấp trước càng muốn thỏa mãn mọi dục vọng. Cái Tâm vì thế nặng hơn cả thể xác. Những đồ treo trên Nghiệp còn nặng hơn chính bản thân cái Nghiệp. Vì cái Nghiệp là một vật dụng, một phương tiện cho nên những vật, những cái mà người ta mang theo trong cuộc sống tạm bợ được treo trên đó. Người xưa cho rằng, bệnh tật, tai họa không phải trực tiếp từ Nghiệp nhưng Nghiệp tạo hoàn cảnh cho những sinh mệnh bất hảo phát huy tác dụng. Nghiệp giống như ao hồ, bệnh giống như cá tôm.
Không có Nghiệp thì sẽ không có hoàn cảnh cho những nhân tố tiêu cực phát huy tác dụng. Hồ không có nước thì không có cá sống trong đó.
Trải qua quá trình trình lâu dài, văn hóa Thần Truyền đã định hình lại chữ Nghiệp như bây giờ. Nhìn qua, chúng ta cũng có cảm giác một cái cây nhiều cành, nhánh nhân tạo. Nó gợi về Cái Nghiệp thời nguyên sơ. Nhưng khi chiết tự, ta thấy nội hàm của nó khá thâm sâu.
Các chữ Nghiệp cùng một nghĩa
Chữ Nghiệp theo thứ tự sẽ là các chữ sau đây ghép thành: Chữ HẠ (下); Chữ THƯỢNG; Phần trên của chữ ĐẠO và Chữ VỊ.
Sau đây chúng ta thử tìm hiểu nghĩa của mỗi từ:
Nói về chữ HẠ (下), Lão Tử có câu nói nổi tiếng: “Thượng sỹ văn đạo, cần nhi hành chi. Trung sỹ văn đạo, nhược tồn nhược vong. HẠ sỹ văn đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu bất túc dĩ vi đạo”. Nghĩa là, thượng sỹ có căn cơ tốt. Người có căn cơ tốt Đức lớn, vừa nhìn thấy chuyện tu luyện liền tin tưởng, hơn nữa sẽ chăm chỉ tu hành. Còn trung sỹ là người có căn cơ bậc trung, khi nghe Đạo thì cái còn cái mất, đối với chuyện tu luyện thì lúc luyện lúc không; HẠ SỸ là người có căn cơ kém, người này nghe Đạo thì phá ra cười, không tin chuyện tu luyện; mà không cười thì chưa đủ gọi là Đạo.
Thực ra, nghĩa bóng của chữ HẠ là gắn với những giá trị xấu. Loại người Hạ lưu, Hạ đẳng trong xã hội là loại người không có Đức, không có Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Họ là tiểu nhân vô lại, luôn làm điều Ác. Họ không xứng đáng làm người Thường cần có ngũ Thường thì làm sao mà nói với họ con đường tu luyện. Bởi tu luyện từ tu Thân trở lên là vứt bỏ nhân tâm. Đó không phải trò đùa con trẻ!
Về chữ THƯỢNG, chúng ta thường nói: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”; “Thượng vàng hạ cám”; “Thượng đội hạ đạp”… Tức là giá trị gắn với THƯỢNG là tốt, là ưu việt. Tầng lớp Thượng lưu, Thượng đẳng, những người làm quan Thượng cấp, những người Thượng thọ thường được người đời tôn trọng nể vì. Với người xưa, họ là Quân Tử, là Đạo đức chứ không hẳn là chỉ lấy tiêu chuẩn vật chất như ngày nay để xác định.
Trong câu trên của Lão Tử thì họ là Thượng Sỹ đối lập với Hạ Sỹ. Họ có Trí Huệ chứ không chỉ Trí Thức. Họ nhạy cảm với những vấn đề tâm linh, và coi đó là sự nghiêm túc phi thường, đứng trên mọi sự nghiêm túc khác. Trước lúc vào chữ thứ 3 mời mọi người hãy nhìn 2 chữ này sắp xếp ra sao.
Hình trái là chữ Hạ lộn ngược. Hình giữa là chữ Thượng. Hình phải là chữ Nghiệp giản thể, là bộ phận trên cùng của chữ Nghiệp phồn thể
Chữ HẠ đứng phía bên trái. Nhưng quả bất thường. Nó ngã xuống lộn ngược. Cái xà ngang cho nó rủ xuống thì lại nằm cùng với cái giá của chữ Thượng. Quả là ngã từ trên cao xuống lộn đầu một cách rất khó coi:
“Bây giờ đất thấp trời cao,
Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?” (Kiều)
Còn chữ THƯỢNG vẫn nằm trong tư thế quen thuộc ở phía bên phải.
Cả hai tạo nên một sự trớ trêu. Người Thượng đẳng phải ăn đời ở kiếp với kẻ Hạ đẳng. Bao nhiêu mâu thuẫn, bao nhiêu bất thường thử thách người Quân Tử và bao nhiêu ngạo mạn, lố bịch của kẻ Tiểu nhân đắc ý. Chim ưng phải sống với gà, sư tử phải sống với lợn heo. Để không nhảy chuồng quang quác; để không ục ịch và ụt ịt trong hoàn cảnh này quả là điều không dễ chút nào. Đó là cuộc sống của địa ngục trần gian. Những cuộc ly hôn thời hiện đại thường là nói về hai kiểu người này phải gối ấp tay ôm. Nói khái quát thì đây chính các quy luật bị lộn ngược. Tất yếu sự hoạt động của nó sẽ gây ra bao cơ sự tiêu cực, bất CHÍNH.
Vì thế, người xưa có khi chỉ dùng hai chữ này ghép lại họ đã viết xong chữ Nghiệp.
Để dễ dàng thuyết phục cách chiết tự này, chúng ta hãy quan sát chữ CHÍNH 正 trong các từ “chân chính” (真正), “chính khí” (正氣), “chính trực” (正直)…
Hình trái là chữ Chính gồm chữ Thượng đặt song song với chữ Hạ. Hình phải là bộ phận trên cùng của chữ Nghiệp chữ Hạ và Thượng không có trật tự, hỗn loạn.
Rõ ràng, chữ “chính” như là một tương phản với chữ Nghiệp giản thể này. Đó là chữ Hạ và chữ Thượng rất chỉnh chu. Nó căn ke trên/dưới; phải/trái bằng hai cặp song song. Nhìn ở góc độ hình học của Toán học, ta cũng có ấn tượng rất rõ: Chính là Trực, Chính là không Thiên lệch, không sai lầm… Nó tương đồng chứ không tương khắc như chữ NGHIỆP.
Bây giờ ta hãy nói về chữ thứ ba, tức là phần trên của chữ Đạo.
Đây không phải là một chữ. Nó gồm có 3 nét. Dấu Huyền bên trái và dấu Sắc bên phải. Nhìn chúng đối lập thành hai bên. Dưới nó là chữ Nhất. Cả tổ hợp này ở trên, rồi ta thêm chữ TỰ ở dưới sẽ trở thành chữ THỦ trong các từ thủ cấp 首級, thủ đô 首都, nguyên thủ 元首… Cả chữ THỦ này thêm vào bộ XƯỚC (nghĩa là bước chậm, dừng lại suy nghĩ) thì ta sẽ có chữ ĐẠO trong “đạo đức” (道德). Theo tôi, chữ ĐẠO không có quan hệ gì với chữ THỦ ở trên.
Dấu Huyền bên trái chỉ khái niệm Dương (bên tả). Dấu Sắc bên phải là khái niệm niệm Âm (bên hữu). Nó là Âm Dương tương khắc. Đây vốn là triết lý cơ bản của Đạo Gia. Chữ Nhất ở đây là dấu hiệu của sự phân biệt tầng thứ. Chữ Mục ở cuối là nói về Mắt. Con mắt ấy nối với tầng thứ không gian cao tầng. Nó đột phá để khám phá ra những điều huyền diệu của vũ trụ, sinh mệnh, thời không. Tất cả điều ấy phải từ từ vững chắc giác ngộ mà đạt được. Đây là ý nghĩa cuối nhờ chữ XƯỚC!
Như vậy, trong chữ Nghiệp chỉ có một phần chữ Đạo thôi. Hiển nhiên, chỉ chừng ấy thì 3 ký hiệu trên không cho ta nhận thức được Đạo. Thậm chí, nó có thể nhận thức tà kiến. Nó không có Thiên Mục, cũng không có con đường để xác định mục đích. Nghiệp là phong kín mọi ngã đường đến với Đạo, đến với cao tầng.
Phần trên cùng của chữ ĐẠO và phần giữa của chữ NGHIỆP là như nhau
Chữ cuối là chữ VỊ. Nghĩa của nó là “Chưa”. Ví dụ như: “vị lai” 未來 chưa lại, chưa tới, “vị khả tri dã” 未可知也 chưa thể biết được, vị thành niên 未成年 chưa trưởng thành.
Hình trái là chữ Vị, bộ phận cuối cùng của chữ Nghiệp.
Vị nằm trong hệ thống những từ phủ định như Vô, Bất, Phi… cho thấy người tạo Nghiệp, tích Nghiệp thường hay tranh đấu, thị phi hơn thua. Họ thường phủ nhận, không muốn chấp nhận, không muốn trân quý những giá trị của người khác và của chính mình. Những người không hiểu Đạo, không khai mở chân lý thường là người chưa trưởng thành. Về phương diện này chữ Vị góp thêm nghĩa cho phần 3 ở trên.
Tương tự như việc gắn kết chữ HẠ và chữ THƯỢNG ở trên, chúng ta thử gắn yếu tố (3) và (4) lại với nhau (2 phần cuối của chữ Nghiệp) thì sẽ thấy một cấu trúc thú vị.
Các biến thể của chữ Thượng và Hạ
Đó là, CHƯA/ KHÔNG có thể ngộ ĐẠO. Tâm lý của kẻ “trung sỹ văn Đạo nhược tồn nhược vong” hình thành một thứ chủ nghĩa bi quan, thất bại. Người ấy thay vì dùng MỤC (công năng của thiên mục) để nhìn, để khám phá chân tướng chân thực của vũ trụ để đề cao tầng thứ và cải biến sinh mệnh thì lại dùng cái CHƯA, cái BẤT KHẢ TRI để làm thường nhân, không thể giải thoát được mình trong “thất tình lục dục”.
Nói vui chút thôi, nếu cho xuất hiện một chữ Hán nữa vào kho từ vựng thì tôi sẽ dùng cấu trúc (3) và (4) trên. Tôi đặt tên cho nó là VỊ với nghĩa là: tâm lý thất bại, cầu an, chưa bao giờ muốn vươn tới. Đó là sự yếu nhược, trái ngược với “Thượng sỹ văn Đạo, cần nhi hành chi”, dũng mãnh tinh tấn.
Với tất cả những chữ liên quan tới Nghiệp, ta thấy đây là cấu trúc bất bình thường. Cảm nhận có những màng nhện đan dệt Thất tình lục dục: cảm nhận muôn vàn cám dỗ của Danh, Lợi ,Tình đang đánh Mê con người khiến họ sống trong luẩn quẩn, bối rối không có đường ra. Quả là nhiều tâm chấp trước mà người có Nghiệp khó lòng buông bỏ. Quả là cụ Nguyễn Du nói rất hữu lý:
“Đã mang lấy Nghiệp vào Thân
Cũng đừng trách lẫn Trời gần,Trời xa”.
Chính con người luôn coi những lợi ích thiết thực trong tiến trình sinh mệnh dài dằng dặc của mình là tất cả. Do đó, Thích Ca Mâu Ni gọi họ sống trong Mê. Đức Jesus khẳng định con người là có tội (nghiệp). Họ tranh giành, tranh đấu ngược xuôi. Họ tạo Nghiệp như núi và ôm cái đống Nghiệp ấy mà hoan hỉ vui sướng. Chỉ có Thần, Phật và những vị Thượng Sỹ “cần nhi hành chi” “sáng nghe Đạo chiều chết cũng an lòng” là thấy được sự đáng thương của con người khi nhảy vào trong thùng thuốc nhuộm làm sai lệch bản tính Tiên Thiên của chính mình “nhân chi sơ, tính bổn Thiện”.
La Vinh
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Xem thêm: