Tôn Sư trọng Đạo là nét đẹp quý báu của văn hóa truyền thống phương Đông. Các danh ngôn như “Sư đồ như phụ tử” và “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” từ xưa đến nay rất phổ biến.
Thầy là người truyền thụ luân lý đạo đức, tri thức, dạy cho học trò các quy phạm hành vi trong đối nhân xử thế. Đạo làm thầy luôn tôn quý, trang nghiêm. Người học trò coi ân đức của thầy tựa như cha của mình, vì vậy còn gọi thầy là “ân sư” hay “sư phụ”.
Trong “Lễ ký – Học ký” viết rằng: “Sư nghiêm, nhiên hậu đạo tôn; Đạo tôn, nhiên hậu dân tri kính học”, nghĩa là: Thầy nghiêm thì Đạo được tôn kính; Đạo được tôn sùng, thì dân biết kính trọng sự học. Để có thể duy trì sự tôn nghiêm, thầy giáo không chỉ yêu cầu học trò phải tôn kính và lễ nghĩa trong ngôn hành cử chỉ mà còn yêu cầu sự tôn trọng ấy phải xuất phát từ nội tâm, học trò cần cù học tập, hiểu được đạo lý mà từ đó uốn nắn bản thân mình.
Dưới đây là những tấm gương hiếu học và tôn sư trọng đạo của người xưa:
Nhan Hồi hiếu học trong khắc khổ
Nhan Hồi theo học Khổng Tử khá muộn, nhưng ông khiêm tốn và ham học, rất nhanh đã lĩnh hội được sự uyên thâm trong học thuyết của Khổng Tử. Ông nói:
“Thầy giảng đạo lý, càng học càng thấy cao thâm, càng nghiên cứu càng thấy ảo diệu. Đạo lý tuy cao thâm, thầy lại từng ly từng tí chỉ dẫn chúng ta, dùng các loại tri thức và văn hiến giúp kiến thức của chúng ta thêm phong phú, khiến chúng ta được nâng cao; lại dùng lễ tiết để ràng buộc chúng ta, khiến cho chúng ta muốn ngừng học cũng không thể được. Tôi thông qua nỗ lực dường như cũng có thể lý giải và thực hành được đạo lý ấy, song nếu muốn tiến về phía trước một bước nữa, vẫn cần phải tiếp tục học tập và thực hành”.
Lúc đó quan đại phu nước Lỗ tên là Thiếu Chính Mão cũng mở lớp dạy học giống như Khổng Tử. Thiếu Chính Mão lấy lòng mọi người, tuyên truyền học thuyết xằng bậy, làm rất nhiều học trò bị dao động, cuối cùng khiến cho “Cửa nhà Khổng Tử ba ngày trước đầy môn sinh, ba ngày sau không còn một ai”, chỉ có Nhan Hồi chưa từng rời đi nửa bước. Có người hỏi Nhan Hồi: “Ông sao không tới chỗ Thiếu Chính Mão mà học vậy?”. Nhan Hồi trả lời: “Một ngày làm thầy, suốt đời làm cha; vả lại học thức của thầy là tuân theo mệnh Trời, khởi xướng lòng nhân đức, chỉ ra đạo chân chính để làm người, cũng đủ để chúng ta học rồi, việc gì phải đi đâu nữa!”.
Nhan Hồi học tập hết sức khắc khổ. Nhưng dù điều kiện gian khổ thế nào, ông vẫn có thể sống thanh bần vui với Đạo. Sớm làm tối nghỉ, ra sức học hành nghiên cứu Thi Lễ, toàn tâm theo đuổi sự nghiệp học tập, đem những lời thầy dạy ôn lại nhiều lần, có thể “học một biết mười”. Khổng Tử khen ngợi rằng: “Nhan Hồi thật tuyệt vời, mỗi bữa chỉ ăn một bát cơm, chỉ uống một bát canh; ở trong gian phòng đơn sơ, có thể nhẫn chịu được những gian khổ mà người khác không cách nào nhẫn chịu nổi, chí hướng cao xa của bản thân không mảy may thay đổi, kiên trì bền bỉ học tập, thật giỏi lắm!”.
Cả đời Khổng Tử khởi xướng nền chính trị nhân từ và đạo đức, Nhan Hồi đã xem chí hướng của thầy như chí hướng của mình mà suốt đời làm theo. Ông đi theo Khổng Tử chu du các nước, chủ trương phát huy nền chính trị nhân từ. Nhan Hồi hướng về một xã hội hài hòa, nơi mà “việc giáo dục đạo đức được thịnh hành; vua và quần thần chung một lòng; trên và dưới hài hòa cân đối với nhau; đất nước thái bình, dân chúng bình an; người người đều nói lời nhân nghĩa và có quy củ; không có công sự phòng thủ hay thành quách; càng không có nỗi lo buồn về chiến tranh”. Nhan Hồi cũng cho rằng đường lối chính trị nhân từ là lấy Đức làm căn bản, do đó cần giáo dục dân chúng về đạo đức và lễ nhạc. Nhan Hồi kiên định lòng tin, quyết chí truyền bá đạo nghĩa, bất kể hoàn cảnh gian nan như thế nào cũng phải “làm được những việc khó làm”.
Khi bị vây hãm tại nước Trần và nước Thái, Khổng Tử và các học trò không còn lương thực, tình cảnh vô cùng khó khăn. Một đệ tử bắt đầu bàn tán, tư tưởng dao động, duy chỉ có Nhan Hồi là bình tĩnh thản nhiên, vẫn cung kính “đặt rau ngoài cửa” (mang tới một ít rau đặt ở trước cửa Khổng Tử), tỏ lòng kính trọng và không rời xa thầy. Ông nói:
“Đạo lý của Thầy đã đạt đến cảnh giới cực cao, cho nên không được một số người tiếp nhận. Cho dù như vậy Thầy vẫn dốc hết sức để phổ biến rộng rãi, lấy tâm nhân đức hòng cứu trăm họ trong cơn nước sôi lửa bỏng. Tuy rằng gặp ngăn trở và đố kị, không một ai tiếp nhận, nhưng có làm tổn hại đạo lý của Thầy được đâu? Có thể đây chính là sự quý báu của đạo đó! Trong bất kì hoàn cảnh nào cũng có thể giữ vững chính đạo không dao động, phải là bậc quân tử mới có thể làm được vậy. Không tu dưỡng chính đạo là nỗi nhục của chúng ta. Chúng ta đã truyền bá chính đạo, lại không được một số người chấp thuận, thì đó là điều sỉ nhục của họ”.
Khổng Tử nghe được rất vui mừng nói: “Nhan Hồi có những kiến thức như vậy quả là quá tốt! Cỏ Chi và cỏ Lan sinh ở rừng sâu, không vì không có người mà không thơm; quân tử tu Đạo xây dựng Đức, không vì khốn cùng mà thay đổi khí tiết”.
Nhan Hồi gặp khó khăn mà không mất đức, đi theo Khổng Tử thực hành nhân nghĩa trong thiên hạ, nghị lực ấy khiến người ta phải kính nể. Từ đó về sau, “đặt rau” đã trở thành lễ nghi để tỏ lòng tôn kính thầy, cũng là một nghi lễ thịnh hành tại Trung Quốc và lưu truyền tới hậu thế.
Nhan Hồi tuân thủ nghiêm ngặt lời dạy của thầy, tu thân lập đức, chế ngự dục vọng bản thân, khiến cho lời nói và việc làm phù hợp với yêu cầu của Lễ mà đạt đến cảnh giới của Nhân, xem việc thiên hạ là nhiệm vụ của mình. Lòng tôn kính thầy cùng với tinh thần dũng cảm theo đuổi chân lý của Nhan Hồi đã khích lệ người đời sau, lưu lại giá trị văn hóa quý báu và phong phú cho hậu thế.
Tử Du tôn sư trọng đạo
Tử Du họ Ngôn, tên Yển, tự là Tử Du. Theo “Kinh Xuân Thu”, Khổng Tử có khoảng 3.000 đệ tử, trong đó Tử Du là người duy nhất đến từ Giang Nam. Trong suốt cuộc đời, Khổng Tử lấy việc truyền thừa văn hóa truyền thống, hoằng dương đạo nghĩa cứu giúp thế nhân là nhiệm vụ của mình. Ông đã đi chu du khắp nơi, từng trải qua nhiều gian khổ, nhưng dù rơi vào nghịch cảnh nào ông cũng quyết không thay đổi ý chí của mình.
Tử Du từ nhỏ đã ngưỡng mộ đạo đức của các bậc thánh hiền. Năm 22 tuổi, Tử Du đi hàng ngàn dặm từ nước Ngô đến nước Lỗ để bái Khổng Tử làm sư. Năm đó Khổng Tử đã 67 tuổi, ông rất vui mừng nói: “Ngô môn hữu Yển, ngô đạo kì Nam” (Chúng ta có Yển tới từ tận phương Nam). Tử Du quả nhiên không phụ sự kỳ vọng của sư phụ, sau khi học xong thì quay trở về phương Nam, truyền bá văn hóa Trung Nguyên, khiến cho văn hóa Giang Nam phát triển phồn vinh.
Tử Du siêng năng chuyên cần học tập. Theo giáo huấn của Khổng Tử: “Bất học Thi, vô dĩ ngôn” (Không học Kinh Thi, không biết nói năng), “Bất học Lễ, vô dĩ lập” (Không học Kinh Lễ, không biết hành xử), Tử Du chuyên tâm nỗ lực đọc sách “Kinh Thi” và “Kinh Lễ”, cả hai cuốn đều là các tác phẩm kinh điển của Khổng Tử. Cuốn Kinh Lễ đàm luận về các hình thức xã hội, cũng như cách cai trị và lễ nghi được áp dụng trong suốt thời Chiến Quốc và giai đoạn đầu triều Hán. Cuốn Kinh Thi là tuyển tập các bài thơ cổ nhất trong văn học thế giới. Các bài thơ trong Kinh Thi được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, có 311 bài thơ, bao gồm ca dao, dân ca, nhã nhạc triều đình, với các tác giả thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đương thời.
Nhờ chuyên chú học hành, Tử Du càng ngày càng lý giải thâm sâu hơn và hoàn thiện hơn về trung, hiếu, nhân, nghĩa. Cùng với việc nghiên cứu lý luận, ông còn tận lực áp dụng những điều đã học được vào mọi tình huống và hoàn cảnh. Ông đã trở thành một trong mười đệ tử xuất sắc nhất của Khổng Tử.
Khổng Tử đã khen ngợi Tử Du: “Muốn có năng lực, ắt phải học tập. Muốn có tri thức, ắt phải vấn hỏi. Muốn hành thiện sự, ắt phải tỏ tường. Muốn được no đủ, ắt phải dự liệu. Đã tin thế rồi, thì liền thực hành. Yển đã làm được như thế rồi”.
Không lâu sau, Tử Du nhậm chức huyện lệnh Vũ Thành ở Lỗ quốc. Khi đương chức, ông thời thời khắc khắc không quên giáo huấn của Khổng Tử, lấy nhân ái để cai quản Vũ Thành, nên được bách tính vô cùng yêu mến và kính trọng.
Một ngày kia, Khổng Tử mang theo một số đệ tử tới thăm Vũ Thành. Khắp nơi khắp chốn trong thành ông đều nghe thấy âm thanh diễn xướng thi ca và tiếng nhạc diễn tấu của đàn cầm đàn sắt. Khi Tử Du ra nghênh tiếp, Khổng Tử đã cười và nói: “Cai quản Vũ Thành, trò cũng dùng lễ nhạc để giáo hóa dân chúng ư?”. Tử Du cung kính hồi đáp: “Thầy đã dạy con rằng quân tử học đạo phải biết thương dân, con đã theo gót Thầy học tập lễ nhạc cũng như phương pháp để cảm hóa lòng người, đương nhiên con cần phải ứng dụng những điều đó vào thực tiễn”. Tử Du đề xướng giáo dục, lấy nhạc để giáo hóa dân chúng, lấy đức để thu phục lòng người; lối sống của dân chúng trở nên thuần hậu chất phác, bách tính an cư lạc nghiệp, nhân tài liên tiếp xuất hiện.
Tử Du lấy ý nguyện của sư phụ làm ý chí của mình, ông không ngừng hoằng đạo tế thế, còn đề xướng phong trào lễ nhạc. Sau khi Khổng Tử tạ thế, Tử Du cùng một số đồng môn khác đã biên soạn cuốn “Luận Ngữ”, ghi chép lại các câu chuyện, ngôn luận, học thuyết và tư tưởng của Khổng Tử. Sau này Tử Du từ quan đến Đông Hải mở trường dạy học, dạy dỗ học trò và bồi dưỡng nhân tài, các vùng ven biển đều có thể nghe thấy âm thanh của lễ nhạc.
Chân Tâm