Phật gia giảng: “Đời người là bể khổ”, vậy cái khổ ấy là gì, và điều gì là nỗi khổ lớn nhất trên thế gian?
Nỗi khổ lớn nhất trên thế gian
Bốn tỳ khưu đang đàm luận: Nỗi khổ nào lớn nhất trên thế gian?
Một người nói: “Điều khổ nhất trong đời người là lòng tham và dục vọng. Khi lòng tham và dục vọng không được thỏa mãn thì khổ không sao tả xiết”.
Người kia nói: “Điều khổ nhất trong đời người là không được ăn no, bụng sôi ào ào, khổ ấy không gì sánh được”.
Một người khác nói: “Điều khổ nhất trong đời người là giận dữ. Hễ nổi cơn tam bành thì lửa giận hằn học sẽ phun trào ra từ khóe mắt. Lúc này trong tâm rất khổ”.
Người cuối cùng nói: “Điều khổ nhất trong đời người là nhát gan, trong tâm luôn phập phồng, lo trước sợ sau, chẳng được an lòng dẫu chỉ một phút một giây”.
Vừa hay Đức Phật nghe thấy cuộc trò chuyện ấy, bèn giảng rằng: “Các con vẫn chưa nói ra được nguồn gốc thật sự của nỗi khổ, mà chỉ là cái nhìn thiên kiến theo những phiền não của mình. Trong các con có người chuyển sinh từ loài bồ câu tham luyến tình ái, bèn coi ý niệm về dục vọng là khổ. Có người chuyển sinh từ loài chim ưng bị đói khát, bèn coi đói khát là khổ. Có người chuyển sinh từ loài rắn độc, nên coi sự phẫn nộ là khổ. Có người chuyển sinh từ loài thỏ, bèn cho rằng sự kinh sợ là khổ. Kỳ thực nỗi khổ lớn nhất trên thế gian chính là có thân xác con người này!”.
Làm người thì ắt phải chịu khổ, muốn thoát khỏi bể khổ duy chỉ có tu thân dưỡng tính
Vì sao Đức Phật lại nói con người có xác phàm là khổ? Chẳng phải cũng có câu rằng: “Thân người khó được, Trung thổ khó sinh, Đại Pháp khó gặp. Được cả ba điều, hạnh phúc lắm thay” đó sao? Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng kỳ thực lại chẳng hề mâu thuẫn chút nào.
Phật gia thường giảng: “Phản bổn quy chân”, nghĩa là quay trở về với bản tính vốn có của mình, trở về với trạng thái thuần tịnh nhất, tinh khôi nhất của con người trước khi đến cõi thế gian.
Chúng ta chắc hẳn cũng đều quen thuộc với hình ảnh “quán trọ trần gian”. Ý tứ trong câu này chính là con người vốn không phải bắt nguồn từ thế giới này. Từ xưa tới nay, khắp Đông Tây kim cổ, những câu chuyện thần thoại về nguồn gốc nhân loại đều kể rằng con người là do các vị Thần của dân tộc mình sinh ra.
Chúng ta đến thế gian mang theo sứ mệnh mà Thần giao phó và hẹn ngày sẽ quay trở về. Nhưng khi rơi vào cõi hồng trần, những Danh – Lợi – Tình đã khiến con người mê đắm, tranh đoạt mà quên cả lối về. Thân người là để chúng ta có thể sinh sống tại cõi nhân gian, là để chúng ta hoàn trả tội nghiệp đã gây ra trong bao nhiêu tiền kiếp. Vậy nên mới nói, có thân người là khổ.
Nhưng nếu giữ vững sự chân thành, thiện lương và nhẫn nại giữa thói đời rối ren thì mỗi chúng ta cách con đường chính đạo chẳng còn bao xa.
Một bậc Thánh nhân từng giảng rằng, con người là anh linh của vạn vật, duy chỉ có con người mới xứng đáng được nghe chính Pháp, đắc chính Đạo. Nếu chẳng may thác sinh thành tảng đá thì nghìn năm, vạn năm cũng khó có cơ duyên tu luyện. Vậy nên có thân người tuy khổ, nhưng lại có thể tu luyện quay trở về ngôi nhà chân chính của mình, thoát khỏi mọi nỗi đau trong cõi thế gian.
Làm người thì ắt phải chịu khổ. Muốn thoát khỏi bể khổ duy chỉ có tu sửa tâm tính theo Chính đạo, và rèn luyện, tẩy tịnh thân phàm mới có thể phá mê và thăng hoa trở về ngôi nhà chân chính của mình.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hiểu Mai biên dịch