Rốt cuộc thì quan điểm đối với phụ nữ và vấn đề tuổi tác trong xã hội Pháp như thế nào? Nếu trò chuyện với Ngọc Mai, bà chủ một tiệm cà phê tại Pháp về cuộc sống tại Paris thì bạn sẽ hiểu được phần nào về những con người nơi đây.
Năm nay Ngọc Mai 60 tuổi. Sau khi tốt nghiệp đại học cô tới Pháp du học, làm việc, kết hôn và sinh con. Cô đã sống ở Pháp gần nửa đời người, suốt 38 năm trời. Một nhà văn cũng là bạn thân của cô hình dung về cô như sau: “Từng ngọn tóc của cô ấy cũng đều biết nói tiếng Pháp”.
Nói về phụ nữ Pháp, Ngọc Mai cho rằng: “Quan niệm thẩm mỹ của người Pháp không giống với quan niệm của nhiều nước Á Đông. Một người phụ nữ đẹp không phải cứ nhất nhất sở hữu một làn da trắng, mịn màng, không nếp nhăn, với dáng vóc thanh mảnh, và một đôi mắt mở to. Ở Pháp, người phụ nữ nào cũng đều có quyền cảm thấy mình đẹp”.
Vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ nằm ở nhan sắc mặn mà lúc xuân thì mà còn toát ra từ thần thái và những trải nghiệm thăng trầm của kiếp nhân sinh trong nội tâm họ.
Người Pháp không coi trọng ‘nhan sắc’ như người Á Đông, mà là vẻ đẹp nội tại và phong thái toát ra bên trong tâm hồn người ấy
Buổi gặp gỡ hôm đó, Ngọc Mai mặc một chiếc váy dài trang nhã, tha thướt. Đôi mắt cô lanh lợi trông rất ấn tượng. Trên tay cô đeo một chiếc vòng ngọc màu xanh ngọc bích với những đường vân li ti rất tinh tế. Nói chuyện một hồi lâu tôi mới phát hiện ra từ cách rót nước mời trà tới phong thái nói chuyện của cô đều duyên dáng đến từng chi tiết. Giống như những con búp bê của Nga, càng khám phá sâu thêm thì lại phát hiện ra những phong cảnh hút mắt khác nhau trong từng tầng, từng tầng một.
Ngọc Mai nói mình không phải là một người phụ nữ đẹp theo tiêu chuẩn Á Đông. Từ nhỏ, mẹ cô đã nói rằng cô là người không đẹp nhất trong các chị em gái. Vì vậy mà cô luôn tự ti về ngoại hình của mình và khá ngần ngại khi giao tiếp với mọi người xung quanh, đặc biệt là người khác giới. Cô chỉ bắt đầu lấy lại tự tin về bản thân mình kể từ sau khi sang Pháp du học. Bởi lẽ người Pháp không coi trọng “nhan sắc” như người Á Đông. Họ coi trọng vẻ đẹp nội tại và phong thái toát ra bên trong tâm hồn người ấy. Đó là sự tổng hòa về khí chất được hun đúc từ những trải nghiệm trong quá khứ và hiện tại.
Ở Pháp một bà lão hơn 70 tuổi vẫn được khen là quá xinh đẹp!
Ngọc Mai bắt đầu kể: “Tại một quán cà phê nhỏ nhắn, yên bình trên một con phố cổ kính ở Paris, một bà lão tóc đã bạc trắng đang ngồi thưởng thức một ly cà phê. Mái tóc bạc của bà vẫn kết thành bím gọn gàng, trên đầu đội một chiếc mũ lông. Bà còn mặc một chiếc váy dài màu xám và một chiếc áo lông. Bên ngoài quàng một chiếc khăn to màu cam, trông rất quý phái. Hễ có làn gió nhẹ thổi qua là bà lại nhẹ nhàng kéo chiếc khăn quàng gọn lại. Ngón tay bà khẽ vén những lọn tóc bị rớt xuống khuôn mặt, trông rất thong dong, tự tại và trang nhã. Không ngờ mấy cậu thanh niên trẻ đi ngang qua quán cà phê đó, đều đưa mắt nhìn bà chăm chăm. Có những cậu thanh niên nom khá ngổ ngáo, cũng có cả những người người đi làm công chức quần áo đóng thùng khá chỉn chu. Họ đều huýt sáo hướng về phía bà lão ước chừng hơn 70 tuổi này và hét lớn: ‘Ôi, Một quý bà đẹp quá!’”.
Một bà lão hơn 70 tuổi mà còn có thể khiến những người lạ trên đường huýt sáo và khen ngợi? Đúng là chuyện lạ có thật trên đời! Ngọc Mai nói ngoài việc tán thưởng vẻ đẹp ngoại hình ra, những cuốn tạp chí phụ nữ của Pháp thường đề xướng những bài viết về chủ đề “càng lớn tuổi càng nồng nàn”.
Vậy nên ở Pháp đàn ông cũng vẫn hứng thú theo đuổi những người phụ nữ có tuổi. Bởi vì họ cho rằng vẻ đẹp trí huệ mới là điều quan trọng nhất. Trí huệ ấy được tôi luyện từ những hạnh phúc và khổ đau suốt cuộc hành trình trong kiếp nhân sinh của mỗi người. Nhan sắc của người phụ nữ chỉ như cánh hoa mong manh, dẫu đẹp, nhưng sớm vừa nở tối đã tàn. Còn phong thái toát ra từ sâu thẳm nội tâm của người phụ nữ từng trải lại có sức hấp dẫn khó có thể cưỡng lại.
Đối với người Pháp đẹp không tỳ vết là điều thật vô vị!
Người Á Đông thích những ngôi nhà đẹp, những vật dụng mới tinh và hoàn mỹ. Nhưng người Pháp thì ngược lại. Người Pháp thích những căn nhà cũ, những món đồ cũ. Bởi lẽ chúng có một chút ngổn ngang hoài cổ. Chúng mang trên mình những vết xước của thời gian, đôi khi chúng còn bị va đập làm cho biến dạng. Ngôi nhà cũ ấy, đồ đạc cũ ấy mới mang theo những dấu ấn của cuộc sống, mới toát lên hơi thở thâm trầm của thời gian và đong đầy những ký ức buồn vui của chủ nhân chúng. Dẫu chúng không khoác lên mình tấm áo bóng bẩy, mỹ miều nhưng chúng cũng có tâm hồn biết khóc biết cười, biết thổn thức và yêu thương. Vậy nên đối với người Pháp đẹp không tỳ vết là điều thật vô vị!
Quên đi tuổi tác mới có thể sống tự do tự tại trong lớp vỏ của chính mình
Vì sao các nước Á Đông rất khó có thể giống với nước Pháp? Trên mảnh đất này bất kỳ nơi nào cũng có thể bắt gặp những người phụ nữ 50, 60 tuổi nhưng vẫn đầy quyến rũ và mang đậm phong vị của riêng mình.
Ngọc Mai cho rằng: Trong xã hội Á Đông, đến mỗi một độ tuổi, mỗi một giai đoạn trong kiếp người, dư luận xã hội lại đóng thêm những cái khung quan niệm lên người phụ nữ. Những quan niệm này khiến họ rất khó có thể sống một cách tự do tự tại như mình ao ước.
Cô nhớ tới vẻ mặt đầy kinh ngạc của mẹ mình trong một lần tới Pháp thăm cô. Lúc ấy mẹ cô mới gần 60 tuổi. Bà nhìn thấy một người phụ nữ tóc bạc trắng như cước trong một quán cà phê trên con phố Champs. Khuôn mặt bà nhăn nheo đầy những nếp nhăn ngang dọc, trông như đã hơn 70 tuổi. Nhưng bà vẫn khá ‘đỏm dáng’. Bà diện một đôi khuyên tai bằng ngọc trai xinh xắn. Bà còn thoa son môi màu đỏ chót cho hợp với tông màu của chiếc áo khoác đỏ. Hơn nữa bà còn mặc một chiếc quần bó! Mẹ tôi cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn bà ấy mà không thốt nên lời.
“Còn mẹ tôi lúc đó mặc một chiếc áo khoác tối màu, chiếc quần cũng tối màu. Bà không thể tưởng tượng nổi một bà lão hơn 70 tuổi lại vẫn có thể trông rực rỡ như vậy”. Ngọc Mai cười lớn.
Cô ấy cũng quan sát thấy phụ nữ Việt Nam khá mất tự tin về vóc dáng của mình. Họ thường bị ám ảnh bởi việc giảm cân để trông giống với những minh tinh trên màn ảnh. Họ không biết làm thế nào để có thể chung sống hòa bình với cơ thể của mình. Ví như họ không ưng ý với chiếc mũi của mình, với đôi lông mày, khóe mắt, đôi môi và vóc dáng của mình. Họ luôn khao khát có thể nhờ vào dao kéo của các bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ, để biến mình thành những nàng công chúa, những công nương xinh đẹp chỉ trong chớp mắt.
Ngọc Mai khích lệ những người phụ nữ cùng tuổi mình rằng: “Khi chọn quần áo và trang điểm bạn đừng nghĩ ngợi gì tới tuổi tác. Bạn hãy hỏi bản thân mình: Bộ quần áo này có đẹp không? Mình có thích không? Có hợp với mình không?”. Cũng giống như câu người Pháp thường nói: “Sống tự do tự tại trong lớp vỏ của chính mình”.
Kết giao với những người trẻ tuổi là liều thuốc chống lão hóa tốt nhất
Ở độ tuổi của Ngọc Mai tại Việt Nam, các bà các chị dường như chủ yếu quan tâm tới vấn đề giữ gìn sức khỏe như: “Một là không tức giận, hai là không phiền lòng, 3 là không thức khuya….”. Ai nói rằng chủ đề giữa những người phụ nữ lớn tuổi chỉ còn sót lại chuyện giữ gìn sức khỏe với dưỡng sinh? Kỳ thực, Ngọc Mai năm nay đã tròn 60 tuổi, đã đến cái tuổi “nghỉ hưu”, vui vầy cùng con cháu. Nhưng trong số những người bạn tốt thường hay tiếp xúc với cô thì đa số là những người trẻ 20, 30 tuổi.
Ngọc Mai cho rằng những điều cần quan tâm về tuổi 60 theo quan niệm truyền thống cũng rất quan trọng. Nhưng cô lại thích khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống. Cô ấy cho rằng, cần phải kết giao với nhiều bạn trẻ thì nhựa sống tràn trề và nhiệt huyết của họ sẽ lan tỏa sang cả chính bạn. Nên ở độ tuổi lục tuần của cô ngoài việc chú ý giữ gìn sức khỏe ra, vẫn còn có nhiều cách thi vị khác để thưởng thức cuộc sống.
Những chuyện dẫu chưa từng tiếp xúc cô cũng đều có thể thông qua những người bạn trẻ của mình mà được mở mang tầm mắt. Gần đây, cô đã ghi tên vào một lớp khí công. Cô bắt đầu rèn luyện sức khỏe và sự thuần tịnh trong tâm mình. Mục tiêu của cô là sau này có thể cùng những người bạn trẻ tuổi tới Tây Tạng cắm trại vài ngày, thỏa sức khám phá những điều bí ẩn nơi đây.
Bạn không cần phải xây giúp con mình một con đường cao tốc thẳng tắp, hãy để chúng tự bước đi trên đôi chân của mình
Vế mối quan hệ với người thân, Ngọc Mai cũng khá thoải mái và độc lập. Bảo Châu, con gái cô cũng học tiến sỹ và làm việc tại Paris. Chồng cô đã từ giã cõi đời khi Bảo Châu mới chập chững biết đi. Một mình Ngọc Mai nuôi nấng, dạy dỗ con gái nên người. Cô quan niệm rằng mỗi người là một sinh mệnh độc lập, mang theo những tính cách khác nhau và có con đường của riêng mình. Nên cô không hề can thiệp, mà để con gái tự bước đi trên chính đôi chân của mình, để con bé tự trải nghiệm cuộc sống và học cách thích ứng với mọi hoàn cảnh. Cô tin rằng làm như vậy là tốt nhất cho con bé. Bởi cha mẹ dẫu yêu con cũng không thể cùng con đi hết cuộc đời. Điều duy nhất con gái cô có thể luôn mang theo bên mình chính là những đạo lý làm người được truyền thừa qua bao thế hệ trong gia đình cô.
Bảo Châu từng vẽ hai bức tranh tương phản về sự khác biệt trong lối tư duy của người Pháp và người Việt. Hai bức tranh có cùng một xuất phát điểm và đích đến, nhưng hành trình lại khác nhau. Bảo Châu nói: “Người Việt Nam sẽ chọn con đường thẳng có khoảng cách ngắn nhất. Nhưng có thể người Pháp lại lựa chọn một đường cong khúc khuỷu. Thậm chí họ có thể không đi tới đích đến theo quy định, mà tìm lấy một điểm khác trong đường cong khúc khủy đó. Chỉ cần họ thấy thú vị là đủ”.
Ngọc Mai quan sát thấy ở Việt Nam cha mẹ đều nóng lòng muốn giúp con mình “xây một con đường cao tốc thẳng tắp” đến tương lai sáng lạn, không sóng gió. Bậc phụ huynh nào cũng muốn dùng phương pháp hiệu quả nhất để sắp đặt cả một đời hoàn thiện và danh giá nhất cho con mình.
Vậy nên ngay từ nhỏ trẻ đã phải học rất nhiều, những chiếc cặp sách căng phồng trĩu nặng trên đôi vai nhé nhỏ của chúng. Cha mẹ đa phần đều cho rằng trường chuyên, lớp chọn, tấm bằng đại học danh giá mới chiếc chìa khóa vạn năng mở ra cánh cửa tương lai cho con mình. Nên dẫu cha mẹ có phải vất vả cũng cố gắng lo cho con cái bằng bạn bằng bè. Dẫu trẻ căng thẳng với chồng bài vở trên lớp học chính, lớp học thêm, thì cha mẹ vẫn không ngừng thúc giục con mình. Đến khi ra trường các bậc phụ huynh lại lo ngay ngáy phải chuẩn bị một khoản kha khá cho con xin việc và chạy ngược chạy xuôi nhờ vả các mối quan hệ. Nhưng đến đây các bậc cha mẹ vẫn chưa yên lòng, lại tiếp tục tính đến chuyện hôn sự, sinh con đẻ cái và chăm bẵm cháu chắt. Có lẽ phải đến khi yên giấc nghìn thu cha mẹ mới không phải lo lắng cho những đứa con của mình.
Nhưng, đối với người Pháp thì tấm bằng tốt nghiệp ở một trường danh tiếng, những quân hàm cao ngất ngưởng, những khoản tiền kếch xù cũng không thể đánh giá được giá trị của một con người hay cuộc sống riêng tư, sở thích của một cá nhân. Điều họ coi trọng là những trải nghiệm từng phút từng giây trong cuộc sống hàng ngày của chính bản thân mình.
Do đó, mối quan hệ giữa Ngọc Mai và con gái khá độc lập, có khi hai tuần hai mẹ con mới gọi điện nói chuyện một lần. Ngọc Mai để ảnh của con gái làm màn hình nền trong điện thoại, chứng tỏ rằng người mẹ này rất yêu và mến mộ con gái mình. Nhưng tình yêu cô dành cho con gái không đồng nghĩa với việc cô ấy cứ phải dính chặt lấy Bảo Châu mọi lúc mọi nơi.
Dẫu hai mẹ con cùng ở chung một nhà, nhưng đôi khi ai ở trong phòng của người ấy để làm những mình thích hay chỉ đơn giản là nằm dài trên giường nghe nhạc và suy ngẫm. Đến giờ ăn tối hai mẹ con mới hẹn nhau đi ăn và tán ngẫu về những bộ phim, những cuốn sách và cảm xúc riêng tư lúc ban ngày. Dẫu hai người đều khá độc lập nhưng giữa họ vẫn không mất đi sự thân mật. Những khi cô con gái Bảo Châu muốn tâm sự, muốn tìm sự ấm áp và động viên từ mẹ của mình, Ngọc Mai lại sẵn sàng gác lại hết thảy mọi việc, dành cả buổi bên con bé.
Nếu giữ gìn một mối quan hệ độc lập như vậy, thì chí ít sau khi con cái trưởng thành và rời khỏi vòng tay của cha mẹ, họ cũng sẽ không cảm thấy hụt hẫng như đang đánh mất một thứ vô cùng quan trọng. Cha mẹ cũng không bị sốc vì không biết phải xoay sở thế nào khi đối diện với sự cô đơn. “Tôi thường nói một câu rằng, đem đến tự do cho người khác, chính là đem đến tự do cho chính mình”, Ngọc Mai cười nói. Tự do và tự tại là điều quan trọng mà Ngọc Mai muốn có trong những năm tháng xế chiều của đời mình.
“Tôi có tỳ vết nhưng tôi đã từng trải nghiệm cuộc sống trên cõi đời này!”
Người Pháp coi trọng chất lượng và cảm xúc trong cuộc sống. Dẫu rằng xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Ngọc Mai vẫn muốn sống một cuộc sống giản dị như bao người khác. Trong mắt mọi người cô là một quả phụ cô độc đáng thương. Ngay cả cô con gái duy nhất cũng không ở bên cạnh cô để thì thầm to nhỏ sớm tối. Cô có vẻ là một người phụ nữ bất hạnh theo quan niệm của nhiều người.
Nhưng cô nói: “Sống trên đời này tôi không dám nói rằng mình phải sống rất vất vả. Tôi cũng không làm được chuyện gì to tát cả. Nhưng tôi đã từng vấp ngã, đã từng bị tổn thương, đã từng yêu, cũng đã từng hạnh phúc, như vậy là đủ rồi”.
Trong tiếng Pháp có một động từ “Vécu” là thì quá khứ của từ sống “Vivre”. Người Pháp cho rằng bạn phải có những dấu ấn minh chứng rằng bạn đã từng trải nghiệm, đã từng lĩnh hội những cảm xúc thăng trầm của cuộc sống thì mới được coi là người phụ nữ cuốn hút và giàu sức sống. Nếu có thể sống với quan điểm trên thì những nếp nhăn trên khuôn mặt hay những vết rạn trong tâm hồn đều là những điều tốt đẹp đáng trân quý.
Vậy nên, người Pháp quan niệm rằng:
- Truy cầu một cuộc sống hoàn mỹ như ở trong một căn phòng trưng bày hàng mẫu: Xinh đẹp, sạch sẽ nhưng không có dư vị của con người và hơi thở của cuộc sống.
- Phụ nữ qua 50 tuổi xinh đẹp như thế nào chỉ là điều thứ yếu. Làm thế nào mới có thể vẫn khiến lòng người say đắm, rung động trước phong thái của mình mới là người phụ nữ đẹp.
- Đừng chỉ quan tâm tới chủ đề sức khỏe khi xế chiều, hãy thu hút nhựa sống và mở mang tầm mắt bằng cách kết giao với nhiều người trẻ hơn!
Khi tuổi xuân ngắn ngủi qua đi, khi lớp phấn son nhạt nhòa, khi nhiều nếp nhăn in hằn trên khóe miệng, bạn vẫn là có thể tự hào rằng mình là một người phụ nữ đẹp. Kỳ thực cuộc sống chính là sự trải nghiệm trong nội tâm sâu thẳm mỗi người. Thời gian chính là lớp phù sa bồi đắp mỗi ngày cho vẻ đẹp ấy. Nếu có một tâm hồn đẹp bạn sẽ là người phụ nữ cuốn hút sánh cùng thời gian.