Lão Tử nói: “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa”. Ý tứ rằng, họa là điều kiện tiên quyết của việc tạo thành phúc, mà phúc lại chứa đựng nhân tố tạo thành họa. Nói cách khác, chuyện tốt và chuyện xấu là có thể chuyển hóa cho nhau và dưới một điều kiện nhất định phúc sẽ cải biến thành họa mà họa cũng có thể biến thành phúc.
Bất luận một sự tình gì phát sinh đều chỉ có thể có hai loại kết quả đó là tốt hoặc xấu. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ này đều là như thế. Một sự tình xảy ra, nó có thể là tốt và cũng có thể là không tốt. Sự phát triển của sự vật đều là có thể chuyển hóa giữ tốt và xấu. Đôi khi sự việc tốt có thể chuyển thành xấu và sự việc xấu có thể chuyển thành tốt.
Cho nên, trong cuộc sống, khi chúng ta có được chuyện tốt, chuyện vui thì chú ý đừng “vui quá hóa buồn” . Nên bảo trì tâm thái bình tĩnh, cảm xúc đừng quá mừng quá bi bởi vì sự tình thay đổi nhanh chóng, ấy mới được tính là người có trí tuệ.
Trái lại, ở vào thời điểm thất ý, chán nản thì phải có tầm nhìn lâu dài, tin tưởng rằng sẽ có những điều tốt đẹp ở trong tương lai. Đừng để những thất bại, khó khăn trước mắt hù dòa mà đau buồn thống khổ, bi thương.
Cổ nhân giảng: “Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật nguyệt tương thôi nhi minh sinh yên; hàn vãng tắc thử lai, thử vãng tắc hàn lai, hàn thử tương thôi nhi tuế thành yên.” (Tạm dịch: Mặt trời đi thì mặt trăng đến, mặt trăng đi thì mặt trời đến, mặt trăng và mặt trời cùng đắp đổi mà ánh sáng sinh ra vậy. Rét đi thì bức đến, bức đi thì rét đến, rét bức cùng đắp đổi mà năm tháng thành ra vậy. Không có bao giờ, mây trôi mãi che lấp hết cả mặt trời, ngày đông giá rét phủ kín khắp cả mùa xuân!
“Chu Dịch”, “Lão Tử” và “Binh pháp Tôn Tử” là ba đại kiệt tác triết học có sự phân tích sâu sắc nhất thời Trung Quốc cổ đại. Ba tác phẩm ấy đem học thuyết âm dương phát triển đến đỉnh điểm. Trong “Lão Tử” viết: “Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tư ác hĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện hĩ. Cố hữu vô tương sinh, nan dịch tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy.” Ý nói rằng: Bởi vì thiên hạ đều biết, tốt là tốt, nên tự đã có xấu rồi. Bởi vì thiên hạ đều biết, thiện là thiện, nên tự đã có ác rồi. Cho nên, “có” với “không” là tương sinh, “khó” với “dễ” là là tương thành, “dài” với “ngắn” là cùng hình, “cao” với “thấp” là cùng chiều, “âm” với “thanh” là tương hòa, “trước” với “sau” là cùng theo.
Mối quan hệ biện chứng giữa “phúc và họa”, “thành và bại”, “lợi và hại”, “tăng và giảm” trong cuộc sống cũng được trình bày và phân tích chi tiết trong tác phẩm “Nhân gian huấn”. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về sự chuyển hóa tương hỗ giữa hai loại trạng thái này. Trong đó viết rằng: “Họa dữ phúc đồng môn, lợi dữ hại vi lân, phi thần thánh nhân, mạc chi năng phân.” Ý nói: Họa và phúc là ra vào cùng một cửa; lợi và hại là láng giềng của nhau. Nếu không phải là Thánh nhân thì không thể phân biệt được.
Trong rất nhiều câu chuyện dân gian, tác phẩm nối tiếng cũng có nhắc đến chủ đề này. Nổi tiếng nhất là câu chuyện “Tái ông thất mã, an tri họa phúc” hay câu chuyện “Họa phúc luân chuyển tương sinh, biến đổi khó mà lường được“
Có thể thấy, “họa” và “phúc” là chuyển hóa không ngừng, luân phiên như ngày và đêm, mặt trăng và mặt trời vậy! Cho nên, trong cuộc sống khi gặp chuyện xấu đừng nên bi quan, thống khổ, trái lại khi gặp chuyện vui cũng đừng mải vui mừng quá đỗi, mất không ưu phiền, được không đắc ý, bởi vì: “Trong phúc có họa, trong họa có phúc, biến hóa vô cùng, sâu xa không thể lường được.”
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: