Đã bao giờ bạn thắc mắc tên, tự và hiệu có ý nghĩa và ảnh hưởng như thế nào đến vận mệnh một cá nhân chưa? Hãy cùng xem người xưa lưu lại nội hàm sâu sắc trong văn hóa truyền thống.
Tên, tên tự và hiệu của một người nói cho chúng ta biết rất nhiều điều về vận mệnh, chí hướng, sở nguyện, sở thích của người đó. Ngoài ra nó còn có thể tiết lộ nguồn gốc sinh mệnh của con người, họ đến với nhân gian với những sứ mệnh đặc thù ở những thời kỳ đặc trưng. Để lưu lại nội hàm đặt định về văn hóa, phương thức đối nhân xử thế, lưu lại cho người đời sau noi theo.
Nguyễn Du tả Thúy Kiều, Thúy Vân:
Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
“Cập kê” tức là đến tuổi làm “Kê lễ”, cùng với “Quan lễ”, có lẽ hơi khó hiểu với người hiện đại, nhưng nó lại rất phổ biến thông dụng trong văn hóa truyền thống Á Đông ngàn đời nay, gắn liền với truyền thống đặt tên tự. Nữ 15 tuổi được làm lễ cài trâm, còn gọi là “Kê lễ”. Nam 20 tuổi được làm lễ đội mũ, gọi là “Quan lễ” hay còn gọi là “Gia quan”, chính thức công nhận trưởng thành bước vào đời sống xã hội, tự lập, tự chịu tránh nhiệm xã hội.
Đồng thời với lễ cài trâm và lễ đội mũ, họ được đặt tên tự, đây là tên thường được gọi trong giao tiếp, thể hiện sự tôn trọng, lịch sự, nên thường không dùng tên đặt khi mới sinh (còn gọi là tên húy, nhũ danh).
Trẻ em trong vòng 3 tháng sau khi chào đời, người cha, hoặc ông, hoặc bậc bô lão uy đức trong họ sẽ đặt tên cho con, gọi là tên húy hay nhũ danh. Dựa vào truyền thống và chí hướng của gia đình dòng tộc, cũng như quan sát đặc điểm thiên hướng của con, và dựa vào sự cân bằng theo nguyên lý cân bằng âm dương, nguyên lý đạo trung dung. Cũng có khi đứa trẻ được bậc túc Nho, cao tăng, đại đức, đặt tên cho, thường các tiền bối đã biết rõ vận mệnh đứa trẻ, nên chọn cho nó cái cái tên chính là cái mệnh của nó.
Đến khi 20 tuổi với nam, và 15 tuổi với nữ, người cha hoặc bậc tôn trưởng đặt tên tự để giải thích rõ thêm, bổ sung cho tên. Như vậy sau thời gian giáo dục con cái, theo dõi chí hướng, tính cách, bậc tôn trưởng sẽ đặt cho tên tự nhằm thúc đẩy chí hướng, khuynh hướng tích cực, hạn chế thiên hướng tiêu cực của con cái. Do đó tên tự sẽ đồng nghĩa với tên chính, có tác dụng thúc đẩy thiên hướng tốt, hoặc mang một ý nghĩa đặt biệt về thân phận của người đó. Tên tự cũng có khi trái nghĩa với tên chính, có tác dụng kiềm chế mặt tiêu cực.
Còn tên hiệu, có nghĩa biệt hiệu, biệt danh, là tự xưng. Một người có thể nhiều biệt hiệu khác nhau, tên hiệu phản ánh đặc điểm, tính cách, chí hướng, hoài bão, hoặc xuất thân của người đó. Tên hiệu cũng thường được dùng khi tự xưng hô mình với người khác, hoặc người khác dùng trang trọng và thân mật.
Trong lịch sử có rất nhiều nhân văn sĩ, các bậc anh hùng nổi tiếng lưu danh hậu thế, tên tự của họ cũng để lại rất nhiều nội hàm:
1. Lý Bạch tên tự Thái Bạch
Tên và tự của ông đều cùng dùng chữ Bạch nghĩa là trắng, nhưng Thái Bạch lại ẩn chứa thân phận “cốt tiên” của ông, Thái Bạch Kim Tinh (ông Tiên trên sao Thái Bạch, cũng gọi là sao Trường Canh). Thế nên ông “Năm tuổi đọc thông lịch pháp, mười tuổi đọc Chư tử Bách gia”, và “Thập ngũ quan kỳ thư, tác phú lăng Tương Như” (15 tuổi xem được kỳ thư, làm thơ phú vượt cả Tư Mã Tương Như). Ông là người khai sáng dẫn dắt nền văn thơ, văn hóa, văn nghệ Thần truyền, là mẫu mực ngàn năm cho người đời sau học tập.
Lý Bạch hiệu là Thanh Liên Cư Sỹ nghĩa là Cư Sỹ Sen Xanh (bông sen của Phật giới). Cũng cho thấy xuất thân phi phàm của ông có liên quan đến Phật – Đạo – Thần trên Thiên thượng, xuống nhân gian là có sứ mệnh đặc thù, mà chúng ta có thể thấy được qua bài thơ “Lời tự – trả lời cháu họ tăng nhân Trung Phu đã tặng trà Ngọc Tuyền Tiên Nhân Chưởng” như sau:
Cư sỹ Thanh Liên thực Trích Tiên,
Ẩn danh tửu quán mấy mươi niên.
Ôn Châu cu sỹ đâu cần hỏi,
Kim Túc Như Lai tại nhãn tiền
(Bản dịch ĐKN)
2. Đào Tiềm, tên tự là Nguyên Lượng
Tiềm nghĩa là ẩn giấu. Nguyên Lượng nghĩa là sáng đẹp hàng đầu. Như vậy tên và tự mang ý nghĩa trái nhau, nhưng rõ ràng rất ứng với cuộc đời và sự nghiệp của ông, tài năng nhưng chỉ làm những chức quan nhỏ, rồi từ quan quy ẩn tự cày cấy mưu sinh. Vì “Ta lại có thể vì năm đấu gạo mà phải chịu còng lưng, vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi thôn xóm ấy ru!”.
Nhưng sự nghiệp thơ văn ông lại rất rực rỡ. Ông là ngôi sao sáng khai sáng trường phái thơ điền viên, sống phiêu nhiên tự tại, hòa đồng với tự nhiên với Đạo. Người sau đánh giá “Đào Uyên Minh chiếu sáng cổ kim như một ngọn đuốc lớn, và được các văn nhân thi sĩ coi là tiêu biểu cho một nhân cách cao quý nhất”.
Đào Tiềm có tên hiệu là Uyên Minh, nghĩa là uyên thâm, thông minh, rất đúng với bản chất con người ông, kiến thức uyên thâm, trí huệ sáng suốt, có khả năng phò vua giúp dân. Nhưng xã hội loạn lạc, nghịch thần nịnh thần chuyên quyền hoành hành thì lui về ẩn cư, an bần lạc Đạo, tu tâm dưỡng tính, sống thảnh thơi, vui thú điền viên, tùy kỳ tự nhiên, có thể thấy qua phần đầu bài thơ “Uống rượu kỳ 5” của ông:
Cất nhà trong cảnh nhân gian
Ngựa xe chẳng vướng bụi trần vào đây
Hỏi ông sao được như vầy ?
Tâm hồn cao viễn, đất này hẹp thôi
(Bản dịch của Nguyễn Thị Bích Hải)
3. Nguyễn Du có tên tự là Tố Như
Ngoài ra còn có các tên hiệu Thanh Hiên, Hồng Sơn Liệp Hộ, Nam Hải Điếu Đồ. Du có nghĩa là thoáng qua, vụt qua, chỉ ngắn ngủi. Tố nghĩa là phẩm hạnh thanh khiết, trong sạch. Như là bản tính chân như, tức Phật tính. Qua tên và tự của ông chúng ta có thể thấy nguồn gốc liên quan đến Phật và Đạo của ông.
Thấy được đời người ngắn ngủi, giả tạm, cõi nhân gian mê trong huyễn tượng, nên ông giữ cho mình cốt cách thanh khiết, trong sạch, giữ Phật tính trong tâm, không để danh, lợi, tình trói buộc. Do đó câu đầu và câu kết của Truyện Kiều của ông đã nói rõ điều này:
– Trăm năm trong cõi người ta
– Mua vui cũng được một vài trống canh
Từ tên hiệu Thanh Hiên, cho thấy Thanh là trong sạch, Hiên là xe ngựa của quan (thời xưa quan từ Đại phu trở lên được cấp xe ngựa có mui che), cho thấy ông là quan cao cấp triều đình, và là quan thanh liêm. Còn hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ nghĩa là Thợ săn núi Hồng. Còn tên hiệu Nam Hải Điếu Đồ nghĩa là người câu cá, anh hàng thịt ở Nam Hải.
Hai tên hiệu này cho thấy, chí hướng của Nguyễn Du là theo chân các các bậc Thánh nhân xưa, ẩn danh, giấu tài, như Khương Tử Nha làm người câu cá, Lục Tổ Huệ Năng ẩn mình sống với phường thợ săn.
Ông sống dưới thời Tây Sơn – Nguyễn Ánh, xã hội nhiều biến động, tuy không theo Đào Tiềm từ quan quy ẩn, ở chốn quan trường, giúp dân giúp nước, nhưng vẫn dấu mình, bảo toàn tính mạng, vui cùng bầu rượu túi thơ, lặng nhìn thế sự con tạo xoay vần:
Xuân đã xa dần oanh bỏ tổ
Tháng năm bàng bạc tóc màu mây
Trăm năm chỉ ước say mềm mãi
Chìm nổi tựa mây ngẫm đắng cay
(Trích bài thơ “Đối tửu” – Lão Nông dịch)
4. Nguyễn Bỉnh Khiêm tên tự là Hanh Phủ
Tên húy là Nguyễn Văn Đạt, tên hiệu là Bạch Vân Am Cư Sỹ, và Tuyết Giang Phu Tử. Tên ông Văn Đạt nghĩa là tài văn hiển đạt. Tên Bỉnh Khiêm nghĩa là giữ vững đức khiêm nhu. Tên tự Hanh Phủ nghĩa là bậc thầy thông đạt. Từ tên và tự của ông cho thấy, ông là bậc thầy thông đạt tài cao, không những tinh thông Nho – Thích – Đạo, mà còn uyên thâm lý học, có thể tiên đoán đến 500 năm sau, danh tiếng hiển đạt vang tận các vương triều Trung Hoa, khiến các thầy địa lý phong thủy Trung Hoa ngưỡng mộ khen rằng: “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”.
Và chính nhờ lời khuyên của ông “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” mà có được vương triều nhà Nguyễn, và cương thổ nước Nam được mở rộng về phía nam như ngày nay. Ông làm quan triều Mạc, nhưng vẫn được nhà Trịnh, Nguyễn sùng kính do tài năng, đức độ, đặc biệt là biết “giữ vững đức khiêm nhu” như tên cùa mình vậy.
Tên hiệu ông Bạch Vân Am Cư Sỹ nghĩa là Cư sỹ am mây trắng, Tuyết Giang Phu Tử nghĩa là Ông thầy ở sông tuyết, cho thấy ông cũng giống Lý Bạch ngoài Nho học ra còn tu luyện Phật – Đạo. Ông được suy tôn là Thanh Sơn Chân Nhân, đứng đầu Tam Thánh trong Đạo Cao Đài. Có thể thấy được gốc gác tu luyện của ông qua bài thơ “Nhẫn thì qua”:
Chưa dễ ai là bụt Thích Ca
Mọi niềm nhân ngã nhẫn thì qua
Lòng vô sự trăng in nước
Của thảng lai gió thổi hoa
Kìa khách xuân xanh khi trẻ
Mấy người đầu bạc tuổi già?
Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách
Ðược thú ta đà có thú ta
Về nội dung, chí hướng bài Nhẫn thì qua cũng có nhiều nét tương đồng với bài “Mời rượu tiễn biệt Tống Thừa Thử được vua bổ nhiệm Huệ Dực Trang” của Lý Bạch:
Học Đạo ba mươi xuân,
Vốn Phục Hy hạ trần.
Cung đình như giấc mộng,
Mãi mãi bạn mây tùng.
(Bản dịch của ĐKN)
Tên hiệu Tuyết Giang Phu Tử nghĩa là Ông thầy ở sông tuyết, lại gợi cho chúng ta hình ảnh vị đạo sỹ câu cá trên dòng sông đầy tuyết trắng giữa núi rừng vắng bóng con người cũng như chim thú trong bài thơ Giang Tuyết của Liễu Tông Nguyên:
Chim ngàn bay đi hết,
Muôn lối chẳng người qua.
Áo tơi nón lá thuyền không,
Một mình câu cả dòng sông tuyết hàn.
(Bản dịch của ĐKN)
(Còn tiếp)
Nam Phương