Người Nhật có một câu nói rất hay rằng: “Trên mỗi hạt gạo đều có 7 vị thần”. Đối với họ, vạn vật hữu linh, từ cây cỏ, hoa lá, trăng sao, cho đến chim muông và các loài động vật thì sau khi chết đi đều sẽ trở thành “thần”.
Người Nhật cho rằng, những sinh mệnh đã cống hiến thân mình để trở thành thức ăn cho con người đều là những vị thần đáng tôn kính; bởi vậy, trân quý đồ ăn cũng chính là trân quý sự chăm sóc và bảo hộ của Thần dành cho con người.
Những ai từng đặt chân đến Nhật Bản đều biết rằng, trước mỗi bữa ăn người Nhật thường nói “Itadakimasu!”. Nhiều người ngoại quốc không hiểu phong tục Nhật Bản đều cho rằng đó là biểu thị: “Tôi bắt đầu dùng bữa”, kỳ thực đó không phải là hàm nghĩa chân chính của câu nói này.
Trong tiếng Nhật, “頂きます” (Itadakimasu) nghĩa là “cung kính đón nhận”. Vậy ở đây là đón nhận điều gì?
Bởi mỗi món ăn đều là sự hy sinh của rất nhiều sinh mệnh, mà nhờ đó, chúng ta mới có thể duy trì sự sống của chính mình. Do đó, “Itadakimasu” nghĩa là đón nhận sinh mệnh của các động thực vật đã nguyện ý trở thành thức ăn cho con người. Đối với việc dùng sinh mệnh để đánh đổi, chúng ta cần phải thể hiện lòng biết ơn sâu sắc. Ngoài ra, đó còn là biểu đạt sự tôn kính và biết ơn các vị Thần, cám ơn thiên nhiên đã ban tặng thực phẩm cho chúng ta, sau cùng là cám ơn những người nông dân đã vất vả trên cánh đồng. Tư tưởng xuất phát từ Thần đạo ấy đã tạo nên một nét đẹp văn hoá và lễ nghi trong bữa ăn của người Nhật.
Cũng vì hàm nghĩa thâm sâu đó mà khi nói câu này, người Nhật luôn chắp tay trước ngực một cách cung kính để cảm tạ. Họ quan niệm rằng trước bữa ăn mà không bày tỏ lòng thành kính để cảm tạ các vị Thần thì đó là hành vi bất kính nhất.
Tể tướng nhà Minh giàu có nhưng lãng phí gặp quả báo
Giai thoại về tể tướng Nghiêm Tung vào những năm Gia Tĩnh triều Minh là minh chứng rõ nét nhất về việc lãng phí lương thực mà tổn đi phúc phận của mình.
Nghiêm Tung từng là một viên quan nhỏ trong triều. Vì để được thăng quan tiến chức, Nghiêm Tung đã ra sức phò tá cấp trên, sau lại được Hạ Ngôn giới thiệu mà “một bước lên mây”, được phong làm Sử Bộ Hữu Thị Lang. Con đường quan lộ của Nghiêm Tung không ngừng rộng mở, phúc lộc dồi dào, tiền tài có đủ, lương thực đầy kho, sau cùng cũng trở thành một đại phú gia giàu có nhất đất nước. Theo ghi chép trong “Đại Minh Thế Tông Tiêu Hoàng Đế Bảo” thì tài sản của Nghiêm Tung gồm có:
“Vàng có 3 vạn 2 nghìn 9 trăm 60 lượng, bạc có 2 triệu 7 nghìn 90 lượng, ngọc bối có 857 món, chuỗi ngọc hơn 200 sợi, trâm cài vàng bạc có hơn 120 chiếc… phủ đệ có 6600 gian và thêm 57 thửa đất điền, cộng thêm 2 vạn 7 nghìn 300 mẫu đất và ao hồ, tổng số vàng bạc châu báu nhiều vô số kể”.
Chỉ tính riêng số vàng và bạc của Nghiêm Tung đã bằng ngân khố triều đình thu trong 1 năm. Chính vì sự giàu có như vậy mà trong phủ của Nghiêm gia tại quê nhà luôn có môn khách và người nhà qua lại tấp nập, mỗi ngày số lượng cá thịt cơm thừa đổ ra ngoài cũng khiến người khác phải kinh sợ.
Chỉ tiếc một điều, Nghiêm Tung giàu có nhưng lại bất nhân, bất nghĩa, bất trung. Nghiêm Tung đã cùng với con trai mình là Nghiêm Thế Phan kết bè kết đảng, chuyên quyền đoạt thế lộng hành trong triều đình. Sau này đã phát sinh một sự việc khiến cho Nghiêm Tung vạn phần chấn động.
Làm ác gặp quả báo, nửa đời hiển hách, nửa đời tay không
Vào năm Gia Tĩnh thứ 41, tức năm 1562, tội ác của Nghiêm Tung bị phơi bày, các trọng thần trong triều dâng sớ tấu trình lên hoàng thượng. Vua Minh Thế Tông sau khi điều tra đã bãi bỏ chức quan của Nghiêm Tung cho về quê sinh sống, còn con trai Nghiêm Thế Phan và người nhà thì bắt giam vào ngục tối, gia sản toàn bộ bị tịch thu sung vào quốc khố.
Vì làm quá nhiều điều ác lại mất lòng dân, nên sau khi bãi quan về quê Nghiêm Tung phải sống trong cô quạnh. Ông rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, cơm không có mà ăn, áo không có đủ mặc, chỉ lang thang nơi đầu đường góc chợ xin ăn. Sau một thời gian lang bạt, Nghiêm Tung được một vị hoà thượng trong chùa gần đó từ bi cưu mang.
Lão hoà thượng nói cho Nghiêm Tung một sự thật bàng hoàng
Nghiêm Tung được nhà chùa chu cấp, trong lòng vô cùng hổ thẹn. Ông chắp tay nói với lão hoà thượng: “Tôi thật có lỗi với phương trượng. Khi còn quyền cao chức trọng, phú quý đề huề, tôi đã không biết bên cạnh nhà mình có một phương trượng tốt như ngài. Tôi thấy hối hận vì trước đây không hề cung tiến cho chùa chút của cải nào để tích công đức, giờ đây lâm nguy rơi vào cảnh cùng đường lại được ngài cưu mang, điều này thật khiến tôi thấy hổ thẹn trong lòng…”
Lão hoà thượng an ủi: “Thí chủ đừng tự trách bản thân mình nữa, những thứ thí chủ đang ăn không phải của nhà chùa mà chính là của thí chủ xưa kia. Số lương thực này rất nhiều, có ăn thêm 10 năm nữa cũng chưa hết”.
Nghiêm Tung nghe xong bàng hoàng không hiểu, liền hỏi: “Thức ăn này đều là của tôi sao? Làm sao có thể như vậy được?”
Lão hoà thượng bèn dẫn Nghiêm Tung đến nhà kho và chỉ cho ông ta thấy những đống gạo chất cao như núi. “Số gạo này đều từ cống thoát nước của Nghiêm gia chảy ra ngoài. Trước đây tôi thường cùng với các chú tiểu đến đó vớt về rồi rửa sạch, phơi khô, và cất đi làm lương thực trong chùa. Thời gian lâu ngày, số gạo vớt được đã chất đầy cả kho như thế này”.
Mắt thấy tai nghe những điều lão hoà thượng nói, Nghiêm Tung không nói được thêm lời nào, chỉ đứng nhìn mà khóc, trong lòng thật thống khổ khôn cùng.
Tuỳ tiện lãng phí đồ ăn, sau khi chết vẫn phải tự mình ăn hết
Rất nhiều người từng nghe câu chuyện kể về những người lãng phí đồ ăn khi còn sống, sau khi chết xuống âm gian, họ đều phải tự mình ăn hết số thức ăn đó. Thuở nhỏ khi nghe câu chuyện này tôi luôn kinh sợ không dám tuỳ tiện lãng phí đồ ăn. Nhưng rồi sau này lớn lên, trải qua năm tháng bôn ba, tôi cũng dần dần quên đi điều đáng sợ trong lòng ấy.
Không phải chỉ có thời xa xưa, và cũng không phải chỉ riêng dân tộc Nhật Bản mới dạy con cháu phải trân quý đồ ăn. Mà trong truyền thống của người Á Đông chúng ta cũng như khắp các nơi trên thế giới, trân quý thức ăn luôn được coi là mỹ đức mà mỗi một người đều cần phải có.
Ngày nay theo đà phát triển của xã hội, cuộc sống của con người cũng ngày càng cải thiện, đồ ăn thức uống đâu đâu cũng có, sơn hào hải vị thật không thiếu thứ gì. Nhưng bên cạnh đó, tại rất nhiều nơi trên thế giới, cuộc sống của người dân vô cùng thiếu thốn, ngay cả cơm ăn đủ no cũng không có, với họ một bữa cơm no là quá xa xỉ.
Mỗi năm, tối thiểu có ⅓ lượng lương thực được sản xuất ra bị lãng phí, trong khi chúng ta chỉ cần ¼ số lương thực đó là đủ nuôi sống những người nghèo đói. Đã bao giờ bạn tự hỏi, hàng ngày mỗi giây mỗi phút chúng ta đã để lãng phí biết bao nhiêu lương thực? Một con số quá lớn phải không? Ăn no uống đủ đó là lẽ đương nhiên, nhưng chúng ta cũng đừng quên trân quý những phúc phận của mình.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Minh Vũ biên dịch