Vào thời điểm mà những người tị nạn đang bị xua đuổi ở khắp các biên giới trên thế giới, thì có thể nhận thấy rõ sự hiếu khách của những người dân Albani. Truyền thống của dân tộc nhỏ bé này đã dậy cả thế giới về lòng tin giữa con người với con người, về lòng nhân hậu và sự hy sinh để đem lại lợi ích cho người khác.
“Có những trại tị nạn được thành lập dành cho người Kosovo trên toàn đất nước. Người dân Albani có thể tới trại, tìm một gia đình tị nạn và đưa họ về nhà. Họ không phải là người thân hoặc bạn bè, hoàn toàn là những người xa lạ, nhưng người Albani sẽ đưa họ về nhà sống cùng, và coi họ như thể là một phần của gia đình mình.” – Trong một quán cà phê nhỏ ở Berat, thành phố nổi tiếng của Albania với 1.001 cửa sổ, Nevila Muka nhớ lại những ảnh hưởng của Chiến tranh Kosovo lên quê hương mình.
Để thoát khỏi cái chết và tàn phá của lực lượng quân đội Serbia trong những năm 90, chỉ trong vòng hai năm, hơn 500.000 người tị nạn đã trốn thoát khỏi Kosovo để tìm nơi trú ẩn tại Albani.
Nhưng câu chuyện của Muka không chỉ dừng lại ở cuộc di dân tập thể.
“Khi đó tôi còn trẻ, vì vậy tôi nhớ là mình rất ham chơi với lũ trẻ của gia đình tị nạn. Tôi nhớ họ thực sự là những người làm bánh rất ngon, họ đã làm ra những chiếc bánh mì ngon nhất mà tôi từng được thưởng thức.”
“Không có khó khăn nào sao?” – Tôi hỏi (ý tác giả là khó khăn khi nhận nuôi một gia đình tị nạn – người dịch).
“Thật sự không có khó khăn gì cho chúng tôi, chúng tôi vẫn ổn. Nhưng đối với nhiều gia đình nó là cả một sự cố gắng, rất nhiều người trong số họ không có tiền để hỗ trợ người Kosovo. Nhiều người đã rơi vào cảnh nợ nần khi làm việc đó, nhưng họ sẽ không bao giờ để bất kỳ ai phải rời đi.”
Khi tôi hỏi cô ấy tại sao, cô nhún vai.
“Đó là cách của người Albani. Đó là besa.”
Tôi đã từng được nghe từ besa trước đây, và biết rằng nó có nghĩa là một cái gì đó giống như niềm tin, đức tin hay sự trung thành nhưng tôi chưa bao giờ nghe đến nó trong ngữ cảnh này trước đó. Muka giải thích rằng nó giống như một quy tắc đối với người Albani, đó là sự bày tỏ lòng hiếu khách hào phóng của họ. Nếu ai đó tìm đến bạn để xin sự giúp đỡ, bạn cho họ một chỗ để ở. Điều đó thật đơn giản.
Sau cuộc thảo luận của chúng tôi, tôi đã bị mê hoặc bởi khái niệm besa và muốn tìm hiểu thêm, vì vậy tôi đã liên lạc với Orgest Beqiri, một sinh viên đại học Albani và là một người ái mộ lịch sử mà tôi đã gặp trong thời gian ở đất nước này. Tôi biết rằng nếu có ai biết chi tiết hơn về besa, đó sẽ là anh ấy.
Khi chúng tôi gặp nhau, anh giải thích rằng đó là truyền thống đã được truyền lại trong nhiều thế kỷ, và đây cũng là một phần của bộ Luật Kanun từ thế kỷ 15. Luật Kanun do một tù trưởng trẻ tuổi có thế lực tên là Lekë Dukagjini ở phía bắc của miền sơn cước Albania đặt ra. Đó là một bộ luật tập hợp nhiều đạo luật riêng lẻ nhằm hướng dẫn thái độ và hành động cho mỗi cá nhân trong mối quan hệ với gia đình, khách khứa, người lạ và cả trong công việc làm ăn buôn bán.
Mặc dù Kanun thường được coi là nguồn gốc của besa, nhưng cũng có nhiều tranh cãi cho rằng truyền thống trên thực tế thậm chí còn lâu đời hơn rất nhiều và rằng Kanun chỉ đơn thuần dẫn lại truyền thống bộ tộc đã tồn tại từ lâu.
“Có một câu tục ngữ được viết trong Kanun”, Orgest nói: “Shpija para se me qenë e Shqiptarit, asht e Zotit dhe e mikut”, có nghĩa là:
Trước khi ngôi nhà thuộc về sở hữu của ai đó, nó thuộc về Đấng tối cao và những vị khách.
Từ thời xa xưa trước đây, nếu bạn là một lữ khách hoặc đang tìm kiếm nơi ẩn náu, bạn có thể gõ cửa ngôi nhà đầu tiên mà bạn tìm thấy và hỏi: “Ông chủ, ông có muốn những vị khách không?” Và người chủ nhà sẽ mời bạn vào nhà.
Kanun nói rằng chủ nhân của căn nhà luôn phải có một chiếc giường phụ sẵn sàng tại bất kỳ thời điểm nào cả lẫn đêm, phòng trong trường hợp có khách đến bất ngờ.
“Có phải đó là một trách nhiệm”, tôi hỏi Orgest. “Ngay cả khi bạn không muốn là một ông chủ hiếu khách, bạn bị bắt buộc bởi besa để làm điều đó?”
“Không hoàn toàn như vậy. Đó là bổn phận, nhưng những người Albani thực sự thích làm người chủ nhà hiếu khách. Đó là niềm tự hào của họ. Trên thực tế, có một câu chuyện cũ về một thị trấn ở phía Bắc rằng, lúc đó đã xảy ra cuộc nổi loạn và rất nhiều người đã không có chỗ để trú chân. Một quán trọ đang xây dựng tại đó cho biết người dân chỉ cần đến và gõ cửa nhà thì sẽ có chỗ ở tạm.”
Mặc dù một số khía cạnh nghiêm khắc hơn của besa đã phai dần theo thời gian, nhưng cảm giác chung của nghĩa vụ và lòng mến khách này đã hình thành trong người dân Albani.
Chiến tranh Kosovo chắc chắn là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà đất nước này phải đối phó, nhưng đó không phải là cuộc chiến đầu tiên cũng không phải là cuộc chiến cuối cùng.
Điều mà không nhiều người trong chúng ta biết được là Albani là một trong số ít các nước châu Âu có số lượng người Do Thái vào cuối Thế chiến II nhiều hơn so với lúc cuộc chiến chưa bắt đầu. Họ đã cưu mang gần như tất cả người gốc Do Thái cũng như cung cấp nơi ẩn náu cho hơn 2.000 người thuộc các dân tộc khác tới từ các quốc gia xung quanh. Mặc dù chịu áp lực từ phát xít Ý và sự chiếm đóng của phát xít Đức, người dân Albani từ chối việc bỏ rơi những người khách của họ, vì làm như vậy sẽ gây ra sự xấu hổ đáng xỉ nhục.
Gần đây hơn, Albani lại một lần nữa cho thấy họ vẫn thực hành besa trong truyền thống, và lần này là dành cho những vị khách tời từ Trung Đông. Hàng trăm người Iran lưu vong hiện đang sống ở Albani khi bị di dời khỏi Trại Tự do ở Irac.
Thủ tướng Albania, Edi Rama cũng bày tỏ ý định trợ giúp những người tị nạn Sy-ri, đưa ra một thỏa thuận hợp tác với các nước châu Âu khác, rằng Albania sẽ không bỏ qua nhiệm vụ của mình.
Mặc dù với tất cả những việc làm cao quý này, Albani vẫn khiêm tốn và không nghĩ rằng mình đang mang lại những điều tuyệt vời cho thế giới hỗn độn này. Sự thật là quốc gia Balkan nhỏ bé và nghèo nàn này hầu như không nhận được sự quan tâm nào của quốc tế đối với các hoạt động nhân đao của họ. Vào thời điểm những người tị nạn đang chạy khắp các ngả tới các biên giới trên thế giới, dường như có rất nhiều thứ để học hỏi từ chính sách của Albani về lòng hiếu khách.
Rất lâu sau cuộc thảo luận đầu tiên của tôi và Muka về những người Kosovo mà gia đình cô ấy đã sống cùng, tôi đã chia sẻ điều này với cô ấy:
“Thật là xấu hổ vì hầu hết điều này không được biết đến. Không có nhiều thông tin về đất nước Albani và hầu hết những điều đã xảy ra tại đây chỉ được biết đến với một cái nhìn thoáng qua”.
Cô mỉm cười thấu hiểu và gật đầu:
“Vâng, nhưng bây giờ bạn đã biết. Bạn có thể bắt đầu nói với người khác. Có lẽ một ngày nào đó tất cả mọi người trên thế giới đều sẽ biết về điều đó.”
***
Ngày nay, khi thế giới đã bắt đầu nhận ra tiềm lực kinh tế, quân sự của một quốc gia hùng mạnh nào đó không phải là điều kiện cần và đủ để họ vô tư trợ giúp các quốc gia yếu kém hơn. Khi các phóng viên lăn xả vì sự thật và những lữ khách có dịp được tới nhiều vùng đất xa xôi đã ngày càng khai sáng cho người dân thế giới về những điều họ chưa biết. Thì người ta đã dần nhận ra có những giá trị truyền thống lâu đời ở những nơi đã từng bị coi là nghèo nàn, lạc hậu lại chính là sức mạnh nội tại bền vững nhất của con người trong một thế giới ngày càng hỗn loạn.
Và những truyền thống tốt đẹp cổ xưa đều được dẫn khởi từ niềm tin vào Thần linh và Đấng tối cao. Sở dĩ người Albani sẵn lòng chia sẻ chỗ ở với người lạ mặc dù có thể chính họ cũng khó khăn đủ đường là vì họ tin: “Trước khi ngôi nhà thuộc về sở hữu của ai đó, nó thuộc về Đấng tối cao và những vị khách”. Bởi vì những gì bạn đang có là do Đấng tối cao ban tặng, nên bạn có nghĩa vụ phải chia sẻ với những người kém may mắn hơn.
Đồng thời việc chia sẻ nỗi thống khổ của người khác một cách không có điều kiện cũng thể hiện niềm tin vào con người của dân tộc Albani. Khi nhiều người cho rằng việc tin tưởng người khác có thể dẫn tới thiệt thòi cho bản thân nếu bị lợi dụng, thì người dân ở xứ sở nghèo khó không có gì nhiều để mất này lại hoàn toàn tin tưởng vào những vị khách của mình. Hay bởi vì khi con người ta không ôm giữ quá nhiều, nên không có gì phải lo sẽ bị tổn hại thì họ sẽ tin tưởng nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn mà không cần được báo đáp.
Theo BBC
Tâm Anh – Thu Hiền
Xem thêm:
- Phong cách sống Hygge và quy tắc Jante – bí quyết khiến người dân Bắc Âu hạnh phúc nhất thế giới
- Chủ nghĩa ‘hoàn hảo’: Bí quyết đưa Đức trở thành cường quốc số 1 Châu Âu
- Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới lựa chọn đứng ngoài thế giới “văn minh”