Lại nói Cốc Đế và Khương Nguyên dừng chân ở Tất Tự giữa Nhị Thủy, lặng lẽ chờ sinh, bất tri bất giác trải qua nhiều ngày mà không biết…

Lúc đó là thời điểm cuối năm, thời tiết lạnh thấu xương tới mức không thể chịu đựng nổi, tận mắt thấy bách tính nơi đây đều phải ở trong hầm mộ, có cái có một tầng, có cái có hai tầng, bên trên là ruộng và đường lớn, bên dưới là nhà ở. Mỗi khi mặt trời lặn, mọi người đều chui vào trong hầm mộ nghỉ ngơi, mãi đến ngày hôm sau khi mặt trời chưa mọc cao 3 thước thì quyết không ra ngoài. Bên trong hầm mộ rộng khoảng mấy trượng nhưng có đủ chỗ để nấu nướng, chỗ ngồi nằm và vệ sinh. Tuy nhiên nơi đó lại tối tăm dị thường, đừng nói là ban đêm, ngay cả ban ngày ánh sáng và không khí cũng không đủ. Thế nhưng bên trong hầm mộ lại rất ấm, nếu hầm mộ nào có hai tầng thì nhiệt độ lại càng ôn hòa, do vậy, mỗi khi thời tiết lạnh giá, mọi người lại đến hầm mộ để nghỉ ngơi. Đây cũng là đạo lý vận dụng sao cho phù hợp với từng địa phương, không thể miễn cưỡng. 

Cốc Đế quan sát nhiều ngày, trong lòng thầm nghĩ: “Nơi đây vẫn còn phong tục ăn hang ở lỗ, không biết đến cái đẹp của cung thất, thật là kỳ quái. Thế nhưng sau nhiều ngày quan sát thì thấy bách tính nơi đây đều chất phác đơn thuần, sống rất hòa thuận vui vẻ, không có chút ham muốn xa xỉ, không có ham muốn cạnh tranh, thật là đáng để ao ước. Mặc dù ở thời buổi vật chất văn minh, tuy là đem đến tiện lợi cho con người, giúp cho cuộc sống thuận tiện và thoải mái hơn, thế nhưng các hành vi vô đạo đức lại đến từ ham muốn tiện lợi và thoải mái này. Động cơ tranh đấu giết chóc và cướp đoạt cũng xuất phát từ sự tiện lợi và thoải mái, điều đó thật khác biệt với phong tục tập quán của người dân nơi đây. Trẫm hy vọng phong tục sống ăn hang ở lỗ này tiếp diễn qua 5 nghìn năm mà không thay đổi mới tốt”

Cốc Đế đang suy nghĩ miên man thì đột nhiên có người bẩm báo: “Nhị phi Giản Địch nương nương tới”. Cốc Đế nghe xong vô cùng mừng rỡ, liền lệnh cho Giản Địch tiến vào. Giản Địch tiến đến chào hỏi Cốc Đế, Khương Nguyên nghe tin cũng vội vã ra gặp mặt. Cốc Đế hỏi Giản Địch: “Liệu có phải nàng về nhà thăm phụ mẫu mà đi ngang qua đây?” Giản Địch đáp: “Đúng vậy, nhà thiếp cho người đến đón, mong Đế cho phép, thiếp liền lên đường, đi hơn 3 tháng, không ngờ gặp Đế Hậu ở đây, nhưng không biết vì lý do gì mà Đế Hậu lại dừng chân nghỉ ở nơi hoang vắng như thế này qua mùa đông?”

Cốc Đế đã nói cho Giản Địch biết việc Khương Nguyên mang thai đang chờ sinh. Giản Địch vội chúc mừng Khương Nguyên khiến Đế Hậu cảm thấy e thẹn tới đỏ mặt. Cốc Đế nói với Giản Địch: “Nàng tới đúng lúc lắm, trẫm đang lo chính phi sinh nở ở nơi hoang dã này mà đứng ngồi không yên, mặc dù có mấy cung nữ theo hầu, nhưng vẫn thấy không an tâm. Hiện tại nàng ở đây, chờ chính phi sinh xong, rồi về nhà thăm bố mẹ cũng không muộn”. Giản Địch nghe xong liên tục nói: “Vâng vâng. Thiếp vừa hay đúng lúc được hầu hạ chính phi”. Thế là nàng liền bảo người của nước Hữu Nhung đi đón trở về trước, không phải theo hầu nữa. Ở đây, Giản Địch ngồi một lúc thì Khương Nguyên tới nắm tay nàng bước vào phòng trong cùng nói chuyện tâm sự. 

Đến buổi tối, Giản Địch nói với Cốc Đế: “Chính phi tuổi đã cao, lại lần đầu sinh nở, sợ rằng sẽ gặp nguy hiểm, Đế nên tìm một lương y tới để dự phòng, đỡ phải lâm vào tình huống thúc thủ vô sách”. Cốc Đế nói: “Nàng nói đúng lắm, Trẫm cũng dự tính từ lâu, khi quyết định nghỉ chân đợi sinh ở nơi này, đã lệnh cho người đến nhà mẹ đẻ của chính phi thông báo. Cũng lệnh cho hắn lập tức chọn một lương y tới, có lẽ một hai hôm nữa là đến nơi thôi”. 

Hai ngày sau, quả nhiên có hai lương y từ Hữu Quốc tới. Thật bất ngờ hôm đó cũng là ngày mà Khương Nguyên hạ sinh, chưa đến nửa giờ sau thì đứa bé chào đời. Khương Nguyên hạ sinh an toàn không gặp phải vấn đề gì, cũng không cần đến hai lương y trợ giúp. Mọi người thấy không có điều gì xảy ra ngoài ý muốn nên tất cả đều tỏ ra vui mừng. Nhìn kỹ lại đứa bé thì đó là một bé trai. Trong lòng Cốc Đế vô cùng vui mừng, không khỏi cảm kích Nữ Oa nương nương. 

Chỉ có sắc mặt của Khương Nguyên chẳng những không vui mà còn lộ ra dáng vẻ phiền lòng lo âu, người đến chúc mừng mà nàng chỉ miễn cưỡng đáp trả, nét mặt tươi cười cũng không có. Mọi người thấy vậy thì không thể giải thích được, đoán già đoán non sau lưng. Có cung nữ nói: “Hầu hết đứa trẻ chào đời đều khóc, hiện tại vị thế tử này từ lúc ra đời đến giờ vẫn chưa cất tiếng khóc, chính phi nương nương cảm thấy không vui, có lẽ là vì nguyên do này”. Mọi người ngẫm lại thấy không sai, chẳng những đứa bé chưa khóc mà còn không phát ra âm thanh gì, thật là kỳ lạ. Thế nhưng khi bế lên thì thấy đôi mắt bé long lanh, tay chân cử động liên tục, không có chút bệnh tật gì. Điều này lại càng khiến mọi người không thể giải thích nổi. 

Giản Địch vội vàng an ủi Khương Nguyên: “Chính phi có vẻ không vui là vì đứa trẻ mới sinh không khóc sao? Xin người yên tâm, đứa bé này rất ngoan, đảm bảo bé sẽ khóc”.

Thế nhưng Khương Nguyên lại để những lời này ngoài tai, vừa nghe xong liền lập tức nói: “Ta bỏ đứa bé này, xin hãy cho người bế nó đem vứt đi”. Giản Địch tưởng nàng nói đùa nên vừa cười vừa nói: “Làm gì có đạo lý này, trải qua bao khó khăn vất vả mới sinh được đứa bé này, nỡ lòng nào vứt bỏ đi chứ”. Vậy mà khi nghe xong lời này, Khương Nguyên nhất thời nổi đóa, mặt đỏ tía tai, cũng không nói lý do, trong miệng liên tục gọi người đem đứa bé vứt đi. Đến lúc này Giản Địch mới biết là lời của Khương Nguyên không phải nói đùa. Thế nhưng dù thế nào đi nữa cũng không đoán ra được tâm tư vướng mắc trong lòng nàng là gì.

Giản Địch thầm nghĩ: “Tính tình Khương Nguyên ngày thường rất ôn hòa, hơn nữa còn vô cùng nhân từ, vì sao mà giờ lại đột nhiên độc ác hung hãn tới vậy, hơn nữa đó còn là đứa con nàng mới sinh ra, không hiểu sao lại thành thế này? Thật là không hiểu nổi nguyên do là gì nữa”. Sau đó nàng lại đột nhiên tự hỏi: “Ồ, đúng rồi, không phải là nàng ấy bị bệnh gì đó, khiến thần kinh bị rối loạn đấy chứ?” Nàng vội vàng đem sự tình này báo cho Cốc Đế biết. Cốc Đế lập tức sai lương y vào khám cho nàng. Sau khi chẩn đoán mạch tượng và hỏi han một lúc rồi đi ra báo cho Cốc Đế biết, nói rằng chính phi nương nương không có bệnh gì, chỉ e đây không phải là bệnh cũ. 

Cốc Đế nghe xong cũng không nghĩ ra được nguyên do. Nhưng nghe được từ bên trong, thấy Khương Nguyên luôn miệng sai người đem đứa bé bỏ đi. Cốc Đế bỗng nhiên đưa ra quyết định, nói với Giản Địch rằng: “Trẫm thấy nên nghe theo chính phi, đem đứa bé này đi bỏ. Nếu không nghe theo nàng, sợ rằng sẽ bị hậu sản mà mang bệnh khiến cho thân thể không tốt. Huống hồ như lời nàng nói, đứa bé này từ lúc sinh ra tới giờ vẫn chưa khóc, khó có thể đảm bảo đứa bé này không phải là người ngu si trì độn, cũng có thể là mắc phải bệnh lạ chưa biết chừng. Nếu cho nuôi nấng trưởng thành thì có lợi ích gì? Từ trước tới giờ trẫm đều nghe thấy đứa trẻ khi vừa chào đời liền cất tiếng khóc. Hiện tại đứa bé này chưa khóc tí nào, chẳng phải quá nực cười rồi sao, cần nó có ích gì? Nàng hãy gọi người đem bỏ đứa bé này đi thôi”.

Giản Địch không đành lòng, nhưng thấy Cốc Đế phân phó như vậy, nghĩ đi nghĩ lại, nàng cũng không nghĩ ra lời nào để khuyên nhủ Khương Nguyên nữa, chỉ có thể sai người bế đứa bé đi. Trong tâm nàng thầm nghĩ: “Thời tiết lạnh giá như thế này, đứa trẻ vừa mới chào đời lại đem ném ở bên ngoài, chỉ e rằng không chịu đựng nổi 2 giờ đồng hồ thì đã bị chết rét rồi. Đứa bé này thực sự là có mệnh khổ quá”. Vừa nghĩ, nàng vừa mang thêm áo bông tã lót tới, gói ghém kỹ lưỡng mà không cầm nổi nước mắt, nói với đứa bé: “Con à, nếu con có vận khí tốt, qua đêm nay không chết, đến khi trời sáng sẽ có người đến bế đi, như vậy tính mạng của con có thể bảo toàn rồi”. Nói xong liền bảo người bế đứa bé đi bỏ, sau đó nàng đi vào phòng nhìn Khương Nguyên, thấy nàng khóc không giống với người bình thường. Nhìn cảnh tượng này, Giản Địch không giải thích được. Thầm nghĩ: “Nếu đã liều mạng vứt bỏ đứa bé thì đâu cần phải thương tiếc? Nếu đã thương tiếc thì sao lại liều lĩnh vứt bỏ chứ? Loại tâm lý mâu thuẫn này thật không hiểu nổi”.

Ai biết được, Khương Nguyên thấy Giản Địch đi tới, nàng nén lệ từ lâu nên mới không khóc. Giản Địch thấy nàng như vậy thì cũng không tiện đề cập đến vấn đề đầu não nữa mà chỉ biết dùng lời nói có lệ khác để khuyên nhủ. 

Sau đó nàng trở về chỗ Cốc Đế kể lại tình hình. Cốc Đế nghe xong điều cũng không thể nghĩ ra lý do là gì. 

Đến sớm hôm sau, trong lòng Giản Địch nhớ đến đứa bé liền gọi người tối hôm qua đem vứt tới rồi hỏi: “Tối qua đã đem đứa bé bỏ ở nơi nào?” Người này nói: “Đã đem đứa bé bỏ ở bên môt con đường nhỏ”. Giản Địch nói: “Ngươi mau đi xem đứa bé còn sống hay chết, liệu có người nào bế đi chưa?” Người này nhận lời rồi rời đi. Chưa đến 2 giờ sau liền trở về báo tin nói: “Thật là chuyện lạ!” Lúc này Giản Địch đang ở trong phòng của Cốc Đế, nghe xong Cốc Đế liền hỏi: “Chuyện lạ gì?” Người kia trả lời: “Vừa nãy nhị phi bảo nô tài đi xem xem đứa bé đem bỏ hôm qua có bị rét đông chết cứng không. Tiểu nhân vừa đi xem thấy có rất nhiều dê bò đang ở đó cho đứa bé bú sữa, đồng thời ủ ấm nữa, đây chẳng phải là điều lạ sao?”

Cốc Đế nghe xong, rất không tin, nói rằng: “Lại có chuyện như vậy sao?” Sau đó ông liền sai người khác đi đến đó xem thử. Qua 2 giờ sau, người này trở về nói: “Xác thực là đúng. Lúc tiểu nhân đi xem, thấy một con bò đang quỳ ở đó cho đứa bé bú sữa. Hiện tại mọi người đã biết, đều đến xem, họ nói điều này thật vô cùng kinh ngạc. Đây đúng là chuyện lạ!” Giản Địch nghe xong không khỏi tỏ vẻ vui mừng, vội thưa với Cốc Đế: “Đứa bé này có điều kỳ lạ như vậy, thiết nghĩ tương lai nhất định là một người phi thường, thỉnh đế mau sai người bế đứa bé về ạ!” 

Cốc Đế cũng đồng ý, do đó đã sai người đi bế đứa bé về nhà. Nhìn ánh mắt của đứa trẻ sáng ngời, giống như tối hôm qua khi được đưa ra ngoài, không có biểu hiện ốm đau hay đói rét, thế nhưng bé vẫn chưa khóc. Cốc Đế cũng thấy vô cùng kinh ngạc, liền lệnh cho Giản Địch bế bé vào phòng và nói cho Khương Nguyên biết tình hình. Không ngờ Khương Nguyên chẳng những không nhìn mà còn vừa thấy đứa bé liền lập tức nổi giận, thái độ vẫn như cũ, sai người đem vứt bỏ. Giản Địch cũng kể lại tình hình dê bò cho đứa trẻ bú sữa, Khương Nguyên không tin, còn nói: “Tất cả đều là bịa đặt, thiên hạ hoàn toàn không có chuyện như vậy. Đêm qua chắc mọi người không đem vứt đứa bé này đi rồi”. Giản Địch không còn cách nào khác liền bế đứa bé ra chỗ Cốc Đế rồi nói cho ông biết về điều này. Cốc Đế suy nghĩ một lát rồi nói: “Sai người mang đứa bé đi bỏ, lần này đem đến nơi xa xa một chút”

Giản Địch kinh hãi cầu xin Cốc Đế nói: “Cái này sợ rằng không được, một đứa trẻ vừa mới chào đời, sao có thể chịu được nhiều khổ sở như vậy, hơn nữa, nếu đem vứt bỏ ở xa, nơi đó là rừng núi rồi. Ở đó lang sói nhiều, chẳng phải là khiến cho đứa bé chết uổng sao? Việc dê bò che chở cho đứa bé đêm qua, chính phi tuy là không tin, nhưng Đế không thể không hiểu, hơn nữa bách tính đều biết rồi. Thiếp mong Đế nói rõ với chính phi sự việc này, để thê thiếp tạm thời nuôi nấng, đợi lúc chính phi đầy tháng ra khỏi phòng, tự mình điều tra, nếu như là chuyện bịa đặt, lúc đó lại đem vứt bỏ cũng không muộn. Thiếp ngẫm thấy, nếu lúc đó chính phi biết được chuyện lạ này là thật, nhất định sẽ không bỏ rơi nó, đế thấy thế nào?”

Cốc Đế nói: “Trẫm thấy không cần, chuyện dê bò cho đứa bé bú sữa, trong lòng trẫm vẫn còn chút nghi hoặc. Về phần nàng, trẫm tin rằng nàng sẽ không bao giờ lừa gạt, nhưng cung nữ kia trẫm cũng không dám đảm bảo. Có lẽ họ thương đứa bé mà đêm qua không nỡ mang đi vứt, đợi sáng nay lúc hỏi đến mới ôm đứa bé đi cũng không chừng. 

Nếu không thì nửa đêm trâu bò nhà nào thả ra chứ? Sở dĩ lần này trẫm muốn đem bỏ ở nơi xa hơn một chút, để thử xem, nếu như đứa bé này là người không bình thường, nhất định sẽ lại được cứu, cũng vẫn sẽ không chết. Nếu như chết thì chuyện đêm qua cũng không đáng tin, nếu như đáng tin thì cũng là trùng hợp ngẫu nhiên, không xem là chuyện lạ”. Giản Địch nghe xong không nói được lời nào, chỉ có thể sai gia nhân bế đứa bé đi ném bỏ. 

Nửa ngày sau, gia nhân ôm đứa bé đi vứt trở về nhà, Cốc Đế hỏi người này vứt đứa bé ở nơi nào, y nói: “Bỏ ở bên bìa rừng cách nơi đây 3 dặm ạ”. Cốc Đế nghe xong không hỏi thêm gì nữa, còn Giản Địch thì cảm thấy vô cùng khó chịu, suốt cả đêm không ngủ được. Vừa đến tờ mờ sáng hôm sau, nàng đã vội đứng lên, đang muốn bảo Cốc Đế sai người đi xem tình hình thế nào, thế nhưng Cốc Đế đã sai người đi dò hỏi từ lâu. 

Qua nửa ngày, người đi thám thính tình hình đã trở về thưa rằng: “Thật đúng là quá lạ! Tiểu nhân vừa đến gần khu bìa rừng, thấy có rất nhiều người dân cũng đang đến đó. Tiểu nhân hỏi có sự việc gì xảy ra thì một bách tính kể lại rằng: ‘Sáng sớm tôi đến bìa rừng để lấy một ít củi chuẩn bị nấu bữa sáng, thế nhưng bất ngờ nhìn thấy một con sói đang nằm phục ở đó. Tôi vô cùng kinh ngạc, định đi đến giết nó, nhưng khi nhìn sang bên cạnh lại thấy có một đứa trẻ mới sinh, con sói đang cho nó bú sữa. Tôi thấy vô cùng ngạc nhiên nên đã về gọi mọi người đến xem. Không biết là con nhà ai’. Vừa đi vừa nói, người này đã dẫn mọi người cùng tiểu nhân tiến về khu bìa rừng. Tới khu vực đất bằng, quả nhiên thấy con sói đang cho đứa trẻ bú sữa. Mọi người nói rằng, sở dĩ đứa trẻ này được sói cho ăn là bởi vì đó là con của vua chúa. Tới lúc này tiểu nhân mới tin là thật.  

Sau đó, con sói thấy có nhiều người đến, lại gần để đuổi nó, lúc này nó mới từ từ đứng lên rời đi, trước khi đi còn vẫy đuôi 2 lần, sau đó lại ngửi ngửi mặt đứa bé, rồi mới chạy như bay vào rừng. Đây là điều tiểu nhân tận mắt nhìn thấy, vô cùng chân thực”

Cốc Đế hỏi: “Sau đó chuyện gì đã xảy ra? Đã ôm đứa bé về chưa?” Người này nói: “Về sau, các bách tính này vô cùng ngạc nhiên, có hai người trong số đó nói: ‘Đứa bé này có phải là con của vua chúa bị đem bỏ ở con đường nhỏ hôm qua hay không. Hôm qua dê bò cho bú sữa đã kỳ lạ rồi, sáng nay lại có sài lang cho bú sữa nữa, thật là xưa nay chưa từng nghe thấy chuyện lạ này. Nghĩ lại con của vua chúa thường có phúc khí lớn, tự nhiên sẽ có thiên thần bảo vệ. Giả sử là con của nhà dân thường chúng ta, chẳng những không được sài lang cho bú sữa mà rất có thể còn bị chết đông cứng từ lâu, sống không nổi qua một đêm. Một bách tính khác nói: ‘Ta thường nghe nói con nhà vua chúa có tướng mạo rất đẹp, không biết vì sao mà Đế và Hậu cứ nhất quyết phải vứt bỏ đứa trẻ này, thật là không thể giải thích nổi. Hiện tại chúng ta đã ôm đứa bé về đây. Nếu như Đế nhất định không muốn, ta tình nguyện bế bé về nuôi nấng trưởng thành, mọi người thấy thế nào?’ Tất cả mọi người ở đó đều tán thành, họ cùng ôm đứa trẻ đến đây. Tiểu nhân không ngăn họ lại được, đành phải để họ về cùng, hiện đang ở bên ngoài, mong đế định đoạt”. Cốc Đế nói: “Như vậy thì bế đứa bé vào đi! Truyền lệnh của trẫm tới tất cả mọi người có mặt, Trẫm cảm ơn họ!” Lúc này mọi người mới lần lượt rời đi. 

Một lúc sau, cung nữ bế đứa trẻ đi tới. Cốc Đế vừa nhìn, đứa bé vẫn như cũ, không khóc chút nào, thế nhưng hai mắt vẫn tinh anh, thần khí cũng không có xấu đi, liền biết rằng tương lai đứa trẻ này nhất định sẽ có tiền đồ. Đế đã sai Giản Địch bế đứa bé vào nói cho Khương Nguyên biết chuyện. Thế nhưng lúc này Khương Nguyên vẫn chưa tin. Giản Địch nóng nảy nói: “Chính phi không nên quá cố chấp như thế, thần thiếp và những người khác có thể đã từng lừa dối, nhưng sự việc hôm nay Đế cũng đã tin rồi, lẽ nào Đế lại lừa dối chính phi sao?”

Khương Nguyên nói: “Chung quy lại ta vẫn không tin. Việc bên ngoài, không nhìn thấy thì không đáng tin. Quả thật, nếu đứa bé này rất kỳ lạ, ta phải tự mình nhìn xem thì mới tin được”. Giản Địch nói: “Chính Phi định thử như thế nào?” Khương Nguyên cúi đầu ngẫm nghĩ rồi nói: “Ngoài cửa phòng chẳng phải có một cái ao lớn sao? Hiện tại nước đã đóng băng. Ta muốn cởi hết áo bông trên người đứa trẻ này, chỉ cho mặc đồ lót, để nằm trên mặt băng, bản thân ngồi bên trong phòng nhìn, nếu qua 2 giờ mà không bị đông chết thì ta sẽ nuôi”.

Trong lòng Giản Địch nghĩ, lại một cửa ải khó khăn nữa rồi. Trời lạnh như vậy, người lớn chúng ta còn khó chịu đựng, huống hồ đó còn là một đứa bé mới chào đời, chỉ với một bộ lót trên người, liệu có thể nằm trên băng sao? Nhưng không còn cách nào khuyên can nên đành phải bế bé ra ngoài thương lượng với Cốc Đế lần nữa. 

Cốc Đế nói: “Làm theo ý của nàng ấy đi! Sài lang còn không nỡ ăn thì, hàn băng sao có thể khiến cho con trai ta đông cứng được”

Thế là đứa bé bị cởi hết tất cả quần áo đệm bông, chỉ chừa lại một chiếc áo lót trên người rồi đặt nằm trên mặt băng lạnh giá.

Không ngờ vừa đặt xuống, đột nhiên trong không trung truyền đến tiếng vỗ cánh, cả sân lập tức tối đen như mực. Tất cả mọi người đều kinh hãi, không biết chuyện gì đang xảy ra, nhìn kỹ lại phát hiện vô số con chim lớn đang lần lượt hạ cánh xuống ao băng, con thì dùng cánh lót đệm cho đứa bé, con thì đắp bên trên, tất cả chúng quấn thành vòng bao lấy đứa bé, không một khe hở cho gió lọt bào, tất cả đều nằm xuống bất động trong đúng 2 giờ đồng hồ, khiến cho Cốc Đế và những người khác sững sờ. Khương Nguyên ở trong phòng nhìn ra cũng thấy vô cùng kinh ngạc, lúc này mới tin hai lần trước không phải là giả. Khi đang cảm thấy hối hận, bỗng lại thấy tiếng vỗ cánh, đàn chim lại bay đi trong chốc lát. Đứa bé nằm trên băng không chịu đựng được khí lạnh liền oa một tiếng, lúc này mới bắt đầu khóc. Tiếng khóc đó vang dội dị thường, bên ngoài viện cũng có thể nghe thấy thanh âm, đủ để chứng tỏ rằng người bình thường không thể khóc ra thanh âm như thế. Lúc này Cốc Đế nhìn thấy, không khỏi tỏ ra vô cùng vui mừng, ông liền cho người mau chóng ôm đứa bé vào nhà. 

Chưa dứt lời, Giản Địch đã chạy như bay tới ôm lấy đứa bé, bởi vì trước đó nàng đã cởi áo ra, khi ôm đứa bé lên liền ủ vào trong lồng ngực, bước tới chỗ Khương Nguyên rồi nói: “Chính phi nương nương, xin ôm đứa bé một chút, nếu không thì đứa bé này sẽ chết cóng mất”. Lúc này Khương Nguyên vừa xấu hổ vừa cảm kích, vừa hối hận, lại vừa yêu thương, không nhịn nổi mà khóc một trận chua xót, giọt nước mắt như những hạt châu rơi xuống. Cung nữ cũng đã chuẩn bị đồ cho bé, sau khi mặc xong, Khương Nguyên liền ôm con vào lòng, từ đó về sau hết lòng nuôi nấng. 

Bởi vì đứa bé này trải qua ba lần vứt bỏ, cho nên Cốc Đế đã đặt cho một cái tên gọi là ‘Khí’, sau đó lại đặt cho một cái hiệu, gọi là Độ Thần, về sau như thế nào thì không đề cập tới.

Khi đầy tháng ở cữ, Cốc Đế vào phong Khương Nguyên để nhìn ngắm con. Một hôm Giản Địch không ở trong phòng, Cốc Đế hỏi Khương Nguyên: “Nàng đã lớn tuổi như vậy rồi, khó khăn lắm mới sinh được đứa con, đứa bé bình thường biểu hiện rất tốt, cũng không có chuyện gì bất thường, mặc dù không khóc, điều ấy cũng không cần lo, vì sao nàng cứ nhất định phải đem vứt bỏ, đồng thời còn biểu hiện ra như muốn giết chết đứa trẻ ngay ấy. Trẫm không thể giải thích nổi. Nhìn những hành động thường ngày thì có thể khẳng định nàng không phải là người tàn nhẫn như vậy, cũng không phải là ngẫu nhiên mà hành động như thế, nhất định là có nguyên do. Nàng có thể nói với trẫm không?”

Khương Nguyên vừa nghe những lời này liền lập tức đỏ mặt, nàng muốn nói nhưng lại rất khó mở miệng. Ngập ngừng mãi không nói, Cốc Đế không nhịn nổi liền thúc giục: “Nàng cứ nói ra, dù là chuyện gì, cũng không cần lo lắng”. Khương Nguyên không còn cách nào khác đành kể lại chuyện bản thân từng đạp lên một bàn chân lớn ngày đó, đến đêm lại nằm mơ thấy Thương Thần. 

Cốc Đế nghe xong liền cười lớn nói: “Thì ra là thế! Vậy là từ ngày đó, ta thấy nàng lúc nào cũng tỏ ra buồn chán, không vui. Vừa nhắc đến vấn đề mang thai thì mặt đã đỏ ửng lên. Thì ra là nguyên nhân này, vì sao không nói sớm với trẫm? Giá mà nói sớm thì không phải sầu muộn mấy tháng qua, Khí cũng sẽ không chịu nhiều thống khổ như thế. Thành thật mà nói, điều này không phải yêu dị mà là một điềm lành. 

Thời đầu Phục Hy, mẫu thân của Thái Hạo đế cũng như thế, nhờ đặt chân lên một bàn chân lớn mà có thai. Mẫu hậu sinh ra trẫm cũng vậy, cũng nhờ đặt chân lên vết chân to mà mang bầu. Nếu nàng không tin thì khi trở về Bặc có thể hỏi thử mẫu hậu một chút là biết. Nàng đừng lo lắng, đây là điềm lành, không phải yêu dị”. Dứt lời, Cốc Đế liền ôm Khí vào lòng rồi nói với con: “Khí à, lúc mới chào đời, con không kêu cũng không khóc, trẫm cho rằng con không được như cha, hiện con cũng nhờ đạp lên vết tích mà sinh, trẫm mới biết con quả là quá giống trẫm rồi. Kiểu thử thách này thật là khiến con phải chịu oan ức rồi”.

Khương Nguyên nghe xong lời này mới hiểu rõ được. Từ đó về sau trong tâm không còn trở ngại gì nữa.

Lại mấy ngày nữa qua đi, Cốc Đế nói với Giản Địch: “Lần này nàng về nhà thăm cha mẹ, vì chính phi của trẫm sinh nở mà nán lại ở nơi này, thời gian cũng khoảng hai tháng rồi. Hiện tại chính phi cũng đầy tháng, nàng cũng có thể về, để cho hai vị thân sinh không phải lo lắng. Trẫm dự định ngày mai sẽ đưa hai mẹ con chính phi tới nước Hữu Thai, để cốt nhục nàng ấy được đoàn tụ, mặt khác cũng đưa nàng về Hữu Nhung, nàng thấy thế nào?” Giản Địch nghe xong tươi cười nói: “Đế đích thân đưa thiếp về, thiếp thực không dám nghĩ”. Cốc Đế lại nói: “Lần đi tuần này, vốn dĩ phải đi đến các nơi, hiện tại đưa nàng về, cũng có thể nói là không phải vì mình nàng, cũng là thuận đường thuận việc mà”

Ngày hôm sau, Cốc Đế đưa Khương Nguyên về Hữu Thai, ước định thời gian trở lại. Từ đây, Giản Địch và Cốc Đế đi dọc theo Kính Thủy đi về nước Hữu Nhung. 

(Còn tiếp…)

Theo Vision Times
San San biên dịch