“Thiện ác hữu báo” luôn là quy luật bất biến của vũ trụ. Kẻ hành ác khó tránh lưới trời lồng lộng, người gieo mầm thiện ắt sẽ có phúc báo. Trong cuốn sách “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” của Kỷ Hiểu Lam đời nhà Thanh có kể mấy câu chuyện báo ứng như thế này.
Lừa gạt, mưu hại người, cuối cùng chết trong đau khổ
Họ tên, quê quán đầy tớ nhà quan của các quan viên châu, huyện, thường thường đều không được tiết lộ. Họ dùng tên giả, địa chỉ giả để đề phòng, nếu chẳng may phạm tội gì thì cũng không ai có thể lần ra tung tích mà truy bắt.
Tiên phụ Diêu An Công, cha của Kỷ Hiểu Lam, từng gặp một người đầy tớ của phòng sư (quan giám khảo) Trần Thạch Song tiên sinh. Y tự xưng mình là Chu Văn, người Sơn Đông. Về sau lại gặp người này ở trong nhà của quan huyện Cao Thuần, Lương Nhuận Đường tiên sinh, lúc này y lại tự xưng là Lý Định, người Hà Nam.
Lương Nhuận Đường rất tín nhiệm y, thường giao cho y đi giải quyết nhiều việc. Khi Lương Nhuận Đường lên đường nhậm chức, Lý Định đột nhiên mắc phải một chứng bệnh kỳ lạ. Lương tiên sinh liền ủy thác y cho Diêu An Công, để y tạm thời ở lại, đợi đến khi bệnh khỏi rồi hãy đi đến nơi nhậm chức. Nhưng căn bệnh mà Lý Định mắc phải rất kỳ lạ, từng tấc từng tấc thịt ở hai ngón chân bắt đầu thối rữa rồi lan lên trên, cứ thối rữa dần đến vùng da trước ngực, mãi đến rữa nát ra mà chết. Đau đớn thê thảm cùng cực!
Sau khi y chết, Diêu An Công lệnh cho người kiểm tra hành trang trong rương của y, phát hiện có một cuốn sổ nhỏ. Trong đó dùng chữ nhỏ li ti, ghi chép tường tận về những chuyện riêng của 17 vị quan mà y đã từng theo hầu. Vị quan nào mưu lợi riêng, làm rối kỷ cương như thế nào, vị quan nào tham ô, hối lộ làm trái pháp luật ra sao, thực hiện vụ án nào ở đâu khi nào, có ai tham gia lúc đó, người đứng bên cạnh quan sát là những ai, cho đến nội dung thư từ qua lại, hồ sơ thẩm tra kết án, đều nhất nhất ghi chép lại hết cả.
Trong số bạn của Lý Định có người biết rõ chuyện của y, nói rằng: “Y đã từng dùng cách này để uy hiếp hàng mấy quan viên mà y theo hầu. Vợ của Lý Định, vốn dĩ cũng là nữ tỳ của một quan viên y từng theo hầu. Sau khi gạt nữ tỳ này cùng chạy trốn, y còn ngang nhiên để lại một mẩu giấy trên bàn, vị quan viên này lại không dám đuổi bắt y nữa. Hôm nay y mắc phải chứng bệnh lạ này, há không phải là trừng phạt của ông trời hay sao?”.
Hoắc Dị Thư tiên sinh nói rằng: “Loại người này nương nhờ người ta, nguyên chính là vì để mưu lợi riêng làm rối kỷ cương mà đến. Đây cũng giống như nuôi chim ưng, quyết không chỉ cảm thấy nó sẽ ăn lương thực, quan trọng còn ở người chủ điều khiển nó thế nào. Nếu vì ham thích sự lanh lợi nhạy bén của nó, liền xem là là tâm phúc tai mắt mà thêm trọng dụng, trước nay chưa từng có ai không bị đâm một mũi giáo sau lưng. Đây cũng giống như giao cái chuôi của mình vào tay người khác, bản thân khó mà không xúi quẩy. Tôi cho rằng loại người này không đáng để quở trách. Người đáng bị quở trách, trái lại chính là bản thân 17 vị quan viên đó”.
Diêu An Công nói: “Lời này của Hoắc tiên sinh, vẫn còn chưa nói đến chỗ căn bản. Nếu như 17 vị quan viên đó, tuyệt không có chuyện xấu xa để che giấu, có thể ghi chép công khai, dù cho loại người này ngày ngày ôm theo cả một túi giấy bút, cũng không có gì để anh ta ghi chép cả! Nhưng loại người này diễn vai tâm phúc bên trong, quả thật là nham hiểm vô sỉ cùng cực, mắc phải chứng bệnh lạ này mà chết, quả thật là thiên ý, thật đúng với tội!”.
Ăn năn hóa giải oan nghiệt
Tiên thúc (người chú đã mất của Kỷ Hiểu Lam) Nghi Nam Công kể rằng: Có hai người Vương mỗ và Tăng mỗ, trước nay rất tốt với nhau. Nhưng Vương mỗ lại đem lòng yêu người vợ dịu dàng xinh đẹp của Tăng mỗ, bèn thừa lúc Tăng mỗ bị giặc cướp vu cáo, hãm hại tống vào trong ngục, lén lút đưa hối lộ cho quan coi ngục, hành hạ Tăng mỗ đến chết ở trong nhà ngục.
Vương mỗ vốn định nhờ người mai mối gạn hỏi vợ của Tăng mỗ làm vợ mình. Nhưng sau khi Tăng mỗ chết, lương tâm ông đột nhiễn trỗi dậy, cảm thấy vừa sợ hãi, vừa ân hận, bèn không dám có ý nghĩ chiếm đoạt vợ của Tăng mỗ nữa. Ông muốn lập đàn làm pháp sự siêu độ cho Tăng mỗ để hóa giải nút thắt oán thù, nhưng lại hoài nghi tụng kinh sám hối không linh nghiệm. Vương Mỗ cảm thấy làm chút việc thực tế là tốt nhất.
Thế là ông liền đón bố mẹ cùng với vợ con của Tăng mỗ đến nhà mình, chân thành phụng dưỡng chăm lo. Cứ như thế mấy năm trôi qua, gia sản trong nhà của ông đã hao phí một nửa. Bố mẹ của Tăng mỗ trong lòng rất áy náy, ngỏ lời muốn gả con dâu cho Vương mỗ. Nhưng Vương mỗ kiên quyết từ chối. Từ đó về sau lại phụng dưỡng hai ông bà càng kính cẩn hơn.
Mấy năm trôi qua, mẹ của Tăng mỗ lâm bệnh nặng. Vương mỗ hầu hạ trước giường, sắc thuốc hầm canh, cực nhọc ngày đêm. Tăng mẫu trước lúc lâm chung nói với Vương mỗ rằng: “Mấy năm nay chịu nhận đại ân đại đức của cậu, kiếp sau phải làm sao để báo đáp cậu đây?”.
Vương mỗ vội vàng quỳ xuống, dập đầu đến chảy cả máu, bèn đem chuyện năm xưa ông hãm hại Tăng mỗ thế nào, kể lại sự thật với hai ông bà. Ông cầu khẩn Tăng mẫu nếu gặp được Tăng mỗ dưới suối vàng thì hãy van xin bào chữa cho ông, tha thứ cho tội lỗi trước đây ông đã phạm phải. Tăng mẫu xúc động nhận lời. Phụ thân của Tăng mỗ cũng viết một lá thư, đút vào trong túi áo của Tăng mẫu, và nói với bà rằng: “Đến âm gian nếu như thật sự gặp được con trai, thì hãy đưa lá thư này cho nó. Nếu như nó còn ghi hận thù xưa, sau này nếu tôi xuống hoàng tuyền rồi, thì bảo nó đừng có đến gặp tôi!”.
Sau khi Tăng mẫu qua đời, Vương mỗ vì làm tang sự cho bà, bôn ba lao lực đến thân thể mệt mỏi, liền ngồi tạm ở cạnh mộ nghỉ ngơi. Khi ông vừa mới chợp mắt, liền cảm thấy mông lung, mê mờ, bỗng nghe bên tai có người lớn tiếng nói rằng: “Oán thù giữa hai chúng ta, cứ thế hóa giải đi! Nhưng ông còn có một cô con gái, đừng có quên đấy nhé!”. Vương mỗ giật mình tỉnh dậy, lập tức hiểu được ý tứ trong câu nói đó, chính là gả con gái của mình cho con trai của Tăng mỗ làm vợ. Về sau Vương mỗ quả nhiên đã được chết yên lành.
Vương mỗ tuy đã rất giảo hoạt, bày ra thủ đoạn tàn độc định chiếm vợ người khác, lại còn giết người hại mệnh. Thế nhưng về sau đã hối lỗi sửa sai quả thực là vô cùng thành khẩn. Thù sâu oán nặng như vậy còn có thể hóa giải, vậy thì trên đời này oán thù gì không thể hóa giải được đây? Chỉ cần nhận ra khuyết điểm của mình và thành thực tu sửa bản thân, bồi hoàn sai lầm, chẳng có oán thù nào mà không cởi nút.
Thiện Sinh biên dịch
Xem thêm:
- Diệt Phật và quả báo bi thảm của những kẻ cầm quyền trong lịch sử Trung Hoa
- 8 người đàn ông trí tuệ nhất Trung Hoa cổ đại, 1 hoàng đế nhiều người Việt yêu mến
- Phú ông tán gia bại sản vì tấm lòng lương thiện của mình. Nhưng đó chưa phải kết cục cuối cùng…