Tinh hoa văn hoá Á Đông thể hiện rất rõ ràng, đầy đủ trong công trình luận thuật của các nhà tư tưởng lớn của Nho gia. Bạn có thể tìm được cho mình những tâm đắc xử thế riêng từ trong vốn quý này của cổ nhân.  

1. Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện

Nguyên văn: Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ vu chí thiện (trích “Đại học”). 

Học không chỉ đơn giản là vì truy cầu tiến đến được đỉnh cao tri thức, học cũng không phải là một cách để tiến thân, kiếm kế sinh nhai, vinh thân phì gia. Học chính là để tu dưỡng phẩm đức, làm một người càng ngày càng đạo đức hơn. Chỉ khi ấy tài học mới được phát huy đúng lúc, đúng chỗ, vừa có ích cho bản thân, lại vừa giúp được  

2. Người quân tử khi chỉ có một mình mình nhất thiết phải hết sức cẩn thận

Nguyên văn: Sở vị thành kì ý giả, vô tự khi dã, như ố ác xú, như hảo hảo sắc, thử chi vị tự khiêm, cố quân tử tất thận kì độc dã (trích “Đại học”). 

Nói rằng làm cho ý niệm mình được chân thành có nghĩa là đừng tự dối mình: giống như ghét mùi thối, giống như ưa sắc đẹp hoàn toàn từ lòng chân thật mà ra; như vậy mới gọi được là thoả mãn tâm ý mình. Bởi thế người quân tử khi chỉ có một mình mình nhất thiết phải hết sức cẩn thận. 

Đây chính là điểm khác biệt giữa quân tử và kẻ tiểu nhân vậy. Kẻ tiểu nhân thì lén lút đi đêm, “múa tay trong bị”, chuyên làm chuyện khuất tất, tất cả đều vì mưu cầu lợi ích thiết thân. Người quân tử luôn nghiêm khắc với từng cử chỉ, lời nói của mình, đường đường chính chính, trọng nghĩa, hành thiện, luôn nghĩ cho người khác. 

3. Của cải thì điểm tô nhà cửa, còn đạo đức thì điểm tô thân mình

Nguyên văn: Tăng tử viết: “thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kì nghiêm hồ!” phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàng, cố quân tử tất thành kì ý (trích Đại học). 

Tăng Tử nói: “Mười con mắt nhìn vào, mười ngón tay chỉ vào, thật nghiêm khắc biết bao! Của cải thì điểm tô nhà cửa, còn đạo đức thì điểm tô thân mình, lòng dạ rộng rãi, thân thể thảnh thơi thanh thản. Cho nên người quân tử nhất định phải làm cho ý niệm mình được chân thành.

Tiền bạc là vật ngoài thân, cả đời người hầu như đều truy cầu nó. Nhiều người chạy theo danh lợi, quyền thế mà quên đi cả cái đạo dưỡng tâm của mình, vốn là thứ còn quý giá hơn bạc tiền biết bao nhiêu. Than ôi, lòng người đổi dời, muôn vật sinh rồi diệt, trăm năm qua như mộng, một chốc một lát đã đi hết kiếp nhân sinh, hỏi người ta khi nhắm mắt xuôi tay mang theo được những gì? 

4. Người ta chẳng biết được cái xấu của con mình

Nguyên văn: Nhân mạc tri kỳ tử chi ác, mạc tri kỳ miêu chi thạc (Đại học). 

Người ta vốn chẳng biết được cái xấu của đứa con mình, cũng chẳng biết được cái tốt của lúa nhà mình. Vì sao lại nói như vậy? Đó chẳng phải là đề cập đến vấn đề tu sửa bản thân, hướng nội tìm sai đó sao? Không biết được nhược điểm, cũng không biết được ưu điểm của bản thân mình thì làm sao có thể làm nên việc lớn được đây? Cho nên người quân tử, đầu tiên là phải học cách tu thân vậy. 

5. Người quân tử phải có [đức tốt] ở mình, rồi sau mới đòi hỏi ở người khác

Nguyên văn: Quân tử hữu chư kỷ nhi hậu cầu chư nhân (Đại học). 

Tự bản thân ước thúc hành vi, tư tưởng của mình, dần dần trở nên tốt hơn, hoà ái, từ bi hơn chính là nhiệm vụ tu thân của người có tu dưỡng. Trong đời, bạn đừng mong cải biến người khác nếu mình chưa thực sự sửa mình. Muốn thay đổi thế giới, trước tiên hãy cải biến chính mình. 

6. Mừng giận buồn vui, khi chưa phát, gọi là trung. Phát ra mà đều đúng tiết tấu, gọi là hòa. Ðến mức trung hòa, thì trời đất yên định và vạn vật sinh sôi nảy nở

Nguyên văn: Hỷ nộ ái lạc chi vị phát, vị chi trung. Phát nhi giai trung tiết vị chi hòa. Trị trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên (trích Trung Dung).

Bản tính con người đầu tiên là thuần thiện, thuần mỹ, qua năm tháng dài đằng đẵng mà biến đổi, mang theo những hỉ nộ ai lạc, những chấp niệm, tư tâm mà phát xuất ra cái gọi là tình. Rồi nhờ tu tâm dưỡng tính mà cái tình ấy lại trở nên bình hoà, thản đãng. Khi cảnh giới tâm tính của con người đề cao lên thì vạn vật xung quanh cũng tự trở nên tốt đẹp.

7. Ham học thì gần trí tuệ, nỗ lực hành thiện thì gần nhân đức, biết ô nhục thì gần dũng cảm

Nguyên văn: Hảo học cận hồ tri, lực hành cận hồ nhân, tri sỉ cận hồ dũng hồ (trích Trung Dung).

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, ấy là cái lý chưa từng thay đổi. Ở cạnh người có đạo đức cao thượng, ta sẽ học hỏi được nhiều điều hay, lẽ phải. Ngược lại, kết giao gần gũi với kẻ thiếu đạo đức, đôi khi ta bị kéo tụt nhân cách lúc nào chẳng hay. Ham học thì có trí tuệ, hành thiện thì có nhân đức, đã đành dễ hiểu. Nhưng tại sao ô nhục thì lại gần dũng cảm? Bởi vì cái dũng của bậc Thánh nhân không phải nhờ nắm đấm, côn quyền, mà là ở chỗ tự nhìn nhận ra điều sai quấy của mình, tự thấy chỗ bản thân còn yếu kém, tự biết xấu hổ. Do vậy, người có liêm sỉ, biết xấu hổ, biết nhận lỗi thì chính là người dũng cảm vậy.

Video: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm

videoinfo__video3.dkn.tv||407e4b412__

Từ Khóa: