Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” (chọn lọc) này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

Kinh văn

Hương chín tuổi, ủ chiếu chăn,

Hiếu với cha, nên thực hiện.

Dung bốn tuổi, biết nhường lê,

Yêu quý anh, cần biết trước.

Diễn giải

Khi Hoàng Hương lên chín tuổi đã biết dùng hơi ấm cơ thể của mình để ủ ấm chăn chiếu vào mùa đông, sau đó mới mời cha lên giường đi ngủ.

Hiếu thuận với cha mẹ là bổn phận mà người làm con nên làm.

Khổng Dung khi mới bốn tuổi đã biết nhường nhịn, cậu nhường quả lê to cho anh ăn, còn mình thì ăn quả nhỏ.

Thương yêu anh là đạo lý mà người em nên hiểu từ khi còn nhỏ.

Câu chuyện tham khảo

Câu chuyện thứ nhất: Hoàng Hương quạt gối ủ chăn

Hoàng Hương là người vùng Giang Hạ thời Đông Hán, từ nhỏ đã rất hiếu thuận với cha mẹ, người ở trong vùng đều gọi cậu bé là “tiểu hiếu tử” (đứa con nhỏ có hiếu). Năm Hoàng Hương lên chín tuổi thì mẹ cậu qua đời, vì thế cậu bé lại càng hiếu thuận với cha hơn. Hàng ngày, cậu đều giành làm những công việc tương đối nặng nhọc, để cho cha mình có nhiều thời gian nghỉ ngơi, cậu bé nghĩ mọi cách để cha có được cuộc sống thoải mái hơn.

Mùa hè thời tiết oi bức, lại nhiều muỗi, Hoàng Hương biết cha mình không chịu được nóng, thời tiết nóng thường làm ông không ngủ được, lại còn bị muỗi đốt nữa. Vì thế mà mỗi tối, Hoàng Hương thường dùng quạt quạt gối và chiếu cho mát, và đuổi muỗi xong rồi mới mời cha đi ngủ. Đến mùa đông lạnh giá, Hoàng Hương sợ cha bị lạnh, cậu bèn nằm trên giường ủ ấm chăn chiếu, rồi mới mời cha lên giường nghỉ ngơi.

Hoàng Hương quạt gối và chiếu cho mát, đuổi muỗi xong rồi mới mời cha đi ngủ.

Không lâu sau, những hành động hiếu thuận của Hoàng Hương được truyền khắp kinh thành, không ai là không biết, không ai là không rõ. Đương thời còn lưu truyền câu nói khen ngợi Hoàng Hương: “Thiên hạ vô song, Giang Hạ Hoàng đồng”, ý của câu nói này là: “Hiếu thuận như Hoàng Hương ở quận Giang Hạ, e rằng thiên hạ không có người thứ hai”. Khi đó, thái thú Giang Hạ nghe được chuyện này, ông cảm thấy đây là chuyện vô cùng hiếm gặp, liền tấu lên Hoàng thượng để biểu dương việc làm hiếu thuận của Hoàng Hương.

Người đời sau có câu thơ kính trọng khen ngợi Hoàng Hương rằng:

Mùa đông ủ chăn ấm,

Ngày hè quạt gối giường.

Tuổi nhỏ hiểu đạo con,

Ngàn năm mỗi Hoàng Hương.

Nguyên văn:

Đông nguyệt ôn khâm noãn,

Viêm thiên phiến chẩm lương.

Nhi đồng tri tử chức,

Thiên cổ nhất Hoàng Hương.

Câu chuyện thứ 2:  Khổng Dung nhường lê

Khổng Dung, người Dự Châu (nước Lỗ xưa) sống vào cuối thời Đông Hán, là cháu đời thứ 20 của Khổng Tử. Khổng Dung tính tình thuần hậu, từ nhỏ đã biết nhường nhịn.

Năm Khổng Dung lên bốn tuổi, có người đến tặng một giỏ lê, cha Khổng Dung gọi cậu bé lại bảo cậu chọn trước một quả, Khổng Dung chọn quả nhỏ nhất.

Cha Khổng Dung cảm thấy kỳ lạ, liền hỏi: “Này con, sao con không chọn quả to chứ?”.

Khổng Dung trả lời: “Con tuổi nhỏ nhất, nên ăn quả nhỏ nhất. Anh lớn tuổi hơn con, nên ăn quả to”.

Sau khi người trong họ biết được chuyện này, đều đối đãi với cậu rất đặc biệt.

Xem phim hoạt hình Tam Tự Kinh – Tập 5: Hoàng Hương và Khổng Dung

Phụ chú

Nguyên văn chữ Hán

香九齡,能溫席

孝於親,所當執

融四歲,能讓梨

弟於長,宜先知

Âm Hán Việt

Hương cửu linh, năng ôn tịch

Hiếu ư thân, sở đương chấp.

Dung tứ tuế, năng nhượng lê

Đễ ư trưởng, nghi tiên tri.

Pinyin Hán ngữ

xiāng jiǔ líng, néng wēn xí

xiào yú qīn, suǒ dāng zhí

róng sì suì, néng ràng lí

tì yú zhǎng, yí xiān zhī

Chú giải

(1) Hương (香): chỉ Hoàng Hương, người thuộc vùng Giang Hạ thời Đông Hán.

(2) Cửu linh (九齡): chín tuổi.

(3) Ôn (溫): ấm áp, làm ấm.

(4) Tịch (席): chiếu. Vật dệt bằng cói trải giường khi ngủ.

(5) Thân (親): cha mẹ.

(6) Đương (當): nên, cần phải.

(7) Chấp (執): chấp hành, thực hành.

(8) Dung (融): chỉ Khổng Dung (153 – 208), nhà văn học thời Đông Hán, tên chữ Văn Cử, người nước Lỗ (Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông ngày nay). Ông đứng đầu trong Kiến An Thất Tử (7 hiền tài thời Kiến An), và là cháu đời thứ 20 của Khổng Tử.

(9) Nhượng (讓): lễ nhượng, nhường nhịn, nhường.

(10) Đễ (弟): thương yêu anh em.

(11) Trưởng (長): anh cả; huynh trưởng.

(12) Nghi (宜): nên.

Đọc sách bút đàm

1. Hiếu kính với cha mẹ trước tiên

Ở bài học trước, “Tam tự kinh” bắt đầu trực tiếp giảng với trẻ rằng làm người thì phải tiếp thu giáo dục từ nhỏ, bởi vì “Người không học, mù nghĩa lý”. Học nghĩa lý, hiểu được chính lý làm người thì sau này mới có thể trở thành nhân tài hữu dụng đối với xã hội. Từ đó dạy bảo trẻ phải “Gần thầy bạn, học lễ nghi”, gần gũi thầy tốt bạn hay, học lễ nghi tốt và chính lý đối nhân xử thế cùng với họ.

Do đó, 8 câu trong bài học này dùng câu chuyện chân thực về hai đứa trẻ điển hình nhất thời cổ đại làm tấm gương, để nói cho trẻ biết cần bắt đầu từ đâu. Muốn hiểu được đạo lý đối nhân xử thế thì hai yêu cầu làm người cơ bản cần phải ghi nhớ trước tiên chính là hai chữ Hiếu Đễ.

Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử nói: “Hiếu đễ là cái gốc của nhân đức”, có nghĩa là hiếu kính cha mẹ, yêu thương anh chị em là gốc rễ của lòng nhân ái.

Trong chữ Hán, chữ Hiếu (孝) gồm trên là chữ Lão (老 – già), dưới là chữ Tử (子 – con), nghĩa là lòng kính yêu, cảm ân của người con đối với cha mẹ, là nghĩa lý của người dưới đối với người trên. Sau này ra xã hội thì đối với cha mẹ người khác, đối với người cùng vai vế với cha mẹ mình, hoặc ở nơi làm việc đối với cấp trên, với sếp… cũng dùng cái tâm kính yêu, tâm cảm ân đó đối xử. Tất cả đều từ nền tảng lòng hiếu kính với cha mẹ trong gia đình, từ đó gây dựng được thái độ và lễ nghi làm người cơ bản nhất là kính trên nhường dưới, khiêm hạ, có hàm dưỡng.

“Trong trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu” (Bách thiện hiếu vi tiên).

2. Văn hóa truyền thống dùng Hiếu quản lý quốc gia

Chữ Hiếu (孝) trên là chữ Lão (老) dưới là chữ Tử (子) chuyên dùng chỉ thái độ kính yêu của con em đối với người già, người thầy và người bề trên. Nội hàm chữ Hiếu mở rộng ra sẽ là khi đối diện với tất cả những người bề trên và người già trong xã hội thì đều kính trọng, nhân ái. Toàn thể xã hội đều có thể làm được như thế này thì quốc gia sẽ yên định.

Thời nhà Hán lúc ban đầu đã lưu lại truyền thống đế vương dùng hiếu quản lý quốc gia. Đế vương hiếu thảo với cha mẹ mình làm gương cho dân chúng, đồng thời quan tâm trông coi người dân thiên hạ cũng bằng tấm lòng nhân ái như thế.

Vì vậy, thời cổ đại khi tiến cử nhân tài làm quan, rất nhiều người tiến cử người hiếu kính và liêm khiết, gọi là “Hiếu liêm” – tên một chức quan. Mọi người đều tán thưởng và tín nhiệm những người có hiếu, cho rằng một người ở nhà biết hiếu kính cha mẹ thì mới có lòng nhân ái, mới biết cảm ân và quan tâm chăm sóc người dân. Chỉ có người như thế mới có thể yên tâm giao nhiệm vụ và trách nhiệm trông nom chăm sóc người dân vào tay họ.

3. Nội hàm chữ Đễ

Chữ Đễ cũng có ý kính yêu như thế, cũng là thái độ và tu dưỡng cơ bản của người dưới với người trên. Tuy nhiên, “người trên” ở đây không phải là bề trên hoặc cấp trên, mà chữ Đễ chuyên dùng với người cùng lứa nhưng hơn tuổi. Trước tiên là lễ kính, yêu thương đối với anh chị trong nhà. Đó cũng là một loại lòng nhân ái. Sau khi hiểu biết quan hệ và thái độ cơ bản này thì lời nói, hành vi phải lễ nhượng khiêm cung.

4. Làm người tại sao phải hiếu đễ trước tiên?

Có thể có nhiều trẻ không phục, tại sao trước tiên phải nhấn mạnh thái độ người dưới với người trên mà không phải là lòng nhân từ nhân ái của người trên đối với người dưới? Thực ra trên đối với dưới, nhất là sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái là tình yêu xuất phát từ nội tâm coi con cái như báu vật vậy, là bản tính tự nhiên, rất tự nhiên; trái lại còn dễ trở thành nuông chiều, khiến con cái trở thành phá gia chi tử, không biết cảm ân, coi những gì cha mẹ dành cho là đương nhiên.

Hơn nữa, con người sống trong thế gian, tình yêu vô điều kiện thì duy chỉ có cha mẹ làm được. Mọi người cũng thường ví những tình yêu vô tư với tình yêu của cha mẹ. Ví như ân dạy dỗ của thầy cũng vĩ đại như tình yêu của cha mẹ, do đó người thầy được mọi người tôn xưng là sư phụ. Mối ân tình này sao có thể không cảm kích? Nếu đối với cha mẹ là người yêu thương mình nhất mà cũng không biết kính yêu phụng sự thì không xứng đáng làm người rồi.

Vậy anh chị thì sao? Tuy anh chị không bằng cha mẹ nhưng cũng gánh vác một phần trách nhiệm quan tâm chăm sóc dạy bảo các em giúp cha mẹ. Khi xảy ra chuyện, anh chị còn bị cha mẹ trách phạt vì đã không trông coi các em tốt. Người xưa có giáo huấn rằng: anh cả như cha, chị dâu cả như mẹ. Có nghĩa là anh chị vì để trông nom chăm sóc các em nên đã gánh vác nhiều trách nhiệm, phải hy sinh nhiều cho gia đình. Vì nhiều tuổi hơn nên không tùy tiện và tự do như các em, do đó người em cũng cần phải biết cảm ơn và tôn kính khiêm nhường với anh chị.

Đối với người lãnh đạo, bề trên như đối với cha mẹ, đối với bạn bè hơn tuổi như đối với anh chị, tiến lui hợp lễ nghĩa, khiêm cung hoà ái, cuộc đời thuận lợi toại nguyện là khởi nguồn từ cái tâm hiếu đễ trong gia đình.

Do đó, Khổng Tử mới nhấn mạnh rằng: “Hiếu đễ là cái gốc làm người”.

Văn hóa lễ nghi làm người truyền thống, trọng tâm là giữ hai chữ Nhân Nghĩa. Đạo lý này đầu tiên là tạo dựng nền móng trong quan hệ giữa cha mẹ con cái và anh chị em trong gia đình. Sau khi trưởng thành ra ngoài xã hội thì mới hiểu được đối nhân xử thế như thế nào.

Chúng ta biết người Nhật rất coi trọng khiêm hạ, cảm ân, lễ kính bề trên và với khách, đó là họ vẫn lưu giữ được quan niệm làm người truyền thống Á Đông, truyền thừa cho đến ngày hôm nay chưa từng bị hủy hoại, gián đoạn.

(Ảnh minh họa: Chụp màn hình video Chánh Kiến).

Theo Chánh Kiến

Kiến Thiện biên dịch

Video: Hiếu thuận với cha mẹ, ông Trời ắt để dành phúc phận cho

videoinfo__video3.dkn.tv||164c40544__