Những người trong vụ việc này đều là thư sinh, nhưng lại bất minh thiên lý, mê tín phong thủy, bất kính Thần Phật. Chẳng phải phong thủy là một loại phần thưởng của Thần Phật hồi báo cho người có đức hay sao?!
Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. “Dịch kinh – Khôn quái – Văn ngôn” có nói: “Nhà tích thiện ắt có dư phúc; nhà tích ác ắt có dư ương.” Trong các tác phẩm của cổ nhân còn lưu lại rất nhiều ghi chép sử thực liên quan đến “Thiện ác hữu báo”, mở ra đại đạo nhân sinh quang minh cho người đời sau kế thừa. Có gia tộc từ đời này đến đời khác đều hành thiện, đắc được phúc báo dị thường, có người hành ác gặp phải quả báo hiện thế tức thời, sự tồn tại của những sự thực lịch sử này không thể bị vô thần luận phủ định.
Năm thế hệ hành thiện, phúc báo cứu cả nhà
Vào năm Càn Long Tân Tỵ thứ hai mươi sáu (năm 1761) triều Thanh, sông Hoàng Hà phát sinh lũ lụt. Từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 7 âm lịch, các nhánh sông Hoàng Hà, sông Y, sông Lạc và sông Sấm, cũng như dòng chính của sông Hoàng Hà giữa Đồng Quan và Mạnh Tân có mưa lớn, trong đó trung tâm bão nằm ở huyện Tân An, tỉnh Hà Nam, sông Y và sông Lạc lũ đã tràn vào bờ. Khi đó, các đê bao ở Vũ Trắc, Huỳnh Trạch, Dương Vũ, Tường Phù, Lan Dương và những nơi khác đều bị vỡ; có 26 vết vỡ ở hạ lưu Hoàng Hà, hàng chục quận huyện ở Hà Nam, Sơn Đông và An Huy bị chìm trong nước, có nơi ngập đến 5-6m, có nơi sâu đến vài chục mét, rất nhiều nhà dân gần như chìm hoàn toàn trong nước.
Huyện Trần Lưu (nay là trấn Trần Lưu, huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam) nằm ở bờ nam sông Hoàng Hà, cũng hứng chịu thiên tai lớn, mực nước sâu đến một trượng. Một gia đình họ Tào ở địa phương cũng bị thiệt hại nặng nề, ngôi nhà của họ bị lũ nhấn chìm hoàn toàn.
Sau ba ngày ba đêm, lũ rút dần. Lúc này, trước mắt mọi người xuất hiện một sự tình kỳ dị, căn nhà lộ ra trên mặt nước của nhà họ Tào vẫn nguyên vẹn không hề bị sập; điều khiến người ta kinh ngạc hơn nữa là người nhà họ Tào đều bình an vô sự. Những nạn nhân sống sót tại địa phương đã đến thăm hỏi gia đình họ.
Mọi người tò mò hỏi: “Làm thế nào nhà ông sống sót trong nước lũ?”
Họ Tào đáp: “Mấy ngày nay, chúng tôi chỉ cảm giác chung quanh có sương mù dày đặc, không nhìn thấy Mặt Trời, hoàn toàn không biết mình đang ở trong nước!”
Quan huyện địa phương nghe nói về tình huống không thể nghĩ bàn này nên đến thị sát, hỏi nhà họ Tào: “Các ngươi đã từng làm việc thiện gì chưa?”
Họ Tào trả lời: “Số tiền cho thuê ruộng chúng tôi nhận được hàng năm, ngoài việc nộp thuế cho quan và trừ các khoản chi tiêu trong gia đình, chúng tôi cố gắng dùng phần còn dư lại để giúp đỡ những người nghèo khó trong xóm. Từ thời cao tổ của chúng tôi, từ tổ bối đến nay đều làm như vậy, ngũ đại gia tộc chúng tôi đều hành thiện chưa từng gián đoạn, đến nay đã hơn một trăm năm.”
Quan huyện lập tức báo cáo sự việc lên triều đình, trao tặng một tấm bảng biểu dương việc hành thiện của nhà họ Tào.
Câu cổ ngữ “Thiện hữu thiện báo” quả là chân thực không sai chút nào. Nhà họ Tào vì năm đời kiên trì không ngừng hành thiện, do đó khi tai nạn đến, nước lũ lớn nhấn chìm ngôi nhà của họ trong ba ngày ba đêm, mà mọi người ở trong đó đều không hề hấn gì.
(Nguồn: “Âm Chất văn chú chứng”)
Phá tượng Phật chiêu ác báo
Ngôi chùa “Tứ diện Phật” tráng lệ được xây dựng tại huyện Vũ Xương vào thời nhà Minh, đến thời đại hoàng đế Ung Chính nhà Thanh, nó đã có lịch sử hàng trăm năm, hương khói nghi ngút. Tượng Phật được cung phụng ở đây cao khoảng 2 trượng, thân sắt, đầu đồng, trên đầu có bốn mặt nên được gọi là “Tứ diện Phật”. Vào thời Ung Chính, có ba mươi sáu Nho sinh cho rằng ngôi chùa đã trấn áp long mạch của tỉnh, cản trở vận may thi cử của các thí sinh trong tỉnh, họ xướng nghị phá hủy ngôi chùa và thỉnh cầu quan phủ đồng ý.
Tuy nhiên, tượng Phật thân cao, đầu Phật lại càng chắc chắn, cho nên dù dùng rìu lớn đập liên tục cả ngày nó cũng không hề hấn gì. Sau đó, họ bàn với nhau về việc di chuyển sáu bức tượng Phật trong chùa. Khi họ di chuyển và xoay tượng Phật, đầu của Cẩm Hoa Phật trượt và rơi xuống đất.
Những Nho sinh tại hiện trường rất thích đồng nguyên chất, quyết định chia nhau để làm đồ dùng. Không lâu sau, những người tham gia phá chùa phát bệnh lạ, trên lưng đều có vết lở loét ác tính, lan ra mưng mủ đến cổ, cuối cùng đập đầu xuống đất mà chết. Những người ký tên vào thư kiến nghị đều đau đầu, hơn trăm người không ai được tha. Sau đó, người ta phát hiện một người trong số họ, tên là Tư, nguyên lai dùng tên giả để ký vào kiến nghị. Vốn dĩ anh ta đã nhiều lần muốn rút lui khỏi chuyện này nhưng lại sợ mọi người oán hận nên không dám thoái lui.
Khi nhìn thấy những người khác lần lượt bị trừng phạt và chết, anh ta trong tâm cảm thấy bất an, một mặt nghĩ rằng tai họa không phải do mình gây ra, có thể được miễn nạn. Sau đó, khi anh ta chuẩn bị nhận chức mới, đột nhiên nhìn lên bầu trời và hét lên một tiếng thất thanh, nói rằng có một vị Thần mặc áo giáp vàng đã dùng một cây gậy lớn đánh vào đầu anh ta. Ngay lập tức, anh ta vô cùng đau đớn, lời nói đột ngột dừng lại, chết ngay lập tức.
Những người trong vụ việc này đều là thư sinh, nhưng lại bất minh thiên lý, mê tín phong thủy, bất kính Thần Phật. Chẳng phải phong thủy là một loại phần thưởng của Thần Phật hồi báo cho người có đức hay sao?! Người vô đức sao có thể có được? Vì mưu cầu tư lợi mà hủy Phật, dù là hành động xướng nghị hay là hùa theo, thì đều là báng bổ Thần Phật. Những người giả vờ đối phó chiếu lệ, tâm niệm càng nhiều thứ bại hoại. Sinh mệnh nhân giới đến từ Thần giới, hủy Thần Phật kỳ thực là hủy đi chính mình, gặp phải hiện thế báo tức thời thì cũng là chuyện hợp tình hợp lý.
Hoài Nhẫn Nhẫn, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch