Một ni cô đã chắt chiu nhờ thợ mộc điêu khắc riêng cho mình một tượng Phật nhỏ cỡ chừng gang tay bằng gỗ ngoài thếp vàng. Tượng Phật đó rất đẹp và ni cô rất trân quý, đi đâu cũng mang theo, và hàng ngày còn đốt hương cúng dường cho Phật nữa.

Năm tháng trôi qua, ni cô vẫn luôn mang tượng Phật Như Lai đi khắp nơi. Một ngày kia, ni cô dừng chân tại một ngôi chùa nhỏ miền quê. Có rất nhiều các hình tượng Phật trong chùa với đủ kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Mỗi vị Phật đều có bàn thờ riêng. Nhìn lại pho tượng Phật Như Lai nhỏ xíu của mình, ni cô thấy trong lòng ái ngại quá. Ở nhờ chùa người ta nên khó lập bàn thờ riêng cho “Phật của mình”, ni cô đành phải thờ nhờ bàn thờ của nhà chùa.

Bao nhiêu năm nay, ni cô vẫn thường thắp hương bái lạy “Phật của mình”. Nay thờ chung trên bàn thờ nhà chùa, ni cô thấy trong lòng không yên: “Mấy tượng Phật của nhà chùa vừa nhiều vừa to lớn, thắp hương thì các vị đó hưởng hết, chẳng còn mấy hương khói cho Phật của mình”.

Ni cô nghĩ ra một kế, lấy giấy và ống nhựa nhỏ quấn lại với nhau thành hình một cái phễu vừa đủ khói hương xông lên hun thẳng vào mũi “Phật của mình”. Ni cô trong lòng vui sướng, yên tâm ăn ngủ ngon lành.

Sau một thời gian đốt hương xông thẳng vào mũi Phật, tượng Phật của ni cô mũi đen thui đầy muội hương.

Ni cô dành cả đời cầu Phật, mong muốn đắc Đạo, được giải thoát, cái tâm cầu Đạo, hướng Phật đó thật đáng quý. Ni cô chọn phương thức tu hành là vân du, cũng là phương thức tu hành khổ hạnh nhất, phải đi khắp nơi hành khất, rất gian khổ.

Có tâm cầu Đạo lớn, kiên định tu Phật, chẳng quản khổ cực, nhưng đáng tiếc là ni cô đã hiểu sai Phật Pháp. Cô cầu Phật mà lại hướng ngoại mà cầu, thì hoàn toàn vô ích.

Phật tại tâm mà cô lại vác trên vai. Hàng ngày cần tẩy rửa xông hương cho cái tâm mà cô lại thắp hương cho tượng Phật. Như thế có khác nào “Dã Tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng lên công cán gì”.

Tu Phật là tu xuất tâm đại từ bi, tâm vô ngã, vậy mà ni cô còn phân biệt “Phật của mình” và “Phật của chùa” thì khác nào “dùi sừng bò”, càng nỗ lực càng vào ngõ cụt.

“Nhân thân nan đắc”, thân người khó có được. Trong cõi Ta Bà này, chúng sinh tầng tầng lớp lớp, nhiều vô lượng. Vô lượng chúng sinh này đều phải trong lục đạo luân hồi, biết bao nhiêu năm, bao nhiêu nghìn năm, bao nhiêu triệu năm mới có được thân người. Do đó, được thân người là rất khó. Người có ngộ tính tốt, hiểu nhân sinh vô thường, đời người ngắn ngủi, cuộc đời là bể khổ, thì sẽ biết trân quý cái thân người khó được này mà bước vào con đường tu luyện, thoát khỏi luân hồi, trở về Thiên quốc, Phật quốc.

Vì sao ni cô thành tâm tu Phật nhưng vẫn chỉ là công Dã Tràng?
Tu luyện mà không nhắm thẳng vào cái tâm mà tu, từ bỏ các ham dục của thế giới vật chất, từ bỏ cái danh – lợi – tình của thế nhân, thì có tu cũng như không. (Ảnh: youtube.com)

Do đó, người tu luyện là trân quý nhất, là người có Phật tính, xuất nguyện tu luyện trở về. Nhưng tu luyện mà không nhắm thẳng vào cái tâm mà tu, từ bỏ các ham dục của thế giới vật chất, từ bỏ cái danh – lợi – tình của thế nhân, thì có tu cũng như không.

Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa là Thái Tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm đã từ bỏ ngai vàng, hoàng cung, từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý, giàu sang tột bậc, bỏ lại vợ hiền là nàng Da Du Đà La con trai hoàng nam La Hầu La. Ra đi chỉ với hai bàn tay trắng đi tìm Đạo giải thoát sinh mệnh, cuối cùng tu thành đắc Đạo trở thành Phật, từ đó Ngài từ bi truyền Pháp cứu độ chúng sinh.

Vua Trần Nhân Tông cũng bước theo con đường của Đức Phật, từ bỏ ngai vàng, từ bỏ ngôi cao phú quý tột bậc cõi nhân gian, để vào rừng sâu núi thẳm, nỗ lực tu trì, đắc Đạo, đắc chính quả.

Nhưng cũng có cư sỹ như ngài Duy Ma Cật, là người có quyền thế, địa vị và tài sản, không xuất gia nhưng lại khéo tu tâm, coi nhẹ quyền thế, địa vị, của cải, tuy vẫn có tất cả nhưng lại chẳng để những thứ danh – lợi – tình đó ở trong tâm, tu bỏ hết chấp trước, nên đã tu đắc chính quả, thành Bồ Tát Duy Ma Cật.

Và cũng có người chỉ là tiều phu nghèo khổ như ngài Huệ Năng, không được học hành, vất vả kiếm củi mưu sinh, nhưng vẫn thường giữ được cái tâm thanh tịnh, chẳng có gì vướng ngại trong tâm, nên chỉ nghe một câu trong Kinh Kim Cương là khai ngộ, được truyền y bát thành Lục tổ Thiền tông khi vẫn chưa xuất gia.

Còn có Lương Vũ Đế, vị vua “cả đời cất chùa, độ tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạc tượng, ấn tống kinh sách”, vậy mà Bồ Đề Đạt Ma khẳng định: “Những việc làm ấy thực không có công đức gì cả!”. Vì đó đều là những việc hướng ngoại, việc bên ngoài, chứ không phải hướng nội tu tâm, đoạn dục, trừ bỏ chấp trước. Mà hướng ngoại mà cầu, mà làm bất cứ điều gì cũng là ‘hữu lậu’.

Tu Phật không câu nệ hình thức, nếu không hướng vào tâm mà tu, hướng vào nội tâm bên trong bản thân mình mà tu thì cho dù bỏ công sức, của cải thời gian nhiều thế nào nữa cũng chỉ là công dã tràng, cũng là vô ích.

Nhất Tâm

Xem thêm: Vì sao tạo nghiệp sát sinh nhưng vẫn được lên trời? Đức Phật trả lời…