Khi còn nhỏ bị tổn thương tâm lý vì thường xuyên chứng kiến bạo lực gia đình, lớn lên trở thành kẻ sống hai mặt, nhưng cuối cùng anh Hoàng Văn Thái 24 tuổi ở Thái Nguyên đã tìm thấy điều kỳ diệu thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình.
Đã từng là đứa trẻ ngoan
Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo Bắc Bộ, ngày xưa có nhiều lũy tre xanh, có tiếng kẽo kẹt võng đưa buổi trưa hè… Tuổi thơ tôi cũng chân thành mộc mạc giản đơn như vậy. Tôi hiền lành ngoan ngoãn đến nỗi thường bị bạn bè bắt nạt, đàn anh đánh. Tôi chăm chỉ giúp mẹ đồng áng, cấy hái, cơm nước, giặt giũ…, vậy nên cũng được các thầy cô giáo yêu mến.
Đó là một phần êm đềm đẹp đẽ của tuổi thơ, còn một phần nữa sâu thẳm và nhức nhối. Vì còn quá nhỏ nên tôi chỉ thấy sợ hãi và chán nản mỗi khi chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, rồi cha đánh chửi mẹ khi say xỉn. Cha tôi nóng tính, cục cằn, nên gia đình tôi chẳng mấy khi có được tiếng cười.
Khi tôi sinh ra được 3 tháng đã bị chứng bệnh nấm đầu viêm da, lở loét lan xuống khắp mặt và cả thân. Ngứa ngáy, chảy mủ và nước rất tanh hôi. Ở quê việc vệ sinh cũng không được tốt nên tôi đi đến đâu cũng có đám ruồi nhặng bám theo, mùi tanh rất ghê khiến người khác vừa sợ vừa thương hại. Cha mẹ cũng mang tôi đi chạy chữa các nơi, dùng kháng sinh liều cao, thuốc nam cũng không khỏi được. Do uống nhiều thuốc nên tôi bị cam, bị nóng trong. Khi lên 6, tôi phải tiêm thuốc đặc trị, may mắn tôi cũng dần dần khỏi.
Gia đình tôi có ba chị em và rất nghèo, tôi là con út, chị tôi đã thoát ly đi lấy chồng, anh tôi đi làm xa. Cùng với quá trình lớn khôn của tôi, áp lực từ hoàn cảnh gia đình đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của tôi. Khi tôi lên cấp hai đủ hiểu biết và cảm thụ được nỗi đau của bất hạnh thì ý nghĩ tự tử thường xuyên xuất hiện và nung nấu trong đầu.
Chứng kiến bạo hành gia đình và tổn thương tâm lý
Cảnh bố mẹ cãi vã đánh đập như bộ phim dài tập mà tôi buộc phải xem mỗi ngày. Trong nội tâm tôi xấu hổ với bạn bè và hàng xóm nhưng bên ngoài tôi vẫn tỏ ra lạnh lùng. Những giờ ra chơi tôi thường tự kỷ một mình không dám bước ra ngoài. Bạn bè, người thân đến nhà chơi tôi trốn trong giường không muốn tiếp xúc. Đến bữa ăn thì lẩn tránh, tôi chỉ muốn vùi vào chăn để khóc, cảm thấy mình thật lẻ loi trên đời. Tôi không có bất cứ ước mơ hay hoài bão nào, tràn ngập trong tâm hồn chỉ là sự chán ghét và oán hận.
Vào một hôm tối trời, bố đã đánh và chửi bới mẹ con chúng tôi… Như giọt nước tràn ly, tôi bỏ chạy lên đồi nước mắt nhạt nhoà.
Tôi chỉ muốn chết!
Người mẹ tội nghiệp đã gọi một người bạn của tôi và chạy theo lên đồi. Trong đêm tối mịt mùng, tiếng gọi của mẹ chứa chất sự cam chịu, tủi nhục: “Con ơi, con về đi”. Tim tôi nhói đau, tôi thấy mình là đứa trẻ lạc lõng bị bỏ rơi trên thế gian này. Đến mãi khuya tôi mới chịu về và cuộc sống của tôi vẫn tiếp diễn như vậy.
Thay đổi nhân cách và trở thành người hai mặt
Cuối năm 2011 sau khi tốt nghiệp, gia đình khó khăn nên tôi chọn đi làm để tự lo cho bản thân. Về Hà Nội, choáng ngợp trước sự phồn hoa đông đúc, những gì tôi tiếp xúc cũng đầy cám dỗ, khiến tôi thay đổi trở thành một con người hoàn toàn khác.
Tôi cắt tóc, nhuộm màu, uống rượu, đi chơi với em út. Những thứ mà ngày xưa tôi ghét cay ghét đắng, vì tôi nhìn từ cha tôi… Uống rượu vào là loạn tính nên cha mới có thể hành hung mẹ đến thế, thế mà giờ tôi cũng vậy!
Tôi đi làm kiếm tiền để hưởng thụ cuộc sống đầy cám dỗ hoan lạc này. Tôi trở thành người sống hai mặt tự lúc nào. Khi về quê thì tôi là thằng Thái hiền lành cam chịu, ra Hà Nội thì tôi là kẻ sống không biết sợ ai. Tính khí cộc cằn, nói tục chửi thề là câu cửa miệng, thích tụ tập đánh nhau… Ngày đó trên đầu giường tôi lúc nào cũng có thanh tuýp dùng để đánh người, hễ “chiến hữu” cần hỗ trợ là tôi đến ngay.
Tôi nhảy việc từ công ty này sang công ty khác. Nơi tôi làm được lâu nhất là công ty giặt là, bởi ở đó có những anh, em và vị giám đốc sống rất tình người.
Có một kỷ niệm đáng nhớ, tôi đã suýt bị đâm chết bởi lưỡi dao oan nghiệt. Lý do của câu chuyện nhạt nhẽo và vô nghĩa đến khó tin, nó biểu hiện ra chuẩn mực đạo đức xã hội đã tụt dốc kinh hoàng. Cá nhân tôi thời đó là một điển hình. Tôi gây sự với một đồng nghiệp chỉ vì họ đã lấy chiếc mũ bảo hiểm của tôi mà không xin phép. Lời qua tiếng lại chúng tôi đã nhục mạ thậm tệ lẫn nhau.
Tối đó người chú của đồng nghiệp đến tìm tôi để nói chuyện. Chú ấy là lái xe cho công ty, bình thường tôi và chú rất thân thiết. Tối ấy chú rất khác lạ, tôi bất ngờ bị chú ấy đâm con dao nhọn vào bụng, nhưng rất may có một đồng nghiệp khác đã kịp đẩy tôi ra nên chỉ bị thương nhẹ. Giám đốc công ty phải ra mặt để hoà giải. Ngay sau đó tôi đã xin lỗi chú và chúng tôi trở lại bình thường.
Chú ấy và vị giám đốc từng là ân nhân của tôi, nên tôi rất hối hận vì những lời nói xúc phạm, thiếu suy nghĩ trong lúc nóng giận của mình đã suýt biến chú ấy thành kẻ sát nhân.
Một cuốn sách thay đổi cuộc đời
Rồi chuỗi ngày lầm lạc ấy cũng kết thúc, tôi may mắn hơn nhiều thanh niên khác vì đã tìm được con đường ý nghĩa nhân sinh của đời mình. Khoảng cuối tháng 7 năm 2015 chị họ tôi bay từ Đài Loan về để chăm sóc bố chị ấy đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Chị tặng tôi cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp và dặn rằng cố gắng đọc càng nhiều càng tốt, cuốn sách này rất trân quý, rất hay.
Tôi mang về và đọc cuốn sách một cách say mê, tâm hồn tôi được thăng hoa bởi pháp lý uyên thâm trong từng câu chữ. Tôi xúc động mãnh liệt và vô cùng kính ngưỡng tác giả cuốn sách, thầm thốt lên đây chính là con đường tôi cần bước đi, cuối cùng tôi đã tìm thấy.
Kể từ ngày đó mọi thứ đã thay đổi. Tôi tu sửa chính mình bắt đầu từ việc không chơi bời, rượu bia, nói tục chửi thề, đánh nhau… Từng bước một tôi cai dần những thói hư tật xấu. Ăn mặc chỉnh tề giản dị, không tóc đỏ tóc vàng như xưa nữa. Sư Phụ đã dạy cần phải sống tốt, có trách nhiệm với việc mình làm, bởi vậy tôi cố gắng đặt tâm trong công việc, không làm qua loa nửa vời.
Trở thành người tốt
Hàng ngày, tôi dành thời gian tĩnh tâm để đọc cuốn Chuyển Pháp Luân. Nhờ đọc sách liên tục, tôi hiểu được hơn về nhân quả báo ứng; “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”; con người ta làm việc tốt hay xấu đều sẽ có phúc họa đi kèm; tu luyện là gì…
Càng đọc tôi càng hiểu ra vì sao xã hội ngày nay lại có nhiều chuyện khiến người ta đau đầu, bất hoà, xung khắc lẫn nhau. Mâu thuẫn xảy ra từ gia đình hay công việc đều bởi vì mọi người đang hướng ra ngoài mà “chỉnh” người khác chứ không “Nhẫn”, cũng không muốn tìm lỗi ở bản thân. Giá trị Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công như dòng nước thuần khiết tịnh hoá tâm và thân tôi, giúp tôi phân biệt thị phi, ước chế đạo đức của chính mình.
Những người chân tu Pháp Luân Đại Pháp đều rất thiện lương, hòa ái. Tôi ra điểm luyện công và cảm nhận ngay một trường hoà ái từ bi từ mọi người, tôi được tận tình giúp đỡ như người thân đi lâu ngày trở lại. Qua một thời gian thân thể tôi tràn đầy năng lượng, không bị cảm cúm khi trái nắng trở trời, khỏi đau dạ dày, khỏi đau lưng.
Giúp mẹ bước vào tu luyện Đại Pháp
Mẹ tôi quanh năm vất vả, kém ăn, kém ngủ từ đó sinh ra nhiều bệnh tật. Một ngày mẹ gọi tôi về đưa bà đi viện. Tôi nghĩ sao không thể giúp mẹ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, một Pháp tốt như thế này. Tôi đã thấy nhiều cô bác lớn tuổi ở các điểm luyện công chia sẻ câu chuyện của họ về sự thần kỳ và lợi ích sức khoẻ có được nhờ chân tu Đại Pháp.
Tôi đã hướng dẫn cho mẹ đọc sách và luyện công, lúc đầu mẹ vì tin tôi mà học theo, nhưng rồi bà cũng trực tiếp được trải nghiệm sự thay đổi kỳ diệu từ sức khoẻ đến tinh thần.
Mẹ nói: “Trước đây mỗi ngày mẹ chỉ ăn được một hai bát, người rất mệt lại mất ngủ. Giờ mỗi bữa ăn được ba bát cơm, thấy người khoẻ ra lại không bị mệt nữa, ngủ cũng tốt rồi”. Mẹ đã khoẻ mạnh nên tôi cũng yên tâm đi làm xa.
Bố cũng cần biết Pháp Luân Công là tốt
Lúc đầu bố không hiểu Pháp Luân Công là gì nên không cho mẹ tu luyện, dù thấy mẹ từ khi tu luyện đã khoẻ mạnh hơn nhiều. Trước đây bố hay đánh mắng mẹ con tôi, tôi oán hận và đổ lỗi cho ông nên thường cãi lại. Sau khi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân tôi đã minh bạch hết thảy đều có nhân duyên. Mỗi khi xảy ra mâu thuẫn với bố, tôi không còn cãi lại ông nữa. Tôi thấy thương ông hơn và không còn oán hận như xưa.
Qua thời gian, cảm nhận được sự thay đổi tích cực của tôi và mẹ, bố cũng dần hiểu ra Pháp Luân Đại Pháp là Phật Pháp và tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp ở Việt Nam. Ông cũng đã thay đổi rất nhiều.
Qua bài viết này, tôi muốn nói với bố rằng: “Hiện nay Pháp Luân Đại Pháp đã được phổ truyền trên toàn thế giới, là môn khí công có sức lan toả mạnh mẽ và được yêu chuộng trên toàn cầu. Mặc dù bị đàn áp tại Trung Quốc nhưng điều ấy không ngăn cản được số người đủ sắc tộc, màu da, lứa tuổi, hàng ngày bước vào tìm hiểu và tu luyện Đại Pháp. Bởi vì giá trị Chân Thiện Nhẫn chính là cốt lõi của nhân cách con người, bất cứ quốc gia nào cũng cần giá trị ấy”.
Gieo hạt giống thiện lương
Mong muốn nhiều người hơn nữa biết đến Chân – Thiện – Nhẫn là tốt, nên tôi mở điểm luyện công gần nơi tôi trọ để ai có duyên sẽ đón được chân Pháp. Gieo hạt giống thiện lương sẽ nảy lên mầm cây phúc đức, tôi nguyện làm thật nhiều việc thiện để giúp đời giúp người, bởi tôi đã hiểu được đó là một cảnh giới trong chữ Thiện của Chân -Thiện – Nhẫn.
Hàng ngày, tôi cố gắng giữ cho mình nội tâm lương thiện, sống có trách nhiệm và suy nghĩ cho người khác nhiều hơn. Tôi cảm nhận sâu sắc, khi bản thân chân chính tuân theo Chân – Thiện – Nhẫn thì sẽ không còn oán hận, không đổ lỗi, và những nút thắt trong tâm đều có thể giải khai. Ba chữ ấy, nghe qua thật đơn giản nhưng có vô cùng nhiều cảnh giới và nội hàm bên trong. Tôi luôn nỗ lực trừ bỏ thói hư tật xấu của mình từ trong ý nghĩ để có thể trở thành người tốt và tốt hơn nữa.
Qua bài viết này tôi muốn truyền tải đến các bạn trẻ vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp và giá trị Chân – Thiện – Nhẫn. Tu luyện không nhất định dành cho người lớn tuổi. Tôi biết xung quanh tôi có nhiều bạn trẻ đang hàng ngày thực hành theo Chân – Thiện – Nhẫn, tu luyện Pháp Luân Công.
Tôi hy vọng rằng qua câu chuyện này của tôi sẽ giúp được ai đó tìm lại niềm vui sống. Tôi, một đứa con hư hỏng, từng thất vọng bi quan nay tìm lại được hạnh phúc khi tâm hồn thăng hoa. Hy vọng bạn cũng có thể gác lại những bộn bề cuộc sống, một lần tĩnh tâm tìm đọc cuốn Chuyển Pháp Luân.
(Ảnh do tác giả cung cấp)
Thái Nguyên ngày 12 tháng 11 năm 2017
Hoàng Văn Thái