Đây là trải nghiệm hoàn toàn chân thực của bản thân tôi, quyết không phải là một giấc mơ. Chính mắt tôi đã nhìn thấy. Mọi chuyện vẫn còn như ngày hôm qua. Mãi đến giờ, tôi vẫn nhớ như in tất cả. 

3 người lạ mặt xuất hiện giữa đêm hôm khuya khoắt

Năm ấy tôi mới 10 tuổi. Còn nhớ hôm ấy là Chủ Nhật, trời cũng đã khuya lắm rồi, chừng gần 12 giờ đêm. Tôi và hai chị gái mải mê xem phim, quên cả ngày mai phải đi học sớm. Trước khi ngủ, chúng tôi thường có thói quen là thay phiên nhau đi vệ sinh. Tôi bé nhất, nhưng hai chị cũng chẳng nhường, nên tôi luôn là người đi sau cùng. Hôm đó, các chị đi vệ sinh lâu quá, tôi đành phải mò sang một nhà vệ sinh khác.

Xong việc, tôi ngoảnh mặt nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường thì vừa đúng 12h đêm. Chợt nhớ lại lời mẹ dặn rằng 12h đêm sẽ có các quan âm đi tuần, tôi lại tự hù dọa mình, thần hồn nát thần tính, mắt nhớn nhác tìm các chị. Nhưng chẳng thấy bóng dáng ai cả. Các chị tôi đều đã nhanh chân về phòng ngủ trước.

Tôi cũng phải về ngủ. Nhưng từ nhà vệ sinh về tới phòng ngủ còn phải đi qua một phòng khách rộng nữa. Cửa kính trong phòng khách đã kéo rèm lên rồi. Bóng rèm cửa dưới ánh trăng đu đưa đu đưa, như có hai con ma đang bấu víu vào đó đùa nghịch vậy, trông đến hãi. Tôi nổi hết cả da gà.

Ảnh minh họa. (Dẫn theo WordPress.com)

Vì rất nhát gan tôi định nhắm mắt, chạy một mạch lao vào trong phòng. Khi sắp ra khỏi phòng khách bất giác tôi khựng lại. Tôi thoáng thấy bên ngoài cửa kính hình như có thứ gì đó. Tôi căng mắt nhìn lại, thì thấy một cái bóng đen đang khua chân, múa tay trên khung cửa.

Mặt tôi cắt không còn giọt máu. “Ồ, chắc mình hoa mắt rồi, giàu trí tưởng tượng quá đây mà”, tôi thầm nhủ. Tôi đưa tay gạt những hạt mồ hôi lấm tấm trên trán, một tay sờ lên lồng ngực vẫn đang đập uỳnh uỳnh. Tôi tự véo vào mặt mình một cái thật đau cho tỉnh táo.

Nhưng lạ thay, cái bóng ấy vẫn ở đó. Tôi dụi dụi đôi mắt, nhìn lại thì thấy hai người đàn ông đang mặc trang phục rất kỳ quái đứng bên ngoài cửa kính nhà tôi. 

Thật kỳ quặc, giữa hai người đàn ông ấy còn có một người khác nữa, trông rất khổ sở. Tôi không dám nhìn tiếp, định bụng lao thẳng vào trong phòng nhưng cái chân đáng ghét không nghe lời tôi. Tôi không thể nhấc nổi chân khỏi mặt đất.

Cảnh tiếp theo lại càng khiến tôi hồn bay phách lạc. Tôi nhắm mắt lại không muốn nhìn tiếp. Nhưng mắt tôi cứ trơ ra không sao khép vào được. Người đàn ông cao cao cắm thẳng chiếc quạt lông vũ vào cổ người ở giữa đó. Còn người thấp hơn thì chọc thứ trông giống như lệnh bài vào bụng người kia. Nhìn thấy cảnh này, đầu óc tôi trở nên trống rỗng. Tôi nín thở, cầu Trời khấn Phật để họ đừng phát hiện ra tôi.

Đột nhiên có tiếng quát lớn: “Ai!”. Hai người đàn ông không ai bảo ai, đều đồng thanh hướng ánh mắt về phía tôi. Ông ấy thò cánh tay gầy guộc xuyên qua cửa kính: “Soạt…”. Âm thanh phát ra nghe chói cả tai. “Ngươi đều đã nhìn thấy rồi ư?”. Người cao cao kia hỏi. Đột nhiên khuôn mặt trắng bệch của ông ngó nhìn tôi.

“A…!”. Tôi đã sợ tới mức nói không ra tiếng, chỉ đứng chôn chân một chỗ, thở hổn hển. Nhìn xuống vẫn thấy chiếc quạt lông vũ của ông ta vẫn còn đang nhỏ máu. Tôi sợ quá hét lên: “Đừng lại gần đây!!!”. Mặt tôi trắng bệch như kẻ chết đuối trôi sông.

Hắc Bạch vô thường. (Ảnh dẫn theo lingyi.org)

Đúng lúc ấy người đàn ông thấp thấp, mặt đen đen, đỏ đỏ đẩy mạnh cánh cửa sổ, định nhảy vào phòng khách. Chân của tôi đã chết đứng, như bị đóng băng. Vậy mà không hiểu sức mạnh từ đâu, tôi lại có thể dùng hết sức bình sinh chạy một mạch vào được trong phòng, đóng chặt cửa lại. Nằm trên giường đắp chăn lại mà người tôi vẫn run lên bần bật.

Tối hôm ấy tôi không dám tắt đèn, cứ chong điện cả đêm, trằn trọc mãi cũng không ngủ được. Vừa thiếp đi tôi đã thấy một người đàn ông trung tuổi, nhìn không rõ mặt. Ông mỉm cười và hiền từ nói với tôi: “Xin lỗi cháu! Thuộc hạ của ta đã làm cháu sợ rồi”. 

Tôi kể chuyện này với một nhỏ bạn có con mắt âm dương (thiên mục). Cô ấy nói rằng: “Người mà cậu nhìn thấy là ông Bảy, ông Tám hay còn gọi là Hắc Bạch Vô Thường. Có thể là hàng xóm hoặc người nhà của cậu có người sắp qua đời nên họ mới xuất hiện. Còn người cậu gặp trong mơ có thể là Thần Thành Hoàng!”. 

Nghe thấy câu này tôi sợ tới mặt trắng bệch. Từ đó trở đi tôi không bao giờ gặp ông Bảy, ông Tám nữa.

Truyền thuyết về “Hắc Bạch Vô Thường”

Dù ở lễ hội nào thì hình ảnh ông Bảy, ông Tám tức “Hắc Bạch Vô Thường” vẫn luôn thu hút ánh mắt của mọi người nhất. Bạch Vô Thường mặc áo bào trắng, đầu đội mũ cao, trên mặt vẽ hình con dơi đen trắng, tay cầm cái cùm hình con cá. Hắc Vô Thường thì mặc đồ đen, đầu đội mũ tròn, mặt vẽ hình mắt đen trắng, tay cầm thẻ bài hình vuông, phía trên ghi “Thiện ác phân minh”. Bạch Vô Thường thì trầm lặng, còn Hắc Vô Thường lại hoạt bát. Cả hai ông đều khiến mọi người ấn tượng sâu sắc. 

Tương truyền, Bạch Vô Thường còn có tên khác là Phạm Vô Cứu, Hắc Vô Thường tên là Tạ Tất An. Hai ông là đôi bạn rất thân. Họ cùng làm sai nha ở nha môn. Một hôm, hai ông đang trên đường đi công cán cho huyện lệnh thì đột nhiên trời đổ mưa rào. Tạ Tất An định vào nhà dân gần đó mượn lấy một chiếc ô. Ông bèn bảo Phạm Vô Cứu đợi dưới chân cầu.

Nào ai biết Tạ Tất An vừa đi khỏi thì nước sông đột nhiên dâng cao. Phạm Vô Cứu vì sợ Tạ Tất An tìm không thấy mình, nên giữ đúng lời hẹn nhất quyết không chịu rời đi. Sau này ông bị nước lũ cuốn trôi. Sau khi Tạ Tất An cầm ô tất tả chạy tới, phát hiện thấy người bạn thân đã bị nước nhấn chìm thì vô cùng thương tâm, bèn leo lên gầm cầu treo cổ tự tử. Khi chết lưỡi ông vẫn thè dài ra ngoài miệng. Ngọc Hoàng biết tình cảm sâu đậm của hai người, bèn sắc phong cho họ là Thần tướng, hầu hạ bên cạnh Thần Thành Hoàng, chuyên bắt kẻ xấu.

Có người nói rằng, tên Tạ Tất An (Bạch Vô Thường) nghĩa là cảm tạ thần linh ắt sẽ được bình an. Còn Phạm Vô Cứu (Hắc Vô Thường) nghĩa là những người phạm pháp thì không thể cứu được. Trong đám rước của Đài Loan thường bắt gặp một cặp tượng Thần kẻ thấp, người cao, bước đi một cách kỳ quái, người cứ lắc la lắc lư.

Người thấp chính là Hắc Vô Thường, bởi vì mặt ông có màu đỏ đen, trên tay lại cầm xích sắt, nên gọi là “ông Xích” (ông Đỏ). Còn người cao hơn gọi là Bạch Vô Thường. Vì sắc mặt ông trắng bệch, lưỡi lại dài thè lè, trên tay phe phảy cái quạt lông vũ, sau lưng lại cõng thêm cái ô, nên gọi là ông Bạch. Cái tên “Hắc Bạch Vô Thường” ra đời từ đó.

Ảnh minh họa. (Dẫn theo aomicn.com)

Tương truyền, hai ông chuyên đi tuần trên đường lúc đêm hôm khuya khoắt để bắt linh hồn những kẻ xấu tới âm tào địa phủ. Do vậy nghe thấy tiếng tăm hai ông là ai nấy đều thất kinh.

Nghe nói tấm lòng Bạch Vô Thường rất lương thiện. Dẫu người khác có đắc tội ông cũng không để bụng. Cho nên người ta gọi ông là “Tạ Tất An”. Nghe nói khi thấy bạn mình bị nước lũ cuốn đi, ông vốn định nhảy sông tự tử, dùng cái chết để tạ tội. Nhưng vì ông quá cao, hơn nữa nước sông cũng dần dần rút xuống nên không thể được như ý, đành phải treo cổ lên dầm cầu, lưỡi lè ra rất dài. Do đó mà hình tượng của ông là một người dáng cao và có cái lưỡi rất dài.

Còn Hắc Vô Thường thì lại rất nóng tính. Đó là do khi nước sông dâng lên cao quá đầu, cận kề cái chết, ông vẫn đang giãy giụa giữa con nước lớn nên sắc mặt chuyển thành màu đỏ đen, từ đó tính khí trở nên gắt gỏng, không chịu tha thứ cho người phạm tội. Vậy nên, một khi không cẩn thận mà đắc tội với ông, không kể mắc tội gì, ông ấy đều sẽ không bỏ qua, vì vậy lại gọi ông là “Phạm Vô Cứu”.

Mỗi khi đi chơi hội chùa, trên người tượng Hắc Bạch Vô Thường có treo một xâu bánh “bánh cô độc”, nhiều người phụ nữ sẽ xin mang về cho trẻ nhỏ trong nhà của mình ăn. Nghe nói ăn rồi có thể khiến cho trẻ nhỏ bình an chóng lớn.

***

“Hắc Bạch Vô Thường” chính là người hộ tống các linh hồn trở về địa ngục. Họ làm việc công chính, liêm minh, lạnh lùng, đúng người đúng tội nên còn là biểu tượng của công lý, lẽ phải. Đương nhiên, kẻ xấu rất sợ “Hắc Bạch Vô Thường”. Bởi một khi bị câu hồn về dưới địa ngục, kẻ xấu sẽ phải gánh chịu tất cả tội nghiệp mà mình đã gây ra lúc còn sống ở dương gian.

Còn đối với người lương thiện, hai ông Hắc Bạch này lại vô cùng… dễ mến. Bởi người tốt thì không sợ ma quỷ, địa ngục. Nếu lúc sống có thể tích đức, hành thiện, dùng ân nghĩa mà đối đãi với mọi người thì khi chết đi có thể được đầu thai lên Trời làm Tiên hoặc xuống trần tiếp tục làm người.

Nếu là người tu hành, tu luyện chính Pháp, khi rời đi còn thoát khỏi vòng luân hồi, ra khỏi cõi Tam giới (chỉ ba cõi: Trên trời, trần gian, địa ngục), thì với “Hắc Bạch Vô Thường”, họ lại càng không phải sợ hãi chi. Một khi đắc Đạo, “bạch nhật phi thăng” (bay lên trời cao giữa ban ngày), họ chính là đã thành Thần Tiên rồi vậy.