Có nhiều người Trung Quốc và Việt Nam sang Mỹ sinh sống, đều tỏ ra khó hiểu khi thấy người Mỹ không đặc biệt chào mừng ngày Tết thiếu nhi 1/6. Vì sao lại như vậy?
Cứ mỗi năm đến ngày 1/6, trẻ em ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam… đều đón ngày Quốc tế thiếu nhi. Thế nhưng ở Mỹ, Canada và một số nước phương Tây khác, hầu như không đón tết thiếu nhi như chúng ta.
Có rất nhiều người Trung Quốc và Việt Nam khi đặt chân tới Mỹ đều cảm thấy tò mò, tự hỏi tại sao Mỹ là một quốc gia luôn tôn trọng quyền trẻ em, quan tâm bảo vệ tới quyền lợi của trẻ em, thế nhưng một ngày “Tết của trẻ em” như vậy lại không có ở Mỹ?
Có một người Hoa kiều sinh sống lâu năm tại Mỹ chia sẻ, người Mỹ không có ngày Tết thiếu nhi như ở Trung Quốc, Việt Nam…, là bởi đối với trẻ con Mỹ hầu như ngày nào cũng là ngày tết thiếu nhi. Có rất nhiều ngày lễ hội ở Mỹ đều có phiên bản cổ tích chỉ dành cho trẻ em, bởi vậy luôn làm các bạn nhỏ cảm thấy dường như mình đang sống trong thế giới cổ tích.
Hiện nay trên thế giới chỉ có một vài nước có ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Ở những quốc gia khác, ngày Tết thiếu nhi cũng là khác nhau, ví dụ như ở Đài Loan và Hồng Kông thì ngày Tết thiếu nhi là ngày 14/4.
Tại Mỹ khái niệm về ngày Tết thiếu nhi kỳ thực xuất hiện trước ngày Tết của cha và ngày Tết của mẹ, tuy nhiên trong một thời gian dài đó không phải là một ngày lễ được thống nhất trên toàn đất nước.
Vào năm 2000, có một bé gái 4 tuổi đã viết thư cho Tổng thống Bill Clinton, vị tổng thống đương nhiệm bấy giờ của Mỹ, yêu cầu lập một ngày Tết dành riêng cho thiếu nhi. Bởi vậy tổng thống Clinton đã tuyên bố chính thức lấy ngày 8/10 là ngày Tết thiếu nhi.
Đến năm 2001, tổng thống Mỹ George Bush lấy ngày 3/6 là ngày Tết thiếu nhi trên toàn quốc, và tuyên bố từ đó về sau ngày Chủ nhật của tuần thứ hai của tháng 6 là ngày Tết thiếu nhi trên toàn đất nước. Thế nhưng cũng giống như các quốc gia châu Âu khác, vào ngày này trẻ em Mỹ rất ít tổ chức các hoạt động chúc mừng mang tính công cộng và tính xã hội rộng rãi.
Các ngày lễ hội ở Mỹ đều là lễ hội cho thiếu nhi
Mặc dù nước Mỹ không tổ chức hoạt động chúc mừng vào ngày 1/6, tuy nhiên những lễ hội thuộc về trẻ em với quy mô lớn nhỏ khác nhau đều rất đa dạng và đầy màu sắc. Thậm chí người ta còn có cách ví rằng: “Đối với trẻ em của Mỹ, ngày nào cũng là ngày tết thiếu nhi”. Bởi vậy, người Mỹ cho rằng không cần thiết phải lập ra một ngày Tết thiếu nhi chuyên biệt cho trẻ em ở Mỹ.
Bà Schilling, một người Mỹ chia sẻ, bà cảm thấy con gái mình dường như đang “sống trong thế giới cổ tích”. Bà cũng bày tỏ, tại Mỹ có rất nhiều lễ hội, và đối với trẻ nhỏ, tất cả những lễ hội đó đều mang màu sắc cổ tích.
Bà còn cho hay: “Ngay đến cả khi trẻ nhỏ thay chiếc răng sữa đầu tiên, cũng sẽ xuất hiện một “cô tiên răng”, cô tiên ngày sẽ đến lấy đi chiếc răng sữa của bé, và tặng tiền hay quà cho bé để trao đổi. Điều này làm trẻ cảm thấy việc thay răng sữa không còn là vấn đề gì đáng xấu hổ, hay đau đớn, mà trở thành một trải nghiệm thú vị”.
Một cư dân mạng chia sẻ, trẻ con ở Mỹ không những không đón Tết thiếu nhi 1/6, mà trong các loại hoạt động tập thể cũng không có sự tranh đấu đối kháng mạnh mẽ thường gặp như ở trẻ con Trung Quốc.
Theo quan điểm của một chuyên gia nghiên cứu tâm lý trẻ nhỏ ở Mỹ chia sẻ: “Những nhân tố mang nghĩa tranh đấu, cạnh tranh quá mức trong các hoạt động tập thể trước khi trẻ học trung học, sẽ không có lợi cho sự phát triển trưởng thành của trẻ. Những hoạt động mang tính ganh đua đối kháng cạnh tranh quá mức ở những nơi giáo dục công cộng đều nên cố gắng hạn chế tối đa”.
Đến ngày 1/6 cũng là thời điểm trẻ con ở Mỹ chuẩn bị nghỉ hè, trước khi nghỉ hè nhà trường thường tổ chức một loạt hoạt động có tên gọi Field Day, căn cứ trên chữ nghĩa bề mặt cũng có thể hiểu, đó là ngày trẻ con có thể đi ra ngoài vui đùa trên nền đất ở công viên, một ngày thật thoải mái vui vẻ.
Bà Schilling bày tỏ: Đây là ngày mà trẻ con có thể thoải mái vui đùa, đôi khi chúng chơi đùa tới lấm lem ướt bẩn hết cả người, vì vậy cần mang theo khăn tắm và đồ cá nhân để thay. Đối với những đứa trẻ lớn hơn một chút, nhà trường cũng sắp xếp các loại hoạt động giải trí ở bên ngoài, giúp trẻ có thể thoải mái chơi đùa, giúp con quên đi những áp lực về bài vở và học hành, sau đó tận hưởng sự thoải mái của ba tháng hè.
Dưới đây là những ngày lễ ở Mỹ, không phải là ngày 1/6 nhưng trẻ em Mỹ lại được sống trong ‘thế giới cổ tích’ đầy lý thú.
Tháng 3 – Ngày lễ Thánh Patrick với sắc xanh lá cây rực rỡ
Ngày 17/3 là ngày lễ Thánh Patrick, để kỷ niệm và tưởng nhớ Thánh Patrick (vị thần hộ mệnh của đất nước Ireland – có tên thật là Maewyn, sinh ra ở xứ Wales vào khoảng năm 385 SCN). Các nhà trẻ và trường tiểu học của Mỹ sẽ tổ chức lễ hội này cho trẻ. Ngày đó trẻ đi học sẽ phải mặc quần áo màu xanh lá cây, các bạn nhỏ sẽ phải làm những đồ thủ công có liên quan đến phong tục tập quán của ngày này.
Con gái của bà Schilling năm nay 7 tuổi, học lớp 2. Bà chia sẻ, đến tháng 3 thầy giáo yêu cầu các bậc phụ huynh hỗ trợ các con làm dụng cụ thủ công, ví như làm một cái bẫy mang tới trường để bắt những chú lùn nhỏ nhắn tinh nghịch, thế nhưng dù cho cái bẫy có được thiết kế thông minh tới mức nào thì những chú lùn tinh nghịch đó vẫn có thể chạy mất.
Bà Schilling nói, mặc dù năm nay con gái mình không bắt được chú lùn nào, thế nhưng con vẫn để cái bẫy đó trong phòng mình, và mỗi tối đều tự thu dọn phòng ngủ, sau đó nói với mẹ rằng, đó là chú lùn màu xanh giúp bé làm.
Tháng 4 – Những quả trứng nhiều màu sắc và những chú thỏ của lễ Phục sinh
Đến tháng 4 khi những chú lùn tinh nghịch màu xanh đi rồi, thì tới lượt những quả trứng nhiều màu sắc và những chú thỏ của lễ Phục sinh xuất hiện. Tại Mỹ, lễ Phục sinh biểu tượng cho sự tái sinh và hy vọng, ở khắp mọi nơi trên đất nước Mỹ, từ các thành phố lớn tới các thành phố nhỏ đều tổ chức hoạt động nhặt trứng vào lễ Phục sinh, và ở Nhà Trắng mỗi năm cũng đều tổ chức hoạt động này. Đây là một cách chúc mừng lễ Phục sinh ‘phiên bản của trẻ em’, cũng là ngày mà lũ trẻ có thể thu hoạch được nhiều kẹo nhất.
Bởi trong những quả trứng nhiều màu sắc đó là kẹo nên sau khi lũ trẻ nhặt được những quả trứng, sẽ bóc trứng một cách rất thành thạo để lấy được những cái kẹo mà mình ưa thích với vẻ đắc ý vui mừng.
Mỗi năm, bà Schilling đều mang những quả trứng đầy màu sắc giấu ở sân sau, để con gái cúng bạn của nó đi tìm. Thông thường trứng thường được cất giấu ở những nơi tương đối khó tìm, bởi vậy có thể qua đó rèn luyện sự nhanh tay nhanh mắt và sự nhẫn nại của trẻ.
Thể hiện tình yêu vào tháng 5 và tháng 6
Tháng 5 và tháng 6 tại Mỹ có ngày của Cha và ngày của Mẹ, đó là ngày các bạn nhỏ bày tỏ tình yêu thương của mình với cha mẹ, các bé sẽ tự tay làm một món quà nhỏ tại trường để mang về nhà tặng cha mẹ mình.
Bà Schilling nhớ lại, ngày của Mẹ năm 2012, cậu con trai nhỏ của bà mang về một tấm thiệp, mời bà đi tới trường cùng ăn trưa. Bữa trưa có thể tự chuẩn bị hoặc có thể ăn tại trường.
Bà chó biết thêm: “Khi tôi tới nơi, đã có rất nhiều các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ đang ngồi trên tấm thảm được bọn trẻ trang trí công phu trong khuôn viên, và bắt đầu ăn trưa, còn con trai tôi thì đang đứng ở trước cửa lớp đợi tôi. Khi nhìn thấy mẹ, cậu bé tặng tôi một bông hoa bằng giấy tự làm và một món quà đã được đóng gói cầu kỳ, khi mở ra đều là những bức tranh do con trai tôi tự vẽ”.
Không những vậy, còn có một tờ giấy được con tự thiết kế độc đáo, trong đó bày tỏ tình yêu thương của con trai dành cho mẹ.
Khi con gái tôi nhìn thấy món quà của anh trai mình, cũng không chịu thua, vẽ cho tôi một bông hoa nói để tặng mẹ.
Bà Schilling cho hay: “Cách để trẻ tự vận động trí não và động tay làm những điều mình muốn để bày tỏ tình yêu thương với người thân trong giáo dục của Mỹ và Canada, thực sự làm người ta cảm động”
Kỳ nghỉ hè thú vị tháng 7
Vào ngày Quốc khánh Mỹ (4/7), trẻ con có thể đi ngắm pháo hoa. Trong thời gian nghỉ hè, các gia đình người Mỹ thường đưa con đi du lịch nước ngoài, ví như đi du lịch tại đảo Caribbean. Nếu không có cơ hội đưa con đi du lịch, họ cũng sẽ cho con tham dự các trại hè và các lớp hoạt động xã hội. Tóm lại trẻ nhỏ sẽ thực sự có một kỳ nghỉ vui vẻ thú vị.
Halloween – Lễ hội phiên bản dành cho trẻ em của người Mỹ
Halloween là ngày lễ hội mà trẻ được tự đóng vai những nhân vật hoạt hình hoặc những người mà mình yêu thích, cũng như được tận hưởng một ngày lễ hội vui vẻ với thu hoạch là rất nhiều kẹo. Tại trường học của con gái bà Schilling, mỗi năm đến lễ hội Halloween trường đều sẽ tổ chức một bữa tiệc, bọn trẻ được hóa thân thành các nhân vật mình yêu thích và tham gia diễu hành, nếu phụ huynh có thời gian cũng có thể tới xem và tham dự.
Bà Schilling chia sẻ, mỗi năm con bà đều hóa thân thành những hình dạng khác nhau, sau đó đi tới từng nhà để xin kẹo, mỗi năm đều nhét đầy kẹo vào túi mang về.
Có một năm người hàng xóm của bà còn mang thêm một chiếc lò sưởi ra ngoài cửa, và cung cấp cho mọi người sữa socola nóng miễn phí. Bởi mỗi năm vào thời gian này thời tiết đều rất lạnh nên họ nghĩ ra cách này để những người qua đường đều cảm thấy ấm áp.
Bà Schilling còn cho hay, số kẹo mà bọn trẻ đi xin về vào mỗi tối cộng với số kẹo ở nhà chưa phát hết, đại khái có thể đủ cho bọn trẻ ăn cả năm.
Lễ Tạ ơn và lễ Giáng sinh
Qua lễ hội Halloween là tới hai lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Mỹ, đó là lễ Tạ ơn và lễ Giáng sinh. Các nhà trẻ và trường tiểu học cũng tận dụng hai ngày lễ đặc biệt này trong giảng dạy giáo dục trẻ nhỏ. Lễ Tạ ơn là thời gian cũng là cơ hội tốt nhất giúp trẻ học được cách cảm ơn đối với người khác. Các thầy giáo cô giáo sẽ kể cho các con về lịch sử và nguồn gốc của lễ Tạ ơn, với ý nghĩa là mừng thu hoạch được mùa và tạ ơn Thiên Chúa đã cho cuộc sống no đủ và an lành. Đây cũng là ngày nghỉ lễ chính thức, cho tất cả người lao động theo luật định tại Mỹ và Canada.
Vào ngày lẽ này, lũ trẻ thường mang một tấm thiệp về nhà, trên đó sẽ viết về những người và những sự việc mà chúng muốn tạ ơn, có những bạn học sinh còn viết sự tạ ơn về một bài văn có ích với mình.
Cách giáo dục kiểu mưa dầm thấm lâu, từng chút từng chút một đã hun đúc nuôi dưỡng tình cảm sâu đậm tốt đẹp trong quá trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ ở Mỹ.
Lễ Giáng sinh thì không cần miêu tả mọi người cũng đều biết là lễ hội mang đậm màu sắc cổ tích cho trẻ nhỏ. Đó cũng là thời gian những đứa trẻ luôn mong muốn được quà của ông già Noel gửi tới từ Bắc Cực vào đêm Noel.
Vào đầu tháng 12, cả đất nước Mỹ giống như lễ hội đèn màu, các gia đình sẽ trang trí đèn màu ở khắp nơi, cả trong nhà và ngoài sân vườn. Mỗi nhà đều sẽ có một cây thông noel và nhiều món quà trang trí trên cây thông. Trẻ con được đi tới các khu trung tâm thương mại vui chơi, chụp ảnh với ông già Noel và trải nghiệm cảm giác như được ngồi tàu hỏa đi tới Bắc Cực thăm ông già Noel, thăm ngôi nhà bánh kẹo… Ở trường học, trước mỗi lễ Giáng sinh đều có hàng loạt các hoạt động diễn xuất chào mừng ngày lễ này.
Những đứa trẻ 10 tuổi còn có thể viết thư cho ông già Noel yêu cầu món quà mà mình yêu thích. Trong khung cảnh và không khí tràn ngập màu sắc cổ tích đó, những đứa trẻ sẽ tưởng tượng ra vào đêm Chúa giáng sinh an lành, ông già Noel sẽ ngồi trên xe có các chú tuần lộc đi tới cửa nhà mình, sau đó chui vào nhà qua ống khói mang những món quà mà chúngyêu thích thả xuống dưới mỗi cây thông noel.
Lễ hội là một nét văn hóa của một đất nước, đằng sau mỗi lễ hội không chỉ là lịch sử, văn hóa mà còn là tín ngưỡng của đất nước đó. Rất nhiều lễ hội quan trọng mang phiên bản dành cho trẻ nhỏ ở Mỹ, không những mang nhiều ý nghĩa tình cảm, giáo dục mà còn mang đầy màu sắc cổ tích, và thực sự khơi nguồn cảm hứng vui tươi cho trẻ.
Mặc dù trẻ con ở Mỹ không đặc biệt chúc mừng Tết thiếu nhi 1/6, thế nhưng chúng thực sự được tận hưởng đầy đủ niềm vui và được sống trong một thế giới cổ tích vô cùng lý thú.
Theo epochtimes.com
Bình Nhi biên dịch
Xem thêm:
- Tháng 5 rực rỡ: Vẻ đẹp của Sự thật và niềm tin không bao giờ mất vào Chính nghĩa
- Câu chuyện đầu thai chuyển kiếp của nữ minh tinh huyền thoại Marilyn Monroe
- 3 lời khuyên quý hơn vàng bạc của cổ nhân giúp bạn thực sự cải biến vận mệnh