Tần Thủy Hoàng là nhân vật lịch sử Trung Quốc để lại cho người đời rất nhiều sự tranh luận về thân thế, về phẩm chất… Những mặt tích cực có tác dụng quan trọng mà Tần Thủy Hoàng làm được cho Trung Quốc là thống nhất lãnh thổ, kiến tạo hệ thống chính trị, xác lập bản đồ Trung Quốc…
Tần Thủy Hoàng (259 – 210 TCN), họ Doanh, tên Chính. Ông lên ngôi vua năm 13 tuổi. Năm 39 tuổi, ông thống nhất Trung Quốc, dựng lập triều đại nhà Tần. Ông là vị quân vương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc dùng vương hiệu “Hoàng đế”. Từ đó về sau, các quân vương khác cũng sử dụng vương hiệu này.
Thân thế của Tần Thủy Hoàng vẫn luôn luôn là tiêu điểm thảo luận của người đời sau. Theo sử sách ghi chép, cha của Tần Thủy Hoàng tên là Dị Nhân, là công tử của nước Tần. Bởi vì cha của Dị Nhân có nhiều con và nhiều vợ, mẹ của ông không được vua sủng ái nên ông không được yêu quý. Trong chính sách ngoại giao của nước Tần đối với nước Triệu, Dị Nhân bị phái đến nước Triệu làm con tin. Cũng tại đây, ông quen biết Lã Bất Vi – một thương nhân giàu có.
Lã Bất Vi là người rất có dã tâm đối với chính trị. Vì vậy, sau khi kết giao với Dị Nhân, ông ta phát hiện ra Dị Nhân là người “Kỳ hóa khả cư” (ý nói một người có thể lợi dụng được), rất có khả năng để thay ông ta hoàn thành hoài bão chính trị của mình. Nắm bắt cơ hội này, Lã Bất Vi ra sức để trở thành người bạn tri kỷ của Dị Nhân, đồng thời còn dâng hiến thê thiếp xinh đẹp của mình là Triệu Cơ cho Dị Nhân. Sau khi được gả cho Dị Nhân, Triệu Cơ sinh hạ một người con trai, đặt tên là Doanh Chính và cũng chính là Tần Thủy Hoàng sau này.
Dị Nhân vốn là cháu của Tần Chiêu Vương, con của thái tử An Quốc Quân. Biết trước những điều này, Lã Bất Vi đã nói với Dị Nhân rằng mình sẽ tìm cách đưa công tử về nước, như vậy một khi Tần Chiêu Vương qua đời, An Quốc Quân lên kế vị thì công tử đương nhiên trở thành thái tử. Dị Nhân nghe những lời này đã vô cùng cảm động và hứa nếu sau này mình được lên ngôi thì sẽ chia cho Lã Bất Vi một nửa nước Tần.
Sau đó, Lã Bất Vi đem theo một món tiền lớn sang nước Tần mua chuộc người thiếp mà An Quốc Quân yêu thương là Hoa Dương phu nhân. Vì bà không có con nên Lã Bất Vi khuyên bà nhận Dị Nhân làm con nuôi, rồi yêu cầu An Quốc Quân sai người sang đón Dị Nhân về nước. Dị Nhân trở về nước Tần và đổi tên là Tử Sở.
Năm 251 TCN, Tần Chiêu Vương băng hà, An Quốc Quân lên nối ngôi, xưng hiệu là Tần Hiếu Văn Vương. Ông lập Hoa Dương phu nhân lên làm Vương hậu, lập Tử Sở lên làm Thái tử . Cũng năm 251 TCN, Tần Hiếu Văn Vương mất, Tử Sở lên ngôi vua lấy tên hiệu là Tần Trang Tương Vương. Tần Trang Tương Vương bổ nhiệm Lã Bất Vi làm tướng quốc.
3 năm sau, Tần Trang Tương Vương băng hà, Doanh Chính lên nối ngôi. Khi ấy Doanh Chính mới chỉ là một đứa trẻ 13 tuổi.
Thời đầu lên làm vua, bởi vì tuổi còn nhỏ nên việc triều chính đều do tướng quốc Lã Bất Vi chủ trì. Doanh Chính tôn Lã Bất Vi làm “trọng phụ” (người cha thứ hai). Có ghi chép rằng, Lã Bất Vi không chỉ nắm toàn quyền trong tay mà còn có quan hệ bất chính với Thái hậu Triệu Cơ.
Bởi vì sợ Doanh Chính đã lớn biết chuyện quan hệ bất chính của mình và Thái hậu, Lã Bất Vi đã mua chuộc để cho Lao Ái làm hoạn quan trong triều, đi lại với Thái hậu Triệu Cơ. Năm 238 TCN, Doanh Chính 22 tuổi phát hiện được Lao Ái có quan hệ không rõ ràng với Thái hậu, đồng thời phát động chính biến nên đã dẹp tan được âm mưu này. Lao Ái cuối cùng bị “ngũ mã phanh thây” mà chết. Doanh Chính cũng ra tay giết chết hai người con riêng của Thái hậu và Lao Ái.
Tiếp sau đó, Doanh Chính cách chức Lã Bất Vi, bắt cả nhà Lã Bất Vi sang nước Thục. Về sau nhà vua lại phái người đem tuyệt mệnh thư cấp cho Lã Bất Vi, Lã Bất Vi uống thuốc độc tự tử chết. Lúc này, Doanh Chính xác lập chính quyền, chính thức trở thành quân vương của nước Tần.
Sau khi Tần Thủy Hoàng chấp chính, ông tuyển dụng người tài một cách rộng rãi, từng bước từng bước thống trị thiên hạ. Với chính sách “xa giao cận công” (tạm dịch: ở xa thì kết giao, ở gần thì tấn công), trong khoảng 10 năm, Tần Thủy Hoàng đã tiêu diệt 6 nước, kết thúc thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc phân loạn kéo dài.
Tiếp sau đó, ông tiến hành một loạt cải cách. Những chính sách này của ông đều có ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế và văn hóa của Trung Quốc.
Trong thể chế cải cách, ngoài việc trừ bỏ phân đất phong hầu thành thiết lập chế độ quận huyện ra, Tần Thủy Hoàng còn tiến hành nhiều loại cải cách khác nữa như: “Xa đồng quỹ” (Tạm dịch: Thống nhất hệ thống giao thông), “Thư đồng văn” (Tạm dịch: Thống nhất một loại chữ), “Độ đồng xích”(Tạm dịch: Thống nhất chế độ đo lường)... Ông cũng thống nhất các loại tiền tệ của quốc gia, chính sách này được gọi là “Tiền đồng tệ, tệ đồng hình”. Việc thống nhất chế độ đo lường trọng lượng và thống nhất đồng tiền quốc gia đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế của nhà Tần.
Tần Thủy Hoàng để cho tể tướng Lý Tư phụ trách việc quy định cả nước sử dụng chữ tiểu triện trong văn tự. Đây chính là chính sách “Thư đồng văn”. Chính nhờ “Thư đồng văn” này mà Trung Quốc dù trải qua nhiều lần phân tách tranh chiến mà vẫn có được đồng dạng văn hóa không phân biệt. Đây đều là bởi vì việc sử dụng cùng một loại chữ đã phát huy tác dụng,
Tần Thủy Hoàng lên ngôi đã mở rộng bản đồ quốc gia. Trong sử sách có ghi chép rằng, “phía bắc mở rộng thêm ngàn dặm” khiến cho lãnh thổ nhà Tần vô cùng rộng lớn: “Đất đai nhà Tần chạy dài phía đông đến biển và đất Triều Tiên, phía tây đến Lâm Thao, Khương Trung, phía nam đến miền cửa nhà quay mặt về hướng bắc, phía bắc lấy Hoàng Hà làm biên giới và men theo Âm Sơn đến tận Liêu Đông.”
Thời Tần Thủy Hoàng tại vị đã gia tăng số quận của Trung Quốc từ 36 lên hơn 40 quận, làm khuyếch đại bản đồ của nước này lên rất nhiều. Những thành tựu mà Tần Thủy Hoàng đạt được đều thể hiện ra tài trí mưu lược kiệt xuất của ông.
Để bảo vệ đất nước khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ và những bộ tộc du mục khác đến từ phía bắc, Tần Thủy Hoàng đã hạ lệnh xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Vạn Lý Trường Thành được đánh giá là công trình phòng thủ quân sự “khổng lồ” hiếm có trong lịch sử thế giới.
Mặc dù có được những thành tựu như vậy nhưng Tần Thủy Hoàng cũng bị người dân ở nhiều nơi chỉ trích. Việc ông sử dụng pháp luật hà khắc để trị quốc, pháp luật nhà Tần quá nặng khiến người dân ở nhiều nơi bất mãn. Tần Thủy Hoàng xây dựng nhiều công trình to lớn được đánh giá là có quyết định không sai nhưng những công trình ấy đều mất thời gian quá lâu mới hoàn thành vì vậy không tránh khỏi người dân bất bình, than trách. Ngoài việc được đánh giá là có tài trí mưu lược, Tần Thủy Hoàng cũng được người đời ca ngợi rằng, đối đãi nhân từ, khoan hậu với vương tộc của 6 nước bị nhà Tần tiêu diệt.
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: