Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Thương Ưởng dùng mưu mô lừa dối để lấy được Tây Hà, làm cho biên cương nước Tần mở rộng về phía đông, đến tận bờ Hoàng Hà. Năm 340 TCN ông có thể làm được như vậy là bởi vì nước Ngụy khi đó vừa thất bại, Thái tử bị bắt làm tù binh, và nguyên nhân quan trọng nữa là một vị tướng tài năng biết đánh trận bên đó tử trận. Vị tướng đó chính là… Bàng Quyên.

Khái quát câu chuyện “Tôn Bàng đấu trí”

Ở phần này chúng ta sẽ cùng nhau đề cập đến câu chuyện “Tôn Bàng đấu trí”, nó được ghi lại trong “Sử ký – Tôn Tử Ngô Khởi liệt truyện”, nhưng trong đó viết rất vắn tắt giản lược, chỉ có bốn câu. Còn trong “Tư trị thông giám” thì còn giản lược hơn nữa, chỉ có hai câu.

Ý tứ đại khái là như thế này, Tôn Tẫn và Bàng Quyên cùng học binh pháp, sau này Bàng Quyên đến nước Ngụy làm tướng quân. Bàng Quyên tự cảm thấy tài năng của mình không bằng Tôn Tẫn, bèn lén lút mời Tôn Tẫn đến nước Ngụy. Sau đó Bàng Quyên sai người chặt hai xương đầu gối của Tôn Tẫn, lại cho người thích chữ lên mặt để Tôn Tẫn sau không thể làm tướng quân ở bất cứ nước nào. Sau đó khi nước Tề phái sứ thần đến nước Ngụy, Tôn Tẫn lặng lẽ gặp sứ thần nước Tề rồi kể lại câu chuyện. Qua cách nói chuyện, sứ thần biết ông là bậc kỳ tài, rất có thực lực, thế là sứ thần đem Tôn Tẫn về nước Tề.

Đến nước Tề, Tôn Tẫn được Tề Uy vương bái làm thầy. Hai lần Tôn Tẫn dùng binh với nước Ngụy, một lần vì cứu nước Triệu, còn lần kia vì cứu nước Hàn. Lần thứ nhất dụng binh, Tôn Tẫn đả bại được Bàng Quyên. Lần thứ hai dùng binh, Tôn Tẫn giết được Bàng Quyên.

4 vấn đề tổng kết trong câu chuyện “Tôn Bàng đấu trí”

Trong “Sử ký” ghi chép rất đơn giản về chuyện này, nhưng nếu chúng ta nghiên cứu kĩ sẽ phát hiện trong đó có một số điều đáng lưu tâm. Giáo sư Chương Thiên Lượng đã tổng kết được bốn vấn đề sau.

Vấn đề thứ nhất, thầy của Tôn Tẫn và Bàng Quyên là ai? Trong “Sử ký” không có ghi chép việc này nhưng trong “Đông Chu liệt quốc chí” nói rằng thầy của họ là Quỷ Cốc Tử.

Vấn đề thứ hai, Tôn Tẫn và Bàng Quyên cùng học binh pháp, tại sao Bàng Quyên lại không bằng Tôn Tẫn? Phải chăng là Bàng Quyên vụng về dốt nát? Nếu chúng ta xem kỹ cách Bàng Quyên dùng binh, sẽ phát hiện Bàng Quyên “hầu như” trăm trận trăm thắng khi tác chiến. Ông chỉ thua hai trận quan trọng, đều dưới tay Tôn Tẫn. Lần thứ nhất là khi Bàng Quyên đánh nước Triệu, lần thứ hai là khi ông đánh nước Hàn.

Vấn đề tiếp theo là khi Bàng Quyên đem quân đánh nước Triệu, đã hạ được đô thành nước Triệu là Hàm Đan. Lần thứ hai khi đánh nước Hàn, hầu như đã diệt toàn bộ nước Hàn. Hơn nữa, sau khi “ba nhà phân Tấn”, thì Hàn – Triệu – Ngụy được xếp vào Chiến Quốc thất hùng. Hàn và Triệu đều là những nước có quốc lực cường đại, binh sĩ thiện chiến. Do đó chúng ta thấy khả năng đánh trận của Bàng Quyên không phải dạng thường, ông chỉ bại hai lần dưới tay Tôn Tẫn mà thôi. Thế thì Bàng Quyên không phải là kẻ vụng về dốt nát như đã nói ở trên. Vậy tại sao Bàng Quyên không đả bại được Tôn Tẫn? 

Chúng ta sẽ lấy những ghi chép trong “Đông Chu liệt quốc chí” để cùng nhau nghiên cứu, bởi vì giáo sư Chương Thiên Lượng cảm thấy cách giải thích trong đó rất hợp lý. 

Tác giả “Đông Chu liệt quốc chí” là Phùng Mộng Long triều đại nhà Minh. Lúc nhỏ Phùng Mộng Long rất thích đọc sử. Theo ghi chép lịch sử, ông đã đọc kĩ càng Nhị thập nhất sử (21 bộ sử của Trung Quốc).

Nhị thập nhất sử là gì? Những năm Càn Long triều đại nhà Thanh, đã từng tu sửa “Tứ khố toàn thư”. “Tứ khố toàn thư” bao gồm bốn bộ Kinh, Sử, Tử và Tập. “Kinh” (經) là kinh sách của Nho gia. “Sử” (史) là Nhị thập tứ sử (24 bộ sử). “Tử” (子) là học thuyết các gia, kinh Phật… thời tiên Tần. “Tập” (集) là tiểu thuyết, hý kịch, tản văn (văn xuôi), thơ từ…

“Sử” có tổng cộng 24 bộ chính sử, chính sử là những tư liệu có tính tin cậy cao. 24 bộ sử nếu bỏ đi “Cựu Đường thư”, “Cựu Ngũ đại sử” và “Minh sử” thì còn lại 21 bộ. Vì Phùng Mộng Long là người thuộc cuối triều Minh cho nên thời đó còn chưa có “Minh sử”. Vậy thì bỏ đi “Cựu Đường thư” và “Cựu Ngũ đại sử”, thì số sách sử mà Phùng Mộng Long đọc là rất nhiều.

“Tam quốc diễn nghĩa” thì có người cho rằng “ba phần thực tế, bảy phần hư ảo”, nhưng “Đông Chu liệt quốc chí” thì khác. Phùng Mộng Long dựa vào bốn quyển chính sử là “Sử ký”, “Tả truyện”, “Quốc ngữ” và “Chiến Quốc sách” để viết, cho nên những sự kiện trong tác phẩm này có độ chính xác cao.

Sau này trong những năm Càn Long nhà Thanh, có một vị tên Thái Nguyên Phóng đã từng nói có thể lấy “Đông Chu liệt quốc chí” làm chính sử để đọc, chính là nói về tính khả tín của cuốn sách này. 

Quay trở lại câu chuyện “Tôn Bàng đấu trí”, trong “Đông Chu liệt quốc chí” viết rằng, khi Bàng Quyên đến nước Ngụy làm tướng quân, Tôn Tẫn… không lập tức xuống núi. Trên thực tế khi Quỷ Cốc Tử truyền binh pháp thì không truyền hết những điều biết về binh pháp cho hai học trò. Sau khi Bàng Quyên xuống núi, Quỷ Cốc Tử mới lấy những điều bí mật nhất, cũng chính là “Tôn Tử binh pháp” (cộng với sự ghi chú đầy đủ của ông) truyền cho Tôn Tẫn. Đây là một trong những nguyên do khiến Bàng Quyên không đả bại được Tôn Tẫn. Bàng Quyên chỉ học được một phần trong bộ binh pháp mà Quỷ Cốc Tử truyền mà thôi. 

Khi đó Tôn Tẫn mới hỏi thầy: “Vì sao binh pháp chỉ truyền hết cho con mà không truyền cho Bàng Quyên?”. Quỷ Cốc Tử đáp rằng: “Người đắc được bộ binh pháp này có thể tung hoành khắp thiên hạ và không có đối thủ. Nếu một người tốt đắc được binh pháp này thì có thể tạo phúc cho thiên hạ. Còn như nếu một người xấu mà đắc được thì đó quả là tai họa. Mà Bàng Quyên lại không phải là người tốt, cho nên ta không thể đem hết binh pháp truyền cho hắn”.

Điều này lại dẫn đến vấn đề tiếp theo là, nếu Quỷ Cốc Tử biết Bàng Quyên không phải là người tốt, vậy thì tại sao ông lại truyền một bộ phận trong binh pháp cho anh Bàng Quyên, lại còn để Bàng Quyên ở bên ngoài tung hoành trong mười mấy năm? Vấn đề này chúng ta sẽ đề cập trong tập tiếp theo.

Vấn đề thứ tư là tên ban đầu của Tôn Tẫn là gì? Tên ban đầu của ông vốn không phải là Tôn Tẫn. Bởi vì “Tẫn” (臏) là hình phạt chặt xương đầu gối. Một người khi chọn tên không thể lấy một hình phạt để làm tên được. Điều này chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ trong tập sau. 

Trong lịch sử có hai trường hợp là lấy hình phạt để đặt họ và đặt tên (1). Thời Chiến Quốc có Thuần Vu Khôn (淳於髡). Khôn (髡) là hình phạt cắt tóc. Thuần Vu Khôn là lấy hình phạt đặt làm tên. Còn có một thủ hạ của Lưu Bang là Kình Bố (黥佈), tên ban đầu của ông là Anh Bố chứ không phải Kình Bố. Kình (黥) là hình phạt thích chữ bôi mực vào mặt. Một thầy tướng số nói với ông là sau khi nhận hình phạt thích chữ này có thể xưng vương, thế là Bố Anh thay đổi tên mình thành Kình Anh. Đây là dùng hình phạt để làm họ.

4 học vấn đặc sắc của Quỷ Cốc Tử

Trong “Sử ký” chỉ nói về tên của Quỷ Cốc Tử chứ không kể những sự tích về ông. Tên thật của ông không phải là Quỷ Cốc Tử, Quỷ Cốc chỉ là nơi ông ở. Tên thật của ông là Vương Hủ, là một người tu luyện Đạo gia. Tác phẩm “Quỷ Cốc Tử” của ông có ghi chép trong “Đạo tạng” (2)

Quỷ Cốc Tử có bốn môn với học vấn rất đặc sắc. Thứ nhất là thuật xem bói. Chúng ta biết rằng những người biết xem bói thường nói những gì mình biết là học từ Quỷ Cốc Tử. Thứ hai là binh pháp, về phương diện này ông có hai đồ đệ rất nổi tiếng là Tôn Tẫn và Bàng Quyên. Thứ ba là về du thuyết tức là có tài ăn nói, ông dạy cách làm thế nào để biện luận, làm thế nào để thuyết phục người khác. Về phương diện biện luận – du thuyết, ông cũng có hai học trò rất nổi tiếng là Tô Tần và Trương Nghi. Hai người học trò này của ông là đại biểu cho Tung hoành gia. Thứ tư là tu chân dưỡng tính, đây chính là một vài phương pháp và thủ thuật của Đạo gia.

Thời đó ông ở Quỷ Cốc, nay là phụ cận thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Nơi đó có một ngọn núi, ông dạy đồ đệ trong núi. Tôn Tẫn và Bàng Quyên đến học binh pháp, còn Tô Tần và Trương Nghi học biện luận. Tôn Tẫn và Bàng Quyên cùng nhau học ba năm, hai người họ là đồng môn. Tôn Tẫn là sư huynh, còn Bàng Quyên là sư đệ.

***

Tôn Tẫn và Bàng Quyên học với nhau được ba năm. Có một hôm, Ngụy Huệ vương treo bảng cầu hiền, tin tức nhanh chóng đến được Quỷ Cốc. Khi đó Bàng Quyên xuống núi lấy nước, nghe thấy mọi người đang bàn tán xôn xao về việc Ngụy Huệ vương treo bảng cầu hiền. Bàng Quyên nghĩ: “Ta đã học binh pháp được ba năm, cũng không đến nỗi nào, có thể ra làm quan được rồi”. Sau đó ông trở lại nói với Quỷ Cốc Tử rằng mình muốn đi đến nước Ngụy. Quỷ Cốc Tử bèn bói một quẻ cho Bàng Quyên, sau đó nói với Bàng Quyên rằng: “Ngươi không được lừa gạt người khác, nếu không, người bị ngươi lừa sẽ quay lại lừa ngươi”. Bàng Quyên nghe xong cảm thấy không hiểu lắm nhưng ông vẫn ghi nhớ lời đó trong lòng. Khi Bàng Quyên xuống núi, Tôn Tẫn có tiễn ông một đoạn.

Bàng Quyên nói với Tôn Tẫn: “Sư huynh, chúng ta đã cùng học với nhau một thời gian lâu như thế, do đó đệ trân trọng mối lương duyên này. Ngày sau nếu công danh của đệ có thăng tiến vùn vụt, nhất định sẽ tiến cử huynh. Nếu đệ nuốt lời, sau này sẽ bị chết bởi hàng vạn mũi tên”. Tôn Tẫn và Bàng Quyên đều xúc động, hai hàng nước mắt lăn dài trên má…

Khi Tôn Tẫn trở lại gặp thầy là Quỷ Cốc Tử, nước mắt vẫn còn dính trên mặt. Quỷ Cốc Tử hỏi Tôn Tẫn: “Con thấy Bàng Quyên học binh pháp như thế nào?”. Tôn Tẫn đáp: “Đệ ấy theo thầy học được ba năm, lại dụng công như thế, nên khẳng định là đã học thành tài”. Quỷ Cốc Tử nói: “Cậu ta còn cách xa lắm”. Lúc đó Tôn Tẫn mới giật mình.

Sau đó Quỷ Cốc Tử gọi Tôn Tẫn đến phòng trong, lấy ra một cuốn sách nói: “Đây là cuốn sách binh pháp gồm 13 thiên do tổ tiên con là Tôn Vũ để lại, ta đã chú thích rõ ràng cả rồi, nay ta đem bộ binh pháp này truyền lại cho con”. Rốt cuộc Tôn Tẫn đã học được gì từ cuốn binh pháp đó, mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Mạn Vũ biên dịch

Ghi chú:

(1) Nguyên gốc là: chỉ hình vi tính danh – 指刑為姓名.

(2) Đạo tạng: là tập hợp lượng lớn những kinh điển của Đạo giáo và những cuốn sách liên quan.