Trên con đường nhân sinh đằng đẵng, thiện lương chính là ngọn hải đăng trong lòng mỗi người, là thứ ánh sáng diệu kỳ giúp chúng ta mãi mãi không bao giờ bước lầm đường lạc lối.

Dưới đây là ba câu chuyện ngắn về thiện lương, mong gửi tới quý độc giả như một món quà nhỏ cho tâm hồn:

Câu chuyện thứ nhất

Sa mạc Sahara được biết đến như là biển cả của sự chết chóc. Bất cứ ai lạc vào nơi đây đều không thoát khỏi vận mệnh ‘một đi không trở về’.

Nhưng có một đoàn khảo cổ đã phá vỡ được lời nguyền chết chóc ấy.

Thời ấy, rải rác khắp nơi trong hoang mạc là những bộ xương khô của các nạn nhân xấu số. Viên đội trưởng đoàn khảo cổ không thể cầm lòng khi chứng kiến cảnh tượng bi thương này nên đã yêu cầu mọi người dừng chân, lựa chọn những đụn cát cao để làm nơi chôn cất hài cốt và dùng đá tảng hoặc bất cứ thứ gì họ tìm được để làm tấm bia mộ tưởng niệm họ.

Tuy nhiên, có quá nhiều hài cốt nằm la liệt khắp nơi trong sa mạc, vậy nên các thành viên trong đoàn đều tỏ ý phàn nàn: “Công việc này thật vô nghĩa! Chúng ta đến đây để tìm kiếm cổ vật, chứ không phải để thu dọn xương người!”.

Tuy nhiên, viên đội trưởng vẫn kiên quyết nói: “Mỗi bộ hài cốt đều là đồng nghiệp của chúng ta, sao chúng ta nỡ nhìn họ phơi thây ở nơi này?”.

Dưới sự động viên của đội trưởng, cuối cùng các thành viên trong đoàn cũng hoàn thành nhiệm vụ bất đắc dĩ ấy để bắt tay vào tìm kiếm cổ vật.

Khoảng một tuần sau đó, đoàn khảo cổ đã phát hiện rất nhiều di vật cổ đại, có thể làm chấn động giới khoa học. Nhưng khi họ vừa cất bước quay về thì cuồng phong bất ngờ nổi lên, cơn bão cát như muốn nhấn chìm đoàn người xuống lòng hoang mạc.

Chiếc kim chỉ nam cũng không thể hoạt động khiến đoàn khảo cổ hoàn toàn mất đi phương hướng. Nước uống và lương thực cũng dần dần cạn kiệt, đến lúc này họ mới hiểu vì sao những nạn nhân trước đây lại không thể đi ra khỏi nơi này.

Trong lúc nguy cấp, viện đội trưởng chợt nhớ ra điều gì đó: “Có cách rồi! Chúng ta có thể lần theo các bia mộ để tìm đường trở về”.

Nhờ vậy, cuối cùng họ đã ra khỏi “biển cả của sự chết chóc” như một kỳ tích.

Khi trả lời phỏng vấn của ký giả, các thành viên trong đoàn đều cảm khái nói rằng: “Thiện lương chính là tấm bảng chỉ đường giúp chúng tôi có thể trở về nhà”.

(Ảnh dẫn theo 2sky.vn)

Câu chuyện thứ hai

Trong Thế chiến thứ II, vị tổng tư lệnh của quân Đồng minh Châu Âu lúc đó là Dwight Eisenhower đang trên đường về Pháp. Hôm ấy tuyết rơi dày đặc, thời tiết lạnh giá, chiếc xe lao đi như vũ bão. Trên con đường mờ mịt, Eisenhower bỗng nhìn thấy một cặp vợ chồng già đang ngồi bên đường, run rẩy vì giá rét.

Eisenhower lập tức cho người xuống xe hỏi thăm cặp vợ chồng. Lúc ấy, vị tham mưu nhắc nhở: “Thưa ngài, chúng ta phải đến cuộc họp khẩn cấp ở tổng bộ, hay là việc này cứ giao lại cho cảnh sát địa phương xử lý”. Nhưng Eisenhower kiên quyết nói: “Nếu như đợi cảnh sát địa phương đến thì hai người đó đã chết vì lạnh rồi!”.

Thì ra cặp vợ chồng đang đến Paris để thăm con trai, nhưng xe bị hỏng giữa đường. Trong màn tuyết dày đặc không nhìn thấy một ai, họ không biết phải làm thế nào nên đành ngồi chờ trong vô vọng. Eisenhower không hề do dự, lập tức mời họ lên xe và đặc cách đưa cặp vợ chồng già về nhà con trai họ ở Paris trước, sau đó mới quay về tổng bộ.

Mãi sau đó Eisenhower mới biết rằng, sự thiện lương của mình đã cứu ông thoát khỏi một vụ ám sát. Lúc ấy, quân Đức Quốc Xã đã nhận được mật báo về lịch trình của ông nên mai phục sẵn trên đường. Nhưng kế hoạch hoàn hảo lại thất bại do sự thay đổi hành trình đột ngột vào phút chót. Sau chuyện này, Hitler bắt đầu nghi ngờ các tin tình báo mà mình nhận được mà không hề biết rằng, Eisenhower vì giúp cặp vợ chồng già mà đã chọn con đường khác.

Tổng tư lệnh của quân Đồng minh Châu Âu trong thế chiến thứ 2 Dwight Eisenhower. Ảnh dẫn theo history.com

Câu chuyện thứ ba

Câu chuyện bắt đầu từ một người nông dân nghèo ở Scotland.

Một ngày nọ, người nông dân đang làm việc thì bỗng nghe tiếng kêu cứu vọng lên từ đầm lầy gần đó. Ông vội chạy đến thì nhìn thấy một cậu bé bị sa lầy trong bùn, sình ngập gần đến đầu.

Người nông dân không do dự đã lập tức cứu cậu bé lên bờ.

Hôm sau, một cỗ xe sang trọng đi tới căn lều của ông. Bước xuống xe một quý ông tự giới thiệu mình là cha của cậu bé hôm trước. Ông ta nói: “Tôi đến để cảm ơn và hậu tạ anh đã cứu mạng con trai tôi”.

Người nông dân đáp: “Không có chi, đây là chuyện nên làm, ông không cần phải hậu tạ như vậy”.

Lúc đó, cậu con trai của người nông dân bước vào lều. Người quý tộc bèn hỏi:

– Này cậu bé, lớn lên cháu muốn làm gì?

– Thưa ông, cháu sẽ tiếp tục nghề làm ruộng của cha cháu.

– Thế cháu không còn ước mơ nào khác sao?

Cậu bé im lặng cúi đầu một lúc rồi mới trả lời:

– Dạ thưa ông, nhà cháu nghèo thế này thì cháu còn biết ước mơ điều gì nữa đây?

– Ta muốn biết, nếu được phép mơ ước thì cháu sẽ ước điều gì?

– Cháu muốn được đi học, cháu muốn trở thành một bác sĩ!

Ảnh dẫn theo kino.de

Vị quý tộc mỉm cười và đề nghị người nông dân cho phép ông được chu cấp ăn học cho cậu bé. Thế là từ đó, con trai của ông được đi học và cuối cùng tốt nghiệp một trường Y danh tiếng ở London.

Nhờ hoài bão lớn lao và nỗ lực không ngừng, cuối cùng tài năng của cậu cũng được cả thế giới công nhận. Cậu chính là một bác sĩ lừng danh sau này, người đã cống hiến cho sự nghiệp y học và cứu sống hàng triệu người trên thế giới.

Vài năm sau, người con trai của vị quý tộc mắc bệnh viêm phổi. Và chính loại dược phẩm mà vị bác sĩ điều chế đã cứu cậu thoát chết. Chàng trai quý tộc đó, sau này cũng trở thành một vĩ nhân mà cả nước Anh đều tự hào và hãnh diện.

Điều thú vị là, cả con trai của người nông dân và con trai của nhà quý tộc đều trở thành những nhân vật tên tuổi, và tất cả đều bắt nguồn từ một việc làm thiện lương của người nông dân vô danh ở Scotland.

***

Người phương Tây có một câu nói rất hay rằng, ‘tặng gai cho người, tay ta sẽ chảy máu, tặng hoa cho người tay sẽ lưu lại hương thơm’. Trên mảnh đất tâm hồn, nếu chúng ta ươm xuống những hạt mầm thiện lương, thì sẽ có một ngày chúng đơm hoa kết trái, và trái ngọt ấy cuối cùng sẽ trao gửi lại tay người đã vun trồng.

Cuộc sống cũng giống như một vòng tuần hoàn nhân quả, khi thiện lương được trao đi, nó cũng biết tìm đường quay trở về. Bởi vậy, hãy cứ mở rộng tấc lòng, hãy cứ sống thật trọn vẹn trái tim. Bởi lương thiện chính là thứ tình cảm mềm mỏng nhất, nhưng cũng là thứ tình cảm có sức mạnh vĩnh bền nhất. Không kể gian nan thế nào, chúng ta hãy giữ vững thiện lương; không kể cô độc thế nào, chúng ta hãy kiên trì sự cao thượng trong nhân cách của mình.

Bởi vì có một ngày ta sẽ hiểu được rằng, lương thiện khó hơn cả thông minh. Bởi vì thông minh chỉ là một loại thiên phú bẩm sinh, còn thiện lương lại là một sự lựa chọn của tâm hồn.

Minh Nhật