Trong “Thủy Hử truyện” hồi thứ 39: “Lầu Tầm Dương Tống Giang ngâm thơ phản, Lương Sơn Bạc Đới Tung truyền thư giả”. Câu chuyện ẩn chứa sau bài thơ tạo phản đó tiết lộ nhiều tình tiết thú vị về tâm tư, diễn biến tình cảm của Cập Thời Vũ Tống Công Minh.
Trên lầu Tầm Dương, Tống Giang độc ẩm, sau một vài chén, ông dựa lan can, nâng chén tiêu sầu, chén này nối chén kia, bất giác say túy lúy, bỗng nhiên lòng suy nghĩ: “Ta sinh tại Sơn Đông, lớn lên ở Vận Thành, xuất thân thư lại, kết giao bao anh hùng hảo hán giang hồ, tuy có chút hư danh, nay đã ngoài tam tuần, danh chẳng thành, công chẳng toại, lại bị thích chữ lên mặt, lưu đày đến nơi này. Cha già, huynh đệ nơi quê cha đất tổ, biết khi nào có ngày tái ngộ đây?”.
Bất giác, hơi rượu xông lên, lệ rơi lã chã, cảm khái, uất hận, bi thương bỗng dâng trào, liền gọi tửu bảo đem nghiên bút lên. Cất bước ngắm cảnh vật, thấy trên bức tường có nhiều thơ của người trước, Tống Giang tức cảnh sinh tình, ý thơ tuôn trào, tự nhủ: “Sao ta chẳng học theo tiền nhân, đề thơ nơi này? Sau này có dịp quay lại, xem lại thơ, nhớ lại những ngày cơ cực hôm nay”.
Đang có hơi men, Tống Giang mài mực đặc, chấm bút đẫm, vung tay múa bút viết bài từ “Tây giang nguyệt”:
Tự ấu tằng công kinh sử,
Trưởng đại diệc hữu quyền mưu.
Kháp như mãnh hổ ngọa hoang khâu,
Tiềm phục trảo nha nhẫn thụ.
Bất hạnh thích văn song giáp,
Na kham phối tại Giang Châu.
Tha niên nhược đắc báo oan cừu,
Huyết nhiễm Tầm Dương giang khẩu!
Dịch thơ:
Từ nhỏ đã thông kinh sử,
Lớn lên lại thạo quyền mưu,
Khác nào mãnh hổ ngủ đồi hoang,
Kín nanh giấu vuốt nhẫn chịu.
Chẳng may thích chữ hai má.
Hàm oan đi đày Giang Châu,
Mai kia báo được nỗi oan cừu,
Máu nhuộm Tầm Dương giang khẩu!
Tống Giang viết xong, xem lại vui lắm cười lớn, lại uống thêm vài chén rượu, bất giác vui sướng, hoa chân múa tay, lại nhấc bút, đến bên bài thơ “Tây giang nguyệt” đề thêm mấy câu:
Tâm tại Sơn Đông thân tại Ngô,
Phiêu bồng giang hải mạn ta hu.
Tha thời nhược toại lăng vân chí,
Cảm tiếu Hoàng Sào bất trượng phu!
Dịch thơ:
Tâm ở Sơn Đông thân ở Ngô,
Tang bồng phiêu bạt chí giang hồ,
Ngày sau như thỏa bình sinh chí,
Dám cười Hoàng Sào chẳng trượng phu!
Tống Giang thông kinh sử, hiểu thao lược một lòng thờ đạo hiếu trung, kết giao bằng hữu bằng chữ nghĩa khí, đối nhân xử thế giữ chữ tín. Ông vốn phụng công thủ kỷ, cẩn thận giữ mình, theo phép nước, giữ Đạo Thánh hiền, giữ nếp nhà, là hiếu tử.
Người hành sự cẩn trọng như Tống Giang, lại có phút cảm khái trào dâng, đề thơ tạo phản lầu Tầm Dương, không tự biết sẽ gây đại họa, vẫn đắc ý vung bút ngâm nga, âu cũng là Thiên ý. Ông Trời đã sắp đặt để Tống Giang diễn vai nghĩa hiệp, hiếu trung.
Bất dĩ thành bại luận anh hùng (Không lấy thành bại luận anh hùng), bản lĩnh anh hùng thể hiện ra khí phách, tiết tháo giữa dòng đời xô đẩy, có dũng khí cưỡi trên con sóng lớn, đạp bằng mọi hiểm nguy, tiến lên theo con đường đã chọn.
Bài từ “Tây giang nguyệt” này của Tống Giang là phút xuất thần, thể hiện hùng tâm tráng chí, khí phách anh hùng, ẩn giấu trong con người viên thư lại nhỏ bé, cẩn trọng, giữ mình.
Chỉ để lại bài từ này cho hậu thế, nhưng giá trị nghệ thuật của nó đã ghi danh Tống Giang vào danh sách từ nhân có những bài từ lưu danh thiên cổ.
Triêu Lộ