Ngày hôm sau, Cốc Đế cùng những người khác đứng dậy đi tiếp về phương nam, du ngoạn qua ngọn núi lớn nhất và nghỉ chân trong một quán trọ. Lúc này từ đằng xa có một âm thanh văng vẳng đưa tới, thanh âm lúc vang lúc ngắt giống như tiếng chuông…

Cốc Đế liền hỏi người theo hầu hai bên: “Tiếng chuông ở đâu ngân vang tới vậy?” Người theo hầu đáp: “Âm thanh vọng tới từ rừng ngọn núi phía trước”. Cốc Đế hỏi tiếp: “Phía trước là núi gì?” Quan theo hầu đáp: “Nghe nói là Phong sơn”.

Cốc Đế chợt hiểu ra và nói: “Trẫm biết rồi”. Lúc này Cốc Đế liền hướng về phía Nữ đế nói: “Tiếng chuông này vang lên không phải do người đánh mà nó tự rung. Trẫm nghe nói ngọn núi Phong này có 9 chiếc chuông, khi gặp tiết sương giá, nó tự nhận biết được mà rung. Hiện tại, đến lúc nửa đêm thời tiết rét đậm, bên ngoài nhất định có sương rồi, sở dĩ chúng cùng nhau ngân vang, cũng giống như hôm qua kể về chiếc la bàn, một vật tương tự có cảm ứng với tự nhiên, nguyên lý của nó không thể giải thích được”.

Đế Nữ và Thường Nghi tỉ mỉ lắng nghe một hồi thấy rằng, âm thanh không phân cao thấp nặng nhẹ, không giống với người đánh, nên đã đồng thời thốt lên: “Kỳ quái! Kỳ quái!” Cốc Đế nói: “Ngọn núi này còn có điều ly kỳ nữa. Có một thần nhân tên là Canh Phụ sống trên ngọn núi này, thường đến nơi vực sâu lạnh lẽo bên cạnh núi để du ngoạn, đi vào đi ra, toàn thân phát sáng, tựa như một hỏa nhân, chẳng phải kỳ quái sao? Còn có một loại dã thú, hình dáng giống vượn, nhưng mắt đỏ miệng đỏ, toàn thân màu vàng, gọi là con Ung Hòa. Đây chẳng phải cũng là một kỳ thú sao?”

Đế Nữ nói: “Sáng sớm mai chúng ta đến đó xem thử một chút, cũng sẽ được mở mang tầm mắt”. Cốc Đế lắc đầu nói: “Con thú này không thể xem, cũng không xem thấy được. Khi con Ung Hòa xuất hiện thì nhất định có phát sinh biến động lớn; nếu Thần Nông xuất hiện, quốc gia nhất định phát sinh sự tình họa bại. Bởi vì Thần Nông là thần hạn hán, làm sao có thể xuất hiện lúc này được? Đừng nói hai kỳ thú từ thời thượng cổ này có quan hệ như thế nào với quốc gia không thể dễ dàng gặp được, 9 chiếc chuông này hiện ở nơi nào cũng không thể nhìn thấy”.

Đế Nữ nói: “Điều này cũng thật kỳ lạ. Nếu không thể gặp thì dựa vào đâu để biết đó là một kỳ thú? Dựa vào đâu để biết đó là một thần nhân? Hơn nữa là dựa vào cái gì để biết đó là tiếng vang của chuông, đồng thời còn biết được có 9 cái chứ?” Cốc Đế nói: “Đương nhiên là có người đã từng gặp, hơn nữa không chỉ một lần. Kỳ thú, thần nhân mỗi lần xuất hiện, quốc gia nhất định phát sinh khủng hoảng, phát sinh họa bại, trong lòng rất khó chịu cho nên người đời sau mới ghi lại sự việc này. Còn về 9 chiếc chuông là thần vật, lúc ẩn lúc hiện, nếu người xưa chưa từng thấy thì sao có thể chế ra sự kiện này?” Đế Nữ nghe xong chỉ biết gật đầu không nói thêm được gì. 

Ngày kế tiếp, đoàn người đi tới Phong sơn, quả nhiên không thấy Ung Hòa và Thần Nông, 9 chiếc chuông cũng không thấy, nghĩ đến đó thực sự là thần vật rồi. Sau vài ngày, mọi người đi tới Bạch Thủy, lên thuyền xuôi dòng thẳng tới Kinh Châu. Phong tục tình cảm của người dân Kinh Châu cũng khác với ở phương Bắc. Họ rất yêu thích sự việc quỷ thần, cũng tôn trọng vu thuật, cho nên nơi đây có rất nhiều miếu thờ, việc người người dâng lễ tế cầu xin cũng diễn ra không ngớt. Đây là phong tục mà tộc Huyền Đô nước Cửu Lê lưu lại, không thể thay đổi.

Một hôm, mọi người đi tới vùng biên giới đất Phong, quân chủ của nước này bị bệnh và không thể ra mặt đón tiếp. Cốc Đế thấy vậy thì không khỏi gửi lời thăm và chia buồn, ông nói với sứ thần: “Nếu quân chủ đang mang bệnh trong người thì không cần ra mặt tiếp đón, để trẫm đi qua Nam Nhạc tuần thú trở về sẽ tới gặp lại ngài”. Sau khi sứ thần rời đi, Cố Đế liền thẳng hướng Hán Thủy mà đến. 

Một ngày mọi người đi đến một nơi, chỉ thấy xa xa có một tòa miếu mới xây, trang trí vô cùng hoa lệ, trai thanh gái lịch ra ra vào vào nhiều không đếm xuể. Cốc Đế liền sai người đưa xe đến đỗ ở ngôi miếu phía trước xem bên trong đang thờ vị thần linh nào. Khi đến nơi thì thấy có rất nhiều bách tính, họ biết Đế và Phi tới liền đồng loạt tránh đường. Sau khi xuống xe, Cốc Đế ngẩng đầu lên nhìn thì chỉ thấy trên cổng có tấm bảng hiệu ghi 5 chữ “Đầu ngựa nương nương miếu”, không biết lai lịch của nó là như thế nào. Bước vào miếu, vừa nhìn, Cốc Đế thấy ở giữa điện thờ một nữ thần có khuôn mặt rất đẹp, mình đeo châu đeo ngọc, vô cùng trang nghiêm, thế nhưng trên người lại khoác một tấm da ngựa, hai bên trái phải có nhiều con rối, dáng vẻ giống như thị vệ vậy. Ở bên cạnh còn có một con ngựa gỗ được xếp ngang hàng, thật sự không hiểu tại sao, Cốc Đế liền lệnh cho người theo hầu đi gọi mấy người cao tuổi tới để hỏi thăm. Lúc đó bách tính đến dâng hương tuy có tránh ra nhưng vì muốn chiêm ngưỡng dung nhan phong thái của thiên tử cùng phi tử nên cũng không tản đi. Khi thấy tuyên hỏi, liền lập tức có mấy người cao tuổi tới hành lễ. Sau khi đáp lễ, Cốc Đế liền hỏi: “Thần đầu ngựa này có lai lịch như thế nào, tại sao lại phải cung phụng?” 

Dân chúng đáp: “Thật không dối gạt Thánh Đế, Đầu ngựa nương nương mới thành Thần gần đây, nàng là một thiếu nữ địa phương Lương Châu, tên là Uyển Dũ, không nhớ rõ là họ gì. Một hôm cha của nàng bị bọn cường đạo ở thôn lân cận bắt đi, vị Đầu ngựa nương nương vô cùng đau xót, khóc cả ngày lẫn đêm, không ăn không uống. Mẫu thân nàng vừa thương xót chồng lại lo cho con gái, trong lúc cảm thấy bế tắc, bỗng nhiên nghĩ đến một biện pháp, tụ họp người dân toàn thôn, chỉ vào con gái rồi lập lời thề với mọi người: “Người nào có thể cứu được cha cô gái này trở về, ta sẽ đem nữ nhi này gả cho hắn làm vợ”. Đầu ngựa nương nương có gương mặt rất xinh đẹp, nghe xong lời này thì không ai không muốn nghĩ biện pháp. Thế nhưng cường đạo lại vô cùng lợi hại, mọi người suy ngẫm không thấy kế sách nào khả thi, không ai có can đảm đi cứu giúp. Nào ngờ phụ thân nàng có một con ngựa vẫn cưỡi từ trước tới nay, vừa nghe thấy lời này liền lập tức nhảy dựng lên, khiến cho đứt dây cương rồi chạy đi. Mọi người thấy vậy đều cho rằng con ngựa này đã bộc phát dã tính, không biết do duyên cớ gì nên cũng không chú ý đến nữa.

Hai ngày sau, cha nàng bỗng nhiên cưỡi ngựa trở về nhà, hai mẹ con nàng thấy vậy thì vui mừng khôn xiết, liền hỏi phụ thân nàng về nhà bằng cách nào. Phụ thân nàng nói: “Ngày đó ta bị cường đạo bắt đi, chúng đưa đến một ngọn núi, sau đó ép ta trở thành đồng bọn, rồi đi cướp của. Ta sao có thể thành đồng bọn với chúng chứ? Thế nhưng không nghe theo thì chúng sẽ giết ta, bất đắc dĩ ta chỉ có thể tạm thời nghe theo để chờ đợi thời cơ, từ từ nghĩ biện pháp bỏ trốn. Thế nhưng, đám cường đạo này lại vô cùng gian xảo, chúng đoán được ý nghĩ của ta, chỗ nào cũng đề phòng, đem ta đến một thâm sơn, tứ bề đều là núi non trùng điệp, chỉ có một hướng có đường đi nhưng lại có người canh giữ. Đến lúc này ta vô cùng lo lắng, chẳng màng sống chết, chăm chú nhìn vào trong núi, hy vọng có thể tìm thấy một con đường mòn để có thể chạy thoát.

Vậy mà ngay trong lúc đang tìm hy vọng thì từ đỉnh núi thấy có một con dã thú đang chạy loạn, nhìn theo phương hướng đó mà lần theo, khi đến gần thì phát hiện thấy con ngựa hoang, đang chầm chậm vượt qua nơi đồi núi cheo leo. Lúc đó trong lòng ta khẽ động, thầm nghĩ, nếu có một con tuấn mã thì có thể chạy thoát được. Không ngờ con ngựa đó dần dần đi tới trước mặt ta, nhìn kỹ lại thì đúng là con ngựa yêu quý của mình, không biết vì sao lại chạy tới nơi đây, cũng không nghĩ nhiều nữa bèn cưỡi lên lưng rồi thúc ngựa chạy đi. Đường núi lúc cao lúc thấp, ngựa cũng chạy lúc nhanh lúc chậm, cũng không biết là đang chạy theo hướng nào, cũng không biết đã đi đoạn đường bao xa, đến nơi nhìn lên thì có núi cao dốc dựng đứng, nhìn xuống thì vực sâu vạn trượng, cực kỳ nguy hiểm. Ta ôm chặt đầu ngựa, trong lòng thầm nghĩ: Nếu lỡ sẩy chân trượt ngã thì hẳn là tan xương nát thịt. Không ngờ vượt qua được chỗ núi cao dốc dựng đứng này thì đã đến vùng đất bằng phẳng, chạy thêm một hồi thì đã đến bên ngoài thôn này rồi. 

Mọi người nghĩ mà xem, việc này có kỳ lạ không? Con ngựa này đích thực là đại ân nhân của ta. Các người sau này phải đối xử với nó tốt một chút nhé!”

Lúc đó, Đầu ngựa nương nương nghe cha nàng nói như vậy, trong lòng vô cùng cảm kích, vội đi lấy đồ ăn tới đút cho con ngựa này, lại cầm dụng cụ cọ rửa cho ngựa để tỏ lòng cảm tạ. Vậy mà con ngựa này lại nhảy chồm lên Đầu ngựa nương nương, hơn nữa còn để cho nàng nhìn bộ phận sinh dục, cuối cùng là thể hiện ra trạng thái vô lễ, khiến cho nàng vừa kinh sợ lại vừa e thẹn, vội vàng chạy vào phòng. Cha mẹ hỏi nguyên nhân, nàng xấu hổ không nói nên lời, con ngựa kia ở bên ngoài lại nhảy nhót không ngớt. Mẹ nàng nhìn thấy tình huống này nên cũng đoán được vài phần, bà đem chuyện lập lời thề trước mặt mọi người trước kia kể cho cha nàng nghe. Cha nàng nghe xong cũng kinh hãi nói: “Lại có chuyện này sao? Con ngựa này không thể nuôi rồi. Thế nhưng nó lại là đại ân nhân của ta, không đành lòng hạ độc thủ, đành để nghĩ biện pháp xử lý sau. Hiện tại con gái ở yên trong phòng không được ra ngoài”. Sau khi thương nghị xong thì liền y theo như thế mà hành động.

Thế nhưng con ngựa này cứ nhảy chồm chồm suốt cả đêm, thỉnh thoảng còn đập chân vào cửa, mọi người đều bị nó quấy nhiễu mà cảm thấy bất an. Đến ngày thứ hai, cha mẹ nàng bước ra ngoài thì phát hiện thấy số cỏ cho ngựa ăn hôm qua vẫn còn nguyên không động tới chút nào. Con ngựa vừa nhìn thấy mẫu thân nàng thì liền giậm chân hí dài, dường như đang oán hận việc thất tín. Cha của đầu ngựa nương nương liền đến bên con ngựa nói: “Người có đại ân với ta, ta vô cùng cảm kích. Thế nhưng người và ngựa không thể thực hiện phối ngẫu. Nếu ngươi có linh tính thì cũng cần biết đạo lý này, không phải là chúng ta thất tín. Ta khuyên ngươi mau bỏ ý nghĩ này đi, hãy ngoan làm ngựa cưỡi của ta, ta nhất định không bạc đãi ngươi”.

Nói rồi, ông liền cầm dây cương và muốn trói buộc nó. Thế nhưng con ngựa này hí liên tục, không chịu bị trói buộc, ngẩng cao đầu hí một tiếng, dường như muốn trách ông ta vong ân phụ nghĩa. Cha của nàng cũng không đề phòng gì, ông vội vàng đi vào phòng, đóng cửa lại và bàn bạc sự việc với mọi người trong nhà. Ông nói: “Ta thấy con ngựa này vô cùng có linh tính, hôm nay có ép buộc cầu xin, không theo ý nó, nếu còn để trong nhà thì nhất định đem đến hậu họa về sau, chi bằng giết chết nó đi”. Mẫu thân nàng nghe xong, lắc đầu liên tục rồi nói: “Quá nhẫn! Quá nhẫn tâm! Ta thấy chi bằng thả nó vào núi sâu, như vậy chẳng phải tốt hơn sao?”

Cha của nàng nói: “Không được! Không được! Con ngựa ngày rất có linh tính. Hôm trước ta bị cường đạo bắt đi, nó có thể biết được chỗ ở mà đến cứu ta. Ta ở trong núi sâu không có đường nhỏ để đi, thế mà nó vẫn có thể đưa ta trở ra. Nó có bản lĩnh như thế, nếu đem nó thả vào nơi núi sâu, nó cũng có thể đi ra một cách dễ dàng. Đến lúc đó thì cho dù con ngựa này có ở trong nhà cũng sẽ rất nguy hiểm, thực sự rất khó để đề phòng. Huống hồ với tính tình hiện tại nó hay gầm rú, nếu muốn đuổi nó đi cũng không dễ dàng”.

Mẫu thân của nàng nói: “Giết chết nó cuối cùng quá nhẫn tâm, không còn gì để nói, nên nghĩ đến phương pháp khác”. Cha của nàng nói: “Không thể nghĩ ra biện pháp nào khác! Ta nhìn con ngựa này trong nhà, rất có thể thành yêu tác quái, đến lúc đó sẽ hối hận không kịp. Cổ nhân nói rất hay: ‘Thà phản bội người chứ không để người phản bội ta’. Người ngoài còn như vậy, huống chi là một con ngựa? Huống hồ, nó cứu ta cũng không phải do yêu quý ta mà tới cứu, là vì muốn con gái ta mà cứu ta, ta hà tất phải cảm kích nó? Nó là một con súc sinh, hà tất phải để ý đến lễ nghi, sao phải tranh cãi ầm ĩ, cho dù giết nó cũng không tính là ta quá đáng”. 

Nói đến đây, chỉ nghe thấy con ngựa kia ở bên ngoài cảm thấy sốc. Cha của nàng ở bên ngoài lúc này tức giận không kiềm chế được, đột nhiên hạ quyết tâm, lập tức đứng dậy, cầm cung tên, nhìn qua cửa rồi bắn, mũi tên vọt tới đâm trúng điểm yếu, con ngựa chỉ kịp hí to một tiếng rồi ngã xuống đất, lăn hai vòng liền bất động. Cha nàng đi ra ngoài, đang định cúi người xuống xem, con ngựa lại nhanh như chớp đứng lên định lao tới. Nhưng vì bị thương quá nặng, không cử động nổi, nhấc chân đi được hai bước thì liền ngã xuống mà chết. 

Cha nàng bị hù dọa sợ thì lại càng trở nên phẫn nộ, xoay người đi vào trong nhà cầm một con dao tới, mổ bụng lột da con ngựa đem phơi ở trong sân, sau đó nhờ người mang xác ngựa đi chôn cất ở nơi hoang vắng rồi mới trở về. Trước khi mang xác ngựa đi, ông còn nói rằng: “Ta niệm tình ngươi từng cứu ta một mạng, không ăn thịt ngươi. Ngươi là tự làm tự chịu, không nên oán trách ta”.

Từ đó về sau, mẫu thân của nàng luôn cảm thấy sợ hãi mà không dám bước ra khỏi phòng. Da của con ngựa vẫn để phơi ở trong sân, chưa kịp thu dọn. Qua mấy ngày, người thân của nàng có việc nên nàng không thể không ra ngoài. Nàng trang điểm một chút rồi bước ra khỏi phòng, vừa ra đến sân thì đột nhiên có trận cuồng phong xuất hiện, da ngựa đột nhiên bay lên, lao thẳng tới chỗ của nàng. Nàng vội vàng quay người định chạy vào trong nhà nhưng tấm da ngựa kia đã bay tới từ phía sau mà bao trọn lấy thân nàng, trong chớp mắt nàng đã bị đưa lên không trung. Cha nàng thấy vậy liền vội vàng tới xem, cuống cuồng kêu người tới cứu, nhưng không còn kịp nữa. Lúc mọi người tới, chỉ thấy nàng bị tấm da ngựa bao bọc xoay tròn trên không trung rồi lui dần trong ước chừng khoảng 1 canh giờ, rồi giống như con rắn cuộn tròn rơi xuống cây dâu phía trước. Mọi người vội chạy tới xem đã thấy nó biến thành một kén tằm rất lớn dài khoảng 5 đến 6 tấc, đang ở đó liều mình ăn lá dâu, dưới đầu bạc lại có một tầng xác mỏng khiến người liên tưởng tới hay là do con ngựa kia biến thành.

Tất cả đều ngây người, cha mẹ nàng nhìn thấy cảnh tượng này cũng thấy vô cùng kỳ dị, trong lòng rất đau khổ, chỉ biết ngơ ngác nhìn, trong đầu còn nghĩ có lẽ đây là số phận không thể thay đổi được. Sau mấy ngày, kén tằm kia đã ăn sạch lá dâu, trong thoáng chốc từ trong miệng đã bắt đầu nhả tơ, tạo thành tấm lưới lớn. Cha mẹ nàng nghĩ tấm lưới này là con gái họ dệt nên đã mang về cất giữ làm kỷ niệm.

Một hôm, trong lúc đang nhìn tấm lưới buồn thương nhớ con, cha mẹ nàng bỗng nhiên nghe thấy tiếng người ngựa ngoài cửa, mùi hương phảng phất bay đến liên hồi, nhìn kỹ thì thấy đó chính là nữ nhi của họ cưỡi xe mây đi tới, cởi chiếc áo da ngựa ra, trang phục còn lại mặc trên người trông vô cùng đẹp và quý giá, thị vệ theo hầu hai bên ước chừng khoảng mười mấy người, từ từ hạ xuống sân, hướng về cha mẹ nàng nói rằng: “Phụ thân, mẫu thân, từ nay về sau đừng nhớ thương nữ nhi nữa. Bởi vì là thân con gái không quên nghĩa nên Thái Thượng Thần Quân đã ban cho nữ nhi một chức quan phi tần cửu cung, hiện ở trên trời, cuộc sống vô cùng an vui. Bởi vì cha mẹ ở đây đau buồn nên trong lòng con gái cảm thấy có chút bất an, sáng nay đã xin với Thái Thượng Thần Quân tới để nói rõ với phụ thân và mẫu thân, nhân gian không thể ở lâu, nữ nhi phải từ biệt đây. Hy vọng sau này phụ thân và mẫu thân đừng vì con mà buồn khổ nữa, như thế sẽ hại đến thân thể”.

Sau khi nói xong, nàng xoay người bước lên xe. Cha mẹ nàng lúc này vừa mừng vừa sợ, vừa thương vừa đau lòng, trong lòng muốn giữ nàng lại đã nói hai câu đầy ý vị, thế nhưng nàng đã buông rèm cưỡi mây bay lên, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Lúc này, tất cả những người xung quanh đều đến xem và nghe thấy mọi chuyện, họ đều cúi lạy và tỏ ra vô cùng kinh ngạc trước sự việc xảy ra. Sau đó có người đề xuất xây dựng cho nàng một ngôi miếu để cúng tế nàng. Sự việc lan truyền từ một đến hai, hai đến ba, ngày càng có nhiều người xây dựng đền thờ cho nàng. Sau này các ngôi đền cũng được xây dựng ở khu vực Hán Thủy. Nó được du nhập vào đây từ vùng sông Hàn và ngôi miếu này chỉ mới được xây cất cách đây ba năm. Thế nhưng từ khi dựng lập ngôi miếu này thì nghề trồng dâu nuôi tằm cũng vô cùng phát triển, đem đến nhiều lợi nhuận, cho nên mọi người càng thêm sùng bái nàng. Cứ đến đầu mùa Xuân, mọi người lại đến miếu này cúng bái. Đây là lịch sử của ngôi miếu Đầu ngựa nương nương”. 

Sau khi dân chúng nói xong, Thường Nghi và những người trong cung đều cảm thấy kinh dị, miệng không ngừng nói kỳ lạ quá.

Chỉ có Đế nữ là không nói lời nào, tựa hồ như đang suy nghĩ điều gì đó, đang đăm chiêu vì điều gì đó. Chỉ thấy Cốc Đế hỏi: “Việc này có thật không?” Dân chúng đáp: “Là thật đó!” Người dân địa phương Lương Châu lại nói tiếp: “Đầu ngựa nương nương kia tính đến nay cũng không quá 25 hoặc 26 tuổi. E rằng lúc này cha mẹ nàng hẳn là vẫn còn sống khỏe mạnh”. Cốc Đế trầm ngâm nói: “Ồ! Thì ra là vậy. Để Trẫm sai người điều tra xong rồi lại nói tiếp nhé”.

Vì vậy, Cốc Đế đã cùng với con gái bước ra khỏi miếu thờ, dân chúng cũng đưa tiễn từ phía sau. Vừa bước lên xe thì phía trước có rất nhiều người đàn ông man rợ chen chúc nhau đi tới, tất cả đều chân trần, đầu tóc rối bù, cổ và chân đeo những chiếc vòng lớn, mặc quần áo rất quỷ dị, trên tay cầm giáo, đao ngắn, cung tiễn, đi đến bên cạnh xe của Cốc Đế rồi đột nhiên vờn quanh và nhìn thẳng vào Đế nữ. Lúc này đám dân chúng sợ hãi quá mà trốn vào trong miếu. Chợt nghe được tiếng chó sủa liên hồi, trời đất dường như nổi lên một trận sấm sét, những kẻ man rợ kia chợt thấy giật mình mà lùi về sau, tránh xa Đế nữ. Trong lúc không kịp đề phòng, chúng đều vội lùi ra sau vài bước, nhưng ngay khi định dùng binh khí địch lại thì lập tức có vệ sĩ được trang bị vũ khí tiến đến, có người trong đám man rợ này nói rằng đoàn đi có thiên tử và đế phi, không thể động tới Đế nữ ở chỗ này được, bảo chúng tránh đi. Đám người man rợ nghe xong cũng không chào hỏi, đợi một lát rồi huýt sáo điên cuồng bảo nhau tháo chạy tán loạn.

Cốc Đế vội hỏi dân chúng: “Chúng là ai vậy? Mọi người vì sao lại sợ chúng như thế?” Dân chúng đáp: “Chúng là binh lính dưới quyền của Phòng vương, đến săn bắn ở ngọn núi phía trước. Chúng thường tới ngọn núi này để săn bắn. Khi đi săn, thấy lợn liền giết thịt ăn, thấy đồ vật tốt liền cướp đi, thấy con gái đẹp sẽ đùa bỡn, thậm chí còn bắt người rồi bỏ chạy. Chúng tôi là bách tính bình thường, ai cũng sợ chúng, thực sự rất giận mà không dám nói gì”. 

Cốc Đế nói: “Sao mọi người không báo lên Phòng vương?” Dân chúng thở dài nói: “Lúc đầu sao lại không đi báo chứ? Thế nhưng tố cáo rồi ngược lại còn bị làm hại cho thê thảm hơn, cho nên mới không tố cáo nữa”. Cốc Đế kinh ngạc nói: “Vì sao lại phải chấp nhận thua thiệt như vậy chứ?” Dân chúng đáp: “Vị Phòng vương này thường ngày đối đãi với binh lính vô cùng hống hách, thế nhưng binh lính lại vì thế mà nghe theo, giống như dùng binh lính để chinh phục thiên hạ vậy. Chúng tôi chỉ là dân thường bé nhỏ, đi tố cáo chuyện này thì đương nhiên sẽ bị bỏ qua một bên. Đường đến chỗ ngài ấy lại xa xôi vài trăm dặm, chỉ cần bị bẽ mặt thôi thì đã là phải chịu thua thiệt rồi. Đôi khi, sự tình trọng đại như đánh chết người hoặc đoạt đi phụ nữ, đốt cháy phòng ốc, bằng chứng vô cùng xác thực, Phòng vương không những không nói lời nào mà còn mở miệng hỏi chúng tôi: “Có mấy binh sĩ thực hiện hành động ác, tên họ là gì?” Muốn chúng ta nói rõ như thế để ông ta có cớ thực hiện và cũng dễ làm. Cốc Đế ngẫm lại, Phòng vương có ít nhất mấy ngàn binh sĩ, họ cũng không phải người địa phương, khi hành ác liền chạy trốn, sao có thể nói ra được tên họ của chúng chứ? Chúng tôi không nói ra được, Phòng vương liền bảo: “Nếu các ngươi không chỉ ra được, không nói được tên của họ, lại muốn đến đây tố cáo thì chẳng phải là trêu đùa ta sao!” Vì thế, nhẹ thì xử trục xuất chúng ta, nặng thì định tội chúng ta lừa dối vu cáo người. Cái đó chẳng phải tội lớn hơn nữa sao! Còn nữa, chúng ta chỉ ra vài người, thì cũng chỉ nói vài lời, cũng không có trừng phạt gì. Bởi vì, bên kia người nhiều miệng nhiều, còn chúng tôi người ít miệng ít, giả sử hắn ta chối không nhận, lại có thêm nhiều người trợ giúp, quốc quân còn che chở nữa, nên dù thế nào chúng ta cũng không thể tố cáo được.

Khi trình bày tội trạng xong, nếu Phòng vương nghe và nhận lời sẽ phạt nặng, nhưng mà chúng tôi cũng không được phép giám sát họ hành hình. Giả sử ông ta vẫn theo lề thói cũ, không làm gì cả, như vậy chẳng phải vẫn như cũ không làm nên chuyện gì sao? Nếu khiến cho ông ta buộc phải xử lý nặng, trong quân có rất nhiều binh sĩ đều một lòng giúp đỡ, thỏ chết cáo đau buồn, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, nếu như có người trong họ đứng lên báo thù thì ‘minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng’, chúng tôi sợ rằng càng nguy hiểm. Thêm nữa, người dân chúng tôi đều có nghề nghiệp, cũng chỉ muốn làm việc kiếm sống, từ bỏ công việc chạy đến nơi rất xa kêu oan, không những làm lỡ việc 3 tháng, mà ước nguyện cũng không thực hiện được. Chưa hết, lộ phí đi đường cũng tiêu tốn một khoản không nhỏ, huống hồ còn có thể khiến bản thân chịu thua thiệt. Cho nên, bách tính bình thường như chúng tôi không còn làm gì hơn là nhẫn nhịn chịu đựng, cam tâm chịu nhục, không dám tính toán với chúng, kể ra thì cũng thật là đáng thương rồi!”

Cốc Đế nghe xong những lời này, cũng bất giác thở dài một tiếng, Ông nói: “Thì ra là thế, các người cứ yên tâm, khi trẫm gặp Phòng hầu trong chuyến đi tuần này, nhất định sẽ cảnh cáo ông ta, nhắc nhở ông ta giữ nghiêm kỷ luật quân đội, như vậy mọi người mới không bị ức hiếp”. Dân chúng nghe xong, vội vàng chắp tay tạ ơn nói: “Nếu được như điều Đế nghĩ, thực sự là bách tính và thiên hạ đắc được phúc lớn rồi”.

Cốc Đế đáp lễ cùng phi và Đế nữ lập tức cho xe rời đi. Buổi chiều đến quán trọ, một mặt sai người đi chuẩn bị đội thuyền, một mặt sửa soạn viết chiếu thư, sai người đưa đến Bặc Đô ngay trong đêm. Không biết trong chiếu thư viết gì, trong sách cũng không thấy đề cập tới.

(Còn tiếp)

(Ảnh minh hoạ trong bài viết là các cảnh đẹp ở Trung Quốc và Việt Nam sưu tầm từ Internet)

Theo Vision Times
San San biên dịch