Có lẽ nếu được hỏi “Nước hoa bắt nguồn từ đâu?”, không ít người trong chúng ta sẽ trả lời rằng là từ châu Âu, từ nước Pháp, bởi lẽ nơi đây là kinh đô của những thương hiệu nước hoa danh tiếng như Chanel, Dior, Lancôme, Versace, v.v… Tuy nhiên, sự thật sẽ khiến bạn không khỏi ngỡ ngàng.
Khi nghiên cứu dấu vết chữ tượng hình trong những ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ học nhận thấy người Ai Cập và người Lưỡng Hà cổ đại đã sử dụng nước hoa cách đây đến 3.000 năm. Năm 1897, khi các nhà khảo cổ học quật một quan tài cổ của Pharaoh Ai Cập, họ cảm nhận một mùi ngọt ngào dễ chịu bay ra.
Một khởi nguồn thần thánh
Nước hoa tiếng Anh là perfume, tiếng Pháp là parfum, được bắt nguồn từ tiếng La-tinh “Per fumus” có nghĩa là “truyền tải thông qua sương, khói”.
Nước hoa khởi nguồn từ tín ngưỡng tôn thờ các vị thần của người Ai Cập. Họ sử dụng các loại gỗ thơm, thảo mộc có mùi hương hoặc rễ cây cỏ để làm hương liệu cho các nghi lễ tế thần. Trong đó phải kể đến loại hương vô cùng nổi tiếng có tên Kyphi được chiết xuất từ nhựa thơm, cây bách xù trứng cá, hồ trăn và một số nguyên liệu khác.
Người Ai Cập cổ đại cho rằng hương thơm sẽ giúp kết nối loài người và thần minh, giúp con người nhận được sự che chở và bảo hộ của các vị thần.
Kinh Thánh có ghi chép về việc Thánh Moses (Môi-se) nói về nghệ thuật làm nước hoa ở Ai Cập và đưa ra công thức, thành phần của hai loại nước hoa: một giống như dầu thơm để xức (“anointing oil”), một nữa là một loại hương (“incense”). Trong đó có đoạn:
“Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy góp các hương liệu tốt nhất: một dược nước năm trăm siếc-lơ; hương nhục quế phân nửa số đó, tức là hai trăm rưỡi; hương xương bồ hai trăm rưỡi; quế bì năm trăm, đều theo siếc-lơ nơi thánh, và một hin dầu ô-liu. Ngươi hãy lấy các hương liệu đó theo phép hòa hương, chế ra một thứ dầu thơm dùng làm dầu xức thánh. Đoạn, lấy xức cho hội mạc cùng hòm bảng chứng, bàn thờ cùng các đồ phụ tùng, chân đèn cùng các đồ phụ tùng, bàn thờ xông hương, bàn thờ của lễ thiêu cùng các đồ phụ tùng, cái thùng và chân thùng. Ấy vậy, ngươi sẽ biệt các vật nầy riêng ra thánh, hầu cho làm rất thánh, hễ món chi đụng đến, đều sẽ được nên thánh”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30: 22-29).
“Chớ nên đổ trên xác thịt loài người, và cũng đừng làm dầu nào khác theo phép hòa hương đó; dầu nầy là thánh, cũng sẽ thánh cho các ngươi. Hễ ai chế một thứ hòa hương giống như vậy, và đem rưới trên mình người ngoại bang, sẽ bị truất khỏi vòng dân sự”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30: 32-33).
“Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se nữa rằng: Hãy lấy các hương liệu, tức tô hiệp hương, loa yểm hương, phong chi hương, cùng thanh nhũ hương, mỗi thứ bằng nhau, theo phép hòa hương, chế ra một thứ hương, mặn, trong và thánh. Hãy nghiền nó ra bột, rồi để trước hòm bảng chứng trong hội mạc, tức là nơi ta sẽ gặp ngươi: về phần các ngươi, hương nầy sẽ là một vật rất thánh. Còn thứ hương mà ngươi sẽ chế, chớ chế giống như phép hòa hương nầy; ấy là một vật ngươi nên biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va. Hễ kẻ nào làm giống y như vậy đặng ngửi mùi, sẽ bị truất khỏi vòng dân sự. (Xuất Ê-díp-tô Ký 30: 34-38).
Quá trình “trần tục hoá” của nước hoa
Người Hi Lạp cổ đại được cho là những người đầu tiên chế tạo nước hoa dùng cho người. Bằng cách kết hợp những loại thực vật có mùi hương dễ chịu cùng với nhựa thông và dầu, người Hi Lạp tạo ra phương pháp xoa bóp bằng dầu thơm và sau đó là một sản phẩm sử dụng hằng ngày như hôm nay.
Trong giai đoạn “đêm trường trung cổ” ở châu Âu, nước hoa tiếp tục có những bước phát triển, đặc biệt nhất người ta đã biết đựng nước hoa trong những lọ thủy tinh cầu kỳ và tinh xảo. Hương liệu sử dụng cũng đa dạng hơn gồm có hổ phách, xạ hương và các loại hoa như hoa nhài, hoa hồng và thảo mộc.
Thời phong kiến, nước hoa luôn là minh chứng cho sự giàu sang và quyền lực. Vào thế kỷ 17, nơi làm việc của vua người Pháp Louis XIV là “la cour parfumée” khi nhà vua yêu cầu mỗi ngày người hầu phải thay đổi một mùi hương khác nhau cho căn phòng.
Sau này, cũng chính nước Pháp là quốc gia đi đầu trong việc sản xuất nước hoa bằng máy móc và theo dây chuyền trong thời kỳ cách mạng công nghiệp.
Tìm lại huy hoàng
Ngày nay, ngành công nghiệp nước hoa liên tục phát triển với xu thế chú trọng vào việc khơi nguồn cảm xúc từ các giác quan. Các nhà sản xuất nước hoa tìm mọi cách để chiết xuất được hương thơm một cách tinh tế, kích thích hệ thống thần kinh của con người.
Nếu như nước hoa kích thích khứu giác của con người thì âm nhạc tác động tới thính giác. Cũng như nước hoa, âm nhạc có nguồn gốc xa xưa, bắt nguồn từ lòng tôn kính Thiên Địa. Trong lễ nghĩa, nhạc trở thành cây cầu, dải lụa câu thông giữa người với trời đất thần minh. Và điều đó đã trở thành một dạng quy phạm nhã nhạc trong Trung Quốc cổ đại. Dịch Thư viết: “Tiên Vương lấy nhạc mà trọng đức, dâng lên Thượng Đế, tổ tiên”.
Ngày nay, một số loại nước hoa mùi hương quyến rũ, đưa ra hình ảnh quảng cáo gợi cảm, kích thích ham muốn nhục dục của con người. Nó đã cách rất xa so với thứ hương dầu thơm tôn nghiêm thần thánh mà đức Giê-hô-va truyền cho loài người thuở xưa. Tương tự, một số ca khúc hiện đại với ca từ thấp kém, âm thanh chìm đắm trống rỗng, lúc biểu diễn thì hàng ngũ tạp loạn, khơi gợi dục vọng, đã hoàn toàn mất đi cái cốt cách thanh tao thoát tục của nhã nhạc xưa. Mà giáo lý nhà Phật cho rằng, khơi gợi ý dâm tà trong tâm người khác cũng là phạm giới tà dâm, sẽ phải chịu quả báo đoạ địa ngục.
Theo tín ngưỡng truyền thống, mỗi một phát minh, phát hiện quan trọng trong lịch sử nhân loại đều do Thần truyền cho con người. Nước hoa cũng vậy, âm nhạc cũng vậy, cho tới thư pháp, vũ đạo, v.v… đều có thể là phương tiện đưa con người tới cái thuần Chân, thuần Thiện, thuần Mỹ. Khi con người duy trì chuẩn mực đạo đức cao, dùng tâm thanh tịnh, thành kính để chế tạo, sáng tác, thì các sản phẩm nghệ thuật ấy sẽ hài hoà với trời đất, có tác dụng thanh lọc tâm hồn, đưa người trở về với Đạo.
Thanh Ngọc