Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

… Để vượt qua sa mạc, quân Tề phải hướng về nước Chung Vô. Khi đó Quản Trọng nghĩ ra biện pháp giải cứu, câu chuyện sau này được gói gọn chỉ trong một câu thành ngữ, đó là “ngựa già biết đường”.

“Ngựa già biết đường”

Ngoài tôn trọng “tín”, “lễ” như đã nói ở kỳ trước, một thành tựu lớn khác của Quản Trọng là “tôn kính quân vương, bài trừ di rợ”. “Di rợ” ở đây chỉ các dân tộc thiểu số xâm lăng Trung Nguyên. Nước Hình và nước Vệ là hai quốc gia rất nhỏ, khi bị dân tộc thiểu số xâm lược, họ không chống trả nổi nên cầu cứu Tề Hoàn công.

Năm 663 TCN có một dân tộc thiểu số là Sơn Nhung xâm phạm nước Yên, khi đó nước Yên đến cầu cứu nước Tề. Thế là Tề Hoàn công phát binh giúp đỡ nước Yên, cuộc chiến đó rất gian khổ và kéo dài khoảng nửa năm.

Sau khi thắng trận, nước Tề còn diệt thêm hai nước nữa là Cô Trúc và Linh Chi. Nước Tề diệt nước Linh Chi trước rồi mới diệt nước Cô Trúc. Trong trận chiến với nước Cô Trúc, có một lần quân Tề hành quân trong sa mạc, đến đêm thì bị lạc đường, không phân biệt được đâu là đông tây nam bắc. Thêm nữa, lương thực và nước uống lúc ấy đã sắp dùng hết.

Trước khi đánh trận, Quản Trọng có nghiên cứu bản đồ. Ông cho rằng để vượt qua sa mạc “chết chóc” này, thì quân Tề phải hướng về nước Chung Vô. Khi đó Quản Trọng nói với Tề Hoàn công rằng: “Hiện tại trong quân chúng ta có một vài con ngựa già xứ Chung Vô, chúng ta hãy tháo yên cương rồi thả nó ra, sau đó đi theo ngựa già dẫn đường thì có thể ra khỏi sa mạc này”. Thế là quân lính nghe theo Quản Trọng, tháo yên cương những con ngựa già (nước Chung Vô) thả ra, đại quân nước Tề nối đuôi đi theo những con ngựa ấy, cuối cùng thật sự đã ra khỏi sa mạc. Câu chuyện này lưu lại thành một câu thành ngữ là “ngựa già biết đường” (lão mã thức đồ).

Lần giúp nước Yên này, Tề Hoàn công dẹp được hai nước Linh Chi và Cô Trúc. Tề Hoàn công đã hào phóng cắt một khoảnh đất rất lớn là 500 dặm giao tặng cho nước Yên. Từ đó nước Yên mới có thể trở trành quốc gia có đất đai rộng lớn trong thời Xuân Thu.

Họ Điền bắt đầu thay thế họ Khương

Tề Hoàn công thành tựu bá nghiệp, tấm lòng rộng rãi hào phóng nhưng đến cuối đời ông lại mắc một sai lầm. Đó là tin dùng nịnh thần. Những tên nịnh thần như Dịch Nha, Thụ Điêu đã làm loạn triều chính. Cuối cùng Tề Hoàn công bị những tên gian thần ấy hại chết. Sau khi Tề Hoàn công mất, những người con của ông cũng đấu đá lẫn nhau để tranh giành vương vị, do đó cơ nghiệp to lớn trong chốc lát đã trở nên suy yếu.

Nước Tề ban đầu là họ Khương nắm giữ việc cai trị, sau này họ Điền thay họ Khương. Khởi thủy của sự việc này bắt đầu từ năm Tề Hoàn công thứ 14 (năm 671 TCN). Khi đó một vị công tử nước Trần là Trần Hoàn đến nước Tề để tránh nội loạn ở cố quốc. Trần Hoàn đổi thành họ Điền, gọi là Điền Hoàn. Trong “Sử ký – Điền Hoàn thế gia” có ghi chép lại sự việc này với đại ý như sau: Điền Hoàn sau khi đến nước Tề, người dân nước Tề lúc đó vẫn sống bình an vô sự, không xảy ra biến cố gì, Điền Hoàn chỉ làm một vị Đại phu ở nước Tề.

Nước Tề qua thời gian dần dần suy yếu, đến cuối thời Xuân Thu thì xuất hiện một vị quân vương là Tề Cảnh công. Tề Cảnh công là một vị quân vương khá anh minh, ông có hai đại thần rất nổi tiếng. Người thứ nhất là đại tướng Tư Mã Nhương Thư. Vị đại thần này nổi tiếng đến mức trong “Sử ký” có hẳn một chương viết về ông, đó là “Tư Mã Nhương Thư liệt truyện”. Vị đại thần thứ hai là Tướng quốc Yến Tử. Ở tập trước chúng ta có đề cập đến “Quản Yến liệt truyện”, “Quản” là Quản Trọng, còn “Yến” ở đây chính là Yến Tử.

Yến Tử nổi tiếng là trung thần một ngày can vua ba lần chẳng màng sống chết

Thời kỳ Tề Cảnh công có Đại tướng Tư Mã Nhương Thư và Tể tướng Yến Tử phò tá, ông cai trị nước Tề rất tốt. Nhưng sau này ông lại tin những lời gièm pha, ông cắt chức Tư Mã Nhương Thư. Tư Mã Nhương Thư vì thế nên uất ức, một thời gian sau thì tạ thế. Sau đó Yến Tử cũng qua đời. Lúc đó Tề Cảnh công lớn tuổi rồi, lại mất đi hai vị trọng thần, thêm vào đó lại tin dùng gian thần nên nước Tề rơi vào hoàn cảnh không thể cứu vãn. Những năm còn sống, Yến Tử cũng từng nhắc nhở Tề Cảnh công rằng nên tiết kiệm. Tề vương không những không nghe, trái lại còn sinh hoạt rất xa xỉ.

Đại phu nước Tề khi ấy là Điền Khất (cháu đời thứ sáu của Điền Hoàn) lại làm một việc rất được lòng bách tính. Đó chính là khi bách tính tới mượn lương thực thì ông đong bằng đấu (1) lớn, còn khi người dân hoàn trả ông lại dùng đấu nhỏ. Do đó lòng dân thiên hạ dần dần quy về họ Điền. Sau này con trai của Điền Khất là Điền Thường, cũng làm giống như cha mình, cũng là “khi cho mượn dùng đấu lớn, khi nhận lại dùng đấu nhỏ”.

Trong phần “Ngô – Việt tranh bá” có nhắc đến Điền Thường. Học trò của Khổng Tử là Tử Cống từng đến du thuyết ở nước Tề. Tử Cống nói với Điền Thường là hãy khuyên Tề vương đánh Ngô chứ đừng nên đánh Lỗ. Bởi vì thực lực nước Ngô khi đó đương mạnh, nước Tề đánh Ngô sẽ khiến thế lực các Đại phu khác ở nước Tề hao tổn, khi ấy Điền Thường là người được lợi. Sau này thế lực của Điền Thường càng ngày càng lớn. Ông lấy lòng dân theo cách phụ thân đã làm, “khi cho mượn dùng đấu lớn, khi nhận lại dùng đấu nhỏ”. Đồng thời Điền Thường cũng thiết lập quan hệ ngoại giao hữu hảo với các nước khác.

Sau khi Điền Thường mất, con trai Điền Bàn kế vị. Khi Điền Bàn làm Đại phu nước Tề, thì đã manh nha phát sinh sự việc “ba nhà chia Tấn”. 50 năm sau, tức là năm 403 TCN, Chu Thiên tử phong họ Hàn, họ Triệu, họ Ngụy thành Chư hầu, thời điểm này đánh dấu sự kiên “ba nhà chia Tấn”. Lúc ấy cháu của Điền Bàn là Điền Hòa cảm thấy đây là thời cơ chín muồi để thay thế họ Khương mà cai quản nước Tề. Năm Tề Khang công thứ 19 (năm 386 TCN), Điền Hòa nhận sắc lệnh của Chu Thiên tử, trở thành quân vương nước Tề, thay cho hậu duệ của Khương Tử Nha mà cai quản vùng đất ấy. Điền Hòa là cháu đời thứ mười của Điền Hoàn, nghĩa là họ Điền đã chuẩn bị trong mười đời (gần 300 năm) để có thể thay thế họ Khương mà quản lý nước Tề.

3 nguyên nhân khiến “họ Điền thay Tề”

Về sự việc “họ Điền thay Tề” (Điền thị đại Tề), chúng ta thấy có ba nguyên nhân như sau. Đầu tiên là do quân vương nước Tề không coi sóc chuyện quản lý quốc gia. Ví như Tề Cảnh công không nghe lời khuyên can của Tể tướng Yến Tử, ông sinh hoạt hoang phí, thêm vào đó luật lệ nước Tề lại hà khắc. Hà khắc đến mức độ nào? Trong “Tả truyện – Chiêu công tam niên” có ghi lại nước Tề thời đó như sau: “Những đô thị nước Tề, người bán giày/dép nghèo túng, còn người bán chân giả lại giàu có”. Lý giải chuyện này ra sao? Chính là nước Tề khi đó hình pháp hà khắc, đến nỗi người bị hình phạt chặt chân quá nhiều, nên người bán giày/dép thì không bán được, còn người bán chân giả thì “ăn nên làm ra”.

Quốc vương đã đối xử tàn bạo với bách tính như thế, đương nhiên không thể trách lòng dân hướng về nhà họ Điền, đều là do bản thân người đứng đầu làm chuyện sai trái, không chú trọng nền chính trị nhân đức. Đây là nguyên nhân thứ nhất khiến “họ Điền thay Tề”.

Nguyên nhân thứ hai là do Thiên tử nhà Chu. Bởi vì nếu Chu Thiên tử không phong Chư hầu cho ba nhà Hàn – Ngụy – Triệu thì nhà họ Điền cũng không có dã tâm muốn thay họ Khương mà cai quản nước Tề. Trong “Sử ký – Điền Kính Trọng Hoàn thế gia” có ghi lại với đại ý rằng: Điền Hòa âm thầm thỉnh cầu Ngụy Văn Hầu thay mặt ông nói với Chu Thiên tử phong mình làm Chư hầu, kết quả Chu Thiên tử đồng ý. 

Nguyên nhân thứ ba là do định số, năm Tề Hoàn công thứ 14, công tử nước Trần là Trần Hoàn chạy đến nước Tề, sau đó đổi tên thành Điền Hoàn. Khi Điền Hoàn sinh ra, có người đã bói cho ông, nói rằng tương lai ông sẽ thay thế quân vương của một nước. Nhưng dự đoán này không đúng trên thân ông mà ứng nghiệm đối với hậu duệ đời thứ mười của ông là Điền Hòa. Tuy là như vậy nhưng về kết quả cuối cùng thì họ Điền vẫn thay họ Khương mà quản lý nước Tề.

Trên đây là ba nguyên nhân khiến “họ Điền thay Tề”. Rốt cuộc nước Tề do họ Điền nắm quyền sẽ phát triển như thế nào, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch

Ghi chú:

(1) Đấu: cái đấu, vật dụng để đong lường.