Băng qua những con đường hẹp và bụi bặm của thành phố Sarnath (vườn Lộc Uyển), một trong bốn thánh địa Phật giáo Ấn Độ, giữa những căn nhà chật hẹp ẩm thấp ẩn sau tháp Đại giác, du khách sẽ như lạc đến chốn thiền cảnh khi bước chân vào khu nhà khách nhỏ của một phụ nữ người Đức. Dù nữ chủ nhân chỉ có ý bày biện nơi này như một chốn nghỉ chân khiêm nhường, nhưng chính sự yên bình thấm đượm đến từng nhành cây ngọn, cùng với câu chuyện thú vị về cuộc đời của bà lại có thể giữ chân du khách thật lâu.
Christians Elisabeth Teich đặt chân đến Ấn Độ lần đầu tiên khi còn là một cô sinh viên 21 tuổi chuyên ngành nghệ thuật điêu khắc, đam mê hội họa và khát khao khám phá thế giới. Khi đó, cô không thể ngờ số phận đã an bài cho cô sẽ kết hôn với một chàng trai Ấn Độ và thành phố xinh đẹp cổ xưa Sarnath sẽ trở thành quê hương thứ hai của cô.
Chris sinh ra và lớn lên ở Đức, từ thuở ấu thơ tình yêu đối với thiên nhiên đã thấm đẫm tâm hồn cô bé. Khi trưởng thành, sở thích của Chris là du lịch và khám phá các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Trong những năm đầu của tuổi 20, Chris luôn tận dụng những kỳ nghỉ dù dài hay ngắn để chu du đây đó. Cô đã đến rất nhiều địa danh ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Anh, Scotland, Ailen và Bắc Phi. Không có tiền trong túi, cô bắt xe đi nhờ, thi thoảng không đủ tiền chi trả khách sạn, cô vô tư ngủ ngoài đồng cỏ hoặc giữa rừng thông vi vu gió. Ở giữa mỗi chặng dừng chân, Chris sẽ tìm một công việc nào đó ngắn hạn để kiếm tiền trang trải chi phí. Có một điều kỳ lạ, dù tuổi đời còn rất trẻ, Chris đã rất hứng thú tìm hiểu và đọc nhiều sách về tôn giáo, triết học…
Khi gần 30 tuổi, Chris tình nguyện tới Châu Phi tham gia các công tác xã hội, giúp mở trường học và nhà trẻ. Vào thời điểm xảy ra nạn đói kinh hoàng làm hơn 400,000 người thiệt mạng ở Ethiopia vào năm 1985, cô là thành viên của đội cứu trợ tình nguyện, hàng ngày hỗ trợ những người bị nạn, chứng kiến tận mắt nỗi thống khổ và những cái chết vô cùng thương tâm. Sau quãng thời gian làm việc bảy năm ở Châu Phi, cô chuyển đến Nam Mỹ và tiếp tục công tác xã hội thêm sáu năm. Phải chăng số phận đã an bài cho cô sớm nhìn được những góc khuất khắc nghiệt của cuộc sống, để từ sâu thẳm trái tim, cô luôn khát khao tìm kiếm ý nghĩa đích thực của đời mình và căn nguyên của mọi khổ đau trên thế gian này.
“Những trăn trở của tôi không nguôi ngoai theo năm tháng, cho đến một ngày khi ở Brazil tôi chợt nhìn thấy một tờ rơi giới thiệu về Ladakh, một địa danh kỳ thú được gọi là “Tiểu Tây tạng” quyến rũ bởi vẻ đẹp nguyên sơ và những câu chuyện tu luyện huyền bí. Mong muốn đến Ladakh đã thôi thúc tôi trở lại Ấn Độ một lần nữa. Và rồi ở Ấn Độ, sau vài năm tôi gặp chồng mình và định cư tại Sarnath,” Chris chia sẻ.
“Thời tiết ở Sarnath nóng và ẩm kinh khủng nên năm nào tôi cũng phải về Ladakh tránh nóng vài tháng hè. Một lần, khi dự một lễ hội dành cho phụ nữ tại đây, tôi bắt gặp một phụ nữ Mỹ gốc Trung đang luyện các động tác thiền định. Ngay lập tức tôi bị hút vào những động tác và tiếng nhạc du dương. Cô ấy đang luyện các bài tập của Pháp Luân Đại Pháp.”
Pháp Luân Đại Pháp (hay còn được gọi là Pháp Luân Công) là môn tu luyện Phật gia thượng thừa dựa trên nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn” của vũ trụ, bao gồm 5 bài công pháp đơn giản.
Chris đã dừng chân qua 55 quốc gia trên thế giới, gặp gỡ đủ mọi giai tầng, chủ động tiếp xúc và tìm hiểu nhiều tín ngưỡng tôn giáo. Ban đầu bà cũng chỉ xem Pháp Luân Đại Pháp như một hình thức tôn giáo. Tuy nhiên, càng đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân nhiều lần, cuốn sách chính mà các học viên Pháp Luân Đại Pháp học hàng ngày, câu hỏi về thân phận con người, về ý nghĩa của sinh mệnh, những khổ đau mà loài người phải gánh chịu từ tai ương, bệnh tật, chiến tranh đều được giải đáp rõ ràng, mạch lạc. Những câu hỏi về vũ trụ, sự biến đổi khí hậu, các nền văn minh cổ đại… cũng đều được trình bày một cách có hệ thống và khoa học.
“Phải sau vài năm tìm hiểu tôi mới bắt đầu nghiêm túc tu luyện pháp môn này. Và khi tôi thực sự bắt đầu tu luyện, Pháp Luân Đại Pháp đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi, tính đến nay đã được 15 năm,” bà nói.
“Tôi là một người hay đau ốm, nhiều bệnh tật, nhưng kể từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, hàng ngày thực hành 5 bộ công Pháp và đọc các bài giảng trong cuốn sách Chuyển Pháp Luân, sức khỏe của tôi đã được cải thiện rõ rệt. Tôi hiểu rằng mọi bệnh tật, bất hạnh đều do chính con người tạo ra, và rằng muốn vượt thoát khỏi những khổ đau ấy, mọi người phải tu tâm dưỡng tính, đồng hóa với đặc tính bản nguyên nhất của vũ trụ là Chân Thiện và Nhẫn. Giờ đây, tôi trở nên bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn khi đối diện với mọi vấn đề dù lớn hay nhỏ trong cuộc sống của mình”, bà chia sẻ.
“Trải qua bao nỗ lực cuối cùng bạn đã tìm được hạnh phúc trong sự cải thiện cả về thể chất lẫn tinh thần, bạn sẽ muốn chia sẻ điều tốt lành này cho mọi người”, bà nói. “Tôi bắt đầu đi khắp Ấn Độ để giới thiệu những bài tập đơn giản của Pháp Luân Công tới các học sinh và giáo viên. Tôi đã đi tới hơn 60 trường học ở Ladakh, vùng Đông Bắc Ấn Độ, Uttar Pradesh, Uttarakhand, Himachal Pradesh và Karnataka.”
“Tôi chia sẻ với họ vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp, những lợi ích từ việc thực hành nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn”, bà nói. “Những giá trị đạo đức căn bản này là niềm hy vọng duy nhất giúp đề cao phẩm hạnh của con người để từ đó cải biến xã hội, mang đến niềm tin và sự thịnh vượng cho cuộc đời của tất cả chúng ta”.
Tuy nhiên, bà Chris cho biết môn tập thiền định an hòa này mặc dù khởi nguồn tại Trung Quốc, mang lại rất nhiều lợi ích cho đất nước và người dân Trung Quốc, nhưng lại bị chính quyền Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mà đứng đầu là cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân, vì lo sợ bị mất uy thế chính trị, ra tay bức hại tàn khốc. “Đảng Cộng Sản Trung Quốc dựa vào học thuyết vô thần, từ tháng 7 năm 1999 đã bức hại đến chết rất nhiều học viên Pháp Luân Công vô tội, những người có đức tin mạnh mẽ vào Thần Phật, tin có thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Ngoài việc chia sẻ về những lợi ích to lớn mà Pháp Luân Đại Pháp mang đến cho con người, lý do quan trọng nhất trong hành trình tới các trung tâm giáo dục của tôi là giúp nâng cao nhận thức cho các sinh viên về cuộc bức hại vô nhân tính này ở Trung Quốc. Có thể nói duy chỉ Trung Quốc mới bức hại Pháp Luân Công, trong khi cả thế giới đề cao môn tu luyện tinh thần tuyệt vời này”.
“Đi đến đâu tôi cũng được mọi người đón tiếp chân thành và nồng ấm. Nhưng điều mà tôi tâm đắc nhất chính là tôi đã tìm thấy “con đường trở về tâm Đạo”. Mặc dù ngoài kia đau thương vẫn còn, chiến tranh, bệnh tật vẫn còn, nhưng qua những câu chuyện về Chân, Thiện, Nhẫn mà tôi chia sẻ, mọi người có thể vững tin vào một tương lai tươi sáng hơn”, bà nói.
Bất kể ai dù chưa từng quen biết, khi có dịp tiếp xúc với bà đều có chung một nhận xét: người phụ nữ này có khả năng làm tan biến mọi lo toan, khúc mắc, khổ đau trong cuộc đời của họ, bởi chính sự tĩnh tại, và trí tuệ uyên bác xuất phát từ một trái tim nhân hậu luôn muốn được sẻ chia của bà.
Bước ra khỏi căn nhà, quay đầu lại để nói lời tạm biệt với nữ chủ nhân đáng kính, du khách đều sẽ nhìn thấy cánh cổng nhỏ màu vàng rực rỡ tràn đầy hy vọng như ánh bình minh đứng đó, mặt ngoài cổng dán dòng chữ lấp lánh: “Pháp Luân Đại Pháp là tốt!”
Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp Luân Công) là môn tu luyện Phật gia thượng thừa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ. Pháp Luân Đại Pháp do ông Lý Hồng Chí sáng lập và phổ truyền tại Trung Quốc vào năm 1992. Hiện nay, môn học này được thực hành và ưa chuộng bởi trên 100 triệu người tại 114 quốc gia. Tuy nhiên, môn khí công hoà ái này đang bị bức hại vô nhân tính tại Trung Quốc kể từ năm 1999. Để biết thêm thông tin, xin hãy truy cập: falundafa.org và faluninfo.net.
Theo NTD India
An Nhiên