“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.
Nay lại kể tiếp về chuyện vợ chồng Khương Tử Nha dựng quầy xem bói ngoài phố chợ…
Một ngày kia, có một tiều phu tên Lưu Càng đi ngang qua, y để gánh củi ngoài sân, bước vào vỗ bàn nói lớn:
“Chào thầy”.
Tử Nha đang gục mặt trên bàn ngủ, bỗng giật mình mở mắt, thấy một người cao lớn phi thường, hai con mắt mở to lồ lộ, tướng mạo hung hăng lắm.
Tử Nha hỏi: “Anh đi bói quẻ hay xem số?”.
Lưu Càng không đáp hỏi lại: “Thầy tên họ là gì?”.
Tử Nha nói: “Tôi họ Khương tên Thượng, tên chữ là Tử Nha biệt hiệu Phi Hùng”.
Lưu Càng hỏi: “Ðôi liễn thầy viết trên cột đây có ý gì xin thầy cắt nghĩa cho tôi nghe thử?”.
Tử Nha hỏi: “Ba câu liễn của tôi ông muốn hỏi câu liễn nào?”.
Lưu Càng chỉ tay vào câu liễn gần nhất, hỏi: “Tay áo đựng càn khôn, cái bầu thâu nhật nguyệt là nghĩa gì vậy?”.
Tử Nha giải thích:
“Tay áo đựng càn khôn là biết cả chuyện càn khôn, những việc đã qua và sắp tới trong nhân gian lại càng không gì là không biết. Cái bầu thâu nhật nguyệt là hiểu thấu lẽ tự nhiên trời đất, biết đạo trường sinh bất tử, có thể chỉ cho người ta con đường lánh dữ tìm lành, chuyển họa thành phúc…”.
Lưu Càng nói:
“Thầy khoe biết cả những việc đã qua và chưa tới, vậy tôi xin bói một quẻ, hễ trúng thì tôi thưởng thầy hai chục đồng tiền, còn trật thì tôi sẽ tặng thầy vài đấm, bảo dọn đồ về xứ, khỏi phải ở chợ Triều Ca này mà lừa phỉnh thiên hạ nữa”.
Tử Nha thở dài nghĩ thầm: “Mấy tháng trời không gặp một khách hàng, nay lại có kẻ tướng dữ này vào phá đám, nếu coi không trúng chắc nguy với nó chứ chẳng chơi!”.
Nghĩ rồi, Tử Nha hỏi Lưu Càng: “Ông muốn xem việc gì cứ nói”.
Lưu Càng nói: “Tôi là người tiều phu đi bán củi. Vậy ông chỉ cho tôi nên đi ngả nào, bán củi được bao nhiêu tiền?”.
Tử Nha gieo quẻ xong, viết bốn câu như sau:
“Ði qua bên phía Nam
Gặp ông già cội liễu
Bán được một trăm hai chục đồng
Bốn bánh lót lòng, ba chén rượu…”
Lưu Càng cười lớn cãi lại: “Thầy bói quẻ này chắc là trật khấc rồi. Tôi đi bán củi đã mấy mươi năm, không ai cho uống rượu bao giờ”.
Tử Nha nói: “Anh cứ đi thử rồi sẽ biết”.
Lưu Càng nghe theo lời, gánh củi nhắm phía Nam đi thẳng.
Ði một lúc xa xa, bỗng gặp một ông già đang đứng dưới gốc cây dương liễu gọi lại, bảo: “Này chang trai trẻ, hãy đem củi đây ta mua”.
Lưu Càng khen thầm: “Quẻ linh thật”.
Ông già hỏi: “Gánh củi ông bán có giá bao nhiêu?”.
Lưu Càng cố ý thử quẻ, liền nói: “Nhất định một trăm đồng, không đòi lên xuống gì cả”.
Ông già nói: “Gánh củi nặng và khô, tốt lắm. Tôi không trả thiếu làm gì, hãy gánh thẳng vào nhà kho, tôi trả tiền cho”.
Lưu Càng mừng thầm, gánh củi vào nhà ông lão.
Lại nói về tính tình Lưu Càng tuy thô lỗ mạnh bạo nhưng rất ưa sạch sẽ, thích giúp đỡ kẻ yếu… Nên trước khi chất củi vào nhà kho thấy nền nhà đầy bụi bẩn, anh ta bèn tiện tay mà quét dọn rất tươm tất.
Ông lão bước vào thấy sạch sẽ, khen: “Hôm nay lũ trẻ ở nhà quét dọn vừa mắt lắm”.
Lưu Càng nói: “Thưa gia gia, ông lầm rồi, chính tôi mới quét dọn giùm cho ông đó”.
Ông già rất hài lòng, khen: “Bữa nay là ngày cưới vợ cho con trai tôi. Tôi mua được củi tốt lại gặp người tử tế như anh thật là hảo sự”.
Nói rồi ông lão vào nhà trong sai một tên gia đinh đem ra cho Lưu Càng một đĩa bánh và một be rượu nhỏ, nói: “Viên ngoại bảo ông ăn bánh lót lòng rồi sẽ về”.
Lưu Càng giật nảy mình, không khỏi khen thầm trong bụng: “Ông thầy bói họ Khương quả là thần thánh. Ðể ta rót rượu xem có y như vậy không?”.
Quả nhiên, ve rượu rót ra chỉ vừa vặn đủ ba chén thì cạn.
Lưu Càng ăn uống xong, buớc ra chào ông lão chủ nhà, rồi nói: “Lưu Càng tôi cảm ơn viên ngoại nhiều lắm lắm!”.
Ông lão liền trao cho Lưu Càng hai xâu tiền xu, một xâu lớn, một xâu nhỏ, và nói:
“Ðây là một trăm tiền củi. Còn đây là hai mươi đồng tiền thưởng riêng, vì hôm nay gặp ngày hỉ sự, tôi biếu anh, hãy cầm lấy mà uống rượu cho vui”.
Lưu Càng mừng rỡ, vội từ tạ ra về, vừa đi vừa nghĩ: “Nay đất Triều Ca có thần tiên ra mặt, chẳng biết thế gian có gì đổi mới chăng?”.
Nghĩ rồi hăm hở trở lại chợ, tìm gặp Khương Tử Nha.
Trong lúc đó, từ sáng sớm, nhiều người ở phố chợ thấy Lưu Càng vào la lối om sòm hăm dọa Tử Nha, sợ Tử Nha sẽ mang họa với con người cộc cằn ấy, bởi vậy khi Lưu Càng đi rồi, có nhiều người vào khuyên nhủ Tử Nha:
“Lưu Càng là kẻ mạnh bạo khét tiếng ở chợ Triều Ca này, ông không nên đánh cuộc với hắn. Hãy liệu bề, nếu quẻ ông coi không linh thì nên trốn trước cho xong, có câu: «Tránh voi chẳng xấu mặt nào»…”.
Tử Nha nói:
“Tôi làm thầy tướng số cũng có dựa trên hơn bốn mươi năm căn cơ tu luyện, đâu phải chuyện thất đức gạt người. Cảm ơn mọi người đã có lòng lo nghĩ cho tôi, nhưng cứ chờ xem thì biết…”.
Mọi người thấy Tử Nha già cả mà thương, nhưng ai nấy cũng đành nghĩ thầm: Đợi Lưu Càng trở về nếu có xảy ra bề nào sẽ can gián giùm ông lão.
Ðược một lúc thấy Lưu Càng từ đầu phố lăm xăm chạy về, táp thẳng vào cửa hàng Tử Nha.
Tử Nha hỏi: “Sao? Quẻ có linh không?”.
Lưu Càng nói lớn: “Tôi phục thầy là ông Thánh sống rồi! Quẻ đúng y ngay, không sai một chút nào. Thầy về ở chợ Triều Ca này thì thiên hạ rất may mắn, có cơ lánh dữ tìm lành…”.
Tử Nha nói: “Cũng là lẽ thường. Anh chớ quá khen…”.
Lưu Càng nói: “Tôi hứa thưởng ông hai chục đồng tiền, trong túi tôi có sẵn, tôi không gạt ông đâu. Nhưng chậm rãi, để tôi làm việc này đã…”.
Lưu Càng nói đoạn rồi ra đứng phục trước thềm, giây phút sau thấy một người mặc áo vải mang đai da, chạy như tên bắn qua, Lưu Càng liền đuổi theo níu lại.
Người ấy trợn mắt nói: “Anh kéo tôi làm gì?”.
Lưu Càng nói: “Phố này có ông thầy coi bói rất thần tình. Mời anh ghé vào xem một quẻ, nếu bỏ qua thì uổng lắm”.
Người kia trố mắt nhìn Lưu Càng lấy làm lạ, nói: “Tôi với anh vốn chẳng quen biết, có coi bói hay không cũng mặc tôi, tại sao anh bắt buộc tôi cho được?”.
Lưu Càng nói: “Ta chỉ cho anh một thầy bói giỏi, toán mệnh hay, đây là việc làm ơn, ta đâu phải ác ý với anh mà anh phàn nàn”.
Người kia lắc đầu: “Nhưng tôi không muốn xem”.
Lưu Càng giật mạnh vạt áo: “Tại sao lại không xem. Thầy bói này hay lắm”.
Người kia mở to đôi mắt nhìn Lưu Càng, thấy Lưu Càng to khỏe dữ dằn quá, trong lòng cũng sợ, nhưng ỷ mình là công sai của triều đình, bèn lên tiếng gắt:
“Tôi không xem thì anh làm gì tôi chứ?”.
Lưu Càng nghiến răng nói: “Nếu anh không coi bói, ta dìm anh xuống bể nước kia coi anh chịu được mấy hồi!”.
Vừa nói, Lưu Càng vừa lôi xềnh xệch người công sai ra phía bể nước.
Mọi người biết Lưu Càng tuy là gã tiều phu, nhưng tính tình cương trực, hễ nói là làm, nên xúm nhau khuyên người công sai…
Anh công sai cằn nhằn: “Tôi không có chuyện gì, coi bói làm sao được?”.
Lưu Càng nói: “Anh cứ coi đi. Hễ không đúng ta trả tiền cho, còn quẻ đúng anh phải mua rượu cho ta uống”.
Người công sai thấy Lưu Càng ngang ngạnh quá, cũng đành phải nghe theo, anh ta bèn nói với Tử Nha:
“Tôi là công sai của triều đình, vì vâng mệnh gấp nên đi ngang đây không có việc gì để xin quẻ, bởi vì bị vị huynh đệ này ép nên phải vào nhờ thầy một chút”.
Tử Nha hỏi: “Anh muốn nhờ việc chi?”.
Người công sai nói: “Tôi nhờ thầy bói một quẻ xem hôm nay tôi vâng mệnh trên đi thâu tiền được bao nhiêu?”.
Tử Nha gieo quẻ rồi lập tức viết ra liền bốn câu:
“Quẻ Cấn, thâu không vẹn
Tiền lương chúng còn hẹn
Nếu chẳng đợi chờ lâu
Một trăm lẻ ba nén”.
Người công sai hỏi: “Tiền quẻ bao nhiêu?”.
Lưu Càng chưa đợi Tử Nha kịp nói, đã xen vào: “Quẻ này linh lắm không phải giá thường. Cứ mỗi quẻ phải trả năm đồng bạc”.
Người công sai lườm mắt ngó Lưu Càng nói: “Anh không phải làm thầy sao lại ra giá?”.
Lưu Càng nói: “Anh đừng lo đắt. Nếu quẻ không đúng ta trả bạc lại cho”.
Người công sai sợ ở lâu thì trễ việc quan, liền móc túi lấy năm đồng bạc trao ra cho Khương Tử Nha rồi lật đật dời gót.
Lưu Càng cũng móc túi đưa cho Khương Tử Nha xâu tiền đủ hai mươi đồng rồi chắp tay cáo biệt. Tử Nha nói: “Đa tạ anh”.
Lưu Càng nhe răng cười: “Có gì đâu. Tôi nên cảm tạ thầy mới phải”.
Nói rồi quảy đòn gánh lên vai, bươn bả đi vào núi.
Dân chúng Triều Ca từ lúc thấy Lưu Càng níu kéo viên công sai bắt xem bói thì đã xúm nhau xem đông nghẹt. Chừng rõ được câu chuyện, ai nấy đều thấp thỏm đợi người công sai trở về xem quẻ bói của ông lão họ Khương có linh không.
Chẳng bao lâu, người công sai trở về, ghé vào hiệu Tử Nha khen nức nở: “Tuy chỉ tốn có năm đồng bạc, nhưng quẻ linh nghiệm vô cùng. Thầy quả thật là tiên nhân! Tôi thu được đúng một trăm lẻ ba nén bạc, phen này sẽ được quan trên thưởng lớn rồi”. Nói đoạn móc thêm một nén bạc tặng Tử Nha.
Từ ấy Tử Nha nổi tiếng khắp thành, dân chúng Triều Ca kéo đến xem bói rất đông, cứ mỗi lần xem giá năm đồng bạc.
Mã Thị thấy chồng làm được nhiều tiền, cũng trở nên biết điều và coi trọng Tử Nha hơn trước.
Cứ như vậy, ngày qua tháng lại, phòng xem bói của Khương Tử Nha đông nườm nượp cả ngày lẫn đêm, được nửa năm thì ngay cả các khách phương xa cũng lũ lượt tìm đến…
(Còn tiếp)
Đường Phong