Người xưa nói: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” và trong lịch sử cũng lưu lại rất nhiều truyện cổ khuyên răn người đời.
Được mệnh danh là “Thiên cổ kỳ bút”, Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ (sống vào khoảng thế kỷ 16) ghi lại những câu chuyện bí ẩn hàm chứa các bài học đạo đức dựa trên giá trị phổ quát vẫn luôn đúng cho tới ngày nay. Đa phần người thời nay nói đó là tác phẩm văn học hư cấu, người có đức tin lại xem như lời nhắc nhở chân thật về đạo làm người. Trong dòng chảy mải miết và dữ dội của lịch sử, những gì còn lưu lại chẳng phải vô duyên vô cớ, phần nhiều đều có đạo lý ở trong đó.
Thời Vua Giản Định nhà Hậu Trần, Lý Hữu Chi là người huyện Đông Thành (nay thuộc tỉnh Nghệ An) được Quốc công Đặng Tất tiến cử làm tướng quân. Hữu Chi vốn là người làm ruộng, tính tình dữ tợn, có sức khỏe, giỏi đánh trận.
Nhưng khi quyền vị đã cao, Hữu Chi bèn làm những việc trái phép tắc, ham sắc, ham tiền, đuổi xóm giềng đi cướp đất, bắt người trong vùng phải phục dịch, ai nấy làm việc đến vai sưng tay rách nhưng hắn vẫn chẳng động tâm.
Bấy giờ có một ông thầy tướng đến cửa nhà xin ăn. Hữu Chi bảo ông hãy xem tướng cho mình, ông thầy nói:
“Điều thiện ác tích lâu sẽ rõ, sự báo ứng không sai chút nào… Nay Tướng quân có dữ mà không lành, khinh người mà trọng của, mượn oai quyền để làm bạo ngược, buông tham dục để thỏa ngông cuồng, đã trái lòng trời, tất bị trời phạt, còn cách nào mà trốn khỏi tai họa!”.
Hữu Chi nghe xong còn thấy tức cười, hắn cho rằng bản thân có trong tay binh lính, “sức có thể đuổi kịp gió chớp”, trời có giỏi cũng chẳng sao giáng họa xuống mình!
Thầy tướng thấy Hữu Chi ngang ngược không hiểu lý lẽ, đành lấy trong tay chùm hạt châu đưa hắn. Hữu Chi nhìn chùm hạt, bên trong có lò lửa, vạc sôi, bên cạnh có những người đầu quỷ ghê gớm, lại trông thấy mình đang bị gông xiềng, lấm lét sợ toát mồ hôi. Lý hỏi có cách gì cứu gỡ không. Thầy tướng liền nói:
“Gốc ác đã sâu, mầm vạ sắp nẩy. Cái kế cần kíp ngày nay chỉ còn có đuổi hết hầu thiếp, phá hết vườn ao, trút bỏ binh quyền, quy đầu phúc địa, tuy tội chưa thể khỏi được, nhưng cũng còn có thể giảm trong muôn một.”
Lý ngẫm nghĩ lúc lâu rồi nói:
“Thôi thầy ạ, tôi không thể làm thế được. Có ai lại vì lo cái vạ sau này chưa chắc đã có, mà vứt bỏ những cái công cuộc sắp thành làm hì hục trong mấy năm bao giờ”.
Sau đó hắn càng làm những sự dâm cuồng, chém giết, không kiêng dè gì cả. Người mẹ già và con trai Hữu Chi là Thúc Khoản gắng can ngăn, nhưng hắn vẫn chứng nào tật nấy.
Năm 40 tuổi, Lý chết ở nhà. Ngoài đường xá người ta xì xào bàn bạc: Kẻ làm thiện lại thường phải chết bởi binh đao, kẻ hành ác lại được chết trong nhà cửa. Đạo trời để đâu không biết!
Trước đây Thúc Khoản có người bạn hiền tên Nguyễn Quỳ, là người khảng khái chuộng khí tiết nhưng đã chết 3 năm nay. Một hôm Thúc Khoản bắt gặp Nguyễn Quỳ ở đường. Nguyễn Quỳ nói:
“Phụ thân sắp bị đem ra tra hỏi. Tôi vì quen thân với anh, nên đến bảo cho anh biết trước. Anh có muốn xem, tối mai tôi cho người đến đón, anh sẽ được xem. Nhưng xem rồi cần phải giữ kín. Nếu nói hở ra một lời thì tai vạ sẽ lây sang đến tôi ngay.”
Nói xong, Nguyễn Quỳ biến mất không thấy đâu nữa. Đến hẹn, Thúc Khoản thấy mấy người lính đầu ngựa đón anh tới một cung điện lớn. Trên điện có một vị vua, bệnh cạnh đều là những người áo sắt mũ đồng trông rất nghiêm túc.
Chợt lúc này có bốn vị phán quan đi ra, mà một vị là Nguyễn Quỳ. Họ mỗi người tay cầm thẻ, quỳ đọc ở trước án son.
Mỗi vị quan tâu với đức vua về bốn người khác nhau và những việc thiện ác đã làm khi còn sống.
Có viên quan tên Mỗ, không kiêng sợ kẻ quyền quý, chức vụ cao mà khiêm nhường, xả bỏ thân mệnh chết vì việc nước nên được tâu xin làm tiên.
Có gã họ Đinh, sống chẳng hòa thuận, chiếm cướp ruộng nương nên buộc phải thác sinh vào nhà kẻ hèn, đói khát, nằm vạ vật ở ngòi rãnh.
Đức vua đều y theo lời tâu.
Kế đó lại có một người áo đỏ tâu rằng công việc của ông là coi giữ, có người họ Mỗ tên Mỗ, đã giam cầm trong ngục một năm nay xin được đem ra xét xử.
Sau khi bản buộc tội đọc xong thì thấy Hữu Chi bị áp giải ra, đặt quỳ phủ phục dưới cửa, bị đánh roi đến máu tươi bắn ra nhầy nhợt. Hữu Chi kêu lên đau đớn không chịu nổi.
Đối với tội trêu ghẹo vợ người khác, dâm con người, Hữu Chi bị bỏ vào vạc sôi khiến thân thể nát rữa. Sau khi lấy nước thần rẩy, một lát Hữu Chi lại trở lại lành lặn như người thường.
Với tội chiếm ruộng, phá sản của người, Hữu Chị bị rạch bụng moi hết gan ruột phủ tạng. Rồi lại lấy cành dương phất thì một chốc thân thể lại nguyên lành.
Khi nghe tới tội phá mồ mả của người đời xưa, hủy đạo thường với người ruột thịt, Đức Vua im lặng rồi phán áp giải vào ngục Cửu U chịu đủ mọi hình phạt như lấy dùi lửa đóng vào chân, rắn độc cắn vào bụng, chim cắt mổ vào ngực… trầm luân kiếp kiếp không bao giờ ra khỏi.
Quỷ sứ liền lôi Hữu Chi điệu đi. Bấy giờ Thúc Khoản dòm thấy khóc thất thanh. Thúc Khoản bị người sứ bưng miệng đưa về nhà. Tỉnh dậy, anh thấy người nhà ngồi chung quanh mà khóc, nói anh đã chết 2 ngày, vì thấy ngực còn thoi thóp nên chưa dám đem đi chôn.
Thúc Khoản sau đó từ bỏ vợ con, đem của cải chia cho mọi người, đốt hết văn tự ghi nợ, vào rừng hái thuốc, ẩn cư tu luyện.
Cảm ngộ
Câu chuyện có ý răn đe người đời sau, chớ phạm việc ác; giữ tâm ngay chính, hành thiện, ắt trông cây phúc đức cho mình. Gieo mầm ác sẽ gặt quả ác, cho dù sống không bị vạ cũng khó thoát khỏi lưới trời.
Phật gia giảng: “Nhân tại mê trung”, con người đều là sống trong mê, giống như người ta thấy Hữu Chi chết trong nhà thì bất bình rằng kẻ ác sao có thể ra đi thanh thản thế, nhưng họ đâu biết bản án mà ông ta phải nhận sau khi chết còn đáng sợ hơn, đời đời kiếp kiếp đều không thể ra khỏi ngục tối. Con người chờ đợi đến lúc thấy mới tin, nhưng Hữu Chi thấy rồi không tin, đến khi xuống địa ngục thì không còn cơ hội nữa rồi.
Ngoài ra câu chuyện còn nói lên một đạo lý rằng Đức không xứng với địa vị tất sẽ gặp họa. Đức mỏng mà quyền cao, trí tuệ thấp kém mà nuôi nhiều tham vọng, năng lực nhỏ mà đảm nhiệm trọng trách, đều là không cân bằng, đều là mầm mống cho tai họa.
Cho nên làm người ắt phải tích đức hành thiện, sống ngay thẳng, phân rõ thiện ác, lấy tấm lòng thiện lương chân thành mà đối đãi với người, không cần phải chứng minh cho người khác, trời xanh ắt sẽ thấu tỏ.
Các đoạn trích trong bài, từ bản Truyền Kỳ Mạn Lục của Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học Tp.HCM, 1988.
Video xem thêm: Tổ tiên tích đức thay vận mệnh, con cháu vinh hoa lộc mãn đường