Sự tinh tế của người xưa không chỉ thể hiện trong những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, mà đôi khi nó ẩn tàng ngay ở những đồ vật thường ngày bình dị nhất. Một chiếc hộp đựng thức ăn thời cổ đại cũng có thể kể cho bạn nhiều câu chuyện lịch sử thú vị. 

Thời xưa, hộp đựng thức ăn rất đa năng, ngoài việc dùng để đựng thức ăn còn có thể chứa chén bát và các món quà đi kèm. Hình dáng của hộp rất đa dạng, to nhỏ tuỳ ý, nhỏ có thể xách, to có thể gánh. Những nhân sĩ nổi tiếng thời cổ đại khi ra khỏi nhà đi dạo chơi, thăm viếng bạn bè hoặc tới dự hội hè, tiệc rượu thường chuẩn bị chút thức ăn, hoa quả cho vào hộp đựng thức ăn, mang theo người như một món khai vị. 

Bức tranh cổ Trọng bình hội kỳ đồ của hoạ sỹ Chu Văn Củ thời Nam Đường (Ngũ Đại Thập Quốc) miêu tả lại cảnh chơi cờ của Lý Cảnh và 3 em trai của mình. Bức tranh mô tả hàng loạt vật dụng thủ công mỹ nghệ cổ đậm tính văn hoá như: ghế tựa, hộp thổ cẩm, giường ngủ, bình phong… Trên chiếc bàn dài đầy thức ăn đằng sau có một hộp sơn mài tuyệt đẹp. Đó chính là hộp thức ăn, bên trong chứa đồ điểm tâm. Người xưa quả là phong nhã, chơi cờ vẫn không quên thưởng thức đồ ăn ngon.  

Hộp thức ăn ban đầu được gọi là “lộng” và có lịch sử từ thời Nguỵ Tấn. Thời bấy giờ, “lộng” không chỉ đơn giản là vật đựng đồ ăn mà còn là đồ trang trí quan trọng trong cuộc sống của giới quý tộc, của những người đức cao vọng trọng. Tất nhiên, hộp đựng thức ăn của những gia đình quyền quý cũng được chế tạo một cách rất tinh xảo, từ nguyên liệu, độ phức tạp, tính nghệ thuật cho đến tay nghề người thợ… Bởi sự tinh xảo của hộp “lộng” chính là thể hiện cho địa vị, danh tiếng và mức độ giàu có ở chủ nhân của nó.

Hộp thức ăn bằng đồng thau họa tiết con ly (ảnh: Wemp).

Trong một tác phẩm nổi tiếng khác của Chu Văn Củ có tên là Văn Uyển đồ, cũng có một hộp đựng thực phẩm xuất hiện, đó dường như là đồ vật xa xỉ của những nhà văn, nhà thơ trong thời cổ đại. Tuy nhiên đến thời nhà Tống, cùng với sự xuất hiện ngày một nhiều hơn của những nghệ sĩ, văn nhân trẻ tuổi, hộp đựng thực phẩm không còn cao quý như trước nữa, nó trở thành một đồ vật phổ biến trong nhà của tất cả những người dân bình thường. 

Trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh, ngoài việc đựng đồ ăn đồ uống, hộp thức ăn của văn nhân còn chứa đầy mực, giấy và bản thảo, đôi khi thậm chí còn chứa cả gương, lược. Mặc dù đàn ông cổ đại có rất ít đồ trang điểm nhưng bởi vì họ có mái tóc dài nên luôn cần phải chải chuốt lại đầu tóc và áo mũ. Hộp đựng thực phẩm lúc này giống như một hộp trang điểm, đó là những thứ phải có của các học giả văn học Minh và Thanh.

Hộp đựng thức ăn bằng sứ men phấn thái hoa văn phượng thời Càn Long (ảnh: Kknews).

Các hộp thực phẩm thời cổ đại rất đa dạng, có thể chia thành 3 loại: Hộp nâng, hộp ghép và hộp xách. Hộp nâng là một loại hộp đựng thức ăn thịnh hành ở thời nhà Thanh, có rất nhiều kiểu dáng khác nhau và rất phổ biến trong cả cung đình và dân gian.

Trong các tiểu thuyết của nhà Minh, hộp thức ăn cũng là một dụng cụ rất phổ biến. Thời Minh, hộp đựng thức ăn cũng được gọi là hộp ghép, bởi vì trong tiếng Trung, chữ “ghép” và chữ “toàn” có phát âm giống nhau, có nghĩa là đầy đủ và hoàn hảo. Theo phong tục mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một hộp ghép trong dịp Tết, được dùng để mời khách khi khách đến chơi nhà trong năm mới.

Hộp đựng lớn, thường phải dùng đòn gánh (Ảnh: kknews)

Hộp ghép thường dùng để đựng mứt trái cây, kẹo bánh, hình dáng không khác nhiều so với hộp nâng, nhưng bên trong hộp được chia thành nhiều ô vuông nhỏ. Cũng giống như những dụng cụ cầm tay khác, hộp ghép có chất liệu nhẹ mà không cần phải cách nhiệt, giữ ấm, nên chủ yếu là lót giấy hoặc lót gỗ.

Hộp xách là loại hộp đựng thức ăn phổ biến nhất, thường xuất hiện trong các bộ phim truyền hình, nó dùng những chiếc quai xách đối xứng để mang đi bằng một tay. Hộp xách xuất hiện từ rất sớm. Trong những thời kỳ trước đây, đã được các nhà hàng sử dụng để vận chuyển thức ăn. Tuy nhiên vì có quay xách ở trên cùng và kết cấu tầng lớp nên hộp xách không dùng gỗ sơn mài trắng để tạo thành mà dùng bằng chất liệu tre trúc, trông khá thô ráp.

Hộp đựng thực phẩm trong tác phẩm Văn Uyển đồ của Chu Văn Củ (ảnh: Wikimedia).

Cho đến thời nhà Minh và nhà Thanh, giới văn nhân bắt đầu quan tâm đến hộp thức ăn, tham gia thiết kế và chiếc hộp trở nên tinh xảo hơn. Đặc biệt, hộp đựng hình chữ nhật bằng gỗ cứng rất chắc chắn và cứng cáp, không chỉ chống va chạm mà còn có trọng lượng nhất định, bất kể là cầm tay hay xách thì thức ăn bên trong cũng không bị lắc lư.

Đến cuối triều đại nhà Thanh và đầu Trung Hoa Dân Quốc, chức năng của hộp thức ăn đã được mở rộng hơn nữa. Đàn ông sẽ dùng hộp thức ăn để đựng những món quà như quần áo, đồ ăn mang cho những cô gái. Nó trở thành một phương tiện thể hiện tình yêu mạnh mẽ cho những chàng trai cô gái chưa kết hôn trong kinh thành.

Thố bằng sứ men phấn thái hình 9 con rồng thời Càn Long, 45cm x 23cm (ảnh: Zhuokearts).

Hộp thức ăn cổ đại được làm bằng gỗ, tre, men, sơn mài… trong đó chủ yếu là gỗ, đặc biệt là gỗ giáng hương, gỗ hoàng đàn. Cấu trúc men cổ làm cho gỗ cứng có lợi thế độc đáo trong việc ghép và sản xuất. Không những không làm rò rỉ nước mà kết cấu vốn có của gỗ còn mang lại cảm giác thanh lịch và trang trọng.

Người Trung Quốc xưa có những yêu cầu rất cao đối với hộp đựng thực phẩm. Trong Tuân sinh bát tiên của Cao Liêm có viết: “Tổng chiều cao 1 xích 8 tấc, dài 1 xích 2 tấc, thân sâu 1 xích, phải giống như có một nhà bếp nhỏ, tủ nhỏ bên trong vậy. Bên dưới để trống, bên cạnh phải đủ 4 tấc 2 phân, làm một phòng chứa nhỏ, bên trong có thể chứa 6 cốc rượu, 1 hũ rượu, trên hẹp làm 6 ô vuông, dưới đáy, mỗi ô vuông cao 1 tấc 9 phân, 4 ô vuông, mỗi ô vuông có 6 tấm, dùng để đựng rượu, lại thêm 2 ô vuông nữa, mỗi ô vuông đựng 4 cái đĩa, dùng để đựng các món cá. Bên ngoài có một cửa dùng để đựng những thứ có thể tháo rời được, dù có xách đi xa thì cũng vẫn rất nhẹ nhàng”.

Hộp cao 3 tầng, thếp vàng, họa hoa văn tùng hạc (ảnh: 51bidlive).
Hộp thức ăn làm từ gỗ hoàng hoa lê, chạm khắc hình “Bát tiên” (ảnh: Kknews).

Vào giữa và cuối triều đại nhà Thanh, hộp đựng thực phẩm ngày càng tinh tế hơn. Tay nghề tinh xảo nhất là hộp chạm khắc ngà voi được trưng bày trong Bảo tàng Cung điện Quốc gia ở Đài Bắc. Hộp được chia thành bốn lớp lưới cho các loại thực phẩm khác nhau. Các chạm khắc rất tốt, và một phần của chiếc hộp chính được chạm nổi với các mảnh ngà rỗng, được gắn trong khung, trông hết sức tinh tế. Hộp được chia thành 4 ô vuông mỗi ô vuông đựng các loại thực phẩm khác nhau. 

Hộp chạm khắc ngà voi, thời Thanh (ảnh: Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Bắc).

Trên tấm ngà voi được chạm khắc hình người, chim, thú, cảnh vườn và thuyền, giống như vường địa đàng của người châu Âu. Then chốt, khung hộp và tay cầm được nhuộm bằng các điểm nhấn màu xanh hoặc đỏ nhạt. Rõ ràng, đây không chỉ là một công cụ của đời sống, mà ngay từ đầu nó cũng đã là một tác phẩm nghệ thuật.

Hộp thức ăn cũ cũng phản ánh các yêu cầu của người xưa về vẻ đẹp trong các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày khi được trang trí rất phức tạp. Người Trung Quốc xưa coi ăn uống là một việc rất quan trọng trong cuộc sống nên cũng làm hộp đựng thức ăn cầu kỳ. Điều đó cũng không phải là không có nguyên do. Cho dù đó là hộp thức ăn bằng vàng được chạm khắc tinh tế của các quan chức quý tộc, hay hộp thức ăn bằng tre được người dân bình thường sử dụng, tất cả đều tự nhiên và bền đẹp, hộp đựng thực phẩm có thể được truyền qua nhiều thế hệ.

Có hàng ngàn những đồ vật thanh lịch của người xưa và hộp đựng thức ăn là một trong số đó. Trải qua thời gian và không gian của hàng ngàn năm, hộp đựng thức ăn giống như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến những thay đổi của năm tháng, dần dần biến mất khỏi giai đoạn lịch sử. Hộp thức ăn không chỉ truyền tải văn hóa mà còn thể hiện sự theo đuổi cái đẹp của người xưa, và nó cũng là dữ liệu để cung cấp cho những thế hệ đời sau nghiên cứu về một giai đoạn lịch sử văn hóa.

Ngọc Linh
Theo soundofhope

Video: Trong đời có 3 việc không nên nghĩ, 3 việc không nên giúp 

videoinfo__video3.dkn.tv||68a6bcfd4__