Lã Mông, tự Tử Minh, là người huyện Phú Pha, quận Nhữ Nam (Phụ Nam, An Huy ngày nay). Từ nhỏ Lã Mông thường theo anh rể Đặng Đương vượt sông. Đặng Đương làm bộ tướng cho Tôn Sách, khi Lã Mông mới 15-16 tuổi cũng theo quân xuất chinh. Sau khi Đặng Đương qua đời, Lã Mông lên thay lãnh quân, theo Tôn Quyền chinh chiến khắp nơi.
Khi tác chiến với bộ tướng của Lưu Biểu là Hoàng Tổ, Lã Mông làm tiên phong, xông ra trận chém được Trần Tựu, được phong làm Hoành dã Trung lang tướng, được thưởng tiền ngàn vạn. Trong trận Xích Bích, Lã Mông với Chu Du và Trình Phổ đánh bại quân Tào, vây Tào Nhân ở Nam Quận. Tào Nhân thua chạy, Lã Mông tiến đóng chiếm cứ Nam Quận và được tấn phong làm Thiên tướng quân, sau làm huyện lệnh Tầm Dương.
Lã Mông ban đầu ít học, kiến thức nông cạn, bị mọi người chê cười, gọi là “Ngô hạ A Mông” (cu Mông đất Ngô). Tôn Quyền đã khuyên dạy Lã Mông và một dũng tướng nữa là Tưởng Khâm rằng: “Các khanh nay đều là người giữ chức vụ trọng yếu, nắm giữ việc quốc gia, phải đọc sách nhiều, để bản thân không ngừng tiến bộ”.
Lã Mông thoái thác nói: “Trong quân doanh thường khổ nhọc với nhiều sự vụ, e rằng chẳng có thời gian nào mà đọc sách được”.
Tôn Quyền nhẫn nại chỉ bảo:
“Lẽ nào ta bảo các khanh nghiên cứu dùi mài kinh thư, làm đại học sỹ? Chẳng qua bảo các khanh xem sách nhiều một chút, hiểu chuyện lịch sử xưa, tăng thêm kiến thức mà thôi. Các khanh nói xem, sự vụ ai nhiều bằng ta? Ta khi còn trẻ đã đọc Kinh Thi, Thượng Thư, Lễ Ký, Tả Truyện, Quốc Ngữ, chỉ là chưa có đọc Chu Dịch. Từ khi ta chấp chính đến nay, lại nghiên cứu tỉ mỉ ba bộ sử là Sử Ký, Hán Thư và Đông Quan Hán Ký, và sách binh pháp của các gia khác nhau, tự thấy thu được rất nhiều lợi ích”.
“Như hai khanh, tư tưởng khí chất thông minh dĩnh ngộ, học tập nhất định sẽ thu được nhiều lợi ích, sao có thể không đọc sách nhỉ? Trước tiên nên đọc Tôn Tử, Lục Thao, Tả Truyện, Quốc Ngữ và ba bộ sử”.
“Khổng Tử đã từng nói: ‘Cả ngày không ăn, cả đêm không ngủ, cũng chẳng có gì tốt cả, vẫn không bằng học tập’”.
“Quang Vũ Đế thời Đông Hán mang trọng trách chỉ huy chiến tranh, nhưng tay không lúc nào rời sách. Tào Tháo cũng nói rằng, mình già mà vẫn hiếu học. Vậy sao các khanh cứ mãi không khích lệ mình cố gắng?”.
Từ đó Lã Mông bắt đầu chuyên tâm học tập cần mẫn, những thư tịch ông đã đọc thì nhiều Nho sĩ cao niên vẫn không sánh được.
Sau khi Chu Du qua đời, Lỗ Túc lên thay nắm quyền quân sự nước Ngô. Trên đường nhậm chức, Lỗ Túc đi qua nơi Lã Mông đồn trú. Lã Mông bày tiệc khoản đãi Lỗ Túc. Lỗ Túc vẫn coi Lã Mông như xưa, là viên tướng hữu dũng vô mưu. Nhưng trong tiệc rượu, khi hai người đàm luận chuyện thiên hạ, thấy Lã Mông có rất nhiều tri thức chân thực, kiến giải sáng suốt, khiến Lỗ Túc kinh ngạc vô cùng.
Sau bữa tiệc, Lỗ Túc cảm động than rằng: “Xưa nay ta vẫn xem lão đệ chỉ là võ tướng dũng mãnh. Đến hôm nay, kiến thức lão đệ quả là xuất chúng, thực sự chẳng còn là Ngô hạ A Mông (cu Mông đất Ngô) nữa”.
Lã Mông nói: “Sỹ biệt tam nhật, tức cánh quát mục tương đãi (kẻ sỹ từ biệt 3 ngày gặp lại thì nên nhìn nhận, đối đãi nhau bằng con mắt khác). Lão huynh ngày nay đã kế nhiệm chức thống soái, tài năng kiến thức không bằng Chu Công Cẩn (Chu Du), lại liền kề với Quan Vũ, thực sự rất khó khăn. Quan Vũ tuy đã cao tuổi nhưng hiếu học không mệt mỏi, đọc Tả Truyện vang vang, tính cách cương trực, khí khái anh hùng, nhưng lại quá tự phụ. Lão huynh ở liền kề với Quan Vũ, nên có kế sách hay đối phó”.
Lã Mông đưa ra ba kế sách cho Lỗ Túc, Lỗ Túc vô cùng cảm kích đón nhận. Sau này Lỗ Túc chết, Lã Mông lên thay làm đại đô đốc. Lã Mông liền trình bày kế sách đoạt Kinh Châu lên Tôn Quyền, tự cáo ốm để Quan Vũ chủ quan ở mặt phía đông, và giả vờ xin về Kiến Nghiệp an dưỡng, Tôn Quyền bèn cho Lục Tốn ra thay chức đại đô đốc.
Quan Vũ nghe tin Lã Mông về Kiến Nghiệp, tỏ ra coi thường nguy cơ từ hậu phương nên điều thêm quân lên phía bắc đánh Phàn Thành do Tào Nhân trấn thủ.
Quan Vũ tập trung đánh Phàn Thành. Tướng Ngụy là Vu Cấm mang quân chống cự, cứu viện Tào Nhân, bị Quan Vũ đánh bại. Nhân lúc Quan Vũ còn ở phía bắc, Tôn Quyền lại sai Lã Mông trở lại làm đại đô đốc đem quân ra đánh Kinh Châu.
Lã Mông ra lệnh quân sĩ mặc đồ trắng, cải trang thành thương nhân qua sông, đồng thời cử tinh binh mai phục trong các thuyền nhỏ, nhanh chóng vượt qua các chốt phòng thủ gần bờ sông của Quan Vũ, vượt sông tiến vào vùng Kinh Châu. Lã Mông nhanh chóng đoạt được Nam Quận, rồi sai Ngu Phiên đến thuyết hàng hai tướng Phó Sĩ Nhân và Mi Phương. Hai tướng này vốn bất mãn với Quan Vũ nên đồng ý đầu hàng, dâng Giang Lăng và thành Công An cho Tôn Quyền.
Quan Vũ sau khi biết chuyện Kinh Châu đã mất, không còn đường về khi đã mất căn cứ, vội vã chạy về Mạch Thành. Quân tướng của Quan Công sợ hãi, lần lượt ra hàng Tôn Quyền. Tôn Quyền lại sai Phan Chương, Chu Nhiên chặn đường chạy về phía tây của Quan Công. Cuối cùng hai cha con Quan Công bị bắt, toàn bộ Kinh Châu thuộc về Tôn Quyền. Phần lớn công lao trong chiến dịch này là nhờ Lã Mông.
***
Con người ai cũng có nhiều tiềm năng và những tố chất thiên bẩm chưa khai phá. Thường đa số đều thuận theo quan niệm, coi bản thân không có khả năng đó, không có sở trường đó, tự mình đã phong bế tiềm năng của mình, mãi mãi vẫn là người không có thành tựu xuất sắc.
Khi có người khích lệ, hướng dẫn, hoặc có bậc minh sư dạy bảo chỉ dẫn, và dốc sức vào học hành, nghiên cứu miệt mài, thì các tiềm năng kia sẽ dần lộ diện.
Người có thể ngày ngày đọc sách mới là kẻ sỹ (người trí thức) chân chính, họ ắt sẽ tiến bộ từng ngày. Do đó “Sỹ biệt tam nhật, đương quát mục tương đãi”, kẻ sỹ chân chính, đọc sách, nghiên cứu hàng ngày, thì chỉ qua 3 ngày là đã thêm sở đắc, có tiến bộ, đã khác với chính họ của ngày hôm qua rồi.
Kẻ sỹ chân chính cũng không dùng quan niệm cũ, cách nhìn xưa để nhìn nhận người. Cũng không thể căn cứ vào ưu điểm nhược điểm, sở trường sở đoản, đức hạnh cao thấp của một người trước đây, mà đánh giá anh ta hiện nay. Nếu anh ta là người bình thường, lười nhác học hành, mài giũa, tu dưỡng bản thân, thì anh ta vẫn là người như trước. Nếu anh ta đã thay đổi, học hành ngày đêm, sách chẳng rời tay, thì phải nhìn anh ta bằng con mắt khác.
Những người trẻ tuổi nếu hiếu học, nghiên cứu chuyện đời xưa, soi xét chuyện đời nay, thì họ ắt sẽ thành những bậc đại tài, mà Khổng Tử cũng phải ca ngợi “Hậu sinh khả úy”.
Thế nên cổ nhân rất khâm phục những người chăm chỉ học hành, rất coi trọng những người “sách chẳng rời tay”, vì họ giỏi tận dụng từng phút thời gian rảnh rỗi đầu tư cho học tập, là “người có chí, sự nghiệp ắt thành công”.
Triêu Lộ