Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Trong chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của các dân tộc Á Đông, những chuyện thần tiên tặng sách cho người có tài có đức được sử sách ghi chép lại khá nhiều. Đây thường là những nhân vật có đóng góp lớn cho tiến trình phát triển của văn hoá. Bởi vậy trong mỗi một giai đoạn lịch sử, thiên thượng đều an bài những cơ duyên để họ được dẫn dắt, ngộ Đạo và thực hiện sứ mệnh của mình.
Dưới đây là hai câu chuyện thần tiên tặng sách cho người tài đức như vậy.
Hà Thượng Công tặng sách cho Hán Văn Đế
Hà Thượng Công hay còn gọi là “Hà Thượng chân nhân”. Ông là người tu đạo thành tiên tại núi Thiên Đài, Sơn Đông. Cho đến tận ngày nay, nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều di tích. Hà Thượng Công là người đầu tiên giải chú “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử trên góc độ của bậc tiên nhân. Cuốn sách giải nghĩa của ông được lưu truyền rộng rãi và có ảnh hưởng vô cùng to lớn, được gọi là “Đạo Đức Kinh Chương Cú”, là cuốn sách cổ xưa nhất giải thích về “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử.
Đương thời, Hán Văn Đế đối với “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử một lòng tôn kính. Bản thân Hán Văn Đế thường xuyên đọc sách và còn yêu cầu quần thần bá quan cùng đọc. Tuy nhiên có nhiều nội dung mà lúc đó không một ai thấu hiểu. Sau cùng, nghe mọi người nói rằng Hà Thượng Công tinh thông “Đạo Đức Kinh”, Hán Văn Đế liền phái người đem những chỗ bản thân không lý giải được tìm Hà Thượng Công nhờ chỉ dạy.
Hà Thượng Công nói với sứ giả: “Nghiên cứu kinh điển của Lão Tử là một việc vô cùng nghiêm khắc và cẩn trọng, làm sao có thể thông qua người khác thay mình đi hỏi được?”. Vậy là Hán Văn Đế hẹn gặp Hà Thượng Công tại một căn nhà tranh nhỏ bên bờ sông, đích thân thỉnh giáo Hà Thượng Công.
Tuy đích thân Hán Văn Đến đi gặp, nhưng trong lòng không thực sự phục, ông nghĩ: “Trong Kinh có viết: ‘Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ, suất thổ chi tân, mạc phi vương thần’ (đại ý phàm dưới vòm trời này tất cả mọi thứ đều là của vương chủ). Lão Tử cùng từng nói: ‘Đạo lớn, thiên lớn, địa lớn, vương lớn’ (Trong thiên hạ có 4 cái lớn đó là Đạo, Trời, Đất, Vương), quân vương cũng là một trong tứ đại đó. Ông tuy là tinh thông đạo học, nhưng dù sao cũng chỉ là quân thần của ta, tại sao lại không thể tôn trọng ta mà kiêu ngạo như thế?”.
Hà Thượng Công như đọc được suy nghĩ của Hán Văn Đế, liền vẩy tay một cái, từ từ bay lên không trung, cách khỏi mặt đất hơn chục mét, cúi xuống nhìn Hán Văn Đế hỏi: “Ta trên cao không tới trời, dưới không chạm đất, ở giữa lại không động đến thế sự nhân gian, vậy hỏi sao lại có thể là quân thần của ông?”.
Hán Văn Đế thấy vậy thất kinh, liền hiểu ra bản thân đã mạo phạm Thần nhân, lập tức xuống xe quỳ gối tạ tội: “Tôi quả thực vô tài vô đức, thừa hưởng phúc báo tổ tiên mà kế nghiệp ngôi vương, nhưng tôi tài nông học cạn, sợ rằng không thể đảm đương được trọng trách. Tuy tôi bận việc đại sự quốc gia, nhưng luôn một lòng hướng đạo, do bản thân tư chất ngu muội, khó có thể hiểu được hàm nghĩa chân ý của kinh thư, kính mong chân nhân chỉ dạy”.
Hà Thượng Công thấy Hán Văn Đế một lòng thành kính, liền ban cho hai cuốn “Đạo Đức Kinh Chương Cú”, đồng thời nói: “Sau khi đem về hãy nghiên cứu kỹ hai cuốn này, những điều khó lý giải trong Đạo Đức Kinh đều được giải quyết. Hai cuốn sách này ta đã viết hơn 1700 năm rồi, trước nay chỉ truyền cho ba người, cộng thêm ông là bốn, hãy nhớ không được tiết lộ cho người khác xem!”.
Hán Văn Đế nhận sách xong, ngẩng đầu lên nhìn chỉ thấy một làn mây trắng bay lên, trời đất như mê hoặc còn Hà Thượng Công đã không thấy đâu nữa. Sau này Hán Văn Đế vô cùng trân quý hai cuốn sách đó, chuyên tâm nghiên cứu Đạo Đức Kinh, tay không rời sách. Hán Văn Đế đã khai sáng ra thời kỳ thịnh trị của nhà hán, thường được gọi là “Văn Cảnh trị”, vốn có mối quan hệ vô cùng sâu sắc với sự truyền dạy của bậc tu đạo thành tiên Hà Thượng Công.
Trương Lương bái sư
Trương Lương quân sư nổi tiếng, khai quốc công thần của triều Hán. Thuở hàn vi, một lần Trương Lương đi qua cầu, lúc đó vào một ngày mùa đông, gió tuyết rơi dày đặc, gặp một ông lão mặc chiếc áo đơn màu vàng đi tới giữa cầu cố ý đánh rơi chiếc giầy xuống chân cầu. Cụ già nhìn Trương Lương rồi nói: “Chàng trai trẻ, xuống chân cầu nhặt cho ta chiếc giầy lên!”.
Trương Lương không hề đắn đo suy nghĩ, lập tức xuống cầu nhặt chiếc giầy lên cho ông lão. Ông lão không những không nhận lại giầy mà còn đưa chân ra nhìn Trương Lương, yêu cầu xỏ giầy giúp mình. Trương Lương thấy vậy cũng cung kính cúi xuống xỏ giầy cho ông lão. Ông lão xỏ giầy xong nhìn Trương Lương nói: “Chàng trai trẻ, cậu có thể làm được học trò của ta rồi, sáng mai cậu đến đây ta sẽ dạy cho cậu một số thứ”.
Sáng hôm sau, khi trời còn chưa sáng, Trương Lương rời nhà đi, tới nơi đã thấy ông lão ở đó. Ông lão nói: “Cậu đến muộn hơn so với ta, hôm nay không thể dạy cho cậu được”. Cứ như vậy Trương Lương phải đi lần hai, tới lần ba mới sớm hơn ông lão. Lần này ông lão vui vẻ đưa cho Trương Lương một cuốn sách, đồng thời nói: “Sau khi cậu học tinh thông cuốn sách này thì có thể làm quân sư cho bậc đế vương. Sau này nếu muốn tìm ta, ta chính là Hoàng Thạch Công ở dưới núi Cốc Thành”.
Trương Lương ra về chuyên tâm nghiên cứu cuốn sách mà Hoàng Thạch Công truyền thụ, nắm rõ các huyền cơ, chiến lược ứng phó trong chiến tranh, chính trị và quân sự. Sau này Trương Lương giúp Lưu Bang thống nhất thiên hạ, được phong làm Lưu Hầu Nhậm Đại Tư Đồ. Người đời sau gọi cuốn sách đó là “Binh pháp Hoàng Thạch Công”.
Theo ghi chép trong sách “Thái Bình Quảng Ký”, Trương Lương ngoài việc là mưu sĩ cho Lưu Bang, còn căn cứ theo sách của Hoàng Thạch Công để tu luyện. Ông không rời khỏi thế sự mà vừa phò tá Lưu Bang vừa tu đạo. Trương Lương không bị thế sự nổi trôi mê hoặc mà lợi dụng những sự việc thế tục con người làm cơ hội tu luyện bản thân, từ đó mà thăng hoa lên trên. Có được ngộ tính và trí huệ như vậy, cuối cùng ông trở thành một người tu đạo phi thường. Sau khi Trương Lương thành tiên được làm đồng tử thiên cung, thường cùng Thái Thượng Lão quân dạo chơi trên tiên giới.
Hán Văn Đế ham mê học thuyết của Lão Tử nhưng lại có nhiều chỗ không thể minh bạch, vậy là thiên thượng phái Hà Thượng Công xuống truyền thụ, sợ Hán Văn Đế không tin mới biểu lộ một chút thần thông, giúp Hán Văn Đế yên dân trị quốc. Hán Văn Đế tuy là bậc quân vương, nhưng dù sao cũng chỉ là con người. Con người, dưới mắt Thần nhân, chỉ khi thể hiện sự cung kính, chân thành mới có thể nhận được chân kinh.
Hoàng Thạch Công truyền thụ sách cho Trương Lương, một mặt có thể giúp phò tá Lưu Bang sáng lập giang sơn Hán thất, tạo cho trăm dân bách tính cuộc sống thái bình, hai là thông qua các sự việc trong đời mà tu luyện. Điều này đã giúp Trương Lương tu thành chính quả. Qua đây có thể thấy sự an bài tinh thâm của thiên thượng.
Theo Secretchina
Minh Vũ biên dịch
Xem thêm: