Phật Đồ Trừng, cũng được gọi là Trúc Phật Đồ Trừng, Phật-đà-tăng-ha, là một cao tăng Ấn Độ. Trong những năm tại thế, nhờ có thần thông phi phàm, ông đã được Tấn Hoài Đế kính ngưỡng và trở thành cố vấn thân tín bên cạnh nhà vua suốt hai mươi năm.
Vốn là người Tây Vực, từ nhỏ ông đã xuất gia, là người ham học lại tinh thông kinh thư Phật Pháp. Ông cũng là vị cao tăng mang pháp lực thần thông quảng đại, có thể sai khiến được cả quỷ thần. Khi trộn dầu mè và tro thuốc rồi bôi lên lòng bàn tay, những sự việc cách xa hàng ngàn dặm có thể hiện lên rõ ràng giống như đang xảy ra trước mặt. Căn cứ vào tiếng chuông trên bảo tháp ông còn có thể dự đoán cát hung phúc họa, không điều gì là không ứng nghiệm.
Năm Vĩnh Gia thứ tư thời Tần Hoài Đế, Phật Đồ Trừng đến Lạc Dương để hoằng dương Phật Pháp. Nhưng lúc ấy giặc Lưu Diệu đánh chiếm Lạc Dương, kinh đô hỗn loạn nên ông không thể hoàn thành tâm nguyện.
Tới Quân Môn, dùng Phật Pháp cảm hóa Thạch Lặc
Khi đó Thạch Lặc đóng quân ở Cát Bi sát hại vô số dân chúng vô tội, khiến rất nhiều đệ tử Phật môn cũng gặp tai họa. Với tấm lòng thương xót chúng sinh, ông đã tới Quân Môn dùng Phật Pháp cảm hóa Thạch Lặc. Đại tướng của Thạch Lặc là Quách Hắc Lược vốn là một người tín Phật, vậy nên Phật Đồ Trừng đã tới ở nhà Quách tướng quân truyền ngũ giới và nhận ông ta làm đồ đệ.
Sau Quách Hắc Lược đi chinh phạt và luôn được đại sư báo trước sự thắng bại, Thạch Lặc thấy lạ bèn hỏi ông ta: “Ta cảm thấy ngươi không phải là người mưu trí xuất chúng, vậy tại sao mỗi lần xuất binh lại có thể dự đoán được cát hung?”. Hắc Lược nói: “Người quả là thần vũ, có một sa môn trí thuật phi thường bảo rằng tướng quân có cơ duyên chiếm được thiên hạ, thần đã nhận ngài ấy làm thầy. Những cát hung mà thần biết đều là từ ngài ấy nói”. Thạch Lặc vui mừng nói: “Thật đúng là trời ban cho ta”.
Sau đó Thạch Lặc bèn triệu kiến Phật Đồ Trừng đến và hỏi: “Phật đạo có linh nghiệm gì?” . Đại sư biết Thạch Lặc không hiểu được lý thâm sâu mà chỉ có thể dùng đạo thuật để giáo hóa, bèn nói: “Phật đạo mặc dù rất cao thâm khó hiểu, nhưng có thể lấy những việc gần nhất để chứng thực” . Nói rồi ông liền lấy một bát nước sau đó đốt hương và niệm chú. Chỉ trong giây lát bên trong mọc lên một bông sen xanh chiếu sáng rực rỡ vô cùng mỹ diệu. Thạch Lặc nhìn thấy, trong lòng tâm phục khẩu phục.
Đại sư cũng nhân đó khuyên can: “Bậc quân vương dùng đức trị nước thì có thể xuất hiện điềm lành. Vua đại nghịch vô đạo, cực đoan bạo ngược tất sẽ làm hại tới bách tính, kèm theo đó là thiên tai nhân họa. Đây là đạo lý từ xưa tới nay, là quy luật tự nhiên của tạo hóa vũ trụ”. Thạch Lặc nghe vậy liền vô cùng kính nể, từ đó trong những người phải nhận án tử, mười người thì có đến tám chín người đều được miễn tội chết, và cũng từ đó người Hồ ở Trung Châu càng ngày càng tin vào Phật Pháp.
Bảo hộ muôn dân, triệu rồng lấy nước
Một ngày nọ nguồn nước ở Bắc Ngũ Lý phía tây thành của sông Hộ Thành nước Tương đột nhiên cạn kiệt. Thạch Lặc vô cùng lo lắng bèn hỏi đại sư làm cách nào mới có thể có nước cho dân sinh hoạt trồng trọt. Phật Đồ Trừng bèn nói: “Nên để rồng tới lấy nước”. Thạch Lặc tên tự là “Thế Long” nên khi nghe đại sư nói vậy tưởng rằng ông đang cố ý cười nhạo mình, bèn nói: “Cũng bởi vì con rồng nhỏ là ta đây không thể mang nước về nên mới đi thỉnh giáo đại sư”. Phật Đồ Trừng thấy vậy bèn nói: “Những lời tôi nói đều là lời chân thật chứ không phải nói đùa. Trong mỗi nguồn nước tất có thần long cư ngụ, để tôi niệm chú yêu cầu thần long phun nước”.
Nói rồi ông cùng một vài hòa thượng đi tới đầu nguồn nước, nơi đây sớm đã bị khô cạn nứt nẻ làm những người đi cùng đều hoài nghi khó hiểu. Phật Đồ Trừng bèn ngồi trên mặt đất bằng phẳng đốt hương án và niệm thần chú liên tục trong ba ngày, sau đó đột nhiên xuất hiện tiếng nước róc rách, lại có con rồng nhỏ từ trong nguồn nước chui ra làm các hòa thượng kinh ngạc chạy tới xem. Phật Đồ Trừng nói với họ: “Rồng có độc, không nên tới gần” . Một lát sau nước chảy ngày càng mạnh và tràn ra đầy khắp sông ngòi ao hồ.
Đế vương tín nhiệm, Phật Đồ Trừng hiển thần tích cứu người
Năm Hàm Hòa thứ 5 thời Tần Thành Đế (năm 330) Thạch Lặc xưng đế, lấy hiệu Triệu Thiên Vương, sửa niên hiệu thành Kiên Bình. Cũng từ đó vua càng ngày càng coi trọng Phật Đồ Trừng, gặp bất kể việc gì hệ trọng đều tới hỏi ý kiến ông rồi mới hành động. Thạch Hổ có một người con trai tên Thạch Bân được Thạch Lặc sủng ái và coi như con trai mình.
Một ngày nọ, Thạch Bân mắc bạo bệnh rồi qua đời. Suốt hai ngày ấy, Thạch Lặc vô cùng đau buồn nói với người hầu cận: “Ta nghe nói thái tử nước Quắc đã chết rồi mà thần y Biển Thước vẫn có thể cứu sống. Đại sư là bậc thần tiên của nước ta, ngài chắc chắn có thể cứu sống Thạch Bân”. Được báo tin, Phật Đồ Trừng bèn mang tới một cành dương miệng lẩm nhẩm đọc thần chú, Thạch Bân đang nằm bất động đột nhiên có thể ngồi dậy, một lúc sau thì khỏe mạnh bình thường.
Vào ngày 8 tháng 4 hàng năm Thạch Lặc thường đích thân tới chùa bái Phật cầu nguyện. Một ngày tháng 4 năm Kiên Bình thứ tư trời tĩnh lặng không gió, trong chùa đột nhiên vang lên tiếng chuông đồng. Phật Đồ Trừng nghe thấy tiếng chuông bèn nói với mọi người: “Tiếng chuông báo hiệu đất nước sẽ có đại tang trong năm nay”. Quả thật tới tháng 7 Thạch Lặc qua đời, truyền ngôi lại cho con là Thạch Hoằng, không lâu sau đó bị Thạch Hổ cướp ngôi. Khi lên ngôi, Thạch Hổ coi trọng Phật Đồ Trừng còn hơn cả Thạch Lặc khi xưa.
Khuyên can đế vương ngừng phỉ báng Phật Pháp
Một lần quân Tấn xuất kích từ sông Hoài, thành Lũng Bắc Ngõa bị đe dọa tứ phương, tình thế vô cùng cấp bách, lòng người cũng bàng hoàng hoảng sợ. Thạch Hổ tức giận nói: “Ta luôn tín phụng Thần Phật, cớ sao lại chiêu mời kẻ ngoại xâm? Phải chăng Thần Phật thực sự đã không còn linh ứng nữa rồi?”.
Sáng hôm sau ông hỏi Phật Đồ Trừng liền nhận được lời trách cứ: “Kiếp trước bệ hạ từng là một thương nhân lớn, đã từng dâng tiền công đức để tổ chức pháp hội tại một ngôi chùa gần nhà. Lần pháp hội đó có 60 vị La-hán, ta cũng tham gia. Một vị cao nhân đắc đạo nói với ta rằng, thọ mệnh của người chủ trì đại hội này đã tận, sau khi ông ta chuyển sinh sẽ làm vương nước Tấn. Nay bệ hạ đã làm vương đúng như lời vị cao nhân đó nói, chẳng phải là phúc phận hay sao? Chiến sự là việc thường hằng của quốc gia, cớ sao lại quay sang oán hận phỉ báng Phật Pháp, nảy sinh độc niệm?”.
Thạch Hổ thường xuyên hỏi đại sư: “Phật luôn dạy không được sát sinh. Ta là vương cai trị thiên hạ, nếu không dùng hình phạt tử hình e rằng không cách nào nghiêm trị quét sạch loạn thần. Nếu đã vi phạm giới cấm sát sinh thì dù có tín ngưỡng Thần Phật cũng sao có được phúc phận?”. Phật Đồ Trừng nói: “Bậc đế vương muốn thể hiện sự cung kính với Phật Pháp thì nên nhất tâm hoằng dương Phật Pháp, không làm việc bạo ngược, không giết người vô tội. Còn đối với những kẻ vô lại không thể giáo hóa, thì người có tội không thể không giết, người hiểm ác không thể không dùng hình, người nào cần phải giết vẫn phải giết, người nào cần tử hình vẫn phải tử hình. Nếu bạo ngược vô độ làm liều sát hại người vô tội, thì cho dù có miễn giảm hình phạt cũng không tránh khỏi tai họa”.
Cảm hóa dân chúng, được đế vương tin phục
Thượng Thư của Thạch Hổ là Trương Lý và Trương Lương là người vô cùng tín Phật, mỗi người đều công đức xây một đại Phật tháp lớn. Phật Đồ Trừng từng nói với họ: “Tín ngưỡng Thần Phật nằm ở sự thanh tĩnh và không có dục vọng, làm bất cứ điều gì hay đối xử với ai đều xuất phát từ sự từ bi. Thí chủ mặc dù cung phụng Phật Pháp nhưng vẫn ăn chơi vô độ, tích tụ vô số nghiệp lực, xin hỏi như vậy sao có thể cầu được phúc báo?”. Quả nhiên sau đó Trương Lý và Trương Lương đều bị giết chết.
Lại có một năm nọ trời hạn hán, từ tháng giêng cho tới tháng sáu không có nổi một giọt mưa. Thạch Hổ phái thái tử tới Lâm Chương Tây Phẫu khẩn cầu mưa, nhưng nhiều ngày trôi qua trời vẫn không đổ nước. Thạch Hổ liền ra lệnh cho đại sư tự tổ chức lễ cầu mưa. Khi đại sư làm lễ có hai con rồng trắng hạ xuống miếu thờ nơi ông đang cử hành nghi lễ. Ngay sau đó trong vòng mấy ngàn dặm, trời mưa lớn giúp dân chúng thoát khỏi hạn hán lâu ngày và đạt được mùa màng bội thu. Có rất nhiều người vốn không hiểu biết về Phật Pháp, sau khi chứng kiến thần tích do đại sư triển hiện đã trở nên ngày càng tín phụng tôn thờ Thần Phật, cũng bởi vậy Phật Đồ Trừng càng có cơ hội hồng dương Phật Pháp cảm hóa muôn dân.
Bình Nhi