Đối với việc Hồ Sinh dùng phương thức nào đắc được thiện báo, Dung Nột cư sĩ, tác giả cuốn sách “Chỉ văn lục”, tin rằng, an bài của thiên địa thực sự không phải điều mà con người có thể trù liệu được.

Đại thiên thế giới quả thực là không gì không có. Lý Tham Quân, một người ở Hà Nam vào thời Thanh, từng kể cho người khác nghe một câu chuyện về việc làm việc thiện đắc thiện báo. Chuyện kể rằng, ở quê của ông có một thư sinh họ Hồ, có tài văn chương nhưng không giỏi thi cử, đã ba mươi tuổi, nhưng thi mãi mà ngay cả tú tài cũng chưa đậu.

Cạnh nhà họ Hồ có một cây cầu lớn nối các trục đường giao thông chính, có rất nhiều hành khách vãng lai, dưới nước thì tàu thuyền qua lại không ngơi. Cây cầu đã hỏng trong một thời gian dài, Hồ Sinh cảm thấy rằng nó nên được tu sửa, vì vậy chàng đã lập một sổ quyên góp bên cạnh cây cầu để bắt đầu quyên góp. Nhưng hơn một năm sau, không ai nguyện ý quyên góp. Hồ Sinh tức khí nói: “Cây cầu này nếu không được sửa chữa, thì tương lai nhất định sẽ phát sinh nguy hiểm lớn. Vì tôi đã đề xuất xướng nghị, ​​nên tôi không thể vì không có người hưởng ứng mà mặc kệ. Tôi còn có hàng chục mẫu ruộng, có thể bán đi để tu sửa cầu, thành đạt tâm nguyện của tôi.”

Vì vậy, Hồ Sinh đã bán ruộng, quyên hết ngân lượng, tuyển dụng thợ, mua đá và bắt đầu tu tạo cây cầu lớn. Cuối cùng, cây cầu đã được hoàn thiện xong, nhưng Hồ Sinh thì tán gia bại sản. Gia đình Hồ Sinh có vợ và ba con trai, ban đầu vẫn có thể cơm cháo qua ngày, nhưng sau đó cuộc sống đã trở nên bấp bênh.

Một đêm hè nóng nực, Hồ Sinh đang nằm trên chiếu trải trên cầu để tận hưởng không khí mát mẻ, trong lòng không khỏi nghĩ ngợi: “Thiên đạo khó nương tựa, mình đã tu tạo cây cầu này, kết quả là cả gia đình sắp thành quỷ đói, mà những kẻ ác tâm, bủn xỉn trái lại lại được hưởng thụ tiện lợi, điều mà tổ tiên nói về quả báo, lẽ nào không có ở đây?”

Nghĩ đến đó, Hồ Sinh lim dim chìm vào giấc ngủ. Đột nhiên, có một người mang kiệu đến bên cạnh rước chàng. Hồ Sinh ngay lập tức ngồi lên kiệu, không lâu sau được khiêng đến một phủ nha. Một vị đội mũ cánh chuồn, mặc y phục quan từ trong bước ra nghênh đón, vái chào chàng rồi dẫn chàng vào phủ. Hồ Sinh bước theo đến căn phòng chính đông của phủ nha. Vị đội mũ cánh chuồn đẩy cửa phòng, vỗ vào vai Hồ Sinh mà nói: “Trong tâm tự có chủ trương là được, không cần lo lắng nghĩ loạn nữa.”

Giữa lúc hoảng hốt, hồn của Hồ Sinh đã tiến nhập vào thân thể của người đàn ông nằm trên giường bệnh trong phòng. Hồ Sinh nhìn thấy một phụ nữ đang ngồi bên giường, và một phụ nữ khác đang ngồi trên giường, nhưng chàng không biết mình đang ở đâu, cũng không biết thân thể mà mình tiến nhập vào là của người nào, định mở mồm hỏi han, nhưng nghĩ đến lời nói của vị đội mũ cánh chuồn, nên chàng tạm thời không động tĩnh gì.

Một lúc sau, có người ngoài báo rằng lão bà bà vừa đến, hỏi xem người bệnh đã khá hơn chưa. Đột nhiên, lại có người ngoài báo lão thái gia đang đến, hỏi người bệnh cảm thấy tốt hơn không. Lúc này hồn phách của người bệnh đã được hồn của Hồ Sinh thế chỗ rồi, cũng không đáp lại lời chào hỏi của hai lão nhân. Sau đó, lão thái thái bước đến, vỗ vỗ vào đầu nam tử, nhìn ngắm sắc mặt của chàng, và hỏi những người xung quanh xem tình trạng của công tử đêm qua như thế nào.

Vào lúc này, có người bên ngoài báo tin rằng lão gia muốn đi vào cùng bác sĩ, và yêu cầu hai phụ nữ tránh ra. Sau khi hai nữ nhân ra khỏi phòng, bác sĩ bước vào ngồi bên giường kiểm tra mạch, rồi nói: “Hôm nay mạch của thiếu gia đã khởi sắc, xin chúc mừng đại nhân!” Sau đó Hồ Sinh mới biết linh hồn mình đã nhập vào thân thể con trai của lão gia này, và đằng kia, thân thể mất linh hồn của Hồ Sinh thì đã chết.

Lại nói, vợ Hồ Sinh thấy chồng chưa về qua đêm, nên sáng sớm hôm sau đến cầu tìm chồng, phát hiện thi thể chồng đã cứng ngắc. Vợ Hồ Sinh thập phần bi thương, miễn cưỡng gom tiền mua một chiếc quan tài để an táng chồng. Những điều này Hồ Sinh đều không biết.

Cạnh nhà Hồ Sinh có một cây cầu nối các trục đường giao thông chính, có rất nhiều hành khách vãng lai và tàu thuyền thông hành dưới nước. Bức ảnh cho thấy một phần của “Thanh Minh thượng hà đồ” của Minh Cửu Anh. (Cung cấp bởi Bảo tàng Cung điện Quốc gia)

Vào đêm thứ hai, Hồ Sinh giả vờ hồ đồ và hỏi hai người phụ nữ bên cạnh mình: “Các người là ai? Một người ngồi bên giường, người kia ngồi trên giường.” Người phụ nữ ngồi cạnh giường nói, “Em là thê tử của chàng.” rồi chỉ vào người phụ nữ trên giường và nói, “Cô ấy là thiếp của chàng.”

Khi biết hai người phụ nữ bên cạnh mình là thê thiếp, Hồ Sinh cảm thấy yên tâm, nhắm mắt ngủ thiếp đi. Đến canh ba, Hồ Sinh muốn ăn cơm nên thê thiếp gọi nha hoàn mang cháo đến. Trong nhiều ngày sau đó, sau khi bác sĩ đến khám, đều nói rằng bệnh tình đã ổn. Hồ Sinh hỏi mình có thể ăn gì, bác sĩ nói rằng nên thận trọng vì vừa mới ốm dậy, tốt hơn là nên ăn thức ăn nhẹ trước, thức ăn nhiều dầu mỡ sẽ khó tiêu hóa hơn. Hồ Sinh cũng nói rằng chàng muốn ăn đồ hun khói, bác sĩ kiến nghị chàng nên ăn ít thôi. Không ngờ, Hồ Sinh đã nhịn đói mấy ngày, bệnh lại ăn ít, nên giờ Hồ Sinh ăn ngốn ngấu, thê thiếp thường phải ngăn cản và khuyên chàng ăn ít đi.

Sau khi bình phục, Hồ Sinh rời khỏi phòng đi tản bộ trong gia viên, nhìn tấm biển trên cổng nha môn, hóa ra đó là tri phủ nha môn, mới biết thân thể mà linh hồn chàng đã tiến nhập vào là con trai của quan thái thú, tự nghĩ thầm trong tâm: “Đó hẳn là ta vì tu sửa cầu mà đắc phúc báo, cho ta hưởng phúc an nhàn. Trước khi mang ta vào nhà này, đã dặn ta chủ trương tự tác, nhất định là Táo vương gia. Ta hiện tại đang quá an nhàn rồi, nhưng không biết vợ con ta ở nhà thế nào rồi.” 

Vì lo lắng cho vợ con nên Hồ Sinh thường thần sắc ưu tư. Mọi người trong phủ nha đều nói sau khi chàng khỏi bệnh, tựa như có tâm sự gì đó. Thái thú và phu nhân thường an ủi chàng. Thái thú nói: “Ta chỉ sinh được một nhi tử, ta làm chức quan này, vật gì không có, muốn gì không được, con rốt cuộc có ưu tư gì? Lẽ nào trên thân vẫn còn bệnh chưa tiêu hết sao?” Hồ Sinh không cách nào thấu lộ thực tình, chỉ có thể hồi đáp rằng mình không sao cả.

Một ngày nọ, Hồ Sinh hỏi gia nhân: “Tại sao trong phủ nha không có thư phòng?” Gia nhân trả lời: “Bởi vì thiếu gia từ chối đọc sách, thiếu gia rất tức giận liền phá bỏ thư phòng.” Có vẻ như chàng đã lãng quên rất nhiều sự tình trong quá khứ, gia nhân lo lắng chàng vẫn còn bệnh tật, cần uống thuốc trị liệu. Nhưng Hồ Sinh nói với cha: “Phụ thân, con muốn đọc sách.”

Thái thú nghe xong vô cùng vui mừng, lập tức ra lệnh tu chỉnh thư phòng, tìm mời thầy giáo đến dạy chàng. Sau khi thầy giáo đến, muốn kiểm tra trình độ của Hồ Sinh, liền ra đề cho chàng tác văn. Điều này đối với Hồ Sinh văn hay chữ tốt mà nói, dễ như ăn bánh, chàng nhanh chóng viết xong. Thầy giáo xem, văn chương hay như danh tác, liền nói với thái thú: “Công tử có khí chất lớn, tài năng của tôi không cách nào với tới, hy vọng ngài chọn danh sư khác giáo thụ.”

Thái thú thấy kỳ lạ, cảm thấy con trai mình chưa từng đọc sách, làm sao có thể qua một đêm đột nhiên liền có thể thông thạo văn chương? Trong tâm nghi hoặc rằng con trai mình có thể là sao chép văn chương của ai đó, liền tự mình ra đề, yêu cầu con trai tác văn trước mặt ông. Kết quả Hồ Sinh lần này viết  văn còn hay hơn, văn tình văn thể đều không tầm thường. Thầy giáo kiên quyết xin rút lui. Thái thú nhờ người tìm đến một danh sư khác, Hồ Sinh nói mình không cần: “Tất cả thi thư, con xin tự đọc.”

Cứ cách một đoạn thời gian, thái thú lại đích thân ra đề cho con trai tác văn tại chỗ. Tất cả những gì Hồ Sinh sáng tác đều là tinh phẩm giai tác. Vì vậy, thái thú đã gửi con trai về nguyên quán để ứng thí. Hồ Sinh quả nhiên thi đỗ tú tài, sau này lại trúng cử nhân.

Vị thái thú định nhờ người đến rước một danh sư khác, nhưng Hồ Sinh bảo chàng không cần. “Tất cả thi thư, con xin tự đọc.” (phạm vi công cộng)

Thái thú biết tin vui mừng khôn xiết, đợi đến khi con trai trở về nha phủ, liền ban cho con một ngàn lạng bạc, bảo con đi Bắc Kinh dự khảo thí. Hồ Sinh hy vọng phụ thân sẽ cho mình hai ngàn lượng bạc, thái thú liền đưa cho chàng.

Hồ Sinh với hành lý trên lưng, đến Bắc Kinh dự thi, trên đường đi, chàng vòng về nhà cũ. Khi chàng bước vào nhà, không ai nhận ra chàng. Chàng nói với cậu con trai trước đây của mình: “Ta là cha của con.” Khi vợ cũ của chàng nghe thấy điều này, nàng nhìn ra một vết nứt trên tường và nói: “Chàng trông không giống trượng phu của tôi, nhưng tại sao giọng chàng nghe lại giống giọng chồng tôi đến vậy?”

Vì vậy, Hồ Sinh đã kể lại những sự tình đã phát sinh trước đó. Vợ chàng vẫn nửa tin nửa ngờ, có chút do dự. Hồ Sinh liền nói: “Trong thư phòng của tôi có một bộ bản thảo của sách này. Trong bản thảo có vài mẩu văn, mẩu thơ và tiêu đề thế này thế kia… Nàng có thể vào xem thử. Nếu điều tôi nói là đúng, điều đó thuyết minh rằng tôi chính là trượng phu của nàng; nếu tôi nói không đúng, thì không phải.”

Vợ của Hồ Sinh mở cửa thư phòng ra để đối chiếu, hoàn toàn khớp. Hai người nhận nhau, và cùng khóc lớn. Hồ Sinh nói: “Tôi đã không thể quay trở lại ngôi nhà này nữa. Tôi sẽ cho nàng một ngàn lượng bạc này để nàng nuôi dưỡng gia đình. Nếu tôi có thể đạt được công danh trong khoa thi này, tôi nhất định sẽ lại tương trợ nàng.”

Sau đó, Hồ Sinh trong khảo thí liên tiếp có tin vui, sau khi thi đỗ trạng nguyên, chàng được bố trí làm quan ở một nơi khác. Chàng mỗi năm đều gửi tiền cho vợ cũ, và Hồ gia dần dần phú dụ trở lại.

Về phương thức nhận được thiện báo của Hồ Sinh, tác giả cuốn “Chỉ Văn Lục” Dung Nột cư sĩ cho rằng, thiên địa có những cơ chế mà con người không thể ngờ. Thượng thiên muốn hồi báo thiện cử của Hồ Sinh, vì sao không để chàng từ tự gia phát đạt, mà lại dựa vào quan thái thú? Ở một phương diện, vì thái thú cũng là người thiện lương, nhưng tuổi tác đã già, con trai bệnh trọng không thể phục sinh, nếu cậu ta chết thì thái thú cũng tuyệt hậu. Một phương diện khác, Hồ Sinh nhờ đọc những cuốn thi thư đó, mà có thể dần tự kiếm sống, lại có thể hỗ trợ gia đình cũ. Vì thế liền cho linh hồn chàng tiến nhập vào thân thể con trai quan thái thú. Làm như vậy, thái thú lại có người nối dõi, còn Hồ Sinh lại có thể giúp được gia đình cũ. Từ sự an bài này, chúng ta thấy quả là “Xảo mạc như thiên hĩ”, vi diệu như Trời tính vậy.

Tác giả Chu Hiểu Huy, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch