Trong đời, hẳn phải có lúc bạn phải tự hỏi bản thân: rốt cuộc điều gì mới là quý giá nhất? Qua bao nhiêu năm như vậy, nhiều khi người ta vẫn chưa tìm thấy câu trả lời. Câu chuyện sau đây liệu có thể giúp bạn hóa giải băn khoăn đó?
Trên ngọn núi bên ngoài thành phố nọ có một ngôi chùa cổ. Ngôi chùa nằm giữa những hàng tre trúc xanh mướt và những cây tùng bách cổ thụ. Sư trụ trì ở đây nổi tiếng là người đức hạnh và trí huệ. Một ngày nọ, tiểu hòa thượng làm cơm trong nhà bếp chạy đến trước mặt vị trụ trì và hỏi: “Thưa sư phụ, rốt cuộc, trong cuộc đời của chúng ta, điều gì là quý giá nhất ạ?”.
Vị trụ trì nói: “Con hãy ra sau vườn hoa lấy tảng đá mà ta để ở đó xuống chợ ở dưới núi bán. Nếu như có người hỏi, con đừng nói gì mà giơ lên một ngón tay. Nếu như họ có thương lượng trả giá, con cũng đừng bán mà hãy lập tức mang nó về chùa. Ta sẽ nói cho con biết, đời người điều gì là quý giá nhất!”.
Sáng sớm tinh mơ hôm sau, tiểu hòa thượng khệ nệ ôm tảng đá xuống chợ dưới núi rao bán. Khu chợ đông đúc, người lại qua đều ngạc nhiên hỏi nhau: “Tiểu hòa thượng ngốc, có ai sẽ mua tảng đá này kia chứ?”. Không ngờ lát sau, có một người phụ nữ trung tuổi đi tới và hỏi: “Tảng đá này bao nhiêu tiền?”. Nhớ lời thầy, tiểu hòa thượng chỉ giơ một ngón tay của mình lên mà không nói lời nào.
Người phụ nữ hỏi: “1 quan sao?”. Tiểu hòa thượng lắc đầu. Người phụ nữ lại nói: “Vậy là 100 quan? Thôi được rồi, ta sẽ mua về để muối dưa chua vậy”. Tiểu hòa thượng nghe vậy thầm nghĩ: “Trời ơi, tảng đá không đáng 1 đồng mà có người trả 100 quan! Trên núi của chúng ta chẳng phải có cả đống sao?”.
Tuy nhiên, tiểu hòa thượng nghe lời sư trụ trì, không bán mà lại ôm hòn đá trở lại chùa. Về đến nơi, cậu hỏi: “Sư phụ, hôm nay có người phụ nữ trả con 100 quan để mua tảng đá này. Bây giờ, sư phụ có thể nói cho con biết đời người điều gì là giá trị nhất chưa ạ?”.
Vị sư trụ trì nói: “Đừng vội! Sáng mai, con hãy ôm tảng đá này tới trước cửa nhà bảo tàng bán. Nếu có người hỏi, con cứ giơ một ngón tay lên. Nếu như họ trả giá, con đừng bán mà lại ôm đá về. Sau đó chúng ta sẽ nói chuyện tiếp!”.
Sáng hôm sau, tiểu hòa thượng lại hào hứng ôm tảng đá đến trước nhà bảo tàng ngồi bán. Một nhóm người hiếu kỳ vây quanh cậu rồi xì xào bàn tán: “Một tảng đá bình thường rốt cuộc có giá là bao nhiêu? Chẳng lẽ đây là tảng đá quý hiếm sao?”. Lúc này có một người đàn ông từ trong đám đông bước lên phía trước rồi lớn tiếng hỏi: “Tiểu hòa thượng, ngươi bán tảng đá này bao nhiêu tiền?”. Tiểu hòa thượng lại giơ một ngón tay lên mà không nói gì. Người đàn ông kia hỏi: “1000 quan sao? Được, ta mua luôn vì đang cần tảng đá để khắc bức tượng thần”.
Tiểu hòa thượng nghe xong, lùi lại một bước, sợ tới mức không nói lên lời. Nhưng cậu vẫn tuân thủ lời của sư phụ, không bán mà ôm đá về. Về tới chùa, cậu sốt ruột hỏi ngay: “Sư phụ! Hôm nay có người trả con 1000 quan để mua tảng đá này. Bây giờ, sư phụ đã nói cho con biết được chưa?”.
Sư trụ trì nghe tiểu hòa thượng nói xong, cười ha ha rồi trả lời: “Ngày mai con hãy mang tảng đá này đến cửa hiệu đồ cổ bán đi. Nhớ lời của ta, đừng bán mà hãy mang nó về. Lúc ấy, ta nhất định sẽ nói cho con biết đời người điều gì là giá trị nhất”.
Sáng hôm sau, tiểu hòa thượng lại mang tảng đá đến cửa hiệu đồ cổ ở dưới núi. Không ngờ, một người đàn ông đến trước tiểu hòa thượng và nói: “Đây là bảo thạch ngàn năm không gặp, tiểu hòa thượng bán bao nhiêu tiền?”. Tiểu hòa thượng lại như cũ, không nói gì mà giơ một ngón tay lên. Người đàn ông nói: “1 vạn quan?”. Tiểu hòa thượng lắc đầu, người đàn ông lại nói: “10 vạn quan sao? 10 vạn quan ta cũng muốn mua báu vật này!”
Tiểu hòa thượng nghe xong như không tin vào tai mình, vội vàng ôm tảng đá về chùa và nói với sư trụ trì: “Sư phụ! Hôm nay có người trả con 10 vạn quan để mua tảng đá kia. Bây giờ sư phụ đã có thể nói cho con biết được chưa?”
Vị sư trụ trì cầm lấy hòn đá ném vỡ đi rồi nói: “Thực ra, chúng ta không phải có ý định bán tảng đá này. Ta sở dĩ bảo con làm như vậy là vì muốn dạy con biết được giá trị của bản thân mình vậy. Cho dù con ở nơi đâu, cùng là con, nhưng có người sẽ nâng con lên rất cao và có người lại bỡn cợt mà hạ con xuống rất thấp. Một vật chỉ có giá trị khi được đặt tại trước mặt người hiểu được giá trị. Đừng lo người khác nhìn mình như thế nào mà quan trọng nhất là bản thân mình nhìn nhận mình như thế nào. Vì thế, điều quý giá nhất trong cuộc đời là con có thể nắm giữ được số mệnh và quyết định được giá trị của bản thân mình”.
Suy ngẫm:
Đọc xong câu chuyện có lẽ bạn đã tự trả lời được câu hỏi hóc búa kia: “Rốt cuộc điều gì mới là quý giá nhất trên đời?”. Phải chăng đó là việc bạn có thể tự ý thức được giá trị của chính mình? Mỗi người đến với thế gian này đều có một sứ mệnh nào đó, mỗi sự sống đều mang một ý nghĩa riêng. Việc bạn có mặt trên cuộc đời này, tự nó, đã là một điều quý giá không gì sánh được. Và hãy nhớ:
Giá trị của bạn không dựa trên việc người khác phán xét bạn ra sao. Chỉ cần bạn tự ý thức được giá trị của mình, bạn sẽ luôn cảm thấy cuộc đời của mình ý nghĩa.
Nếu không thể tự trân quý bản thân mình, đừng bao giờ mong người khác có thể trân quý bạn.
Hãy đặt mình vào một nơi xứng đáng. Có thể tỏa sáng hay không là do bạn lựa chọn. Giống như cùng 1 viên đá bán ngoài chợ và bán ở tiệm đồ cổ, giá trị là khác hẳn nhau. Quan trọng là tìm cho mình một sân khấu để tỏa sáng.
Cuối cùng, dù cuộc đời có đẩy mình vào hoàn cảnh nào, thử thách nào, bạn hãy điềm nhiên đón nhận tất cả, hãy mỉm cười và bước qua. Có một câu nói như thế này: “Hãy cười lên và cả thế giới sẽ cười cùng bạn. Còn khi khóc, bạn sẽ chỉ khóc một mình”.
Cuộc sống này tươi đẹp hay u ám, hạnh phúc hay khổ đau, rốt cuộc ranh giới đó thật mong manh. Chỉ cần thay đổi thái độ, bạn sẽ thấy ở cuối con đường luôn có chỗ cho hy vọng. Một nhà thơ nổi tiếng thời Nam Tống là Lục Du có 2 câu thơ rất hay hàng nghìn năm qua vẫn được người đời truyền tụng.
“Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”
Dịch nghĩa: Núi cùng, nước tận, tưởng là không còn đường đi. Qua rặng liễu tối, đến khóm hoa tươi lại có một thôn làng.
Bạn thấy đấy, sau những thời khắc tưởng như tột cùng gian khổ, những gì tốt đẹp nhất đang chờ đợi bạn ở cuối cuộc hành trình, chỉ là bạn có thể thực sự trân quý giá trị của chính bản thân mình để đủ sức mạnh bước qua nó hay không.