Mắt Thần như điện, nhân quả báo ứng không sai chạy. Giết người đốt xác, ăn trộm rồi đốt nhà chủ xóa dấu vết, người có thể không biết, nhưng ông Trời có thể buông tha cho kẻ hành ác không? 

Mời quý vị xem hai câu chuyện sau.

Giết người để xóa nợ, họa lan tới con cháu

Vào thời nhà Tống, có một thôn dân tên là Phùng Tứ ở Phủ Châu (phía đông tỉnh Giang Tây), gia cảnh bần hàn không đủ sống, nên ông mang vợ và sáu người con trai đến huyện Nghi Quảng (nay là thành phố Phủ Châu, tỉnh Giang Tây), nương nhờ một phú gia, giúp chủ nhà trồng trọt canh tác và quản lý ruộng đất.

Hai mươi năm sau, người con út cũng lấy vợ, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Cả sáu người con trai đều hung hãn, nên trong huyện ai cũng sợ hãi họ. Sau đó, người con trai thứ năm bị bắt bỏ tù vì tội trộm cắp tài sản, bị phạt đánh bằng gậy và bị thích khuyên sau tai, toàn gia đình bị trục xuất khỏi huyện Nghi Quảng. Người con trai thứ sáu bị sinh ung nhọt ở đùi, rất lâu mà không lành.

Trước đó, Phùng Tứ từng nhờ thầy toán mệnh Hoàng Ông ở thành Phủ Châu xem hung cát, Hoàng Ông phán: “Ôi! Phải làm thế nào mới ổn đây? Nhà ông kiếp trước đã làm chuyện giết người thiêu xác, có hai con quỷ đang đợi ở môn đình, dù rằng bình thường ông rất cẩn thận, nhưng đã quá muộn. Nếu khi con chó nhà ông sinh ra hai chó con đực màu đen, đó chính là lúc họa hoạn phát tác, những gì khác thì tôi không biết”.

Kể từ đó, Phùng Tứ lo lắng đến mức dù có làm thế nào cũng không thể khởi tinh thần lên được. Ông bí mật nói với những người khác rằng: “Hoàng Ông bói toán thực như Thần! Cha tôi khi còn sống mưu sinh bằng nghề nung gốm. Cụ từng vay hai thương gia số lụa sa tanh trị giá 2 vạn tiền, đã hẹn kỳ hạn trả nợ. Nhưng khi đến kỳ hạn cụ vẫn không chịu trả. Đến hạn trả nợ, thương gia đích thân đến tận lò gốm ép cha tôi trả tiền. Nơi đó rất hẻo lánh, xung quanh không có người ở, vì chuyện trả nợ mà cha tôi và hai vị thương gia kia đã cãi nhau ỏm tỏi, cuối cùng, cụ cùng một công nhân lò gốm đã giết chết hai vị thương gia kia, bỏ thi thể họ vào lò rồi thiêu xác để xóa dấu vết, người ngoài không ai biết chuyện này. Cha tôi cuối đời ra đi bình thường, nào ngờ việc hành ác này đang báo ứng lên đầu con cháu của cụ!”  

Năm sau, con chó đen của nhà Phùng Tứ nuôi sinh ra hai con chó đực màu đen, Phùng Tứ mặc dù rất ghét hai con chó này nhưng lại không dám giết chúng. Nửa năm sau, người con thứ năm gặp chuyện kiện cáo, ung nhọt trên đùi của người con trai thứ sáu được y sinh cho là do ma quỷ gây ra, nên không cách nào chữa khỏi.

Một ngày nọ, khi người con trai thứ sáu đóng cửa ngủ trưa ở nhà, nhìn thấy hai người cầm gậy trúc, gánh lồng tre tiến vào nhà, anh ta sợ hãi cực độ, những người khác trong nhà đều đang ở nơi xa, không cách nào cứu anh ta. Hai người kia lên giường, ấn cái lồng tre vào vết thương trên đùi anh chàng, đau đến lộng óc, không thể chịu nổi. Không lâu sau, anh ta treo cổ tự vẫn, người vợ cũng tự vẫn theo chồng.

Người con thứ hai và con thứ tư cũng bị phạt thích chữ lên người vì tái phạm tội trộm cắp tài sản. Cuối cùng, người nhà Phùng Tứ xấu hổ đến mức phải ly tán, Phùng Tứ hành khất trên đường, cầu chết mà không được. Lúc này, đã bốn mươi năm trôi qua kể từ khi cha ông giết hại hai vị thương gia.

Người đời sau bình luận, nói: Hung thủ sát nhân vốn là cha của Phùng, tuy ông ta có thể sống đến cuối đời, nhưng báo ứng lại lên đầu con cháu. Có thể thấy, báo ứng trong minh gian cũng khúc triết, vòng vo, nhưng cuối cùng không ai thoát khỏi. “Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” mà, hãy tin!

Tiếp theo là một ví dụ khác về một đầy tớ ăn trộm tài sản của chủ nhân và bị báo ứng.

Ăn trộm xóa dấu vết, Trời giáng tội phạt

Vào thời nhà Minh, có một vị giám sinh (học sinh được nhận vào Quốc tử giám) tên là Từ Ngũ Hồ. Ái thiếp của ông họ Kim, khi về nhà chồng mang theo của hồi môn rất hậu hĩnh, nhưng lại không có con. Khi Từ Ngũ Hồ lâm chung, ông đã tặng cho ái thiếp 20 mẫu đất và một số lầu phòng, đồng thời ra lệnh cho một người hầu tên là Từ mỗ phục vụ bà. Nhưng không lâu sau, Từ mỗ manh nha ý định xấu xa, khi bà chủ họ Kim về thăm nhà mẹ đẻ, hắn đã lục lọi, vơ vét tất cả vàng bạc, trang sức và tiền bạc bà chủ cất giữ, rồi phóng hỏa đốt nhà để xóa sạch dấu vết. Khi bà chủ Kim từ quê hương trở về, nhìn thấy nhà cửa và toàn bộ tài sản của mình biến thành tro bụi, bà chỉ biết khóc lóc kêu trời.

Từ mỗ mừng thầm, tưởng mình đắc kế, nên nói với người ngoài: May quá, phòng tôi ở không bị cháy, rồi dẫn những người bạn chó lợn của mình đến miếu Thành hoàng để bái tạ. Một nhóm người tụ tập uống rượu, khi cuộc nhậu lên đến cao trào, đột nhiên có một vị Thần bám lên thân Từ mỗ, nguyền rủa: “Tên ác nô trộm cắp tài sản, đốt nhà của chủ nhân, trêu ngươi Thần của ta, tội đáng chết, hình phạt không thể khoan thứ”.

Mọi người kinh hoàng, quỳ xuống vái lạy. Khi bà chủ Kim nghe chuyện, cũng chạy đến miếu Thành hoàng, hướng thần linh cầu cứu, hỏi đồ ăn trộm được cất giấu ở đâu. Có tiếng trả lời: Vứt vào nhà vệ sinh. Sau đó vào nhà vệ sinh kiểm tra, thì quả nhiên thấy một chiếc túi vải, toàn bộ đồ bị đánh cắp đều ở đó.

Từ mỗ nằm cứng đờ trên mặt đất, rất lâu sau mới tỉnh lại. Sau đó, hắn thậm chí không thể ăn nổi một hạt gạo, chết vì tuyệt thực. Mắt Thần như điện, báo ứng hiển hiện minh bạch và thấu đáo.

Nguồn: “Bại sứ vị biên”, “Kính Lâm tục ký”

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch