“Phật Pháp ở thế gian, không xa rời sự giác ngộ nơi thế gian. Nếu xa rời khỏi thế gian mà tìm trí huệ Phật Pháp, thì chẳng khác nào đi tìm sừng thỏ”.
Tổ Thiền tông đời thứ 6 còn gọi là Lục tổ Huệ Năng (638-713), đắc Đạo lúc chưa xuất gia. Năm Ngài 24 tuổi (661) một hôm có người mua củi bảo Huệ Năng đem củi đến tiệm. Khi đem củi đến, khách nhận củi trả tiền, Ngài nhận tiền xong liền bước ra khỏi cửa. Lúc đó Ngài bỗng nghe tiếng tụng kinh, và khi nghe qua câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (Nên không bám vào điều gì mà sinh ra tâm niệm), tự nhiên tâm Ngài liền mở mang sáng tỏ khác thường (kiến tính). Ngài liền quay lại tìm hỏi người tụng kinh, mới được biết rằng đó là kinh Kim Cương thỉnh tại chùa Đông Thiền từ Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.
Có một người khách cho 10 lạng bạc, bảo dùng tiền ấy xếp đặt việc ăn ở cho mẹ già, rồi tới huyện Hoàng Mai tham lễ Ngũ Tổ. Đến nơi, Ngài được giao việc phụ bếp, chẻ củi, giã gạo, chưa từng tham thiền, nghe giảng Đạo một ngày nào. Nhân một hôm, sau khi xem bài kệ của đại sư huynh Thần Tú, Ngài cũng làm một bài kệ và nhờ người viết lên tường (vì ngài chưa đi học, không biết chữ). Chính bài kệ đó kiến Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn biết Ngài đã khai ngộ nên truyền tâm ấn và y bát cho Ngài làm tổ thiền tông đời thứ sáu.
Từ một người bình thường không được đi học không biết chữ, chỉ cần giữ được cái tâm thiện lương, sống chân thành, và chịu khổ cực, nhẫn nại, tu thẳng cái tâm mà Ngài khai ngộ. Tu thẳng cái tâm, tống khứ những tâm phàm, ham dục, danh lợi, thường tình, giống như ông bà chúng ta vẫn dạy: “Thứ nhất tu gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”, và cũng giống như Nho gia dạy: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Khi thực hiện được như vậy, trí huệ khai mở, khai huệ khai ngộ, đắc Đạo, thông hiểu hết mọi lẽ cổ kim, nhìn thấy được đạo lý của Trời Đất, vũ trụ. Đây chính là con đường khai ngộ khai huệ của bậc tu luyện đắc Đạo, nó vượt trên hết tất cả các lý lẽ, phương thức học tập, tri thức, kinh nghiệm của người thế gian.
Sau đây là bài kệ nổi tiếng đó, và trích lục một số câu hàm chứa trí huệ sâu sắc Thiền tông của Ngài:
1. Bài kệ “Bồ đề bản vô thụ”:
Bồ đề bản vô thụ,
Minh kính diệc vô đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.
Dịch thơ:
Bồ Đề cây chẳng có
Gương sáng đài cũng không,
Bản lai không một vật,
Nơi nào dính trần ai?
2. Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tự độ.
Nguyên văn: Mê thời sư độ, ngộ liễu tự độ.
3. Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, khi đó chính là bản lai diện mục của ta.
Nguyên văn: Bất tư thiện, bất tư ác, thử khắc na cá thị nễ bản lai diện mục.
4. Người biết ở dưới kẻ thấp hèn nhất là người có trí tuệ vượt trên người trí tuệ nhất. Người chỉ biết, chỉ muốn ở trên người cao nhất là người không có trí tuệ.
Nguyên văn: Hạ hạ nhân hữu thượng thượng trí, thượng thượng nhân một ý trí.
5. Phật Pháp ở thế gian, không xa rời sự giác ngộ nơi thế gian. Nếu xa rời khỏi thế gian mà tìm trí huệ Phật Pháp, thì chẳng khác nào đi tìm sừng thỏ.
Nguyên văn: Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch Bồ Đề, kháp như mịch thố giác.
6. Người mê chỉ tu phúc mà không tu Đạo, chỉ nói tu phúc là tu Đạo. Bố thí cúng dường phúc vô biên, trong lòng Tam ác vẫn nảy sinh.
Nguyên văn: Mê nhân tu phúc bất tu Đạo, chỉ ngôn tu phúc tiện thị Đạo. Bố thí cúng dưỡng phúc vô biên, tâm trung tam ác nguyên lai tạo.
7. Không phải gió động, không phải phướn động, mà là tâm động.
Nguyên văn: Bất thị phong động, bất thị phướn động, nhân giả tâm động.
8. Khi trong tâm tính có tà kiến thì tam độc nảy sinh, đó chính là ma vương đến cư trú. Chánh kiến tự khắc tiêu trừ tâm tam độc, ma biến thành Phật là điều thực sự xảy ra.
Nguyên văn: Tính trung tà kiến tam độc sinh, tức thị ma vương lai trú xá, chính kiến tự trừ tam độc tâm, ma biến thành Phật chân vô giả.
Nhất Tâm