Việc giữ gìn sự sạch sẽ trong sinh hoạt thường ngày của các nền văn minh Trung Quốc cổ đại thật sự tốt hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng. Thậm chí một số phương pháp giặt quần áo và làm sạch cơ thể của họ vào lúc thế giới còn chưa sử dụng nước sạch hay hóa chất, phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta mong đợi.
Qua nhiều thế kỷ, con người đã không ngừng cải tiến các giải pháp làm sạch bằng thực vật khi chưa có xà phòng, bột giặt như ngày nay để giữ quần áo và cơ thể trắng sạch, thơm tho.
Vào triều đại nhà Chu cách đây cách đây 3.000 năm, người Trung Quốc đã khám phá ra rằng việc sử dụng tro của một số cây trồng có thể loại bỏ được vết bẩn gây ra do dầu mỡ. Phương pháp này được ghi lại trong “Các nghi lễ của thời Chu”, một tài liệu quý hiếm ghi lại các nghi lễ của một trong những triều đại đầu tiên của Trung Hoa cổ đại.
“Bản ghi thương mại”, một tài liệu ghi lại những sự kiện cuối thời nhà Chu cho đến thời Chiến Quốc (khoảng 700 – 221 TCN), trong đó có ghi chép về các cách thức, phương pháp làm sạch của triều đại nhà Chu và luôn luôn được cải tiến mới. Cụ thể, người thời đó đã biết trộn tro của các loại cây trồng với vỏ sò nghiền nát, tạo ra một hỗn hợp có tính kiềm có thể loại bỏ vết bẩn trên tơ lụa.
Sau đó, người Trung Quốc đã khám phá ra một dạng Saponin có thể chiết xuất từ tro của cây Cốt Khí Củ (thuộc họ rau răm) và cây Ngải Cứu. Phương pháp này đã trở nên phổ biến bắt đầu từ triều đại nhà Hán (206 trước Công nguyên – 220 sau Công nguyên). Khoảng một ngàn năm sau, vào triều đại nhà Tần, Saponin được làm thành thỏi để bán. Các cửa hàng ở Bắc Kinh chuyên bán các thỏi thơm có hình trái cây vẫn còn hoạt động mãi cho tới sau này và bị đóng cửa vào những năm 1950.
Người dân của Trung Quốc cổ đại, cũng giống như bất kỳ khu vực nào khác vào thời kỳ đó, không có nhiều nước sạch để sử dụng cho việc tắm rửa. Trong triều đại nhà Tần (221-206 trước Công nguyên.) họ đã biết tái sử dụng nước gạo để gội đầu và rửa mặt. Nhà sử học nổi tiếng thời nhà Hán, Tư Mã Thiên đã viết về gia đình của một vị hoàng hậu nghèo khó đến mức em trai của bà đã bị bán đi khi còn trẻ. Trước khi em trai phải rời đi, bà đã cầu xin một chút nước gạo còn sót lại để gội đầu cho người em trai của mình.
Một loại chất rửa được gọi là “Tảo đậu” đã được sử dụng vào thời kỳ của các triều đại phía Bắc và phía Nam (420-589). Thật lạ lùng, những “hạt đậu” này được làm ra từ tuyến tụy của heo, như trong một cuốn sách do danh y Tôn Tư Mạc nổi tiếng thời nhà Đường có ghi chép lại.
Cuốn sách cũng mô tả, sau khi tách mở hết bao tụy tạng heo, rửa sạch máu bầm, rồi nghiền nát như cháo, sau đó trộn với bột đậu cùng hương liệu, vo viên nhỏ và phơi khô. Khi sử dụng, nó sẽ tiết ra các enzim tiêu hóa và tạo ra hiệu ứng bọt cùng với saponin và lecithin trong đậu. Các sản phẩm này không chỉ làm sạch da mà còn dưỡng da rất tốt nên khá đắt tiền.
Sau đó, các phiên bản khác nhau của hạt tắm “tảo đậu” này đã được phát triển để sử dụng trong việc tắm rửa và giặt giũ. Tôn Tư Mạc đánh giá những sản phẩm cải tiến này có giá cả phải chăng hơn cho những người có điều kiện kinh tế không quá cao.
Đến đời nhà Đường, người ta đã biết tới công dụng của cây Bồ Kết. Trong trái bồ kết có nhiều chất Glucocid, khi hòa vào trong nước lã sẽ tạo thành bọt như xà phòng, có tính chất khử sạch bụi bẩn. Một trong Tứ đại danh tác của Trung Hoa là Hồng lâu Mộng có nói đến chi tiết cung nhân thường hay ra ngoài vườn hoang, mồ mả để hái trái bồ kết đem về nấu lấy nước giặt giũ.
Cho đến thời kỳ hưng thịnh nhất của triều đại nhà Đường, nhiều nhà buôn đã biết dùng Bồ Kết giã nát rồi trộn chung với bột làm thành những viên lớn bằng nắm tay con nít. Theo đó, họ truyền nhau cách làm xà phòng Bồ Kết: “tháng mười hái trái Bồ Kết đem về phơi khô, giã nát rồi đun chín, hòa với bột mì trắng và hương liệu nước hoa rồi cô lại, vo viên mà bán. Nước này dùng để tắm, rửa mặt, sạch ghét mà da lại tươi nhuận đó là do công dụng của Bồ Kết vậy.”
Một kiểu xà phòng bánh thô sơ khác xuất hiện ở miền đông Trung Quốc trong thời nhà Tống (1127-1279) khi người ta nhào bột mật ong thành những quả bóng có kích thước bằng quả cam. Những quả bóng này tạo ra bong bóng và có hiệu quả trong việc loại bỏ các vết bẩn và bụi bám dính trên quần áo. Từ tiếng Trung cho những quả bóng này có cách phát âm như “feizao” và hiện vẫn còn được sử dụng trong ngôn ngữ hiện đại để chỉ xà phòng.
Trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Tảo đậu đã được cải tiến với đường kính và chất béo từ lợn được đun nóng chảy, bột đậu đã được thay thế bằng natri cacbonat có tính chất tẩy rửa mạnh hơn. Trước khi văn hóa phương Tây tràn vào, thì Tảo đậu vần còn dùng rộng rãi đến triều vua Càn Long nhà Thanh.
Có thể thấy, các hình thái cuối cùng của phương pháp làm sạch của Trung Hoa cổ đại đã gần giống với xà phòng được làm bằng các phương tiện công nghiệp hóa ngày nay. Không rõ về hiệu quả tẩy rửa của xà phòng được làm theo cách cổ xưa và xà phòng hiện đại, nhưng có một điểm ưu việt của phương pháp từ thời cổ đại đó là nguyên liệu làm xà phòng dễ phân hủy khi thải vào môi trường và ít có tác hại cho làn da của con người hơn khi đều có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Chúng ta thường hay hình thành quan niệm rằng người cổ đại mất vệ sinh do khoa học kỹ thuật chưa phát triển. Có vẻ như không phải vậy, các chất tẩy rửa thời đó có thể hiệu quả chưa cao như bây giờ, cách thức làm ra cũng phức tạp và tốn kém, nhưng việc tắm gội, giặt giũ không đơn giản chỉ là một sinh hoạt thường ngày như ngày nay, mà nó còn chứa đựng những nội hàm sâu sắc.
Thời đó, việc tắm cũng mang ý nghĩa văn hóa đạo đức sâu sắc. Câu “cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (mỗi ngày một mới, ngày ngày phải đổi mới, ngày lại ngày đổi mới), do vua Thang khắc lên cái chậu tắm của mình giúp lý giải đơn giản mà mà thuyết phục về hành vi tắm rửa của con người thời cổ:
Với họ tắm không chỉ là tẩy rửa bụi bẩn trên thân thể, quan trọng hơn là tẩy rửa bụi bẩn của tâm hồn.
Nếu có khách đến thăm, khi tiếp khách cứ 3 ngày gội đầu một lần, 5 ngày tắm một lần, như thế mới thể hiện tôn trọng khách. Có thể thấy người xưa rất xem trọng việc tắm. Nhìn từ thể chế xã hội càng thấy rõ điều này. Thời Tây Chu chỉ có sau khi tắm mới được chầu Thiên tử, biểu hiện sự tôn trọng và trung thành. Thời nhà Hán, triều đình còn quy định ngày nghỉ dành cho việc tắm, cứ cách 5 ngày, các quan viên đều về nhà tắm rửa. Thời nhà Đường được đổi thành 10 ngày, gọi là ngày “hưu cán”, một cán là 10 ngày.
Tắm rửa đã trở thành một nghi thức, một cách thể hiện sự trân trọng, tôn kính người khác, cũng như giữ cái tôn nghiêm của bản thân. Người xưa coi trọng đại sự nhưng cũng không quên tiểu tiết, chính mình phải sạch sẽ thì mới có thể làm việc lớn được.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Thiên Uy – Thu Hiền
Xem thêm:
- Phát hiện những tài liệu khảo cổ mô tả cảnh tượng nền văn minh huy hoàng quá khứ kết thúc: chấn động, bi thương và một bài học sâu sắc
- 6 phát minh cổ đại vượt trội công nghệ hiện nay (video)
- Những cách chữa say rượu thời cổ đại