“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.
Xem thêm: Phong Thần truyền kỳ
Lại kể tiếp về việc Tỉ Can vâng lệnh vua Trụ đến hỏi Tử Nha xem yêu quái kia là giống gì?
Tử Nha nói: “Nếu muốn bắt nó hiện nguyên hình cũng chẳng khó gì…”.
Câu trả lời vừa dứt, Khương Thượng đạo nhân liền dùng Tam muội chân hỏa từ trong con mắt, lỗ mũi phun ra, lửa đỏ hừng hực tưởng như muốn thiêu cháy cả trời đất vậy!
Tỳ Bà tinh thấy thế thất kinh, lồm cồm ngồi bật dậy, hét lớn: “Ta không cừu oán gì với ngươi, sao ngươi nỡ dùng lửa thần đốt xác ta?”.
Tử Nha nói: “Ngươi là giống yêu quái chuyên hại người, ta giết ngươi để cứu dân, cần gì phải tính theo thù oán”.
Vua Trụ thấy một người đàn bà đã chết lại còn lồm cồm ngồi dậy hò hét oán hận như thế thì sợ quá, mình sởn da gà, trán mướt mồ hôi, lập cập đứng dậy lẩn vào giữa đám lính thị vệ.
Tử Nha tâu: “Xin Bệ hạ lánh vào trong cung cho mau, kẻo có sấm nổ!”.
Ðợi cho Trụ Vương khuất bóng sau rèm, Khương Tử Nha bèn đưa hai tay lên vỗ nhẹ một cái, tức thời một tiếng sấm nổi lên rền trời. Lửa Tam Muội cháy rần rật phủ kín khắp giàn thiêu, cả sân triều hừng hực hơi lửa bỏng… Đến khi lửa tắt thì không ai còn thấy xác người thiếu phụ coi bói kia đâu nữa mà chỉ thấy một cây đàn tỳ bà bằng ngọc thạch nằm giữa sân triều.
Các quan thấy vậy vỗ tay cười lớn, ai ai cũng hoan hỉ khen ngợi, chúc mừng tài đức của Tử Nha.
Quan nhị phẩm Thái giám cũng vội chạy vào báo với Trụ Vương: “Khải bẩm Hoàng thượng, yêu quái đã hiện hình ra thành một cây đàn tỳ bằng ngọc thạch rất đẹp”.
Vua Trụ sửng sốt quay sang nói với Ðát Kỷ: “Đàn tỳ bà bằng ngọc thạch cũng có thể thành yêu sao?”.
Ðát Kỷ lặng im không trả lời, mặt buồn rười rượi. Ả ta nghiến răng trách thầm:
“Sao muội muội đến thăm ta rồi không chịu trở về hang ngay, gây sự chi với lão già họ Khương kia để rồi vong mạng! Phen này ta quyết lấy đầu Khương Thượng đạo nhân kia cho lão già ấy rõ mặt bản sự hồ ly Đát Kỷ này!”.
Nghĩ rồi Đát Kỷ gượng cười chúm chím, nhìn Trụ Vương và nói:
“Thần thiếp nghe nói có cây đàn tỳ bà bằng ngọc thạch thì thích lắm, vậy cúi xin bệ hạ ban nó cho thần thiếp để trước lúc giao hoan thiếp sẽ gẩy đàn hầu bệ hạ nghe. Về phần Khương Thượng đạo nhân có tài trừ yêu quái, đáng được trọng dụng, xin Bệ hạ phong quan cho Khương Thượng để giúp vua việc triều chính”.
Trụ Vương nói: “Phong quan cho Khương Thượng thì không có gì trở ngại, còn đem đàn tỳ bà vào cung, nhỡ nó biến thành yêu tinh trở lại, thì trẫm đây biết làm thế nào?”.
Ðát Kỷ nói: “Nó đã bị đốt xác thành cây đàn rồi thì còn trở thành yêu tinh sao được, xin bệ hạ chớ lo”.
Vua Trụ miễn cưỡng nghe theo lời mỹ nhân, bèn truyền lấy cây đàn tỳ bà vào trao cho Ðát Kỷ.
Ðát Kỷ cúi lạy tạ ơn, ngay sau đó ả liền đem cây đàn tỳ bà lên trên lầu Trích Tinh, lại thận trọng đặt ở nơi cao nhất để thu lấy linh khí. Vì Ðát Kỷ biết rằng với linh khí ấy, chỉ trong sáu năm, Tỳ Bà tinh có thể khôi phục lại nguyên hình.
Kế đó Trụ Vương truyền gọi Tử Nha vào triều ban cho trăm thếp lụa là, một khay bạc đĩnh, lại phong cho Khương Tử Nha làm chức quan Tư Thiên, chuyên trông coi việc thiên văn, địa lý.
Tử Nha tuân lệnh, lãnh áo mão, rồi khấu tạ Trụ Vương trở về trang viện của Dị Nhân sắp xếp việc nhà để chuẩn bị ra làm quan.
Dị Nhân thấy Tử Nha trở về, có cả áo mão hiển vinh, lại thêm tùy tùng hộ giá thì mừng rỡ khôn cùng.
Ðêm ấy đôi bạn mở tiệc ăn mừng, say sưa cười nói, tưởng không còn gì vui hơn vậy! Nhưng sung sướng nhất chính là Mã Thị, kể từ ngày cưới Tử Nha kể như chưa lúc nào bà đắc ý về ông chồng già của mình như lúc này!
Ngày hôm sau, Tử Nha từ tạ gia đình Dị Nhân và vợ để đến đài Thiên văn cấp nhận việc. Từ một ông thầy bói già, trở thành một viên quan triều đình mà ngỡ như mơ, không có chút khó khăn gì cả.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, một ngày kia Trụ Vương cho truyền tam cung lục viện đến lầu Trích Tinh hầu tiệc rượu.
Ðát Kỷ mỹ nhân cũng đến múa hát thướt tha yểu điệu tưng bừng, Trụ Vương nửa say nửa tỉnh ngồi ngất ngưởng trên long sàng.
Ðát Kỷ múa hát một hồi, liếc mắt nhìn thấy các cung nga ai cũng vui tươi hớn hở, chỉ có một nhóm cung nữ hơn bảy mươi người mặt ủ mày chau, không có một chút gì là hưởng ứng…
Lại nói, trải qua mới hơn một năm được tuyển vào cung, Đát Kỷ đã lập mưu với gian thần trong triều mê hoặc Trụ Vương, ám hại hoàng hậu, li gián hai hoàng tử con vua để giờ đây ả một bước ngồi lên ngôi vị Chánh cung Hoàng hậu, đủ quyền chế ngự tam cung lục viện, không còn kiêng sợ gì ai nữa. Nên khi thấy bọn cung nga khác thường kia nay lại dám tỏ ý không xem trọng mình, Đát Kỷ liền bước đến hỏi:
“Các người là tỳ nữ hầu hạ ở cung nào mà có thái độ như vậy?”
Các cung nga ấy thưa trước kia vốn là cung nữ hầu hạ Chánh cung Hoàng hậu họ Khương…
Ðát Kỷ trợn mày nổi giận nói: “Các ngươi tính oán trách ta hả? Chủ của các ngươi trước đây vốn thân là Hoàng hậu lại mưu tính làm phản, toan hại Thánh hoàng, tội ấy đáng lẽ các ngươi có liên đới, nay ta đã vì nhân đạo mà không màng trách tội, vậy mà các ngươi còn không cảm kích ân điển của ta sao?”.
Một vài cung nga không nhịn được lối nói hống hách của Ðát Kỷ đáp:
“Khương hoàng hậu trước đây nào có tội gì, chẳng qua bệ hạ nghe lời dua mị, hành hạ Khương hoàng hậu đến chết. Thật là oan uổng thê lương!”.
Ðát Kỷ nghe vậy, quay lại tâu với Trụ Vương:
“Bệ hạ trừ kẻ phản trắc mà để tiếng ác lại cho thần thiếp. Thần thiếp nghĩ mình nay đã lên chức Chánh cung Hoàng hậu, chưa được hưởng phúc ngày nào mà đã phải chịu lời hàm oan!”.
Nói rồi khóc nức nở mãi không thôi.
Vua Trụ giận quá, đòi đem bảy mươi hai cung nga ấy ra ngoài giết chết hết!
Ðát Kỷ can: “Lũ cung nga phạm tội ấy xin Bệ hạ chớ giết vội, hãy giam vào lãnh cung chờ thần thiếp chế ra một hình phạt đã…”.
Trụ Vương chuẩn tấu, quan Phụng Ngự tuân lệnh, bèn lập tức dẫn bảy mươi hai cung nga nọ đem giam hết vào lãnh cung.
Ðát Kỷ lại nỉ non tâu với Trụ Vương:
“Xin Bệ hạ lập tức truyền cho nhân công đào một cái hầm giáp vòng quanh lầu Trích Tinh. Dài đủ 200 thước, sâu đủ 50 thước. Xong lại truyền cho hết thảy dân chúng ở Triều Ca mỗi nhà nạp vào cung 5 con rắn độc. Rắn đó sẽ thả xuống hầm này gọi là Sái Bồn”.
Trụ Vương hỏi: “Hậu định lập Sái Bồn để làm gì?”.
Ðát Kỷ thẽ thọt thưa:
“Nếu không dùng Sái Bồn để làm hình phạt thì cung nhân còn sợ uy của thần thiếp sao được! Cung nhân phạm tội sẽ bị lột hết xiêm y quăng xuống Sái Bồn cho rắn xé xác. Làm như vậy bệ hạ sẽ thấy thích thú khi chiêm ngưỡng cảnh loài rắn đói ăn thịt người và sức kháng cự tuyệt vọng cuối cùng của những kẻ gần kề cái chết”.
Trụ Vương tình tứ vuốt mà Đát Kỷ mỹ nhân nói: “Chánh cung Hoàng hậu nay lại phải bày phép lạ như vậy để trị bọn cung nga mới yên lòng sao?”.
Nói rồi liền lập tức truyền cho ba ngàn quân sĩ ngày đêm đào hầm, và ra chiếu chỉ cho dân chúng quanh thành Triều Ca mỗi nhà phải nạp 5 con rắn độc. Nội trong bảy ngày mọi việc phải hoàn tất theo ý Đát Kỷ hoàng hậu, tuyệt không ai được phép trái lời!
Lệnh vua ban hành, chẳng ai dám phạm. Vì vậy dân chúng tấp nập vào triều.
Ngày kia, quan Ðại phu Dao Cách đang xem sổ sách trong thành, thấy dân chúng đi lại dập dìu như mắc cửi, trên tay còn xách một giỏ rắn đem vào nộp cho quan viên phụ trách, Dao Cách lấy làm lạ bèn hất hàm hỏi viên quan thu rắn:
“Thiên tử dùng vật ấy làm gì mà thu nạp nhiều như thế?”.
Viên quan thu rắn thưa: “Tôi chỉ được lệnh thu rắn đem nạp chứ không rõ”.
Dao Cách hoài nghi bước ra ngoài hỏi đám dân lành. “Các ngươi bắt rắn ở đâu nạp nhiều như vậy?”.
Dân chúng thấy quan cận thần Dao Cách hỏi, ai nấy đều sợ, vội khúm núm thưa:
“Bẩm đấng quan trên xá tội! Lệnh vua truyền cho dân chúng Triều Ca mỗi người nạp 5 con rắn độc. Tại Triều Ca không có rắn độc, chúng tôi còn phải đến mãi tận vùng rừng núi đặt mua mà đem về đây nộp cho đủ”.
Dao Cách hỏi: “Các ngươi có biết loại rắn độc ấy dùng để làm gì không?”.
Dân chúng thảy đều lắc đầu ngao ngán: “Chúng tôi thân là thảo dân, làm sao mà biết được!”.
Dao Cách liền vào đại điện tìm các quan đại thần: Tỉ Can, Hoàng Phi Hổ, Cơ Tử, Vi Tử và Dương Nhậm để hỏi ý kiến. May mắn, vừa đến nơi đã thấy các vị đại thần này cũng hội đủ mặt.
Dao Cách nói: “Các ông có biết bệ hạ truyền nạp rắn vào cung để làm việc gì không?”.
Hoàng Phi Hổ nói: “Hôm qua tôi đi luyện binh, thấy dân chúng than thở về việc triều đình bắt nạp rắn, chẳng rõ duyên cớ nên định đến hỏi các ngài đây”.
Tỉ Can và Cơ Tử đồng lắc đầu nói: “Trong cung lại truyền cho dân nạp rắn độc thật là chuyện khác thường, thuở nay chưa thấy. Chúng tôi cũng không hiểu chuyện gì!”.
Hoàng Phi Hổ liền cho gọi viên quan thâu rắn đến dặn: “Ngươi cố dò xét thử hệ hạ xem người dùng số rắn nhiều như vậy để làm gì rồi báo cho ta biết, ta sẽ trọng thưởng”.
Viên quan thu rắn tuân lệnh lui ra.
Qua bảy hôm, số rắn dân chúng khắp thành Triều Ca mang đến nạp đã đủ, viên quan thu rắn liền vào cung tâu với vua Trụ:
“Khải tấu Hoàng thượng: Rắn độc đã không còn chỗ chứa nữa, chúng đói quá đều muốn phá giỏ ra, hạ thần phải truyền quân canh giữ rất khó nhọc, cúi xin hoàng thượng chỉ dạy”.
Trụ Vương đánh mắt âu yếm quay sang hỏi Ðát Kỷ: “Chánh cung Hoàng hậu, nay nàng định liệu thế nào?”.
Ðát Kỷ bèn truyền cho quân đem rắn thả hết xuống hầm, và chấm dứt việc thu nhận rắn. Bấy giờ rắn độc đã lúc nhúc đầy hầm, bò qua bò lại, chồng chất lên nhau, cất đầu le lưỡi trông mà kinh hãi vô cùng!
Trụ Vương nói: “Thiếp yêu của ta, nàng còn định làm gì nữa đây?”.
Ðát Kỷ mơn tay vuốt đùi Trụ Vương mỉm cười đắc ý, nói:
“Thế là Sái Bồn đã hoàn thành. Xin Bệ hạ truyền chỉ bắt 72 cung nga phạm tội, lột hết xiêm y, bỏ xuống từng người cho rắn độc phân thây. Hãy làm từ từ để cho đứa sau kịp thấy cái chết của đứa trước, thế mới đủ cho chúng kinh sợ”.
Trụ Vương gật gù nói: “Khanh lập các hình phạt rất lạ, cũng rất hay. Nhưng trẫm nghe mà sao thấy gớm ghiếc quá!”.
Ðát Kỷ mỉm cười nói: “Bệ hạ là đấng uy quyền nhất vũ trụ, xưa nay các bậc vua chúa thử hỏi đã ai được thấy cảnh này? Thần thiếp thiết tưởng bệ hạ trông thấy sẽ thích thú không gì bằng!”.
Trụ Vương nói: “Thấy rắn thì gớm ghiếc chứ sao lại thích thú?”.
Ðát Kỷ nói:
“Thích thú là ở chỗ nhìn bầy rắn ăn thịt người. Ðó là một nghệ thuật xé mồi, không phải như những con thú khác. Trước khi xé nát từng miếng thịt, mỗi con rắn trườn tới, dùng nọc độc cắn nạn nhân. Có những thứ nọc độc làm cho nạn nhân tê dại đi, lại có những thứ nọc độc làm cho nạn nhân đau đớn giãy giụa khổ sở khôn cùng!… Những cảnh ấy trông thấy còn thích thú hơn là xem một tuồng hát độc đáo nhất xưa nay nơi cung vàng điện ngọc này!”.
Trụ Vương háo hức cười, nói: “Nếu không có nàng giảng giải, trẫm làm sao mà biết được!”.
Dứt lời liền truyền chỉ: Dẫn bảy mươi hai cung nữ đến Sái Bồn, lại ra lệnh cho người lột hết quần áo của bọn họ, cứ từng người… từng người… lần lượt và chậm rãi bị xô xuống… Bầy rắn đói cuồng dại nay lại gặp thịt người, chúng trườn tới nhanh như gió, hết cắn… lại cuộn, lại đớp, lại xé! Cả một biển rắn độc uốn éo loằng ngoằng! Than ôi, chỉ trong loáng mắt, những miếng thịt của từng cung nhân, từng cung nhân đã dần bị làn sóng lúc nhúc quái dị kia tranh nhau xâu xé hết!
Mấy chục cung nga xinh đẹp, tuổi chừng mười tám đôi mươi còn lại sắp bị hành hình trông thấy cảnh ấy sợ hãi quá khóc rống lên. Một số khác kinh hãi quá, mềm nhũn hết cả người, hai mắt đờ đẫn, tứ chi vô lực, từ từ khuỵu xuống mà ngất xỉu! Tiếng khóc than thống thiết hòa thành một điệu vang dội khắp cả nội cung, tình cảnh này thảm khốc không bút nào tả xiết…
Lời bàn:
Trụ Vương xưa nay cứ luôn sợ yêu quái, mà chính ông ta lại đang ở cùng yêu quái, việc này tựa như người ta cứ luôn ở trong mê mà không biết mình đang mê vậy. Đáng buồn thay!
Hồ ly Đát Kỷ giở trò quái dị: Trước thì soán cung đoạt vị, thanh lý môn hộ; sau thì giết người đoạt mạng, chẳng thỏa lòng tà. Nay ả lại còn cho đào Sái Bồn nuôi rắn bằng thịt người coi đó như trò tiêu khiển, ác tâm chưa đoạn, ngày sau ắt chẳng dừng tay. Tội ác mà con hồ ly này gây ra e rằng càng ngày càng độc! Mới thấy cái ác, cái xấu mà chẳng bị tận trừ thì cũng giống như cỏ dại sau mưa: Mỗi ngày lại thêm loang rộng, hậu họa khôn lường. Đáng sợ thay!
Sở dĩ Đát Kỷ lộng hành cũng là do Trụ Vương u mê vô đạo. Cho nên mới nói đã tà ác mà lại còn vô minh nữa thì dễ làm nên những chuyện thập ác bất xá, thương thiên hại lý. Đáng trách thay!
Khương Tử Nha dùng phép trừ yêu, mọi người đều thực mục sở thị, bá quan tán thưởng, quân thần ngợi khen. Khương Thượng nhờ có công lao đó mà một bước lên quan. Nhưng thói đời xưa nay cái gì dễ được thì cũng dễ mất! Bởi ông ta giết chết yêu tinh Ngọc Thạch Tỳ Bà mà gây thù chuốc oán với ma nữ Đát Kỷ, vậy nên mới nói sau phúc có họa, sau họa có phúc. Qua việc này ngẫm xem sự đời: Mất – được, được – mất, biến ảo tùy cơ khiến cho người ta cứ u u mê mê mãi mà không chịu tin vào quy luật nhân quả, cũng vì không chịu tin vào quy luật nhân quả nên người ta mới vì lợi ích cá nhân mà tranh tranh đoạt đoạt, đấu đấu đá đá chẳng từ thủ đoạn mà ám toán lẫn nhau. Có người vì chịu không nổi thua thiệt nên bèn tức khí mà chết. Đáng thương thay!
Là phúc hay là họa thì còn phải nhìn vào phẩm đức mà đoán ra vận số của mỗi người. Ví như Tử Nha: Một đời chính trực, thua được chẳng màng, trợ chính trừ tà, đức cao mệnh lớn thì lo gì một mai không làm nên đại sự. Đáng mừng thay!
Câu chuyện tiếp theo sẽ diễn biến ra sao, xin kính mời quý vị đón xem kỳ sau sẽ rõ.
(Còn tiếp)
Đường Phong