Đào Duy Từ (1572-1634) là nhà quân sự, nhà thơ và nhà văn hóa, danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ông được coi là đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn và được thờ ở nhà Thái miếu.
Đào Duy Từ quê gốc ở làng Hoa Trai, nay thuộc xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Cha ông là Đào Tá Hán, một xướng hát chuyên nghiệp. Mẹ ông tên là Vũ Kim Chi. Ông thông minh, học rộng biết nhiều. Ông đi thi hương ở Thanh Hoá. Hiếu ty cho Đào Duy Từ là con nhà phường chèo, gạch bỏ tên không cho vào thi.
Một hôm ông nói với bạn rằng: Tôi nghe chúa Nguyễn hùng cứ đất Thuận Quảng, làm nhiều việc nhân đức, lại có lòng yêu kẻ sĩ, trọng người hiền… Nếu ta theo vào giúp thì chẳng khác gì Trương Lương về Hán, Ngũ Viên sang Ngô, có thể làm tỏ rạng thanh danh, ta không đến nỗi phải nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời…. Rồi mùa đông năm Ất Dậu (1627), Đào Duy Từ trốn được vào xứ Đàng Trong.
Đầu tiên, ông ở huyện Vũ Xương hơn một tháng để nghe ngóng tình hình. Sau biết khám lý Hoài Nhân là Trần Đức Hòa là người có mưu trí được chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin dùng, ông vào Hoài Nhân, đi ở chăn trâu cho một phú ông ở xã Tùng Châu. Phú ông thấy Đào Duy Từ học rộng tài cao, biết ông không phải là người thường, liền đem nói với Trần Đức Hòa. Trần Đức Hòa cho gọi Đào Duy Từ đến hỏi chuyện. Thấy mọi chuyện ông đều thông hiểu, liền giữ ông lại và gả con gái cho. Khi Trần Đức Hòa xem bài “Ngọa Long cương” của Đào Duy Từ liền nói rằng: “Đào Duy Từ là Ngọa Long đời này chăng”.
Trong thời gian Đào Duy Từ đi chăn trâu cho nhà phú ông xã Tùng Châu, có một giai thoại thú vị được lưu truyền về tài ứng đối và khí chất phi phàm của ông.
***
Nhà phú hộ Lê Phú ở xã Tùng Châu, phủ Hoài Nhân, tỉnh Bình Định thuê được một đứa ở chăn trâu tên là Đào Duy Từ. Tuy đã đứng tuổi, nhưng Duy Từ tỏ ra rất cần mẫn, siêng năng. Ngày ngày cứ sáng, sớm lùa trâu đi ăn, mãi chập tối mới đánh trâu về, trời nắng cũng như trời mưa, khiến gia chủ rất vừa lòng, chưa hề có tiếng chê trách.
Một hôm, phú hộ họ Lê mời các Nho sĩ hay chữ khắp vùng đến nhà dự hội bình văn. Chập tối, sau khi tiệc tùng xong, mọi người còn trà thuốc, bàn cãi chữ nghĩa văn chương, thì vừa lúc Đào Duy Từ chăn trâu về. Thấy đám đông khách khứa trò chuyện rôm rả, Duy Từ bèn lại gần, đứng ghếch chân lên bậc thềm nhìn, tay vẫn cầm chiếc roi trâu, vai đeo nón lá, lưng quấn khố vải… Chủ nhà ngồi phía trong nhìn thấy cho là vô lễ, giận dữ quát:
– Kẻ chăn trâu kia! Hạng tiểu nhân biết gì mà dám đứng nhìn các quan khách đây là những bậc danh Nho?
Duy Từ nghe mắng song không tỏ ra sợ hãi, cười ha hả, rồi nói một cách thản nhiên:
– Nho cũng có hạng ”nho quân tử”, hạng ”nho tiểu nhân”. Chăn trâu cũng có kẻ ”chăn trâu anh hùng”, kẻ ”chăn trâu tôi tớ”, cao thấp không giống nhau, hiền ngu không là một! Còn kẻ tiểu nhân tôi chỉ đứng nhìn, có xâm phạm gì đến cái phú quý, sang trọng của các vị, mà chủ nhân lại mắng đuổi?
Mấy người khách nghe Duy Từ là đứa chăn trâu, mà nói lý như vậy, liền vặn hỏi:
– Vậy nhà người bảo ai là “nho quân tử”, ai là “nho tiểu nhân” hả?
Đào Duy Từ chẳng cần nghĩ ngợi, nói luôn một mạch:
– “Nho quân tử” thì trên thông thiên văn, dưới thấu địa lí, giữa hiểu việc đời, trong nhà giữ được đạo cha con, tình nghĩa vợ chồng, anh em, bè bạn, ngoài xã hội thì biết lo việc nước, vỗ yên dân, giúp đời, phò nguy cứu hiểm, để lại sự nghiệp muôn đời. Còn ”nho tiểu nhân” thì chỉ là bọn học vẹt, cầu danh cầu lộc, khoe ít chữ nghĩa, coi thường hào kiệt, may được giữ một chức quan nhất thời, thì chỉ tìm trăm phương ngàn kế để mưu đồ lợi riêng làm sâu mọt hại dân đục nước, thật là đáng sợ!
Đám khách nghe Duy Từ nói thế, đều giật mình kinh ngạc, không ngờ một đứa chăn trâu mà lý lẽ cứng cỏi làm vậy, bèn tò mò hỏi thêm:
– Còn ”kẻ chăn trâu anh hùng”, kẻ ”chăn trâu tôi tớ” thì nghĩa làm sao, nhà ngươi thử nói nghe luôn thể?
Duy Từ mỉm cười, ung dung trả lời:
– ”Chăn trâu anh hùng” thì như Nịnh Thích phục hưng nước Tề, Điền Đan thu lại thành trì cho nước Yên, Hứa Do cho trâu uống nước ở khe mà biết được hưng vong trị loạn, Bạch Lý Hề chăn dê mà hiểu thấu thời vận thịnh suy. Đó là những kẻ ”chăn trâu anh hùng”. Còn những bọn chỉ biết cam phận tôi tớ, chơi bời lêu lổng, khi vui thì reo hô hoán, khi giận thì chửi rủa, đánh đấm, chẳng kể gì thân sơ, làm cha ông phải xấu lây, xóm làng chịu điều oan. Đấy là hạng ”chăn trâu tiểu nhân” cả!
Mọi người nghe Duy Từ đối đáp trôi chảy, sách vở tinh thông, nghĩa lý sâu sắc, càng thêm kinh ngạc, nhìn nhau, rồi đứng cả dậy, bước ra ngoài thềm mời Duy Từ cùng vào nhà ngồi. Nhưng Duy Từ vẫn tỏ ra khiêm tốn chối từ. Cả bọn bèn dắt tay Duy Từ lên nhà, ép ngồi vào chiếu trên.
Phú hộ Lê Phú rất đỗi ngạc nhiên, thấy kẻ đầy tớ chăn trâu nhà mình mà nói toàn chữ nghĩa nên còn ngờ, bèn giục mấy nhà Nho hỏi thêm, thử sức Duy Từ về kiến thức, sách vở cổ kim xem hư thực ra sao. Các vị Nho học nhất vùng hỏi đến đâu, Đào Duy Từ đều đối đáp trôi chảy đến đó và tỏ ra không có sách nào chưa đọc đến, không có chữ nào không thấu hiểu, khiến cho cả bọn phải thất kinh, bái phục sát đất!
Chủ nhà cũng không kém phần sửng sốt, mới vỗ vai Duy Từ, đổi giận làm lành, mà rằng:
– Tài giỏi như thế, sao bấy lâu cứ giấu mặt không cho lão già này biết, để đến nỗi phải chăn trâu và chịu đối xử bạc bẽo theo bọn tôi tớ? Quả lão phu có mắt cũng như không. Có tội lắm! Có tội lắm!
Từ đó chủ nhà may sắm quần áo mới, xem Duy Từ là khách quý, mời ngồi giảng học, đối đãi hết sức trọng vọng.
***
Sau này Đào Duy Từ được Trần Đức Hoà giới thiệu với chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Đào Duy Từ cao đàm hùng luận, bác cổ thông kim. Nguyễn Phúc Nguyên mừng lắm, liền sau đó chúa họp bàn đình thần phong cho Đào Duy Từ làm Nha úy Nội Tán, tước Lộc Khuê Hầu, trông coi việc quân cơ ở trong và ở ngoài, tham lý quốc chính.
Từ đấy Duy Từ nói gì chúa Nguyễn cũng nghe. Ông bày mưu vạch kế giúp chúa Nguyễn làm nên nhiều việc lớn. Chúa Nguyễn thường nói với mọi người: Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay.
Đoàn Phạm (tổng hợp và biên soạn)