Nói chuyện như thế nào cũng là một môn nghệ thuật, không những thế còn là một kỹ năng hữu hiệu để có được thành công trong cuộc đời nếu biết tận dụng tốt. 

Quỷ Cốc Tử từng nói: “Nói chuyện với người trí tuệ, phải dựa vào chữ uyên bác. Nói chuyện với người uyên bác phải dựa vào chữ biện luận. Nói chuyện với người biện luận, cần phải dựa vào chữ trọng yếu. Nói chuyện với người cao quý cần dựa vào chữ thế. Nói chuyện với người phú quý phải dựa vào chữ cao thượng. Nói chuyện với người bần hàn phải dựa vào chữ lợi. Nói chuyện với người hèn hạ phải dựa vào chữ khiêm nhường. Nói chuyện với người dũng phải dựa vào chữ cảm”.

Quỷ Cốc Tử đã từng nói về nghệ thuật nói chuyện với những loại người khác nhau, lĩnh hội điều đó mang đến cho chúng ta rất nhiều điều thú vị.

Nói chuyện với người trí tuệ, phải dựa vào “uyên bác”

Người có hiểu biết uyên bác thâm sâu chưa chắc đã là người có trí tuệ, nhưng người có trí tuệ nhất định sẽ có hiểu biết uyên bác thâm sâu. Họ có thể dùng một lời mà chỉ rõ đúng sai, cho bạn lời khuyên xác đáng mà không cần phải dựa vào việc từng trải qua hoàn cảnh giống như bạn mà đồng cảm.

Giống như một hòa thượng già đắc đạo, ông sống trong núi sâu, thanh tâm quả dục, không màng thế sự, không tranh đấu với thế giới ngoài kia. Đối với thế giới bên ngoài ngọn núi, ông dường như không hiểu biết nhiều. Nhưng khi trò chuyện với ông, bạn lại có thể đem những thứ mình nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận được và kể cả là những điều bạn suy nghĩ được mà chia sẻ với họ, mà nhận được lời khuyên thấu đáo từ họ. 

Cũng giống như việc chơi cờ, người trong cuộc thì u mê, người ngoài cuộc thì tỉnh táo. Trong thế giới của bạn, có rất nhiều những sự bối rối, lo lắng và muộn phiền mà bạn không tìm thấy lối thoát, nhưng có lẽ người có trí tuệ chỉ cần một câu nói cũng đủ để chỉ ra những sai lầm của bạn, mang lại cho bạn một tia sáng trong đường hầm tăm tối, dài vô tận của những bế tắc trong cuộc sống.

Ảnh minh họa: Bldaily.

Nói chuyện với người uyên bác phải dựa vào “biện luận”

Nói chuyện với những người có kiến thức sâu rộng, đừng cố so sánh ai là người hiểu biết nhiều hơn, như thế cuộc trò chuyện chỉ có thể là thất bại.

Lão Tử nói: “Thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc”, nghĩa là ít thì đạt được còn nhiều thì sẽ mê. Người sống trên đời lấy đơn giản là đầu, đừng quá phức tạp thì mới không bị mê hoặc. Đôi khi, đọc quá nhiều thứ, học quá nhiều thứ dễ tạo ra sự nhầm lẫn và hỗn loạn. Mỗi người có một cách nói chuyện khác nhau, mỗi người có một quan điểm khác nhau, trí tuệ không đủ, tu hành không đủ, thì không dễ mà đi cùng một con đường với nhau.

Nhưng chính trong sự rối rắm, phức tạp ấy càng phải nên sắp xếp lại trật tự, hàng vạn đạo lý cũng chỉ nên quy nạp lại một. Trong khi biện luận và phân tích có thể giúp đỡ người khác tổng kết, tóm tắt lại thành một đạo lý duy nhất, đó chính là việc Thiện lớn lao chứ chẳng phải bình thường. Bởi bạn đã bỏ được cái tôi mà Thiện ý giúp người, giúp mọi người cùng có thu hoạch, giúp sự việc được giải quyết.

Nói chuyện với người biện bạch, cần phải dựa vào “trọng yếu”

Nói chuyện với người giỏi tranh luận, nhất định phải nắm bắt được nội dung quan trọng nhất, nếu không dù có nói đến vạn lời, cuộc tranh luận cũng không có hồi kết.

Trang Tử và Huệ Thi cùng nhau đi qua một cây cầu nhỏ, Trang Tử nói: “Cá sống trong hồ nước thong thả an nhàn, vui vẻ biết bao”. Huệ Tử nghe thấy thế liền nói: “Ông không phải là cá, sao ông biết cá sống trong hồ rất vui vẻ?”. Trang Tử lại trả lời: “Ông không phải là tôi làm sao biết được tôi không biết cá sống trong hồ vui vẻ”. Trang Tử lại nói: “Chúng ta hãy quay về quan điểm ban đầu, ông hỏi tôi làm sao biết cá sống trong hồ nước vui vẻ, điều này có nghĩa là ông đã biết tôi biết cá sống trong hồ nước vui vẻ, vì vậy mới hỏi tôi làm sao biết. Bây giờ tôi nói cho ông biết, tôi là đứng trên cầu nhìn xuống mới biết được điều này”. 

Trang Tử nắm bắt suy luận sai lầm của Huệ Thi mà đưa ra phản biện. Huệ Thi hỏi: “Ông không phải là cá, sao biết cá sống trong hồ vui vẻ?” là dùng cụm từ để hỏi: “Sao biết?”. Trang Tử liền trả lời, đứng trên cây cầu thì biết cá sống vui vẻ. Con người và vạn vật có thể thông linh với nhau, sự thông linh này là cảm giác của con người, người khác làm sao có thể nói gì được nữa đây? Vì thế sau khi nghe câu trả lời của Trang Tử, Huệ Thi không còn lời nào để nói. 

Tranh vẽ Trang Tử và Huệ Thi bàn về cá (ảnh: Aboluowang).

Nói chuyện với người cao quý cần dựa vào “tình thế”

Lý do tại sao những người tôn quý lại có thể phát đạt là bởi tất cả nhờ vào một chữ thế (thế lực, uy thế, thanh thế, tình thế…) nhưng thế có đến có đi, khi thế đến không biết nắm bắt, thế đi rồi lại cảm thấy tiếc nuối.

Đại phu Phạm Lãi, người nước Việt (cuối thời Xuân Thu), cùng với Văn Chủng, giúp Việt Vương tiêu diệt nước Ngô. Nhưng hiểu được đạo lý “thỏ chết thì chó săn bị phanh thây”, Phạm Lãi cảm thấy không thể ở lại triều đình được nữa. Vì thế ông thuyết phục Văn Chủng từ bỏ vinh hoa phú quý, cùng ông chèo thuyền du ngoạn trên giang hồ. Nhưng Văn Chủng không nghe theo lời khuyên của Phạm Lãi. Không còn cách nào khác, Phạm Lãi chỉ đành ngao du tứ hải một mình, sống cuộc đời nhàn nhã cho đến cuối đời, còn Văn Chủng cuối cùng bị giết chết. 

Có thể nắm chắc quyền thế và tài năng mới có thể ngồi lên vị trí ngày càng cao, có đủ sức để thuận theo tình thế mới có thể giữ nguyên địa vị của mình, khi thế thay đổi, chỉ có thể chờ đợi sự thất bại. Nói chuyện với những người cao quý cần lấy việc nắm bắt được tình thế làm trọng điểm.

Nói chuyện với người phú quý phải dựa vào “cao thượng” 

Người có tiền sợ nhất là là con cháu chẳng ra gì, chỉ sợ cố gắng làm việc đến kiệt sức cuối cùng để lại cho người khác hưởng. Nói về lợi ích, họ chẳng mấy quan tâm vì họ vốn có thừa, vậy phải nói về những điều cao thượng hơn, về việc có thể giúp đỡ người khác, tu thân, tích đức thì mới thật sự để lại phúc đức cho con cháu. Tiền bạc dù nhiều đến mấy, tất cả chỉ là hư không, chỉ cần làm người tốt, làm nhiều việc tốt, tất cả sẽ có ông Trời an bài. 

Nói chuyện với người bần hàn phải dựa vào “lợi ích” 

Vợ chồng bần hàn và nghèo đói thì có cả trăm nỗi buồn, cuộc sống của họ cực kỳ thiếu thốn, phải lo lắng về nhiều thứ, vì cuộc sống mà u sầu. Đối với những người này, gánh nặng cuộc sống đã đủ rồi, bạn còn nói chuyện đạo lý với họ thì họ chắc chắn sẽ không nghe. Bởi vì những đạo lý này đối với họ khi ấy cũng chẳng có ích gì. Họ chỉ lắng nghe khi bạn nói với họ làm sao để thoát khỏi cảnh bần hàn này, có con đường nào, lối thoát nào cho họ không. Mạnh Tử nói: “Hữu hằng sản giả hữu hằng tâm, vô hằng sản giả vô hằng tâm” (nghĩa là: có kế lâu bền thì sẽ bền lòng, không có kế lâu bền thì sẽ không bền lòng). Với người bần hàn, khi nói chuyện trừ khi lời nói của bạn có ích cho họ, nếu không dù bạn có nói gì cũng vô ích.

Tranh vẽ Mạnh Tử (ảnh: The Wigwam).

Nói chuyện với người hèn dựa vào “khiêm nhường”

Lão Tử nói: “Lý do biển cả có thể trở thành vua của trăm sông là bởi vì lòng lương thiện của nó, có thể vì trăm sông mà dốc lòng dung nạp. Là thánh nhân, mong muốn của mình đều là mong muốn cho dân, tất phải coi trọng lời nói, luôn đặt dân lên trước, bản thân mình ở phía sau. Là thánh nhân, làm chuyện gì cũng phải xem dân làm trọng, xử lý mọi việc mà không hại đến dân. Vì thiên hạ mà không ngại mệt mỏi”.

Tại sao đại dương có thể trở thành nhà của trăm sông hướng về? Bởi vì nó là hạ lưu của dòng sông, dung nạp mọi thứ. Người thánh hiền có đạo, nhận được sự yêu mến của người khác, bởi vì lời lẽ của họ khiêm tốn, để lợi cho người khác. Vì vậy, người thánh hiền vì bách tính mà không thấy nặng nhọc, vì bách tính mà không thấy ghét bỏ, đây là công đức của sự khiêm nhường. 

Đối với những người giàu có hay địa vị cao hơn người khác, khi người ta chẳng có gì có thể so sánh với họ, thì người ta sẽ sinh ra cảm giác ghét bỏ, xa cách và gắng lánh xa họ. Có đôi lúc điều này có lợi, có đôi lúc điều này lại có hại. Như khi họ tỏ ra cao quý, sau đó bị ghét bỏ và xa lánh, thậm chí là bị hãm hại, thì điều này chẳng phải rất có hại sao? Có thể khiêm nhường và lễ phép ngược lại là chỉ có lợi mà không có hại.

Nói chuyện với những người dũng, dựa vào “can đảm”

Nói chuyện với những người dũng cảm thì không nên biểu hiện sự mềm yếu nhưng cũng tuyệt đối không được thể hiện sự hung dữ, tranh đấu. Bởi vì chỉ có những người chưa trưởng thành mới sử dụng sự tranh đấu một cách hung hăng, không có đạo lý. Can đảm chính là sự phản ánh hành vi phù hợp với đạo lý. Nếu hành động không hợp đạo lý thì cũng chỉ là hữu dũng vô mưu, phàm phu tục tử, làm nên những chuyện kém hiểu biết như khi đi ra chiến trường mà lại cầm theo dao gọt hoa quả vậy.  

Trí tuệ, uyên bác, biện bạch, quý, phú, bần, hèn, dũng… có lẽ đây là tám loại người cơ bản trong xã hội. Mỗi loại người lại cần bạn phải có một cách nói chuyện khác nhau. Hãy là người có trí tuệ, nhân từ và dũng cảm để có thể đối đãi với tất cả những loại người khác nhau với tâm thái tự tin và hòa ái. 

Ngọc Linh
Theo Aboluowang

Video: Một câu nói ác ý có thể làm hao tổn phúc báo cả đời người

videoinfo__video3.dkn.tv||ab2e68952__