Trong văn hoá Thần truyền, hai trường phái tu luyện nổi tiếng nhất là Phật gia và Đạo gia. Nói về Đạo gia, không thể không nhắc đến Trương Tam Phong – vị đạo sĩ đã đắc đạo thành tiên mà hậu nhân vẫn gọi là “Trương Chân Nhân”.
Cuộc đời của Trương Tam Phong gắn liền với những câu chuyện kỳ tích siêu trần thoát tục, nổi tiếng qua hơn 400 năm lịch sử từ triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Trong lịch sử xưa nay, vấn đề thân thế của Trương Tam Phong vẫn luôn là bí ẩn chưa có lời giải đáp, có thuyết cho rằng ông là người thời nhà Kim (thời Nam Tống). Hơn nữa, điều thần bí hơn cả đó là tới nay, người ta vẫn không biết được ông sinh tử ra sao.
Trương Tam Phong tu luyện đắc Đạo thành tiên, còn được gọi là “Chân Nhân”, trong Đạo gia thì Chân Nhân cũng có nghĩa là Thần Tiên, có thể trường sinh bất lão, cũng có nghĩa là “thọ cùng với trời đất”.
Trường sinh bất lão có lẽ là điều mà mỗi người đều mong cầu, và trong rất nhiều ghi chép lịch sử, người ta còn thấy rằng các bậc đế vương cũng không ngoại lệ. Không ít bậc vua chúa xưa kia đã nhọc tâm, khổ sức để tìm cho mình một phương thuốc trường sinh, như Thành Cát Tư Hãn, Tần Thuỷ Hoàng, và cả Minh Thành Tổ.
Minh Thành Tổ cầu gặp Trương Tam Phong
Nhắc đến việc Minh Thành Tổ tìm thuốc trường sinh, trong lịch sử từng được ghi chép lại như sau:
Trương Tam Phong đắc Đạo thành tiên, danh khắp thiên hạ, chấn động triều đình. Minh Thành Tổ Chu Lệ hạ chiếu thư mong cầu gặp mặt. Tương truyền lúc bấy giờ Trương Tam Phong đã 137 tuổi nhưng ông từ chối gặp. Minh Thành Tổ thành tâm thật ý, cung kính viết một bức thư để biểu đạt tấm lòng kính ngưỡng, sùng bái và hết lòng mong chân tiên giáng lâm nhưng Trương Tam Phong vẫn mặc nhiên bất động tâm.
Tại sao Minh Thành Tổ lại muốn tìm gặp Trương Tam Phong? Đương nhiên Trương Tam Phong rất rõ điều này, bởi vì những người tu luyện đạt tới tầng thứ cảnh giới như ông thì đương nhiên có được công năng “Tha tâm thông”, biết được bụng dạ suy nghĩ của phàm nhân. Minh Thành Tổ cầu gặp cũng chẳng qua là vì muốn có được tiên đơn trường sinh bất lão, nên Trương Tam Phong nhất mực ẩn cư và viết một bài gửi đến cho Minh Thành Tổ:
“Trời đất giao hòa tạo hóa công,
Quốc gia thịnh trị Đạo hanh thông.
Hoàng Cực Điện kia rồng hổ tĩnh,
Trống chuông văng vẳng vượt tầng không.
Thần nơi hoang dã là vô dụng,
Vua hỏi tiều phu ấy hữu tình.
Dám đem lời mọn phiền Thánh đế,
Thanh tâm quả dục phép trường sinh”.
Trương Tam Phong muốn nói rằng, Hoàng đế là phụng mệnh của trời đất trị vì thiên hạ, giúp cho quốc thái dân an, còn thần chỉ là một thảo dân nơi hoang vắng, nay cũng xin mạo muội nói về bí quyết của thuật dưỡng sinh với thánh thượng. Bí quyết của thuật trường sinh chính là nằm ở chỗ thanh tâm quả dục, coi trọng đạo đức, khắc chế dục vọng, tâm thân thuần tịnh, coi thường danh lợi. Muốn trường sinh bất lão thì không có biện pháp nào khác ngoài việc “thanh tâm quả dục”.
Trương Tam Phong thi triển Thần tích “Kim điện phi thăng”
Sau cùng, khi nhận được khai thị của Trương Tam Phong, Minh Thành Tổ đạt được tâm nguyện của mình, vô cùng cảm động mà đền đáp công ơn ấy. Trong Sử Ký có ghi: “Minh Thành Tổ hạ lệnh cho người chỉ đạo hơn 30 vạn công nhân và chi vô số vàng bạc kim ngân tiến hành đại trùng tu đạo quán Võ Đang, Minh Thành Tổ còn ban danh là Thái Hòa Thái Nhạc Sơn, đồng thời cho quân lính canh giữ”.
Minh Thành Tổ xây Thái Hòa Cung, tế bái Chân Vũ Đại Đế, xây Ngộ Chân Cung và dâng cho Trương Tam Phong tất cả gồm bát cung, nhị quán, 36 miếu đường, 72 động thờ, 39 cầu nối, 12 đình đài, là một quần thể kiến trúc nguy nga rộng lớn, hoàn toàn phù hợp với dự ngôn của Trương Tam Phong trước đó. Kỳ thực đối với một người tu luyện đắc đạo thì việc dùng công năng túc mệnh thông để biết về quá khứ, vị lai, sự biến hóa của xã hội là điều quá giản đơn.
Tới năm Vĩnh Lạc thứ 14, cuối cùng Minh Thành Tổ cũng có cơ duyên gặp mặt tiên nhân Trương Tam Phong mà hỏi về tu Đạo. Trương Tam Phong cũng thuận cảnh tùy duyên mà ngâm khúc nhạc “Phỏng đạo cầu huyền tẩu tận thiên nhai” (đây là một khúc tiên ca của Đạo gia). Khi ngâm xong liền ung dung bước xuống kim điện rồi bay lên trời rời đi trước mặt Minh Thành Tổ và văn võ bá quan có mặt lúc đó, khiến cho cả triều đình chấn động mà thốt lên rằng: Phật sống! Thế nhân quả thật có Thần Tiên tồn tại! — (Trích Trương Tam Phong toàn tập)
Thanh tâm quả dục là bí quyết của trường sinh
Sau cuộc hội ngộ, tuy Trương Tam Phong không ban cho Minh Thành Tổ tiên đơn đạo dược để trường sinh bất lão nhưng ông đã giảng về thuyết trường sinh, đó chính là: “Thanh tâm quả dục”. Vậy tạo sao thanh tâm quả dục lại có thể giúp con người trường sinh bất lão? Trương Tam Phong đã nói rất rõ đạo lý trong tập Đại Đạo Luận.
Con người là anh linh của vạn vật trong trời đất, là tôn quý nhất, chỉ tiếc rằng con người lại dễ bị cái mê của thế nhân làm cho đắm chìm trong danh lợi và ái dục, ân tình. Khi tâm chìm sâu trong những thứ đó thì lòng tham vô đáy trỗi dậy, cho tới lúc trăm tuổi về già, có hối hận thì việc cũng đã muộn rồi.
Tu luyện là kim đơn linh dược của trường sinh
Trương Tam Phong nói: “Ai biết được có thuốc trường sinh bất lão hay không? Ai có thể lĩnh ngộ được sự vi diệu của kim đơn linh dược? Kim đơn linh dược này không phải là không có ở thế gian, mà đã có ngay từ khi chúng ta được sinh ra, nó không đâu xa xôi mà gần ngay gang tấc”.
“Bậc tiên nhân có đạo trường sinh”, đạo trường sinh chính là đạo tu tiên, tu luyện thành tiên, nhưng chỉ có bậc Thần tiên (Chân Nhân) mới có thể trường sinh bất lão. Cho nên tu luyện chính là phương thuốc trường sinh bất lão, tu luyện chính là kim đơn linh dược.
Tính mệnh song tu chính là tu tính, cũng là tu mệnh
Trương Tam Phong nói: “Nội dược thì dưỡng tính, ngoại dược lập mệnh, tính mệnh song tu chính là phương thức tu luyện Thần tiên”. Tu luyện là biến một người từ bình thường thành Thần tiên thông qua phương pháp tu luyện của mình, còn tu tính chính là tu thân, tu tâm tính, phải coi trọng đức. Thanh tâm quả dục cũng là nội dược, hay còn gọi là nội đan. Còn tu mệnh chính là trường sinh đạo, cần tu luyện khí công, đây là ngoại dược, là ngoại đan.
Tu đạo lấy tu thân làm trọng, mà tu thân thì trước tiên cần phải thành tâm thành ý, tâm thành ý nguyện từ bỏ điều xấu, tâm không tạp niệm, lòng không nghĩ điều tà, tư tưởng đoan chính, không bị vật chất làm cho ràng buộc, mê mờ. Đây cũng chính là nói phải đạt tới cảnh giới thanh tâm quả dục, xem nhẹ vật chất danh lợi. Như vậy có thể đạt tới cảnh giới “Thần toàn, khí tráng, tùy mãn tinh doanh” (Tinh thần và khí huyết sung mãn).
Câu chuyện Trương Tam Phong thi triển thần tích “Kim điện phi thăng” là có thật trong lịch sử, khiến Minh Thành Tổ và văn võ bá quan trong triều chấn động mà thốt lên rằng: “Phật sống!”. Sau này, vào triều đại Minh Anh Tông, Minh Thế Tông, Minh Hi Tông, Trương Tam Phong đều nhiều lần hiện thân hoặc hiển linh giáo hóa chỉnh sửa điều sai của các hoàng đế. Cũng từ đó, Trương Tam Phong đã trở thành Thần bảo hộ của các triều đại nhà Minh.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Minh Vũ biên dịch