Nhẫn là một loại cây, dù bản thân đắng nhưng trái kết được lại dịu ngọt. Khiêm nhường là những tia sáng, dẫu sờ không được nhưng lại sưởi ấm nơi nơi. Nhẫn không phải là bạc nhược, khiếp sợ, mà là trầm lắng, tĩnh tại. Khiêm nhường không phải là sợ hãi lùi bước, mà là quan tâm, cao thượng. Nhẫn là tinh hoa của văn hóa truyền thống, là thể hiện trí huệ của cổ nhân.

“Nhẫn” (忍) theo “Thuyết văn giải tự” nghĩa là năng lực, khả năng. Chữ Nhẫn bao gồm chữ “Tâm” (心 – trái tim) và chữ “Nhận” (刃 – lưỡi dao). Dao đâm vào tim, nếu vẫn đủ năng lực chịu đựng thì đó là Nhẫn. Chu Vũ Vương, người sáng lập ra triều đại nhà Chu đã để lại bài minh cho con cháu đời sau, trong đó có câu: “Nhẫn chốc lát có thể bảo toàn tấm thân”.

Khổng Tử giảng: “Việc nhỏ không nhẫn được thì hỏng việc lớn” (Nguyên văn: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu”). Ông còn thuyết rằng: “Cơn giận một sớm để nhãng quên thân mình lại liên lụy đến người thân, chẳng phải hồ đồ và mê lầm hay sao” (Nguyên văn: “Nhất triều chi phẫn, vong kỳ thân dĩ cập kỳ thân, phi hoặc dư”). 

Nhẫn là một loại mỹ đức, là kết tinh của trí tuệ và sự thiện lương, là mẫu mực của nội tâm mạnh mẽ. Trên bước đường mưu sinh không tránh khỏi những thống khổ, trắc trở và khó khăn. Đôi khi chúng ta phải chịu đựng sự đùa giỡn của số mệnh, nếu không thể thay đổi hiện trạng thì cần học cách nhẫn nại và bao dung.

(Ảnh: getwallpapers.com)

Tấm gương đại nhẫn của người xưa 

Trương Lương là bậc danh thần khai quốc thời nhà Hán. Có câu chuyện kể rằng thời trẻ, khi đang thong dong tản bộ trên cầu Hạ Phi, Trương Lương tình cờ gặp một cụ già đang ở trên cầu. Lúc ấy, cụ già đánh rơi chiếc giày xuống dưới cầu và nói với Trương Lương rằng:

“Cậu bé, xuống lấy giày cho ta”. Trương Lương rất ngạc nhiên nhưng vẫn xuống dưới cầu nhặt giày.

Trương Lương mang giày đến cho cụ già, cụ nói: “Xỏ giày cho ta”. Trương Lương lại quỳ xuống xỏ giày. Cụ già thấy vậy liền cười ha ha rồi bước đi. Vừa đi được một đoạn thì cụ già quay đầu lại và nói: “Cậu bé này có thể dạy dỗ được. 5 ngày sau lúc bình minh gặp ta ở đây”. Trương Lương lấy làm lạ, bèn quỳ xuống đáp: “Xin vâng”.

5 ngày sau vào lúc bình minh, Trương Lương đến nơi đã thấy cụ già đang ở trên cầu rồi. Cụ vừa nhìn thấy Trương Lương thì giận dữ nói: “Có hẹn với người già mà lại đến sau là sao vậy? 5 ngày nữa gặp lại!”. Nói rồi cụ bỏ đi.

5 ngày sau, Trương Lương dậy sớm đến chỗ hẹn từ khi gà gáy. Nhưng cụ già đã đến trước, cụ lại giận dữ nói: “Lại đến sau là sao vậy?”. Cụ bỏ đi và nói: “5 ngày sau lại đến”.

5 ngày sau, Trương Lương đi từ lúc nửa đêm. Đến nơi được một lúc thì cụ già tới. Cụ vui mừng nói: “Nên như thế”, rồi cụ lấy ra một bộ sách và căn dặn: “Đọc sách này có thể làm thầy đế vương, 10 năm sau sẽ hưng thịnh. 13 năm sau, cậu gặp ta ở Tế Bắc, Hoàng Thạch (đá vàng) dưới chân núi Cốc Thành chính là ta”.

Nói rồi cụ già quay lưng bước đi. Trương Lương nhìn bộ sách, trên đó ghi dòng chữ: “Thái Công binh pháp”. Từ đó cậu thường xuyên đọc sách này, nhờ đó mà trí huệ mở mang, trở thành một bậc thầy mưu lược bên cạnh Lưu Bang.

Trương Lương có thể nhẫn nhịn hết lần này đến lần khác, ức chế được sự cương ngạnh của tuổi trẻ, nhờ đó mà đắc được thiên thư, giúp cậu thành tựu đại nghiệp.

Trương Lương nhờ cúi mình nhặt giày mà đắc đạo thành danh. (Ảnh: xuehua.us)

Nhẫn là biểu hiện của trí huệ

Nhà văn William Shakespeare từng nói: “Dung nhẫn là trí huệ lớn nhất”. Trong cuộc sống khi gặp phải nghịch cảnh, hãy học cách nhẫn nại. Có thể nhẫn được việc người khác không thể nhẫn mới có thể đắc được những thứ người khác không thể đắc. Nếu cứ tiến thẳng về phía trước, đương nhiên sẽ gặp phải bóng tối. Nhưng khi vượt qua giai đoạn tối tăm ta sẽ đón nhận được ánh sáng huy hoàng.

Lão Tử giảng: “Cái thiện cao nhất giống như nước, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà không tranh giành” (Nguyên văn: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật, phù duy bất tranh, cố vô vưu”). Đặc tính của nước là tồn tại vì vạn vật, không tranh giành cao thấp, không so bì thiệt hơn, cũng không khoe khoang bản thân mình. 

Người thiện tựa như nước. Nước nuôi sống vạn vật, không chỗ nào không chảy đến nhưng lại hạ mình ở nơi mà tất cả mọi người đều không thích, vì vậy nên gần với Đạo. Người thiện thì tâm trí luôn trầm tĩnh, đối xử chân thành với mọi người, hữu ái và không vụ lợi, lời đã nói ra là sẽ thủ tín, công việc giỏi về xử lý tinh giản, sự nghiệp giỏi về phát huy sở trường, hành động giỏi về nắm chắc thời cơ. Bởi không tranh không giành, cho nên không sợ thiệt, không sợ mất, cũng sẽ không oán người trách người.

Người tu Đạo cũng bàn về “Nhẫn”. Xích Tùng Tử từng nhắc nhở đệ tử: “Có thể nhẫn thì sẽ không bị sỉ nhục”. Tôn chân nhân nói: “Nhẫn nhượng có thể làm việc xấu tự biến mất, tự xem xét bản thân thì tai họa sẽ không rơi lên thân mình”.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng: “Ta lĩnh ngộ được sự tinh túy của ‘không tranh giành’ chính là đệ nhất thiên hạ”. Ngài lại nói: “Trong sáu phương pháp siêu độ và hàng vạn phương pháp tu hành, nhẫn nhịn chính là hàng đầu”. 

(Ảnh minh họa: weibo.com)

Tự cổ chí kim, bí quyết của người thành đại sự chính là chữ Nhẫn này. Câu Tiễn nằm gai nếm mật, chịu kiếp nô lệ 10 năm, Hàn Tín cam chịu nỗi nhục chui háng, Hoàng đế Khang Hy vì diệt trừ Ngao Bái, dẹp loạn Tam Phiên mà đã âm thầm nhẫn nhịn suốt nhiều năm trời.

Tăng Quốc Phiên có câu danh ngôn rằng: “Nhẫn được nghìn sự phiền, thu được một tâm sáng” (Nguyên văn: “Nại đắc thiên sự phiền, thu đắc nhất tâm thanh”). Muốn nhẫn được sự phiền toái phải học được cách nhẫn nại, việc nhỏ không từ, việc lớn không vội, bận mà không loạn. Khi trải qua những tháng ngày đen tối, nhìn không thấy phương hướng cuộc đời, bế tắc khiến bạn muốn buông xuôi, từ bỏ… thì hãy cứ kiên trì thêm một chút, chờ đợi thêm một chút. Trong quá trình thoát ra khỏi cái kén thường sẽ có thống khổ. Nhưng hễ trở thành bươm bướm thì sẽ nhìn thấy được thế giới tươi đẹp muôn màu.

“Nhẫn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Nhẫn không phải là tôi sợ bạn mà là tôi tôn trọng bạn, không phải là tôi không bằng bạn mà là tôi bao dung nhường nhịn bạn. Nhẫn không phải là đầu hàng, cam chịu, mà là chỗ nào có thể nhường thì nhường, có thể lùi thì hãy lùi một bước, là đại khí phách của bậc quân tử trượng phu.

Trong cuốn “Đệ Tử Châm Ngôn – Sủng Lễ Nhượng” viết rằng: “Hãy khiêm nhường, cẩn trọng. Người tự khoe mình trí huệ thực ra không phải là bậc trí huệ chân chính, mà khiêm nhường ấy mới là đại trí huệ. Kẻ thể hiện mình dũng cảm thực ra không phải người dũng cảm, dũng cảm mà khiêm nhường, ấy mới gọi là bậc đại dũng”. (Nguyên văn: “Khiêm hư cẩn thận căng kỳ trí phi trí dã, kiêm nhường chi trí tư vi đại trí; tự căng kỳ dũng phi dũng dã, khiêm nhường chi dũng tư vi đại dũng”).

Khiêm nhường không phải là lùi lại phía sau, mà là biết thuận theo tự nhiên, tùy kỳ với tự nhiên, không quá bận tâm, không quá chấp nhất. Phàm mọi chuyện nhường một chút, đâu phải việc gì cũng phải tranh với người khác. Nhẫn không phải là bạc nhược, khiếp sợ, mà là trầm lắng, tĩnh tại. Khiêm nhường không phải là sợ hãi lùi bước, mà là cao thượng, quan tâm.

Kiên Định
Theo Kknews

Bạn đang đọc bài viết: “Nhẫn không phải vì bạc nhược, khiêm nhường không phải vì sợ hãi” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||0388e73f9__