Hoài Nam Tử là bộ sách của Đạo giáo do Hoài Nam Vương Lưu An và nhóm các nhân sỹ cùng biên soạn. Bộ sách còn có tên gọi là Hoài Nam Hồng Liệt, hay Hồng Liệt, nghĩa là “Đạo lý to lớn và sáng tỏ”.

Hoài Nam Tử có nội dung phong phú, sâu rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực như chính trị, triết lý, thiên văn, địa lý, tự nhiên, dưỡng sinh, quân sự… Bộ sách dung nạp tư tưởng Chư Tử đời Tiên Tần, lấy tư tưởng Đạo gia của Lão Trang làm chủ đạo, đồng thời thu nạp quan điểm của Nho gia và Âm Dương gia.

Dưới đây là những câu trích dẫn nổi tiếng, chứa đựng các giá trị tinh hoa trong Hoài Nam Tử:

  • Tiếp theo Phần 1  2

11. Công chính vô tư, nhất ngôn nhi vạn dân tề

Nguyên văn: “公正無私,一言而萬民齊”.

Dịch nghĩa: Người nắm chính quyền nếu công chính vô tư thì hễ nói ra một lời là muôn vạn người dân đều nhất tề hưởng ứng tán thành, nghe theo.

Người xưa cũng nói: Trong lòng vô tư thì Trời Đất rộng mở.

Lục Chí tự Kính Dư là vị tể tướng hiền tài nổi tiếng trong lịch sử. Ông là người công chính vô tư, coi việc thiên hạ là trách nhiệm của mình, dám chỉ ra những sai lầm của quân vương, vạch trần tội ác của bọn gian thần hại nước.

Sau khi Đường Đức Tông kế vị, dùng binh bừa bãi, chiến tranh liên miên khiến mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Quân Kinh Nguyên làm phản, Đường Đức Tông chạy trốn đến Phụng Thiên. Quân phiệt Chu Thử dẫn 10 vạn quân bao vây tấn công, hình thế cực kỳ nguy cấp. Lục Chí dâng tấu khuyên can Đức Tông, chỉ ra rằng hoàng đế nên trị quốc theo Đạo, xa kẻ nịnh thần, xử lý chính sự bằng tấm lòng công chính vô tư. Lục Chí còn khởi thảo cho Đức Tông chiếu đại xá thiên hạ, khiến lòng người cảm động. Chiếu đại xá nói rõ trách nhiệm của người đứng đầu khiến quốc gia loạn lạc:

“Từ khi trẫm lên ngôi đến nay, chinh phạt liên miên, binh sỹ mệt mỏi, người dân nhọc nhằn, dẫn đến nổi loạn, nên trách tội ở bản thân trẫm. Những đồng đảng của Chu Thử, chỉ cần quy thuận triều đình, thì không truy cứu tội trước đây, đều được đại xá. Đối với binh lính bách tính, thực thi thưởng công, giảm thuế, miễn lao dịch.

Trẫm tự mình tiết kiệm ăn uống chi tiêu, trở thành tấm gương cho bá quan bách tính”.

Sau khi chiếu thư này công bố ra, các tướng sỹ nơi tiền tuyến cảm động rớt nước mắt, mọi người đều bày tỏ sẽ dốc sức tận trung với triều đình. Các tướng sỹ làm phản tới tấp quay giáo, dâng biểu tạ tội. Triều Đường đang từ nguy cấp chuyển sang an bình. Lục Chí được mọi người ca ngợi là “Nội tướng cứu thời”.

Quả đúng là “Thượng bất chính hạ tắc loạn”. Khi “Thượng” biết hối lỗi sửa sai, quy chính lại bản thân mình thì “Hạ” sẽ tự khắc hết “loạn”.

Khi được hỏi về Đạo trị quốc, Khổng Tử nói: “Đức người trên (vua quan) như gió, đức người dưới (dân chúng) như cỏ. Gió thổi cỏ ắt sẽ dạt nghiêng theo”.

Vậy nên, xã hội tốt hay xấu, dân chúng thiện lương hay tàn ác, chân thật hay giả dối phần nhiều đều phụ thuộc vào đức người ở trên. Đức người trên không đủ cảm hóa, giáo hóa dân chúng, thậm chí lại là tấm gương xấu, thì sẽ làm bại hoại thuần phong mỹ tục, khiến dân chúng trở nên xấu đi nhanh chóng.

Trong lòng vô tư thì Trời Đất rộng mở. (Ảnh: xuehua.us)

12. Thủy tích nhi ngư tụ, mộc mậu nhi điểu tập

Nguyên văn: “水積而魚聚,木茂而鳥集”.

Dịch nghĩa: Nước tích tụ lại thành vực sâu, thì cá mới hội tụ. Cây cối rậm rạp thành rừng thì chim chóc mới về cư trú.

Câu này cũng gần nghĩa với câu thành ngữ Việt: “Đất lành chim đậu”. Đất lành không phải tự nhiên có được, mà chính là con người biết tạo ra môi trường “đất lành” để “chim đậu”, cũng như thung lũng tích từng giọt nước tạo nên vực sâu thì cá mới sinh sôi nảy nở.

Sáng tạo nên “đất lành” để “chim đậu” thì phải nói đến người Do Thái. Israel là một quốc gia non trẻ, do người Do Thái khắp nơi trên thế giới tụ tập về thành lập quốc gia năm 1948 với diện tích 20.000 km2, dân số ban đầu có 800.000 người. Ngay hôm sau ngày thành lập, các nước A Rập cùng tấn công Israel, nhưng sau một năm không thể nào thắng nổi đành phải ký hòa ước.

Hiện nay dân số Israel khoảng 8.7 triệu người, là một trong những nước có lực lượng quân sự hiện đại mạnh bậc nhất thế giới.

Về kinh tế, năm 2016, Israel xếp hạng 21 trong số các quốc gia cạnh tranh nhất thế giới, theo Niên giám Cạnh tranh Thế giới của trường Thương mại IMD. Israel cũng xếp hạng tư thế giới về tỷ lệ người làm việc đòi hỏi kỹ năng cao vào năm 2016. GDP bình quân đầu người của Israel năm 2018 ước tính đạt 43.000 USD, xếp thứ 30 thế giới (Việt Nam ước tính 7.378 USD, xếp thứ 124 thế giới).

Mặc dù 70% lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc và khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, thế nhưng người Israel đã sáng tạo ra “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Việc tập trung cao độ các ngành công nghệ cao ở Israel, với sự hỗ trợ của một ngành đầu tư mạo hiểm vững chắc, khiến Israel được mệnh danh là “Silicon Wadi”, và được đánh giá là chỉ đứng thứ hai sau Silicon Valley của Mỹ. Israel chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp công nghệ cao.

Israel cũng là nước có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất thế giới, với tỷ lệ người học đại học xếp thứ 3 thế giới. Các trường đại học lớn của Israel đều nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu thế giới.

13. Vô di manh giả kính, vô dữ tích giả lý

Nguyên văn: “毋貽 盲者鏡,毋予躄者履”.

Dịch nghĩa: Chớ tặng gương cho người mù, chớ tặng giày cho người què.

Tặng quà, giúp đỡ người khác vốn là việc tốt, nhưng nếu không chú ý đứng trên góc độ của người ta để xem xét xem món quà đó, sự giúp đỡ đó có hợp tình hợp lý hay không, thì có khi lại làm hỏng việc.

Giúp đỡ người khác vốn là việc tốt, nhưng cũng cần đứng trên góc độ của người ta để xem xét xem món quà đó. (Ảnh minh họa: sohu.com)

14. Họa dữ phúc đồng môn, lợi dữ hại vi lân

Nguyên văn: “禍與福同门,利與害爲鄰”.

Dịch nghĩa: Họa và phúc cùng một nhà, lợi và hại là hàng xóm.

Xưa có một người phụ nữ trung niên rất xinh đẹp, nhưng sống buông thả dâm đãng. Ả nghĩ ra rất nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm hãm hại người chồng để được sống với gã tình nhân nhưng chưa có cơ hội để ra tay.

Một hôm, người chồng được nhà vua cử đi sứ nước khác. Ả liền làm năm cái bánh có tẩm thuốc độc rồi đưa cho người chồng để ăn trên đường.

Sáng hôm sau, người chồng lên đường, khi đi đến vùng rừng núi hoang vắng thì mặt trời đã lặn xuống núi. Anh đành phải trèo lên cây ngồi nghỉ để tránh thú dữ. Định lấy bánh vợ đã chuẩn bị đem ra ăn thì phát hiện bỏ quên túi xách ở dưới gốc cây, anh định trèo xuống thì ngay lúc này có năm tên cướp đang đi tới. Năm tên này lấy trộm rất nhiều châu báu và ngựa tốt của vua nước láng giềng.

Năm tên cướp đi đường xa vừa mệt vừa đói, nên chúng đến ngồi nghỉ bên gốc cây. Bỗng chúng phát hiện một túi xách, liền vội mở ra, bên trong ngoài y phục còn có năm cái bánh. Bọn chúng liền chia nhau mỗi thằng một cái ăn ngay tại chỗ. Không ngờ, bánh có chất độc cực mạnh, chưa qua một phút, cả năm tên kêu la lăn lộn, tai miệng đều trào máu ra chết ngay lập tức. Tên cầm đầu nhóm cướp lại chính là gã nhân tình của ả dâm phụ kia.

Người chồng đợi đến khi trời sáng mới xuống, thấy rất nhiều châu báu và ngựa tốt, nghĩ chắc bọn cướp lấy từ trong cung vua, nên gom hết châu báu đặt trên lưng ngựa chở đến nước láng giềng. Đi được nửa đường, anh thấy ở phía trước một toán binh lính cưỡi ngựa rầm rộ đang đi về phía mình. Anh nghĩ chắc là binh lính của nhà vua nên muốn đến gặp vua để trình bày rõ sự việc về số châu báu và ngựa.

Vừa may đúng là nước anh phải đi sứ. Nhà vua nghe sứ giả trình bày sự việc thì vô cùng cảm động, nên ban cho anh rất nhiều châu báu, lại phong làm quan. Nhưng những cận thần hầu vua lâu năm rất ghét anh ta. Một hôm, có một đại thần đến tâu với vua, muốn anh đi giết con thú dữ trừ hại cho dân lành.

Nhà vua đồng ý và cử anh đi vào rừng sâu trừ diệt thú dữ. Anh vừa đi vào rừng thì con thú dữ xuất hiện. Sợ quá, anh vội leo tuốt lên ngọn cây, con thú ngẩng đầu lên há miệng gầm vang khu rừng. Anh quá sợ hãi đến nỗi run cầm cập, kiếm đeo bên hông bỗng rớt xuống trúng ngay miệng con thú, nó đau đớn lăn lộn gầm rú một hồi rồi chết.

Thế là anh lại lập công to, được nhà vua ban thưởng và phong tước lớn.

Quả đúng là: Họa và phúc cùng một nhà, lợi và hại là hàng xóm. (Ảnh minh họa: cookinshanghai.com)

15. Lâm trung bất mại tân, hồ thượng bất chúc ngư

Nguyên văn: “林中不賣薪,湖上不鬻鱼”.

Dịch nghĩa: Trong rừng đừng bán củi, trên hồ đừng bán cá.

Câu nói này cũng gần nghĩa với câu: Đừng múa rìu qua mắt thợ, đừng chở củi về rừng.

Tương truyền, khi thi hào Lý Bạch đáp thuyền du ngoạn trên sông Thái Thạch, thấy vầng trăng ngả bóng trên mặt nước bèn cúi người xuống vớt, nhưng chẳng may bị ngã xuống sông chết đuối. Về sau, vách đá bên bờ sông đã trở thành nơi kỷ niệm Lý Bạch. Tại đây có khá nhiều thắng cảnh như mộ Lý Bạch, lầu Trích Tiên, đình Tróc Nguyện v.v.

Một hôm, khi nhà thơ Mai Chi Hoán triều Minh đến viếng mộ Lý Bạch, thấy trên vách đá bên mộ chi chít những bài thơ rởm bèn cầm bút viết lại một bài thơ:

“Thái Thạch giang biên nhất đôi thổ,

Lý Bạch chi danh cao thiên cổ.

Lai lai vãng vãng nhất thủ thi,

Lỗ Ban môn tiền lộng đại phủ”.

Nghĩa là: Bên sông Thái Thạch có ngôi mộ của danh tài thơ ca Lý Bạch, mặc khách qua đây đề thơ thì có khác nào khoe khoang nghề mộc trước cửa nhà Lỗ Ban.

Dịch thơ:

Bên sông Thái Thạch một nấm mồ,

Lý Bạch vang danh mãi ngàn thu.

Nhắn kẻ đi qua đề thơ ấy,

Múa rìu mắt thợ chẳng hay ư?

Về sau, người ta mới rút gọn câu: “Lỗ Ban môn tiền lộng đại phủ” thành “Ban môn lộng phủ”, tức múa rìu qua mắt thợ.

Thế nên người xưa có câu thơ:

“Hoạ thơ cùng Lý Bạch

Múa rìu trước Lỗ Ban

Đừng hoài công uổng phí

Xếp củi giữa đại ngàn”.

(Còn nữa)

Nam Phương