Trước đây, tại một thị trấn nhỏ ở Mỹ có hai anh em nhà kia, chẳng may mẹ mắc bạo bệnh qua đời khi hai anh em còn quá nhỏ. Người cha vì thế mà đau buồn nên chìm ngập trong cờ bạc và rượu chè, trong nhà có bao nhiêu tài sản cũng lần lượt theo đó mà ra đi. Đến khi trong nhà không còn gì cả, thì người cha bắt đầu đi trộm cắp.
Hai anh em cũng vì thế mà sống cảnh cơ hàn cùng cực, phải đi nhặt rác để kiếm sống qua ngày. Người anh cuối ngày khi kiếm được mấy đồng ít ỏi, liền đem đi ăn một bữa no nê thoả thích. Ngược lại người em, sau khi kiếm được tiền thì chỉ dám ăn tiêu tằn tiện, số còn lại chắt chiu dành dụm. Thời gian qua đi, số tiền tích cóp được của người em cũng ngày một nhiều hơn, cậu lấy đó làm học phí, xin vào một lớp học bổ túc buổi tối.
Người anh sau khi lớn lên trở thành một kẻ lang thang nơi đầu đường cuối phố, dần dần học cách uống rượu, hút hít, đánh nhau. Không những vậy, người anh còn trở thành đại ca trong đám bụi đời, thường tụ tập chơi bời, quậy phá sau đó đi trộm cắp, cướp giật đồ của người khác, cuộc sống cứ thế qua đi. Về phần mình, người em lại không ngừng học tập, ban ngày làm phục vụ tại nhà hàng kiếm tiền đóng học, buổi tối thì đến lớp, cậu yêu thích văn học nên học sáng tác văn chương.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 10 năm qua đi, cuộc sống của hai anh em sớm đã đi theo hai thái cực khác nhau. Giờ đây, hai anh em họ đã là những chàng trai tuổi gần 30, nhưng cuộc sống mỗi người lại là hai hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt. Người anh trong một lần ẩu đả, không may đánh chết người nên phải vào tù. Còn về phần người em, sau khi tốt nghiệp ra trường, trở thành một nhà văn nổi tiếng, những tác phẩm của cậu luôn được đón chào khắp nơi.
Vào dịp Giáng sinh năm 2010, một nhà báo biết được câu chuyện của hai anh em đã tiến hành một cuộc phỏng vấn. Đầu tiên ký giả vào nhà giam thăm hỏi người anh, vị ký giả hỏi: “Về vấn đề của cha anh, chúng tôi đều đã rõ. Xin hỏi cuộc đời của anh xảy ra như ngày hôm nay có phải là do ảnh hưởng từ cha anh để lại không?”. Người anh trả lời rất chắc chắn rằng: “Đúng vậy, những hành vi xấu của cha tôi như tảng đá lớn đè nặng trong lòng tôi, cho nên tôi mới đi con đường này”.
Ký giả lại đến phỏng vấn người em, người em mặc dù rất bận bịu chuẩn bị cho việc xuất bản cuốn sách mới của mình, nhưng anh vẫn bớt chút thời gian để gặp ký giả. Ký giả hỏi: “Anh trai anh nói do ảnh hưởng của cha nên mới đi vào con đường đó, vậy hỏi anh có bị ảnh hưởng từ cha mình không?”.
Người em trả lời: “Đối với tôi, cuộc đời của cha giống như một tảng đá lớn đè nặng trong lòng. Tuy nhiên, anh trai tôi lại đeo tảng đá đó trên lưng, để rồi mỗi bước chân là một bước nặng nề đau khổ. Còn tôi, tôi lại đặt tảng đá đó dưới chân làm bàn đạp cho mỗi bước đi, giúp tôi thêm sức mạnh tiến về phía trước”.
***
Còn nhớ, khi còn nhỏ, ở quê tôi có hai gia đình, hai người phụ nữ bằng tuổi chị em với nhau, cùng chơi thân với nhau từ khi mới về làm dâu trong thôn. Cả hai người đều lấy được tấm chồng là con trong gia đình khá giả, có điều kiện, lại nổi tiếng đẹp trai hào hoa khiến bao chị em trong vùng phải ghen tị. Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang, vốn dĩ hai ông chồng đều nổi tiếng đào hoa, ong bướm vây quanh nên cũng sớm ngày sa ngã, bỏ nhà ra đi. Hậu quả là cả hai gia đình đều chung cảnh vợ không chồng, con không cha.
Tuy là chỗ cảnh chị em sớm tối quan tâm lẫn nhau, nhưng mỗi người lại chọn cho mình một lối đi riêng. Một người thì nghĩ: “Tuổi mình nay vẫn còn xuân, mới ngoài 26, đường đời còn dài. Phận mình chồng đã chẳng thương, con thì thơ dại tội gì khổ thân? Thôi thì sớm cảnh tìm đường, kiếm nơi nương tựa đỡ hoài tấm thân”.
Cho nên không lâu sau đó, cô bỏ lại con thơ ở nhà mà tìm đường đi nơi khác làm ăn rồi kiếm tấm chồng mới cho mình. Cô chọn làm lẽ cho một người đàn ông giàu có, cuộc sống tuy có khá giả hơn xưa, có người nương tựa sớm trưa đỡ đần, nhưng con thơ nhỏ dại quê nhà, gia đình tan nát không người chăm nom, anh em sớm tối héo mòn, mẹ tìm không thấy cha thì nơi đâu?
Hai đứa con lớn lên thiếu vắng tình thương của mẹ, sự dạy dỗ của cha nên cũng sống đời phiêu bạt, bố một nơi, mẹ một ngả, anh em cũng người bắc kẻ nam, gia đình không còn gì nữa.
Người còn lại tuy chung một cảnh nhưng lại chọn cho mình con đường hoàn toàn khác. Mặc dù chồng đã chẳng thương, nhưng con thơ dại cần người chăm nom, vậy nên sớm tối chuyên cần, ngày đêm chẳng quản làm thêm đủ nghề. Khi buôn, khi bán, có khi làm nghề, trồng rau, bắt ốc, chăn bò, miễn sao no đủ con thơ vui lòng.
Cuộc sống mẹ con đùm bọc lẫn nhau, biến đau thương thành sức mạnh, chẳng mấy chốc hai con cô khôn lớn, cũng bắt đầu đỡ đần mẹ những việc trong nhà. Em nấu cơm, anh ra đồng giúp mẹ, đến chiều về lại có mẹ có con. Tuy vất vả nhưng vuông tròn tình nghĩa, khắp trong nhà, tiếng mẹ, tiếng con.
Nhờ vào tình yêu thương dạy dỗ của người mẹ mà hai đứa con cũng trưởng thành ngoan ngoãn, siêng năng chịu khó, gia đình cũng từ đó mà thay đổi. Từ chỗ bị người đời coi thường vì vợ không chồng, con không cha, gia đình túng quẫn trăm bề đã trở thành một gia đình gương mẫu, kinh tế giàu có, con cái hiếu thuận, là tấm gương cho người khác noi theo.
Cùng một hoàn cảnh, hai số phận, một người mặc dù được sống cảnh giàu sang trước mắt nhưng cuộc đời phiêu bạt khắp nơi, sống cảnh có chồng nhưng không phận, có con nhưng chẳng được gần, có nhà mà chẳng được về, tương lai mù mịt. Một người thì chấp nhận một đời vì con mà quên tuổi thanh xuân, sống đời khổ cực sớm chiều vì con. Ai đó đã từng nói: “Một phần cố gắng một phần thành công”, 10 năm cố gắng tảo tần để đổi về nửa đời về sau sống trong phúc báo.
Tục ngữ có câu: “Đời người 10 phần thì có 7, 8 phần không như ý”, cuộc sống luôn là vậy. Mỗi chúng ta khi bước chân vào đời chính là luôn phải không ngừng đối diện với sóng gió. Cuộc sống có thất bại mới có thành công, không có đắng cay sẽ chẳng hiểu ngọt bùi, không có cái lạnh thấu xương của mùa đông băng giá thì cũng chẳng thể có bông mai tinh khiết chớm đầu xuân. Vậy nên, điều quan trọng chính là: Người thành công là người biết biến nghịch cảnh thành thuận cảnh, biến khuyết điểm trở thành ưu điểm.
Minh Vũ