Phúc lộc của đời người là từ đâu đến? Là do tài năng, học vấn, do may mắn hay sự ưu ái của ông Trời? Kỳ thực hoàn toàn không phải vậy…

Vào giữa những năm Càn Long thời nhà Thanh, ở thành Dương Châu có một nho sinh tên là Liễu Kính Đình. Tuy không dám khoe học vấn tài cao bát đẩu, nhưng cũng thuộc vào hàng tinh thông sử sách. Ông nội của Liễu nho sinh là Liễu Nhược Khiêm, là một phú hộ trong vùng, gia cảnh giàu có, thường hành thiện bố thí, được người địa phương tôn xưng là “Liễu lão thái gia”.

Năm Liễu Kính Đình 19 tuổi cũng là lúc kinh thành mở khoa thi. Chàng vâng theo lời thầy, dẫn theo thư đồng vào kinh dự thi tìm cầu công danh, mong sẽ có ngày được trở về vinh quy bái tổ.

Trên đường, Liễu Kính Đình và thư đồng tá túc trong chùa Phương Văn cách kinh thành hơn 300 dặm. Buổi tối hôm ấy, chàng trằn trọc cả đêm không sao ngủ được, bỗng nghe thấy tiếng sáo từ bên ngoài cửa sổ vọng đến, chàng liền đứng dậy khoác áo bước ra khỏi phòng. Dưới ánh trăng, chàng loáng thoáng nhìn thấy một thư sinh trẻ tuổi đang ngồi khoanh chân bên cạnh chiếc lư hương trong chùa, áo mũ chỉnh tề, tay cầm sáo ngọc, thần thái tiêu sái tựa như tiên nhân vậy.

Liễu Kính Đình vốn tinh thông âm luật, hôm nay thấy tài nghệ thổi sáo của chàng thư sinh trẻ tuổi này hơn hẳn người bình thường. Khi nghe đến chỗ tuyệt diệu, chàng không khỏi lớn tiếng khen rằng: “Tuyệt quá, tuyệt quá, thật giống như âm nhạc nơi cõi trời vậy. Dám hỏi danh tính huynh đài là gì?”. Chàng trai trẻ dừng lại, ngẩng đầu lên nhìn Liễu Kính Đình rồi đáp: “Tại hạ Tần Khởi Vân, là người vùng Giang Chiết, nay trên đường đến kinh thành dự khoa thi. Đi ngang qua nơi này nhất thời hứng khởi thổi khúc tiêu dao, huynh đài nếu không cười chê thì xin mời qua đây cùng đàm luận”.

Liễu Kính Đình bước đến ngồi xuống, cùng Tần Khởi Vân đàm luận thi ca âm luật. Hai người vừa gặp mặt đã thấy thân thiết, càng chuyện trò lại càng thêm hợp ý, bèn kết bạn cùng nhau đến kinh thành.

Hai người vừa gặp mặt đã thấy thân thiết, càng chuyện trò lại càng thêm hợp ý, bèn kết bạn cùng nhau đến kinh thành. Ảnh minh họa youtube.com

Trên đường, hai người trao đổi sở học văn tài, ai nấy đều bội phục tài hoa của đối phương. Đặc biệt là Liễu Kính Đình, chàng cảm thấy tài học của Tần Khởi Vân vượt hơn mình một bậc. Vốn dĩ lần này chàng lên kinh dự thi là ôm theo giấc mộng Trạng Nguyên, giờ đây không thể không khỏi giật mình tán thán: Núi cao còn có núi cao, người tài còn có người tài hơn ta.

Sau khi đến kinh thành, hai chàng cùng nghỉ lại ở quán trọ Phùng Xuân. Ngày thi cử này, Liễu Kính Đình được bố trí ở phòng thi số 9, còn Tần Khởi Vân ở số phòng 27.

Thi hội nơi kinh thành, mỗi thí sinh đều ở riêng một gian phòng nhỏ nên không trao đổi được với nhau. Bài thi được phân phát đến tay, Liễu Kính Đình đọc sơ qua một lượt cảm thấy cũng vừa với sức mình, bèn hạ bút thành chương, lời văn bay bổng sáng sủa hiện ra trên giấy, trong tâm chàng không khỏi có phần đắc ý. Đến khi trời chập tối, quan giám khảo lại đưa cho mỗi thí sinh một cây đèn, các thí sinh cả đêm múa bút hành văn.

Đề thi cuối cùng của bài là một câu đối. Liễu Kính Đình xem xong trong lòng không khỏi giật mình, vế trước của câu đối là: “Than đen, lửa đỏ, tro như tuyết”. Bảy chữ này chỉ một sự vật có chứa ba loại màu sắc, thật là một câu đối hiếm gặp.

Vốn là, một vị hàn lâm từng gặp vế đối này mấy năm trước đây, ông đã phải vắt óc suy nghĩ suốt nhiều năm trời mà cũng chưa thể đưa ra vế đối tương ứng. Lúc ấy toàn bộ các quan trong triều cũng không có ai đối được. Hội thi năm nay, vế đối này cũng làm khó các sĩ tử, ngay cả Tần Khởi Vân tinh thông sách thánh hiền cũng phải bó tay. Lúc ấy, Liễu Kính Đình ngồi trầm tư suy nghĩ đến tận nửa đêm cũng không ra được đáp án, chỉ có thể cảm thán bản thân tài sơ học mọn.

Đêm cũng khuya rồi, cơn mệt mỏi kéo đến, Liễu Kính Đình nằm gục trên bàn ngủ thiếp đi. Trong mơ, bỗng có người đến vỗ vai chàng khiến chàng mở mắt ngước lên nhìn, chỉ thấy trước mặt là một ông lão đầu tóc bạc phơ. Ông lão nói: “Chàng trai trẻ, bài văn này của cậu thật có mấy chỗ chưa được ổn lắm!”.

Liễu Kính Đình thấy ông lão tiên phong đạo cốt, khí khái thanh cao, trong tâm biết là nhân sĩ học vấn uyên bác, vội đáp rằng: “Kính mong lão tiên sinh chỉ giáo”. Ông lão bèn chỉ cho chàng thấy những điểm sơ suất trong bài viết, rồi lại tận tình nói với chàng nên sửa lại như thế nào. Liễu Kính Đình trong lòng vô cùng khâm phục, xem ông lão như thần tiên, vội hỏi rằng: “Tiểu sinh xin được thỉnh giáo quý danh của lão tiên sinh?”. Ông lão trả lời: “Lão phu tên là Lãng Y Ly”. Liễu Kính Đình cười nói rằng: “Lão tiên sinh, đây thật kỳ lạ, bách gia trăm họ dường như không có ai họ Lãng?”.

Liễu Kính Đình gặp ông lão tiên trong giấc mơ giúp anh giải bài thi. Ảnh minh họa youtube.com

Ông lão hơi mỉm cười: “Hãy khoan nói chuyện này, câu đối cuối bài đó cậu có thể đối ra được hay không?”. Liễu Kính Đình nói: “Tiểu sinh tài sơ học thiển, vắt kiệt trí óc cũng không đối ra được”. Ông lão nói: “Câu đối này có thể nói là tuyệt diệu, nhưng vẫn không đến mức không có câu ứng đối. Nhà cậu có ruộng chứ?”. Liễu Kính Đình trả lời: “Thưa, có ba trăm mẫu ruộng tốt”.

Ông lão lại hỏi rằng: “Mùa thu trồng gì?”. Liễu Kính Đình đáp: “Thưa, là lúa mạch”. Ông lão cười nói: “Như vậy không đúng rồi sao? Lúa mạch màu gì? Còn trấu cám và bột nghiền ra thì sao?”. Liễu Kính Đình vô cùng thông minh, nghe nói đến đây, lập tức vỗ bàn đứng dậy hưng phấn nói: “Học trò đã hiểu rồi”.

Liễu Kính Đình từ trong mộng chợt tỉnh dậy, thấy bên cạnh trống trải không một bóng người, thì ra là một giấc mộng kê vàng, nhưng tình tiết trong mơ vẫn rõ ràng trước mắt. Chàng bèn nhấc bút lên đối lại rằng: “Mạch vàng, cám đỏ, bột như sương”.

Kỳ thi hội kết thúc, các thí sinh đều trở về quán trọ nghỉ ngơi chờ đợi. Liễu Kính Đình vẫn luôn nghĩ ngợi về giấc mơ đó, trong lòng không khỏi cảm thấy kỳ lạ.

Ba ngày sau, quan chủ khảo Lâm Kiến Tường vào cung yết kiến hoàng đế Càn Long, dâng lên ba bài thi, trong đó Tần Khởi Vân tài học cao nhất, Liễu Kính Đình thì đối ra được câu đối đặc sắc đó, thỉnh hoàng thượng định đoạt. Hoàng đế Càn Long ở Dưỡng Tâm điện cẩn thận đọc kỹ ba bài viết, muốn để Tần Khởi Vân làm Trạng Nguyên, Liễu Kính Đình là Bảng nhãn. Lòng nghĩ đến đây, liền cầm ngự bút lên.

Lúc này, bài thi của Tần Khởi Vân đặt ở bên trái, còn bài viết của Liễu Kính Đình để ở giữa. Hoàng đế Càn Long cầm bút lướt qua bài viết của chàng, để mắt nhìn thấy câu đối trên, trong lòng khẽ động, thầm cười nghĩ: “Câu đối này thật là quá xuất sắc!” Chính ngay trong một niệm này, một giọt chu sa ở đầu ngọn bút rơi xuống, vừa khéo rơi trên mặt ba chữ “Liễu Kính Đình”.

Hoàng đế Càn Long bất giác thốt lên: “Ý Trời, thật đúng là ý Trời, bài viết không so được Tần Khởi Vân, tạo hóa khó được như Liễu Kính Đình! Tân khoa Trạng Nguyên này thật đúng là Trời định mà!”.

Xuân đi thu lại đến, chớp mắt đã một năm qua đi, Liễu Kính Đình từ sớm đã trở lại kinh thành phụng mệnh. Đến ngày mùa, Liễu Nhược Khiêm đến ruộng nhà mình. Khi ông nhìn thấy một nắm mồ vô chủ ở giữa bãi đất, trong lòng không khỏi thở dài cảm thán.

Vốn là, ngôi mộ này chôn cất một lão nho nghèo, cả một đời nghèo khổ lênh đênh. Sau khi ông chết, người nhà không thể tìm được nơi chôn cất, lại nghe nói “Liễu lão thái gia” nổi tiếng là người thích làm việc thiện, nên trong đêm đã đem thi thể chôn cất ở nơi này. Liễu Nhược Khiêm sau khi biết được cũng không hề oán trách, lại còn cho người sớm hôm hương khói mong cho linh hồn người đã khuất được an nghỉ cõi vĩnh hằng. Từ đó về sau, mỗi khi đến vụ mùa, Liễu Nhược Khiêm luôn căn dặn người kéo cày nhớ chừa ra hai bên mộ một khoảng trống, tránh làm tổn hại đến phần mộ. Ngày dài tháng rộng, cứ thế ruộng nhà Liễu lão thái gia để chừa ra một mảnh đất trống.

Đám người hầu năm nay lại đến Liễu gia hỏi rằng: “Lão thái gia, năm nay…”. Liễu Nhược Khiêm không suy nghĩ mà chỉ trả lời giống như những năm trước: “Nhường một lưỡi cày vậy”. Lời vừa nói ra miệng, ông đột nhiên hiểu rằng, tên gọi của vị thần tiên trong giấc mộng “Lãng Y Ly” (Lang Yili) đọc lên thật giống như cách nói “nhường một lười cày” (Rang Yi Li).

Liễu Nhược Khiêm thiện niệm nhường một lưỡi cày, cuối cùng lại “nhường” ra được một Trạng Nguyên cho gia tộc mình.

Liễu Nhược Khiêm thiện niệm nhường một lưỡi cày, cuối cùng lại “nhường” ra được một Trạng Nguyên cho gia tộc mình. Ảnh minh họa wikipedia.org

Có người thắc mắc, phúc lộc của đời người là từ đâu mà đến? Là do tài năng, học vấn, do may mắn hay sự ưu ái của ông Trời? Kỳ thực hoàn toàn không phải vậy. Cổ nhân có câu rằng: Người làm điều thiện, phúc tuy chưa đến, nhưng họa cũng đã tránh xa; người làm điều ác, họa tuy chưa đến, nhưng phúc đã rời xa. Không nói đến có quỷ thần hay không, hoặc có chuyện quỷ thần báo ơn hay không, nhưng có một điểm chắc chắn là: “Làm nhiều việc thiện, phúc ắt có dư; làm nhiều việc ác, họa tất có thừa”.

Theo Tân Sinh Net
Vũ Dương biên dịch