Trong cuộc sống nhiều biến động và phức tạp, sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình, mà đặc biệt là giữa người vợ và người chồng, chính là chìa khóa để dẫn đến hạnh phúc bền lâu. Vợ chồng đến được với nhau là duyên phận; có duyên để gặp nhau trong kiếp này đã khó, nhưng cầm tay nhau để đi hết cuộc đời cho trọn nghĩa vẹn tình thì còn khó hơn nhiều.

Người xưa trân quý nghĩa vợ chồng trăm năm kết tóc nên duyên. Vợ chồng hiểu nhau, đồng cảm và chia sẻ với nhau thì trên ấm dưới êm, cơm lành canh ngọt. Nếu chỉ vì những chuyện không đâu mà không nhẫn nhịn, không bao dung, không chia sẻ thì sẽ dễ dẫn đến hiểu lầm. Và trong lúc nóng giận người ta dễ làm những điều dại dột, khiến cho hạnh phúc không vẹn toàn mà duyên phận cũng lỡ dở, thậm chí có thể tạo nghiệp chướng oan khiên không biết đến bao giờ mới giải được. Trong kho tàng dân gian Việt Nam hiện lưu truyền nhiều tích truyện về chủ đề này, đề cao nghĩa vợ chồng, khuyên rằng để “thuận vợ thuận chồng tát Bể Đông cũng cạn” cần phải có sự đồng cảm, nhẫn nhịn và chia sẻ giữa hai bên. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ:

noi oan tay troi 1

Chuyện kể rằng, ở làng Nam Xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương Sinh, người cùng làng. Ít lâu sau, Trương Sinh phải tạm biệt mẹ già và vợ yêu đang có thai để đi lính thú. Sau khi chồng đi được mươi hôm thì Vũ Thị Thiết sinh được một đứa con trai khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Nhưng bà mẹ chồng vì nhớ thương con sinh ra đau ốm. Vợ chàng Trương hết lòng mời thầy chạy thuốc, nhưng bệnh của mẹ chồng mỗi ngày một nặng, chẳng bao lâu thì bà mất. Nhờ có bà con xóm giềng, mọi việc mai táng đều được lo liệu chu toàn.

Đã mấy thu qua không thấy chồng về, một mẹ một con mỏi mòn trông đợi. Hàng ngày chăm lo đồng áng, tối đến nàng mới có thì giờ chăm sóc cho con. Có những hôm nàng phải chong đèn để khâu vá, dọn dẹp, và chơi đùa với con. Những lúc con khóc, nàng thường chỉ vào bóng của mình trên vách mà bảo: “Nín đi con! Kìa, kìa bố đã về. Đấy! Đấy!”

Đứa bé hễ nhìn thấy bóng nàng thì hết khóc.

noi oan tay troi 2

Cứ như thế lâu dần thành thói quen. Rồi đứa con thường đòi gặp bố trước khi đi ngủ. Cái bóng đen đen trên tường từ đấy đối với cả mẹ lẫn con như một người thân thích. Rồi chiến tranh kết thúc, Trương Sinh lại được về quê sau ba năm ly biệt. Chàng đau lòng vì mất người mẹ thân yêu nhưng lại vui sướng vì có đứa con. Thằng bé bấy giờ lên ba tuổi và đã biết nói chuyện. Tuy nó để cho bố bế nhưng vẫn tỏ ra xa lạ. Ngày hôm sau, Trương Sinh ẵm con đi thăm mộ mẹ. Ra đến đồng, thằng bé quấy khóc đòi về.

Trương Sinh dỗ dành: “Con nín đi đừng khóc. Rồi bố mua quà cho mà ăn.”

Thằng bé đáp: “Không. Bác không phải là bố của con. Bố con khác kia. Chỉ đến tối bố con mới đến nhà thôi.”

Trương Sinh nghe vậy bèn lấy làm nghi ngờ lắm. Chàng hỏi dồn:

– Thế thì bố của con trông như thế nào?

– Tối nào bố con cũng đến. Mẹ đi cùng đi, mẹ ngồi cùng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế con cả.

Mấy câu nói ngây ngô của đứa con làm cho Trương Sinh tin là vợ mình ngoại tình, không còn ngờ gì nữa. Nghĩ đến người vợ xinh đẹp trong tay kẻ khác, cơn ghen tự nhiên bừng bừng bốc lên. Chàng lẩm bẩm: “Thật là quá rõ. Không ngờ trong khi mình đi lính gian lao thế ấy, thì nó ở nhà lại như thế kia”.

Về đến nhà Trương sinh mắng nhiếc vợ tàn tệ: “Ta không ngờ nàng là đồ thất tiết. Mẹ chết, chồng đi vắng, tối tối rước trai về nhà.”

Chàng mắng vợ dữ dội nhưng không nói là ai cho hay. Vợ chàng một mực giải thích: “Cách biệt ba năm, thiếp vẫn một lòng một dạ, đâu có hư thân mất nết như lời chàng nói. Xin chàng đừng ngờ oan cho thiếp.”

Vợ càng phân trần thì cơn giận của chồng càng không thể dằn xuống được. Trương Sinh bắt đầu dùng lối vũ phu để tra khảo vợ. Hàng xóm láng giềng nghe tin vợ chồng lục đục đổ tới can ngăn nhưng chẳng thể thay đổi gì. Chồng cho là vợ khéo mồm nên được mọi người cứu lỗi.

Trong cơn phẫn uất, người thiếu phụ ôm lấy con khóc nức nở, rồi nhân lúc chồng sang hàng xóm, nàng chạy một mạch ra bến sông Hoàng Giang đâm đầu xuống nước mà tự vẫn.

noi oan tay troi 3

Khi Trương Sinh về đến nhà, biết có sự chẳng lành. Chàng vội chạy ra sông, nhưng sông nước mênh mông đến thế mò đến đêm ngày cũng không tìm thấy xác. Đến tối, đứa bé lại khóc. Trương Sinh thắp đèn dỗ cho nó nín. Chợt thằng bé kêu lên:

– Ồ, bố con lại đến kia kìa!

– Đâu con?

Nó trỏ vào bóng chàng trên vách mà nói:

– Đấy! Đấy!.

Nhớ lại lời con nói khi đi thăm mộ, Trương Sinh mới hiểu ra nông nỗi. Chàng nhận ra nỗi oan tày trời của vợ chỉ vì lòng ghen tuông nóng nảy của mình. Nhưng đã muộn mất rồi, còn làm gì được nữa. Chàng chỉ còn biết ngày ngày ẵm con nhìn xuống dòng sông mà khóc. Từ đó chàng ở vậy nuôi con.

noi oan tay troi 4

Chuyện rằng, cùng làng với Vũ Thị Thiết có một người là Phan Lang làm đầu mục bến đò Hoàng Giang, một đêm nọ nằm chiêm bao thấy có một người con gái áo xanh đến kêu xin tha mạng. Sáng dậy, Phan Lang thấy có người làng chài mang đến biếu mình một con rùa mai xanh. Sực nghĩ đến giấc mộng, Phan Lang bèn thả rùa xuống sông. Về sau Phan Lang bị đắm thuyền và chết. Xác trôi xuống thủy phủ được bà Linh Phi – vốn là con rùa mai xanh ngày nọ – cứu cho sống lại, lại dọn tiệc thết đãi. Trong bữa tiệc có nhiều mỹ nhân, trong số đó có Vũ Thị Thiết, nhưng Phan Lang ngại không dám nhận. Tiệc xong, Vũ Thị Thiết tìm đến, nói:

“Là người cùng làng, cớ sao lại mau quên?”.

Phan xin lỗi rồi hỏi:

“Vì sao lại có mặt ở đây?”

noi oan tay troi 5

Nàng trả lời:

“Hồi ấy khi nhảy xuống nước, các tiên ở thủy cung thương tôi vô tội, liền rẽ nước cho tôi xuống nên sống đến ngày nay”.

“Cô có nhớ quê hương không?”

“Bị chồng ruồng rẫy, tôi còn mặt mũi nào trông thấy ai nữa!”

“Còn con cô thì sao?”

Nàng lặng đi một lát rồi nói: “Tất có ngày tôi sẽ tìm về”.

Vợ chàng Trương trao cho Phan một chiếc thoa nhờ đưa hộ cho chồng mình và nhắn chồng nếu có thương tiếc thì cho lập một đàn giải oan, lấy thần đăng chiếu xuống nước, mình sẽ trở về. Nhận được cây kim thoa, chàng Trương tin là thật, bèn lập một đàn tràng ba ngày ba đêm ở bến Hoàng Giang. Quả nhiên thấy vợ xuất hiện giữa dòng sông, ngồi trên một chiếc kiệu hoa, theo sau có đến năm mươi kiệu khác, có tàn tán cờ biển như một đám rước. Trương gọi, vợ đáp:

“Đa tạ lòng chàng, nhưng kiếp này thiếp không thể quay về được nữa”. Rồi tất cả biến mất.

Người thời ấy bèn lập miếu thờ, gọi là miếu Vợ chàng Trương trên bờ sông Hoàng Giang thuộc làng Vũ Điện, huyện Nam Xương (nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Vua Lê Thánh Tông sau cho khắc vào bia đá trước miếu bà Trương một bài thơ:

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ,
Làn nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả có đôi vừng nhật nguyệt,
Giải oan chi mượn đến đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng!

Chàng Trương chỉ vì bản tính đa nghi, trong cơn ghen tuông mà hồ đồ vũ phu với người vợ đức hạnh của mình, để rồi phải chịu cảnh đôi ngả ly tan. Sương khói giải oan tan đi, nhưng rồi còn lại nơi trần thế vẫn chỉ là một sự thực cay đắng về nỗi oan của người đàn bà đức hạnh không một đàn tràng nào giải nổi. Sự ân hận muộn màng của chàng Trương, đàn cầu siêu dù đã linh ứng cũng đều không cứu được người vợ xinh đẹp và thủy chung. Câu chuyện về nỗi oan ức của “Người con gái Nam Xương” để lại dư vị ngậm ngùi trong lòng người đọc và là bài học thấm thía về giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đó là một lời nhắn nhủ cho đời sau rằng nghĩa vợ chồng cần phải được coi trọng. Trong mọi hành xử, để đạt được cuộc sống hoà hiếu và hạnh phúc viên mãn thì đức nhẫn nhịn, bao dung, chia sẻ, đồng cảm và tha thứ cần phải coi trọng hàng đầu.

noi oan tay troi 6

Tuấn Khanh


Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm: