Kinh Dịch là một danh tác truyền thế kinh điển của văn minh Á Đông, có ảnh hưởng trọng yếu đối với triết học, văn học, chính trị, pháp luật, thiên văn và lịch pháp của các nước Á Đông, đáng để chúng ta nghiêm túc học tập và thưởng thức. Nhưng để đọc hiểu được Kinh Dịch cũng không hề dễ dàng.

Thực ra, tinh hoa của Kinh Dịch có thể cô đọng lại trong 8 chữ: “Thiên Đạo kỵ mãn, nhân Đạo kỵ toàn”, nghĩa là: Đạo Trời thì kỵ đầy đủ, còn Đạo người thì kỵ vẹn toàn. Bài viết này chọn 10 câu danh ngôn trong Kinh Dịch để chúng ta cùng thưởng thức tư tưởng giàu tính triết lý, phong phú và sâu sắc của cổ nhân.

1. Kháng long, hữu hối

Hào từ của cửu hào trên quẻ Càn là “Kháng long, hữu hối”. “Kháng” có nghĩa là cao, “kháng long” nghĩa là rồng bay quá cao. “Hữu hối” có ý nghĩa là có hối hận, biểu thị hành vi trước đó sẽ đem lại điều không tốt cho bản thân mình.

Theo ý nghĩa mặt chữ mà nói, một con rồng cưỡi mây bay lên cao, nó bay lên đến nơi cao nhất, đến cực đỉnh, nhìn bốn xung quanh thấy mịt mùng. Không còn vị trí để lên cao nữa, mà cũng không thể xuống được, do đó nó u uất phiền muộn, hối hận. Con người làm việc, nếu không suy nghĩ chín chắn, không tính đến kết quả cuối cùng và các khả năng biến hóa đa dạng khác nhau, thì dễ dẫn đến bi kịch. “Kháng long, hữu hối” gợi mở cho chúng ta rằng, làm bất cứ việc gì cũng phải biết tiến biết thoái, muốn tiến lên thì cũng phải tìm con đường thoái lùi cho bản thân mình, nếu không sẽ có hung hiểm.

Lưu Bang từng hỏi Hàn Tín: “Khanh cho rằng trẫm có thể dẫn được bao nhiêu binh mã?”

Hàn Tín nói: “Bệ hạ bất quá cũng chỉ dẫn được 10 vạn”.

Lưu Bang nói: “Còn khanh thế nào?”

Hàn Tín nói: “Càng nhiều càng tốt”.

Hàn Tín cuối cùng chết thảm, nguyên nhân chính là công cao chấn chủ, không biết tiến biết thoái. Cho nên chúng ta làm việc gì cũng không được thái quá, người cao ngạo ắt sẽ chiêu mời tai họa.

2. Trực, phương, đại, bất tập vô bất lợi

Đây là hào từ của hào thứ 2 của quẻ Khôn. Đức dày chở vật, trước tiên chúng ta có 3 loại đức hạnh là trực, phương và đại.

Trực, trong “Luận ngữ – Ung dã” viết: “Con người sinh ra là chính trực”. Bản tính con người sinh ra ở tự nhiên, vốn thân cận, chất phác, thật thà, rồi bị các chủng loại thói quen tập tính hậu thiên tiêm nhiễm mới xa rời bản tính.

Phương, lời văn quẻ Khôn trong Kinh Dịch nói rằng: “Trực kỳ chính dã, phương kỳ nghĩa dã. Quân tử kính dĩ trực nội, nghĩa dĩ phương ngoại”. Câu này có nghĩa là lấy ngay thẳng để quy chính, lấy đạo đức để làm việc nghĩa. Người quân tử đối nội cung kính chính trực, đối ngoại trượng nghĩa đạo đức. Trực là nói về bên trong, phương là nói về bên ngoài.

Đại, trong sách “Mạnh Tử” viết: Trau dồi được gọi là đẹp, trau dồi mà tỏa sáng thì gọi là to lớn (đại).

Dốc sức hành thiện, cho đến khi trau dồi đầy, thì đẹp ở trong đó mà không cần cái đẹp bề ngoài. Trau dồi mà lại tỏa sáng thì gọi là vĩ đại, tích tụ hòa thuận bên trong, tinh anh tài hoa phát ra bên ngoài, cái đẹp ở trong đó, lưu thông ra tứ chi, phát ra sự nghiệp, thì đức hạnh và sự nghiệp đều thịnh vượng tột bậc. Một người nếu có thể dùng chính trực nhân tín làm nguyên tắc xử thế, bao dung rộng lớn, thì đó là người quân tử thuận theo bản tính tự nhiên, không nơi nào mà không có lợi ích.

Dốc sức hành thiện, cho đến khi trau dồi đầy, thì đẹp ở trong đó mà không cần cái đẹp bề ngoài… (Ảnh: wikipedia.org)

3. Tự Thiên hựu chi, cát vô bất lợi

Hào từ thượng cửu của quẻ Đại Hữu nói rằng: “Tự Thiên hựu chi, cát vô bất lợi”. Có nhiều sách giải thích “tự Thiên hựu chi” là bảo hộ, phù hộ đến từ trên Trời, kỳ thực như thế không đúng. Trời không bảo hộ, phù hộ bất kỳ người nào.

Khi Khổng Tử chú giải Kinh Dịch có nói: “Hựu tức là trợ giúp vậy. Sở dĩ Trời trợ giúp là do thuận Đạo Trời. Sở dĩ có người giúp là do giữ chữ tín. Thủ tín, suy nghĩ thuận Đạo Trời, cũng là chuộng người hiền đức”.

Người mà Trời sẵn lòng giúp là người thuận theo Đạo Trời. Người mà mọi người sẵn lòng giúp là người đôn hậu thành thật, thành tín tin vào Đạo thiện lương. Nếu chúng ta có thể đối nhân xử thế thành khẩn, coi trọng chữ tín, không mù quáng hành sự, cũng không làm việc với tâm lý may mắn, cầu may, học tập người có phẩm hạnh đạo đức cao, chủ động học hỏi tu dưỡng vươn lên ngang bằng người ta, thì việc gì cũng sẽ thuận lợi, sẽ không xảy ra tội lỗi tổn hại.

4. Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương

Ý nghĩa câu này là: Gia tộc tích lũy thiện hạnh, thiện đức, thì sẽ có phúc báo không ngừng, con cháu hậu thế cũng sẽ được thừa hưởng phúc báo. Gia tộc thường làm việc bất thiện, thì sẽ thường xảy ra tai họa, thậm chí liên lụy đến con cháu đời sau.

Tuân Tử nói: “Tích thiện thành đức, mà tự đắc được cảnh giới Thần linh, có được tâm cảnh của Thánh nhân”. Các bậc đức lớn thời cổ đại dạy chúng ta sửa tâm, người hiện đại gọi là điều chỉnh tâm thái. Mỗi tối tự phản tỉnh kiểm điểm bản thân, tâm hại người tổn thương người thì nhất định không được có, suy nghĩ đã có tâm giúp người lượng thứ người chưa.

“Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”, đó cũng là kết quả truyền đời của gia phong. Gia phong, gia huấn tốt được truyền thừa tốt sẽ trở thành ngọn hải đăng dẫn đường cả hành trình cuộc đời của mỗi người trong gia tộc. Một người nếu từ nhỏ được hun đúc trong gia phong tốt, thì trong cuộc sống, xử thế sẽ có “pháp” có thể nương tựa, sẽ kiên trì giữ nội tâm mình không để ngoại vật ảnh hưởng. Như thế, đường đời mới có thể đi được xa hơn, gia tộc mới có thể ngày càng hưng vượng.

Tích thiện hành đức đời người mới có thể đi được xa hơn, gia tộc mới có thể ngày càng hưng vượng. (Ảnh: xuehua.us)

5. Vô bình bất pha, vô vãng bất phục, gian trinh vô cữu

Đây là hào từ cửu tam trong quẻ Thái. Câu này có nghĩa là: Không có đất bằng vĩnh viễn không biến thành sườn dốc, không có chỉ ra đi mà không trở về, trong gian khổ khó nạn nên giữ vững thuần chính, thì ắt sẽ có kết quả tốt.

“Gian” là nói về gian khổ khốn cùng của hoàn cảnh bên ngoài. “Trinh” là kiên trì giữ vững lòng trung trinh chính trực nội tâm bên trong người quân tử. Người quân tử trong hoàn cảnh gian khổ khốn cùng vẫn giữ vững nội tâm trung trinh chính trực và phẩm hạnh, thì không có việc gì, điều gì sai lầm cả.

Khổng Tử nói: “Người quân tử giữ vững phẩm hạnh khi khốn cùng, còn kẻ tiểu nhân khi khốn cùng thì sẽ phóng túng vượt ra ngoài khuôn phép”. Đây chính là sự khác biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân.

6. Xích oách chi khuất, dĩ cầu tín dã. Long xà chi trập, dĩ tồn thân dã

Xích oách (sâu đo) là ấu trùng của một loài ngài, hình dạng có phần giống con tằm, nó không ngừng cong người hình cung tên rồi duỗi thẳng ra để di chuyển. Long xà (rắn rồng) ẩn mình dưới đất là để duy trì sinh tồn.

Con người sống trên đời muốn làm nên sự nghiệp thì cần có tinh thần “co duỗi” này. Co không phải là tự ti sợ sệt sau khi thất bại. Duỗi cũng không phải là ngạo mạn tự phụ không coi ai ra gì sau khi thành công. Đây là trí tuệ khiêm nhường nhẫn nhịn tránh mũi nhọn sắc bén, đợi thời cơ hành động, là tâm thái chân chính không sợ hãi, lạc quan tự tin.

Làm người nên như vậy, xử sự cũng như thế. Nhưng trong hiện thực, người có thể duỗi không ít, nhưng người khi chịu nhục chịu trắc trở có thể ẩn mình, không oán trách thì không nhiều.

Trong “Đạo đức kinh” có viết: “Oan khuất thì mới có thể bảo toàn, uốn cong thì mới có thể duỗi thẳng, thấp trũng thì mới có thể điền đầy, cũ kỹ thì mới có thể sinh mới, lấy ít thì mới có thể thu được, lấy nhiều thì sẽ bị mê hoặc”. Có lúc cúi đầu, khom lưng là để vươn mình ngẩng đầu cao hơn.

Người có tinh thần “co duỗi” này mới có thể làm được việc lớn, mới có thể thành công. (Ảnh: sohu.com)

7. Thiên Địa bất giao, bĩ. Thiên Địa giao, nhi vạn vật thông

Bĩ và Thái đều là quẻ tượng trong Kinh Dịch. Quẻ tượng Bĩ là Thiên Địa bất giao. Quẻ tượng Thái là Thiên Địa tương giao.

Trong Kinh Dịch, ‘giao’ là khái niệm vô cùng quan trọng. Giao có nghĩa là ‘thông khí’ và ‘kết hợp’.

Khí của Trời Đất không giao thông với nhau, vạn vật không sinh, đây chính là quẻ đại hung. Chỉ có khí Trời Đất tương giao, vạn vật mới sinh trưởng, thế giới mới hanh thông. Đó chính là đại cát.

Điều này gợi mở cho chúng ta, làm người làm việc đều cần phải học câu thông. Khi câu thông, chú ý đối tượng và hoàn cảnh câu thông, nội dung câu thông phải tương đương với trình độ tri thức của đối tượng câu thông.

Khổng Tử nói: “Người bậc trung trở lên thì có thể nói đạo lý cao, người bậc trung trở xuống không thể nói đạo lý cao được”; “Người có thể nói mà không nói với họ thì mất người; Người không thể nói với họ được mà lại nói thì mất lời; Người quân tử không mất người cũng không mất lời”.

Nói thông tục rằng, đối diện với những người khác nhau, người đáng nói (đạo lý) thì nói, người không đáng nói (đạo lý) thì chớ nói, “Nói cho lời trung ngôn và dẫn dắt theo đạo lý, không được thì dừng, chớ tự làm nhục mình”.

8. Thiên Đạo khuy doanh ích khiêm, Địa Đạo biến doanh lưu khiêm. Quỷ Thần hại doanh phúc khiêm, nhân Đạo ác doanh hiếu khiêm

Nghĩa là: Đạo Trời bớt cái đầy để lợi ích cho cái khiêm hạ, Đạo Đất biến đổi cái đầy chảy vào cái khiêm hạ. Đạo Quỷ Thần làm tổn hại cái đầy và ban phúc cho cái khiêm hạ. Đạo con người ghét cái đầy mà thích cái khiêm hạ.

Đạo Trời, Đạo Đất, Đạo quỷ Thần, Đạo con người đều nói về một chữ ‘Khiêm’. Quẻ Khiêm là quẻ tượng duy nhất 6 hào toàn cát trong Kinh Dịch.

Quẻ Khiêm trên là Khôn, dưới là Cấn. Cấn là sơn (núi), Khôn là địa (đất). Núi cao lớn nhưng lại ở dưới đất. Trong chỗ thấp ẩn chứa cao lớn, khom người ở dưới vật, tiên nhân hậu kỷ (người trước, mình sau), do đó quẻ Khiêm tượng trưng cho khiêm hạ, khiêm tốn.

Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử nói: “Cái thiện cao nhất như nước, nước thiện, lợi cho vạn vật mà không tranh, ở nơi mọi người đều không thích (chỗ thấp), cho nên gần với Đạo”. Trong học thuyết Đạo gia, nước là thiện nhất mềm nhất. Đặc tính của nước mềm mại chu mật, nhỏ thì vô thanh, lớn thì cuồn cuộn tuôn trào. Không tranh với người, nhưng lại bao dung chứa đựng vạn vật. Nước có đức hạnh nuôi dưỡng vạn vật, nó khiến vạn vật đắc được lợi ích của nó, mà không xảy ra mâu thuẫn, xung đột với vạn vật. Đạo của đời người cũng không vượt khỏi nó.

Bảo trì thái độ khiêm – hòa giúp ích rất lớn cho chúng ta đối nhân xử thế, thoái có thể minh triết bản thân, tiến có thể cảm hóa người khác. Tu được khiêm – hòa thì có thể không phiền não, không nóng vội, cả đời đều hạnh phúc tự tại.

Bảo trì thái độ khiêm – hòa giúp cho chúng ta đối nhân xử thế, thoái có thể minh triết bản thân, tiến có thể cảm hóa người khác… (Ảnh: ifuun.com)

9. Kiển, quân tử dĩ phản thân tu đức

Kiển là quẻ thứ 39 của Kinh Dịch, nghĩa gốc là đi khập khiễng, ngụ ý khó khăn, gian nan hiểm trở, hành động không thuận lợi. Đời người việc không như ý thì 10 phần có 8, 9 phần, mỗi người đều sẽ trải qua thời gian “thời vận không đến đủ, đường đời nhiều gian truân”.

Đối diện với con đường gập ghềnh trắc trở, Kinh Dịch nói cho chúng ta biết cần học được “phản thân tu đức”, tức là tự xem xét lại bản thân, tìm những thiếu sót mà tu dưỡng đạo đức. Mạnh Tử nói: “Người hành sự mà không thành, đều phải tìm lỗi ở bản thân, thân mà chính thì thiên hạ sẽ quy thuận theo”.

10. Quân tử dĩ chính vị ngưng mệnh

“Chính vị” nghĩa là làm cho ngay chính vị trí của mình, ngồi vững vàng, ngồi ngay thẳng. “Ngưng mệnh”, thì “ngưng” có nghĩa là ngưng tụ tinh thần, khai phát trí tuệ; còn “mệnh” chính là vận mệnh. Do đó, “chính vị ngưng mệnh” có nghĩa là người quân tử nên làm cho ngay chính vị trí của mình, đoan chính, vững vàng, ngưng tụ tinh thần khai phát trí tuệ, nhờ đó mà hoàn thành sứ mệnh nhân sinh của mình, thực hiện cuộc đời mình ở giá trị cao nhất.

Theo secretchina.com
Nam Phương biên dịch