“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.
Lại nói tiếp về Tử Nha, tuy đã cưới vợ, song lòng hoài vọng núi non xưa cũ, quen kiếp tu hành, nên việc ái ân không hề màng đến. Mã thị chẳng rõ tính chồng, ngỡ ông vô dụng, không phải khách đa tình…
Ngày kia, Mã thị hỏi chồng: “Lang quân định ở như thế này mãi sao?”.
Tử Nha hỏi: “Hiền thê nghĩ gì mà hỏi tôi như vậy?”.
Mã thị nói lảng: “Tôi thường nghe nói: Dầu anh em ruột mà ở chung nhau lâu ngày không lo sinh kế thì cũng mất lòng nhau, không thể hòa thuận nhau được. Lang quân đối với Tống huynh chỉ là tình bằng hữu, sao không lo tính chuyện làm ăn, cứ ăn nhờ ở đụt với Tống huynh mãi coi sao được”.
Tử Nha nói: “Hiền thê nói cũng phải. Song tôi từ nhỏ đến lớn chỉ lo việc tu hành, không biết nghề nghiệp gì cả. Nay phải mưu kế sinh nhai thì biết tính thế nào”.
Mã thị nói: “Phải tìm cách sinh nhai mới được. Trước kia phu quân không có gia đình, chưa vợ con thì việc ấy chưa cần. Nay đã thành gia thất, chuyện trăm năm đâu phải là nhỏ”.
Tử Nha suy nghĩ một lúc rồi nói: “Lúc nhỏ tôi có biết đan gàu giai, chẳng biết ngày nay có thể dùng sinh sống được không?”.
Mã thị nói: “Ðó cũng là một nghề sinh sống. Ðã là nghề nghiệp thì dầu lớn dầu nhỏ cũng có thể kiếm ra tiền. Vả lại sau vườn nhiều tre, phu quân có thể dùng tre này đan gàu giai đem xuống chợ bán, vợ chồng già ăn tiêu tằn tiện thì âu cũng đủ”.
Tử Nha nghe lời Mã thị đan một gánh gàu giai, gánh xuống chợ Triều Ca, ngồi từ sớm mai đến chiều vẫn không thấy ai hỏi đến. Tử Nha sợ trời tối, gánh gàu chạy riết về nhà.
Con đường xa hơn ba mươi lăm dặm, Tử Nha cả đi và về tính ngót bảy chục dặm, bụng đói như cào, chân mỏi rũ rượi, không có một đồng xu trong túi để vào quán uống nước.
Về đến nhà, sắc mặt Tử Nha đượm buồn. Mã thị thấy chồng gánh gàu về không thiếu cái nào, lòng không đẹp, hỏi: “Không bán được cái nào sao?”.
Tử Nha phân trần với vợ: “Từ sáng đến chiều tôi ngồi giữa chợ không ai hỏi đến…”.
Mã thị mắng chồng: “Gàu giai là vật dụng cần thiết của mọi người, tại sao không ai mua? Có cái việc buôn bán cũng không xong, đúng là vô dụng mà!”.
Tống Dị Nhân nghe được vội bước ra đỡ lời: “Thôi, hiền đệ không cần tính chuyện bán buôn nữa, dẫu có mười miệng ăn đi nữa tôi cũng nuôi hết. Hãy dẹp bỏ bất bình, vợ chồng thuận hòa nhau mới vui”.
Mã thị nói: “Vẫn biết lòng anh chị đối với vợ chồng chúng tôi tốt như vậy, song chúng tôi đã thành vợ chồng dĩ nhiên phải lập nghiệp, không thể sống nhờ vả mãi cho đến trọn đời”.
Dị Nhân nói: “Nếu muốn làm ăn thì thiếu gì chuyện, cần chi phải bán gàu giai? Trong vựa tôi có sẵn lúa mì, thím thử xay bột cho chú đem đi bán”.
Mã thị nghe lời xúc lúa đem ra xay bột, phơi thật khô. Tử Nha lại gánh xuống chợ Triều Ca bán.
Khương Tử Nha ngồi suốt ngày vẫn không có người nào hỏi đến, liền nghĩ thầm: “Hay là ta không miệng lưỡi, mời mọc khách hàng như những kẻ khác, nên họ chê?”.
Nghĩ như vậy. Tử Nha liền thấy ai đi qua cũng đôn đáo mời mua hàng.
Mặc cho ông đã mời đến khan giọng, gánh bột vẫn còn nguyên.
Tử Nha ngồi một hồi lâu thấy trời đã về chiều, vội cất gánh lên vai trở về kẻo tối, vừa bước đi một quãng không xa lắm, bỗng có người gọi lại mua:
“Ông già bán bột, hãy để tôi mua”.
Khương Tử Nha mừng quá, đoán chừng mình gặp may. Nào ngờ người ấy chỉ mua có một đồng tiền lẻ, thế mà cũng làm ông mất công gánh lên để xuống.
Mặc dù vậy Tử Nha cũng không phiền, vì có bán được còn hơn về không, ông lay hoay múc bột trong gánh gói lại trao cho khách hàng, bỗng đằng sau có tiếng vó ngựa chạy đến rầm rập. Tử Nha thất kinh quay lại thì thấy một con ngựa đã lao thẳng vào mình rồi, trên lưng còn có một vị quan sai, hình như đang đi việc gì khẩn cấp.
Tử Nha chỉ kịp ngã tránh qua một bên, thoát khỏi bị ngựa giẫm nhưng hai thúng bột thì bị con ngựa ấy vướng vào vó mang đi, đổ rải rác khắp đường.
Tiếc của, Tử Nha chạy theo, bột dính đầy cả quần áo mốc thếch.
Người mua bột thấy vậy bỏ đi, không mua nữa.
Tử Nha đành nhặt thúng gánh không, thơ thẩn trở về…
Mã thị thấy chổng quảy gánh không về, mặt hớn hở, ngỡ chồng bán đắt hàng, bước ra tận ngoài sân đón rước.
Tử Nha nói: “Tôi không thâu được đồng tiền nào cả. Suốt buổi không ai hỏi đến, lúc ra về bị ngựa máng đổ hết cả gióng gánh giữa đường. Từ chợ Triều Ca về đây đói quá đi không nổi”.
Mã thị ngồi bệt xuống sân, mặt nhăn lại tru chéo: “Thật tốt phước! Già đầu mà làm gì cũng chẳng nên trò, chỉ biết ăn thôi. Quả là lấy phải ông coi như đời tôi gặp nghiệp báo”.
Tử Nha bị vợ mắng, cũng đành nín lặng, chỉ thầm tự trách mình không quen việc bon chen miếng cơm manh áo…
Dị Nhân cùng vợ là Tôn thị, bước ra can: “Một gánh bột giá đáng là bao nhiêu, vợ chồng đối xử với nhau như vậy sao phải!”.
Tôn thị đỡ Mã thị dậy, còn Dị Nhân dắt Tử Nha vào thư phòng nói nhỏ: “Hiền đệ chớ nên buồn giận. Nghĩa vợ chồng ấm lạnh có nhau…”.
Tử Nha nói: “Thân trai vô dụng, chừng này tuổi mà không làm nên việc nhỏ mọn như vậy, để vợ mắng tôi thấy hổ thẹn quá”.
Dị Nhân nói: “Hoa nở có mùa, người nên có vận. Lúc chưa gặp vận thì dù có tài giỏi đến đâu cũng chẳng làm gì nên. Hiền đệ hiện giờ tuy nghèo khó, nhưng lúc gặp thời cũng vinh hoa phú quý như ai. Hiền đệ đừng nản lòng. Tôi có nhiều phương tiện giúp đỡ hiền đệ được”.
Tử Nha nói: “Ðược anh đùm bọc, ơn ấy không biết lúc nào mới trả nổi”.
Dị Nhân nói: “Vợ chồng hiền đệ dẫu ở không suốt đời cũng chẳng hại gì. Nhà tôi đủ nuôi tất cả. Song để làm vui lòng hiền đệ, tôi sẽ giúp hiền đệ việc này, chắc chắn không sợ thất bại”.
Tử Nha lấy làm mừng hỏi: “Chẳng hay đó là việc gì, xin hiền huynh chỉ rõ”.
Dị Nhân ân cần nói: “Hiền đệ tu luyện trên núi đã hơn bốn mươi lăm, pháp thuật cao minh đến đâu thì tôi chưa thể đoán định, nhưng việc trên thông thiên văn, dưới tường địa lý thì tôi nghĩ đó là cái tài của đệ. Hay là đệ thử mở phòng coi bói ở ngoài phố cho khuây khỏa thời gian, cũng là việc giúp người…”.
Tôn thị cũng phụ họa với chồng: “Tống Gia ta nhà mặt phố khá nhiều, cũng nên nhường cho hiền thúc một căn”.
Dị Nhân nói: “Muốn việc ấy thì chẳng khó gì. Nhà tôi có bảy, tám mươi căn hộ cho thuê tại chợ Triều Ca. Tôi tặng cho hiền đệ một căn muốn dùng làm việc gì cũng được”.
Dứt lời sai gia đinh đến chợ Triều ca dọn dẹp một căn nhà mặt phố chỗ đông người nhất, giao cho Tử Nha sử dụng.
Vợ chồng Khương Tử Nha mừng rỡ, chọn ngày tốt mở phòng coi bói. Ngày đêm ở luôn nơi phố chợ.
Từ hôm ấy, người qua đường đều thấy một phòng coi bói bày biện rất lịch sự. Trước cửa có treo hai đôi liễn lớn màu đỏ chót; một đôi đề rằng:
“Ðã thông cao thấp trăm điều thật
Chẳng nói tầm thường nửa tiếng sai”
…
Ðôi liễn tiếp theo ở kế bên lại viết:
“Miệng nói như ghi: biết khắp nhân gian lành dữ
Mắt xem tựa kính: soi cùng thiên hạ thịnh suy”
…
Tại nơi bàn ngồi của Khương Tử Nha lại có thêm một đôi liễn nữa đề rằng:
“Tay áo đựng càn khôn
Cái bầu thâu nhật nguyệt”
…
Tuy vậy ngót ba tháng trời, không một người khách nào vào hàng xem quẻ cả.
Khương Tử Nha ngồi buồn, ngày nào cũng ngáp dài ngủ gật.
Mã thị lại cằn nhằn: “Bởi ông xem bói không hay nên người ta không đến!”.
Tử nha từ tốn phân trần: “Chưa có một người nào vào xem thì làm sao biết thầy bói hay, dở thế nào. Chẳng qua thời vận tôi chưa đến, mong bà cứ kiên nhẫn cho…”.
Mã thị lườm chồng: “Mấy người bất tài đều đổ thừa thời vận. Tôi chẳng biết ông đến bao nhiêu tuổi nữa mới tới thời. Trên đầu tóc đã bạc phơ mà chẳng làm gì nên trò trống cả”.
Tử Nha lại tủi thân mà đành nín nhịn vợ, không biết phải nói làm sao…
(Còn tiếp)
Đường Phong