Những ngôi chùa cổ trong núi sâu còn lưu lại những Thánh tích linh thiêng. Hầu hết những người có tín ngưỡng Thần, Phật đều đã có trải nghiệm vào chùa, chiêm bái tượng Phật. Tuy nhiên, những pho tượng Phật được cúng phụng trong chùa, ngoài những tượng điêu khắc bằng gỗ, đá hoặc những pho tượng đúc bằng kim loại, còn có rất ít là nhục thân bất hoại của các cao tăng đại đức – được gọi là chân thân, lưu lại sau khi viên tịch.
Điều đặc biệt nhất trên chân thân của các cao tăng, là chúng qua hàng nghìn năm vẫn bất hủ bất hoại; da, cơ và xương, các cơ quan nội tạng, thậm chí cả tóc và móng tay không khác so với khi họ còn sống. Một số người so sánh nhục thân bất hoại này với một “xác ướp” của Trung Quốc. Tuy nhiên, xác ướp là phải kinh qua rất nhiều lần xử lý, còn “xác ướp” hình thành ở vùng khí hậu khô và nóng như Ai Cập, thực chất chỉ là sản phẩm tạo tác. Chân thân của các cao tăng là hình thành tự nhiên, không qua quá trình xử lý nhân tạo, hoàn toàn lật đổ nhận thức cố hữu rằng thi thể sẽ phân hủy và biến mất; có thể gọi là đại kỳ tích về nhân thể.
Trong lịch sử Trung Hoa, xuất hiện rất nhiều trường hợp các cao tăng mà nhục thân không bị phân hủy, và một ít trong số chúng đã may mắn được bảo tồn cho đến ngày nay, khai thị cho thế nhân về sự thần kỳ của Phật pháp. Nhục thân cổ nhất còn lưu lại, chính là chân thân của Lục tổ Huệ Năng Thiền Tông, hiện đang được cúng dưỡng trong điện nội Lục tổ ở chùa Nam Hoa ở Khúc Giang, Quảng Đông. Năm 713 sau Công Nguyên, Thiền sư Huệ Năng viên tịch; hơn 1.300 năm trôi qua, ông vẫn giữ tư thế thiền định, nét mặt trang nghiêm, an nhiên, như đang ở trạng thái nhập định trường cửu. Chân thân của Huệ Năng là bảo vật của Phật giáo, và đã thu hút vô số tăng lữ và thiện nam tín nữ đến chiêm bái.
Trong xã hội ngày nay, nhân gian còn lưu truyền rộng rãi những kỳ văn về nhục thân bất hoại của rất nhiều cao tăng. Có thể có người muốn hỏi, liệu nhân thể có thể siêu xuất quy luật tự nhiên và được bảo tồn vĩnh cửu không? Loại thân thể này có phải là Phật thể – thân thể kim cương bất hoại trong truyền thuyết không? Chân thể của Huệ Năng ẩn chứa những bí mật gì?
Huệ Năng đã tu thành thân thể kim cương bất hoại
Trong Phật điển “Lục Tổ Bàn Kinh” đã ghi lại sự tích việc đắc pháp và truyền pháp của Huệ Năng trong suốt cuộc đời ông, trong đó có “Chúc phó phẩm” – kể lại tình hình trước và sau khi viên tịch của ông, trở thành tư liệu trân quý để nghiên cứu về chân thân của Huệ Năng cho hậu thế.
Theo ghi chép của Phật điển, vào ngày 8 tháng 7 năm 713, Huệ Năng đã tập hợp các đệ tử của mình để thông báo về thời điểm viên tịch, và giảng cho họ bài giảng cuối cùng: “Các ngươi đến gần đây, ta muốn rời khỏi thế gian vào tháng Tám, các ngươi có câu hỏi gì, hãy hỏi sớm, giúp các ngươi phá nghi, đương lệnh mê tận, để ta an nhạc.” Ngày 3 tháng 8, Huệ Năng triệu tập đệ tử một lần nữa sau khi nhịn ăn: “Các ngươi ngồi đả tọa ở đây, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau chờ đợi.” Ông nói câu này và yêu cầu các đệ tử đừng buồn và khóc.
Vào canh ba, Huệ Năng nói một câu: “Ta đi đây!” Sau đó, ông an nhiên tọa hóa, nhập tháp kham thu táng, hưởng thọ 76 tuổi. Vào thời điểm đó, căn phòng tràn ngập mùi hương, bên ngoài cầu vồng chìm xuống đất, cây cối biến thành màu trắng, cầm thú cũng than khóc, thiên địa vạn vật dường như đều vì sự ly thế của Huệ Năng mà đau buồn. Vào tháng 11, các nhà sư đã thắp hương cầu nguyện, và được thiền sư chỉ dẫn đưa quan tài đặt chân thân của ông về Tào Khê. Vào ngày 25 tháng 7 năm sau, các đệ tử mở quan tài, và thiền sư Phương Biện đã bôi “hương nê” lên chân thân của Huệ Năng. Trước khi Huệ Năng tọa hóa, ông đã nói rằng mình sẽ gặp kiếp nạn bị đạo chích lấy thủ cấp; các đệ tử đã dùng lá thiết diệp và vải sơn để bảo vệ cổ ông, rồi mới lại chôn cất trong tháp một lần nữa. Một điều thần kỳ lại xảy ra, trong tháp đột nhiên xuất hiện một cột sáng trắng cao vạn trượng, chiếu thẳng lên trời, ba ngày sau mới tan biến.
Từ văn tự còn lưu lại, có thể thấy, trước khi viên tịch, Huệ Năng thần trí thanh tỉnh, ăn nói bình thường, không hề có dấu hiệu suy nhược và suy sụp như những người bình thường qua đời. Hơn nữa, Huệ Năng sống ở Quảng Đông, nơi có khí hậu nóng ẩm và vật liệu rất dễ hư hỏng, thối rữa, nhưng chân thân của Huệ Năng vẫn nguyên vẹn dù trong điều kiện này, tựa như được bảo trì hoàn hảo; đây chẳng phải rất thần kỳ sao?
Đối với loại chân thân bất hoại, trong sách cổ có miêu tả gì? Cuốn sách “Mặc khách huy tê” của Bành Thừa thời Bắc Tống ghi lại rằng, có một vị hòa thượng gọi là “Vô Mộng”, sau khi tọa hóa, tóc của ông vẫn mọc lên một hai thốn (vài cm) mỗi tháng, vẫn cần định kỳ cạo râu; cơ thể của ông được bảo tồn nguyên vẹn, nước da hồng hào. Khi xem lại thì được biết ông là một đại Đạo cao tăng. Ghi chép trong cuốn “Đào Am mộng ức” của Trương Đại thời Minh triều cũng ghi lại rằng Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã nhìn thấy chân thể bất hoại của hòa thượng Tế Công thời Nam Bắc triều, với móng tay vẫn mọc rất dài, quấn vài vòng quanh thân.
Truyền kỳ về Hàn Ba Lạt Ma thứ 12
Trong thế giới hiện tại, tờ “Pravda” (Báo Chân lý) của Nga cũng đưa tin truyền kỳ của Hàn Ba Lạt Ma thứ 12, vị thủ lĩnh của Phật giáo Tây Tạng.
Năm 1927, Hàn Ba 90 tuổi viên tịch, yêu cầu các đệ tử của mình ba mươi năm sau mở quan tài và lấy di thể của ông ra. Năm 1955 và 1973, các đệ tử mở quan tài của Hàn Ba và thấy rằng nhục thân của ông bất hoại, và vẫn bảo trì tư thế đả tọa. Vào thời điểm đó, nước Nga bị cai trị bởi đảng Cộng sản Liên Xô, niềm tin tôn giáo bị đàn áp, nên phải đến năm 2002, bí mật của Hàn Ba mới được tiết lộ với thế giới. Sau khi chân thể của ông được đào lên, vẫn trông giống như ông vừa mới qua đời, và ngay lập tức gây chấn động thế giới. Các chuyên gia khoa học và bệnh lý cũng đã bắt đầu triển khai nghiên cứu nhục thân của Hàn Ba.
Theo Galina Yershova, một giáo sư tại Đại học Nhân văn Quốc gia Nga, khi mở quan tài đá nơi Lạt Ma đang yên nghỉ, họ ngửi thấy một mùi thơm. Họ cũng phát hiện ra rằng, các khớp xương của Hàn Ba rất dễ uốn, và các mô cơ vẫn linh hoạt như người sống.
Nhà nghiên cứu bệnh lý Yuriy Tampereyev đã kiểm tra, nghiên cứu nhục thân của ông; Hàn Ba từ đầu đến chân mà không có bất kỳ dấu vết nào của việc xử lý thủ công như rạch, khâu và tiêm. Ngoại trừ nhiệt độ cơ thể dưới 20°C, chân thân này không hề cứng, phân hủy và bốc mùi hôi thối vốn là các đặc trưng của thi thể người thường.
Viktor Zvyagin, một chuyên gia của Trung tâm Pháp y Liên bang Nga, được sự đồng ý của Học viện Phật giáo, đã lấy một lượng nhỏ các mẫu tóc, da và móng tay để nghiên cứu, và nhận thấy rằng các mô protein của nhục thân vẫn còn hoạt động. Hóa ra da, tóc, móng tay và các mô khác của Hàn Ba không khác gì người sống.
Vào năm 2017, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc quan trắc bằng tia X đối với một bức tượng kim thân của một vị cao tăng được tôn trí trong chùa Định Huệ ở Hàm Đan, và kết quả thu được rất đáng kinh ngạc. Vị cao tăng này là pháp sư Từ Hiền triều Liêu và Tống, có lịch sử cách đây một nghìn năm. Tuy nhiên, các nhân viên kiểm trắc đã phát hiện rằng xương sườn, xương sống, răng, xương hốc mắt và các tổ chức nhân thể khác, bao gồm các khớp, đều có thể nhìn thấy rõ ràng trong bức tượng; thậm chí có thể nhìn thấy cả tổ chức đại não y như người thường. Không chuyên gia nào có thể đưa ra lời giải thích hợp lý, bởi xét cho cùng, lớp da bên ngoài có thể được bảo quản bằng nhiều biện pháp sát trùng, nhưng các cơ quan nội tạng khác nhau thì khó có thể giữ được ngàn năm bất hoại.
Nói cách khác, nhục thân của các cao tăng, cả trong thời cổ đại và hiện đại, cả trong và ngoài nước, đều có những đặc điểm thần kỳ và nguyên vẹn giống như họ còn sống.
Chân thân của Huệ Năng chịu nạn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa
Tuy nhiên, ngày nay chúng ta khi bước vào chùa Nam Hoa để chiêm ngưỡng chân thân của Huệ Năng, có thể cảm thấy ngạc nhiên. Da của ông đã chuyển sang màu nâu tím đậm. Người dân địa phương cũng có tin đồn, nói rằng trên chân thân của Huệ Năng có thể nhìn thấy một cái lỗ hổng, có thể thấy bên trong có một cây sắt làm giá đỡ, và được nhồi đầy bùn và rơm; bề mặt của chân thể được sơn nhiều lần tạo thành một lớp vỏ cứng. Chân thể thực sự của Huệ Năng có phải chỉ là một cái vỏ rỗng không? Sự thật cuối cùng là gì?
Hồi tố lại lịch sử, chúng ta sẽ phát hiện rằng, có những dấu tích của nhân công trên chân thể, nhưng không phải đồ tạo giả, mà là chân thể của Huệ Năng đã nhiều lần bị phá hoại, hậu nhân sau đó đã bất đắc dĩ phải dùng đến những phương thức bổ cứu như vậy. Kể từ khi Huệ Năng viên tịch, chân thể của ông đã phải trải qua nhiều lần kiếp nạn: một lần bị cắt rời đầu, hai lần bị cắt ngón tay, ba lần bị mổ nội tạng v.v., có thể bảo tồn đến ngày nay thật không dễ dàng.
Nghiêm trọng nhất tất nhiên là ba lần bị mổ nội tạng. Lần đầu tiên xảy ra vào những năm cuối của triều Nam Tống. Vị danh thần Văn Thiên Tường đã viết bài thơ “Nam Hoa Sơn”, phần phụ lục đề cập đến việc chân thể của Huệ Năng đã bị một đám loạn quân moi tim móc gan. Ông đã cảm thán mà nói: “Dù biết có nghịch cảnh, Phật cũng không thể được miễn, huống chi là người.”
Lần thứ hai là vào thời Tây An triều Thanh, chân thể của Huệ Năng lại chịu nạn binh kiếp và bị mổ bụng. Những loạn binh đang chạy trốn đã chạy đến ngôi chùa và mổ phanh chân thân của Huệ Năng. Chân thân của Huệ Năng đã chịu tổn hủy cực đại, nên mới có hậu nhân tu phục, để lại nhiều dấu vết nhân tạo. Một số học giả đã suy đoán rằng rơm và bùn trám đầy trong chân thể ông rất có thể đến từ việc trùng tu từ triều Thanh. Tuy nhiên, những vết thương mà chân thể của Huệ Năng đã phải chịu đựng trong hàng nghìn năm còn ít hơn thiệt hại do thảm họa của “Cách mạng Văn hóa” sau khi ĐCSTQ soán đoạt chính quyền, và nó tựa hồ như đã bị hủy hoại hoàn toàn.
Nói đến đây, không thể không nhắc đến một người, đó cao tăng Phật Nguyên. Ông là đệ tử của thiền sư Hư Vân, một thiền sư nổi tiếng thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, và từng đảm nhiệm chức trụ trì của nhiều danh tự. Thời kỳ Nhật xâm lược Trung Hoa, Phật Nguyên đã phụng mệnh Hư Vân để bí mật di chuyển chân thể của hòa thượng Huệ Năng, Hàm San và Đan Điền từ chùa Nam Hoa đến một nơi bí mật ở Vân Môn tự.
Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, chân thể của Huệ Năng đã không được miễn nạn. Cuốn “Tân biên Tào khê Thông chí” ghi lại rằng “phái tạo phản” đó đã tàn bạo lấy cả ba chân thân quý giá đó, mang đi diễu hành trên phố, phê bình đấu tranh, và thậm chí chuẩn bị thiêu hủy chúng như tra tấn người sống.
Phái tạo phản thậm chí còn đâm thủng ngực và lưng của Huệ Năng và Đan Điền, để lại một vết thương lớn bằng miệng cái bát. Chúng đào lấy phủ tạng và xương cốt của họ ra và vứt bỏ trên mặt đất. Hòa thượng Phật Nguyên chứng kiến tất cả thảm trạng, vạn phần đau thương nhưng không dám khóc, chỉ có thể liều mình thu thập linh cốt của hai vị chân thân, đem chôn dưới gốc cây Cửu Long Tuyền khi không còn ai chú ý. Sau đó, ông e rằng vận mệnh của bản thân mình cũng không thể dự liệu được, nên ông đã thỉnh pháp sư Thánh Nhất ở Hồng Kông chụp ảnh và ghi lại, đợi đến khi thái bình sẽ lấy lại linh cốt.
Năm 1979, Phật Nguyên được “bình phản”, mới dám công bố việc thu giữ linh cốt, nhờ đó mà linh cốt của Huệ Năng và Đan Điền lại được nhìn thấy ngày nay. Điều đáng tiếc là linh cốt của Đan Điền đã bị phân hủy không còn gì; còn linh cốt của Huệ Năng cũng bị nhiễm nấm mốc, và chỉ có thể đưa trở lại chân thể sau khi xử lý. Bằng cách này, Chân Thân Ngàn Năm đã được thu thập lại sau thảm họa, và nó trở thành những gì chúng ta thấy trong tự viện ngày nay.
Trong một số pháp môn của Phật giáo, những người có nhục thân bất hoại chính là đã tu thành một “xá lợi toàn thân”, và nhục thân của họ cũng được tôn thành “nhục thân Bồ Tát” để được tôn thờ. Vì vậy mà “nhục thân bất hoại” phản ánh cảnh giới cao thâm mà người tu hành đạt tới, tương đương với “công thành viên mãn”.
Khi Thiền sư Phật Nguyên bí mật thu thập linh cốt của chân thể của Huệ Năng, lại có một phát hiện tình cờ khác. “Màu sắc linh cốt của Lục Tổ Huệ Năng như vàng, cứng chắc như vàng; còn linh cốt của Đan Điền có màu đen và nhẹ, [so với của Huệ Năng thì] khác biệt như vàng và đồng!”, từ đó có thể thấy ấn chứng về tầng thứ bất đồng của người tu hành.
Vào thời kỳ đầu Phật giáo mới sản sinh, hầu hết các tăng lữ đều sử dụng phương thức hỏa táng, và nhục thân sau khi thiêu đã để lại nhiều xá lợi tử. Từ thời nhà Hán, Phật giáo đã dần dần truyền nhập vào Trung thổ, và kết hợp với phong tục của Trung Hoa – các tăng nhân sau khi viên tịch dùng phương thức thổ táng. Người ta sau đó mới dần khám phá ra hiện tượng thần kỳ là nhục thân bất hoại của người tu hành. Vì vậy, những cao tăng đắc đạo, sau khi đã tu thành Phật, phải chăng đã vì nhân loại mà triển hiện những thần tích này?
Khi còn tại thế, Lạt Ma Hàn Bồ đã từng nói: “Khi người ta không còn tín ngưỡng, lúc đó ta sẽ hiện thân, và khiến con người phải suy nghĩ về ý nghĩa của sự sinh tồn!” Có lẽ hiện tượng nhục thân bất hoại xuất hiện chính khi đạo đức xã hội suy giảm, thể hiện lực lượng của Phật pháp, trọng tân quy chính lại quan niệm và tín ngưỡng của thế nhân.
Mọi người biết đấy, ngoài xá lợi tử và nhục thân bất hoại, hai gia phái Phật và Đạo, tại thời điểm đạt được Viên mãn, có những hiện tượng vô cùng ngoạn mục và phi thường. Ví dụ, Mật Tông có hiện tượng “Hồng hóa”, tức là nhục thân của vị cao tăng sẽ biến thành cầu vồng rồi thăng thiên. Trong Đạo giáo có “thi giải”, tức là đạo sĩ biến vật thể thành xác chết của họ, còn bản thân mình thì tu thành Thần thể. Ngoài ra còn có “Bạch Nhật Phi Thăng”, tức là người tu đạo viên mãn thăng thiên lên các tầng trời trong ánh sáng ban ngày.
Tuy nhiên, những phương thức viên mãn này quá khư huyễn, chỉ còn lưu tồn trong các văn tự ghi chép và khẩu nhĩ tương truyền của mọi người. Còn nhục thân bất hoại là kỳ tích thực thực tại tại còn lưu tồn trên đời; khiến ngay cả những người không tin Thần, Phật, đối diện với chân thể hữu hình, chạm tới được này cũng không khỏi chấn động và kinh ngạc nhân tâm, khi suy nghĩ về không gian của vũ trụ và sinh mệnh.
Trải qua hàng nghìn năm, chân thân của Huệ Năng đã phải hứng chịu đủ loại kiếp nạn, so với thuở sơ khai đã hoàn toàn khác. Tuy nhiên, ngay cả khi chân thân tôn kính này bị hư tổn, nó vẫn ngự trong Phật điện, ấn chứng cho Phật pháp và cổ vũ tín chúng. Trong “Đàn Kinh” có nói, Thiền Tông chỉ truyền đến Lục Tổ. Ngày nay chúng ta đang sống trong thời kỳ mà Phật giáo gọi là “thời kỳ mạt pháp”, thì Phật pháp ở đâu phổ độ cho chúng sinh? Huệ Năng không nói cho hậu thế biết, lý do vì sao ông lưu lại chân thể bất hoại ngàn năm tuổi này, nhưng ông đã sử dụng phương thức lặng lẽ này để dẫn đạo chúng sinh: Nhân sinh là cõi tạm, truy tầm chính pháp đại đạo, mới là thoát ly biển khổ, hồi quy sinh mệnh trở về Thiên Quốc.
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Time, Hương Thảo biên dịch