Có những câu chuyện tuy nhỏ, nhưng lại đặt cho chúng ta những câu hỏi, khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời, về cách sống của chính mình. Hãy cùng nghiền ngẫm ba câu chuyện như vậy trong bài viết này, biết đâu, bạn sẽ tìm được một điều gì đó mới mẻ trong cách nhìn cuộc sống và giá trị của những điều xung quanh bạn.
Câu chuyện thứ nhất:
Tại sao con người lại thích chu du, khám phá thế giới? Họ đang tìm kiếm điều gì?
Theo một truyền thuyết của đạo Hindu, khi tất cả con người vẫn đều là những vị Thần, sở hữu những năng lực siêu phàm – mà ngày nay con người chúng ta gọi là “thiên tính”. Nhưng thật không may, con người lại lạm dụng thiên tính của mình đến nỗi Brahma – vị Thần tối cao của đạo Hindu đã quyết định tước đoạt sức mạnh Thần Thánh này và giấu đó ở một nơi mà con người không thể tìm thấy.
Tuy nhiên tìm được một chỗ cất giấu kín đáo như vậy không phải là một điều đơn giản.
Một cuộc họp của các vị Thần đã được triệu tập, Brahma muốn hỏi ý kiến của những vị Thần khác.
“Chúng ta có thể chôn “thiên tính” của con người sâu bên trong lòng đất”. Một ý kiến được đưa ra.
Brahma lắc đầu: “Ta nghĩ như vậy không đủ, bởi con người sẽ đào xới lòng đất và sẽ tìm thấy nó”.
“Trong trường hợp đó, chúng ta có thể ném thiên tính xuống sâu dưới đáy của những đại dương rộng lớn”.
Brahma cũng vẫn lắc đầu: “Sớm hay muộn gì, con người sẽ khám phá đại dương sâu thẳm, họ sẽ lại tìm thấy chúng và đem chúng lên mặt đất để sử dụng một cách bừa bãi”.
Các vị Thần chau mày: “Vậy thì chỉ còn mỗi bầu trời thôi, Người có thể giấu thiên tính của con người trên Mặt Trăng”.
Brahma có lẽ đã tính đến điều này: “Không khả thi, đến một ngày con người sẽ chinh phục bầu trời, họ sẽ trèo lên Mặt Trăng và khám phá ra “thiên tính” của mình”.
Các vị Thần đều lắc đầu và kết luận rằng nếu như vậy thì chẳng còn nơi nào đủ an toàn để giấu “thiên tính” – sức mạnh Thần Thánh của con người đi cả.
Suy tư một hồi, bỗng Brahma thốt lên: “Đúng rồi, chúng ta sẽ giấu nó trong sâu thẳm của con người. Bởi vì sẽ chẳng bao giờ anh ta nghĩ tới việc quay vào đó để tìm kiếm một thứ quý giá như thế này”.
Truyền thuyết kết luận rằng, từ sau buổi họp hôm ấy của các vị Thần, con người bắt đầu hành trình đi khắp Trái Đất, trèo lên những ngọn núi cao nhất, lặn xuống đáy đại dương sâu thẳm và tìm mọi cách lên tới Mặt Trăng, để tìm kiếm một thứ đang nằm sâu trong bên trong chính mình.
Suy ngẫm:
Bạn thấy đấy, các vị Thần đã chỉ cho chúng ta điểm mấu chốt của mọi cuộc tìm kiếm: Chúng ta chỉ chuyên tâm đi tìm tất cả những gì ở bên ngoài bản thân mình và không bao giờ nhìn vào chính mình để khám phá xem, thế giới bên trong ấy ẩn chứa những gì. Điều đáng buồn là kho báu lại được cất giấu ở nơi chúng ta không bao giờ nhìn đến.
Câu chuyện thứ 2:
Việc thiện dù nhỏ nhất định nên làm
Một người đàn ông đang đi dạo trên một bờ biển thanh bình vào buổi bình minh. Đang tha thẩn ngắm những đợt sóng nhỏ vỗ vào bờ, ông chợt trông thấy một cậu bé đang nhặt những con sao biển trên bãi cát.
Ông nghĩ hẳn khi nhặt đầy nhưng con sao biển ấy, cậu sẽ đem chúng ra phía chợ để bán.
Tuy nhiên, cậu bé lẽ ném từng chú sao biển vào lòng đại dương.
Người đàn ông không khỏi ngạc nhiên, ông tiến tới gần và hỏi:
“Cậu bé, cậu đang làm gì vậy, tại sao cậu lại ném những con sao biển đó về lại biển?”
Cậu bé trả lời rằng những con vật này sẽ chết nếu chúng vẫn còn mắc kẹt trên bãi cát này cho tới khi Mặt trời lên cao, vì vậy cậu phải làm như vậy.
“Nhưng bãi biển này dài hàng km và có hàng triệu con sao biển ở đó. Liệu những hành động của cậu có quá vô ích không?”
Cậu bé kia vẫn không nói gì, cậu nhìn con sao biển trên tay mình, dùng hết sức bình sinh ném nó trở về với biển.
Rồi cậu quay lại và trả lời người khách lạ: “Điều cháu làm không vô ích với con sao biển vừa được trở về với nhà của nó, ông thấy có đúng không?”
Suy ngẫm:
Bạn có thể nghĩ việc tốt mình làm thật nhỏ bé, nó không đáng, chỉ vô ích như dã tràng xe cát, như muối bỏ bể, vậy nên tốt nhất không nên làm. Cậu bé đã chỉ cho bạn rồi, chỉ cần một con sao biển được cứu sống, cậu vẫn sẽ cố gắng.
Bởi vì, dù nhỏ tới đâu, thiện niệm không khi nào là vô ích. Dù bạn chỉ giúp được một người hạnh phúc hơn, trong khoảnh khắc ấy, với cá nhân ấy, việc bạn làm có thể đã thay đổi rất nhiều.
Vậy nên, xin đừng thờ ơ và bỏ qua những việc tốt có thể làm, dù là nhỏ nhất.
Câu chuyện thứ 3:
Cảm nhận về thế giới bên ngoài của chúng ta xuất phát từ đâu?
Một ngày nọ, người đàn ông thông thái nhất tòa thành ngồi ở cánh cửa lớn dẫn vào thành phố. Ông đang nhìn ngắm cuộc sống của những người qua lại cánh cổng này.
Một người khách trẻ tuổi với trang phục của một vùng khác tiến lại gần, anh ta hỏi người thông thái:
“Cụ già, cụ có thể cho tôi biết con người trong thành phố này sống như thế nào không? Tôi từ nơi khác tới và rất muốn biết điều đó?”
Thay vì ngay lập tức trả lời, ông lão lại hỏi chàng trai trẻ: “Vậy trong thành phố của cậu, người ta sống như thế nào?”
Người khách trẻ tuổi đáp lời với thái độ bức tức: “Ích kỉ và độc ác tới mức tôi không thể chịu đựng được họ. Chính vì thế, tôi muốn đi tìm một nơi khác tốt đẹp hơn.”
“Vậy thì, người bạn tội nghiệp của tôi, tôi nghĩ rằng anh sẽ phải tiếp tục con đường tìm kiếm của mình, bởi những người dân ở thành phố này cũng ích kỉ và độc ác như vậy!”
Một lúc sau, một người khách khác lại tới hỏi thăm ông lão.
“Ông lão đáng kính, cháu vừa mới tới thành phố này và rất muốn biết con người ở đây như thế nào ạ?”
Ông lão nhìn chàng trai, rồi lặp lại câu hỏi của mình:
“Vậy chàng trai hãy cho ta biết, ở thành phố cũ của cậu, người dân ở đó như thế nào?”
Chàng trai trẻ lộ vẻ buồn bã:
“Trung thực, tốt bụng và vô cùng cởi mở, nhân ái. Ở đó, cháu chỉ có những người bạn. Và cháu rất buồn khi phải rời xa thành phố của mình”.
“Con trai của ta, vậy thì ở đây con sẽ tìm được những toàn những người tốt bụng, cởi mở và vô cùng hào hiệp”.
Một người lái buôn đang cho lạc đà uống nước gần đó đã không khỏi ngạc nhiên. Ông hỏi nhà thông thái:
“Tôi thật không thể hiểu được thưa ông lão đáng kính. Tại sao ông lại trả lời cùng một câu hỏi của hai chàng thanh niên bằng hai câu trả lời hoàn toàn đối lập như vậy? Đây liệu có phải là một lời nói dối vào ngày cá tháng tư?”
“Ồ, con trai, đây không phải là lời nói dối”, nhà thông thái già từ tốn trả lời. “Hai chàng trai trẻ ấy mang trong tâm của họ những thế giới hoàn toàn khác nhau. Anh biết đấy, họ sẽ mang thế giới bên trong đó đi tới khắp mọi nơi. Dù ở thành phố của họ hay ở đây, điều họ nhìn thấy là do thế giới bên trong của chính họ quyết định”.
Suy ngẫm:
Khi nào bạn cảm thấy cuộc đời thật bất công, những người khác thật đáng ghét và khó chịu, bạn muốn bỏ đi, tránh xa những kẻ đáng ghét đó. Vậy hãy đi, nhưng là đi tìm một nơi yên tĩnh để có thể ngồi lại và nhìn ngắm nội tâm của chính mình. Bởi ông lão thông thái đã cho chúng ta thấy cái gốc của mọi cảm nhận về thế giới bên ngoài đều là xuất phát từ tâm của chính chúng ta.
“Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”, Phật Gia cũng luôn giảng cho con người đạo lý này.
Khi cơn bão của giận hờn, oán trách trong lòng mình qua đi, bạn sẽ nhận ra: Thực ra không phải thế giới đang quay lưng lại với bạn, mà chính bạn đang quay lưng lại với thế giới.
Nhận ra rồi, hãy quay trở lại vì đợi bạn ở nơi đó vẫn luôn là những điều thân thuộc đã từng khiến bạn mỉm cười.
Hải Lam (tổng hợp)
Xem thêm: